Phó Giáo sư Tiến sĩ Trịnh Bá Đĩnh là một nhà nghiên cứu văn học uy tín hiện nay. Cuốn sách mới nhất của ông có tên gọi “Kí hiệu học văn chương – Biểu tượng và văn bản nghệ thuật” vừa được phát hành trong không khí mùa xuân Giáp Thìn.


Dẫn nhập của công trình nghiên cứu, Phó Giáo sư Tiến sĩ Trịnh Bá Đĩnh trình bày: “Biểu tượng là một vật thể, một hình ảnh, câu chuyện cụ thể sáng rõ, nhưng gợi ý về những điều trừu tượng, bí ẩn, mơ hồ. Cái biểu đạt không bao hàm hết cái được biểu đạt - một đám mây ngữ nghĩa. Vì thế mà nó được tái diễn giải, biểu đạt lại nhiều lần qua các thời đại. Nó kích thích nhà văn diễn giải lại, kể lại theo cách của riêng mình, tạo ra những văn bản nghệ thuật mới”

 “Ký hiệu học văn chương là gì? Nói ngắn gọn nhất (và vì thế sẽ có thiếu sót), đó là coi văn chương như một dạng giao tiếp của con người, văn bản văn chương như một câu (một phát ngôn) “mở rộng” đa chiều, trong đó kỹ nghệ mở rộng, “trò chơi” mở rộng thành nội dung chủ yếu nhất: nội dung thẩm mĩ. Mục tiêu là đưa người đọc vào một không gian khác, thế giới khác với thực tế hàng ngày”

“Trong suốt trường kì lịch sử, văn chương luôn bị các thiết chế hùng mạnh như tôn giáo, đạo đức, chính trị lợi dụng, cưỡng bức. Nhưng nó vẫn là nó, vẫn nhằm “MUA VUI cũng được một vài trớng canh”, vẫn là “NGHỀ CHƠI cũng lắm công phu”. Như nàng Kiều sau bao năm lưu lạc, qua tay năm bảy hạng, vẫn còn sự tự ý thức về mình, nghĩa là vẫn có thể nói “chữ TRINH còn một chút này”.

Chúc mừng sự lao động bền bỉ của Phó Giáo sư Tiến sĩ Trịnh Bá Đĩnh. Và xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc gần xa.