Họ chứng minh cho xã hội Việt thời đó còn nặng tư tưởng “trọng nam khinh nữ” rằng phụ nữ có đủ tài năng để có thể đảm đương những công việc lớn trong xã hội.


NHỮNG PHỤ NỮ ĐỞM LƯỢC TRONG LÀNG BÁO SÀI GÒN TRƯỚC 1945

PHẠM CÔNG LUẬN

Trong năm 2023, Google Doodle đã vinh danh bà Sương Nguyệt Anh nhân 105 năm ngày phát hành số đầu tiên của tờ báo Nữ Giới Chung (1918-2023). Xã hội được nhắc nhớ đến một phụ nữ tài giỏi của miền Nam, được thân phụ là nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu dạy dỗ từ nhỏ mà trở thành nữ Chủ báo khá lừng lẫy của làng báo Nam kỳ thời trước năm 1945.

Tuy nhiên, sự kiện một phụ nữ đứng đầu, giữ vai trò quyết định sự thành bại của một tờ báo thời kỳ đó không phải là duy nhất. Cho đến khi bà Sương Nguyệt Anh mất năm 1922, ngay sau đó đã kịp xuất hiện những ngôi sao khác trong làng báo Sài Gòn đều là phụ nữ.

BÀI BÁO GÂY BẤT NGỜ

Năm 1940, báo Trung Bắc Tân Văn số 18 ra ngày 30 tháng sáu 1940 có một bài phóng sự ngắn của tác giả Văn Lang gây chú ý trong độc giả miền Bắc, bài “Mấy bà quản lý nhà báo trong Nam”. Bài báo được quan tâm vì trong tình hình xứ Việt còn đề cao vị trí của người đàn ông trong xã hội, phụ nữ miền Nam đã thể hiện được vai trò và bản lãnh của mình trong nhiều hoạt động, kể cả trong giới báo chí thời đó là nghề chuyên môn luôn theo sát thời sự xã hội và tác động sâu sắc đến mọi tầng lớp.

Tác giả Văn Lang viết: “Hôm đầu năm nay nhân dịp vào Sài Gòn cổ động cho tuần báo “Trung Bắc Chủ nhật”, tôi được nhận thấy làng báo trong Nam có một cái ưu điểm, một cái đặc sắc mà làng báo Bắc ta đành phải chịu thua.

Ấy là việc quản lý nhà báo phần nhiều ở trong tay đàn bà”.

Có lẽ tác giả hơi bất ngờ khi phát hiện điều này. Tiếp theo, ông cho rằng một cơ quan ngôn luận khi đã thiết lập xong, muốn được phát đạt, vững bền, cả hai việc biên tập và quản lý cùng quan hệ sinh-tử như nhau. Nếu các tờ báo in đẹp tin nhanh, có toàn bài hay của những tay bút cứng nhưng người làm quản lý không thạo nghề, không biết cách trông coi quán xuyến, cứ để tháng nào cũng lỗ vốn, thì tờ báo hay mấy cũng phải cụt vốn mang nợ mà chết. Cho nên biên tập và quản lý cùng quan hệ mật thiết đến sự còn mất, thịnh suy của nhà báo, Ông nhớ lại trường hợp nhiều nhà báo trước đó có vốn liếng hẳn hoi, chỉ vì quản lý bất lực đến nỗi cạn cả tiền mua giấy.v.v… Ông kết luận: trách nhiệm người quản lý nhà báo rắc rối khó khăn biết bao nhưng làng báo trong Nam phần nhiều lại là đàn bà đóng vai tuồng ấy, làm công việc ấy giỏi hơn đàn ông, mới đáng phục.

Trong số đó, có những phụ nữ đởm lược sau đây trong làng báo Sài Gòn trước năm 1945:

BÀ THẠNH THỊ MẬU, TỨC BÀ HỘI ĐỒNG NGUYỄN KIM ĐÍNH:

Từ 1923 đến 1926, ông Nguyễn Kim Đính xuất bản tờ Đông Pháp Thời Báo, đứng về danh nghĩa, còn việc chi xuất tiền bạc, trông nom thầy thợ nhà báo, nhà in, đều bởi một tay bà nữ quản lý Thạnh Thị Mậu là vợ của ông.

Cách quản lý của bà Đính thời đó khác xa với hình dung các bà chủ báo. Ông Văn Lang cho là do lúc bấy giờ đã có tuổi và thuộc về phái đàn bà xưa, cho nên chỗ làm việc và cách làm việc của bà cũng thế. Đại khái: “Bà quản lý ta ngồi trên bộ ván, trước mặt có một ô trầu, một bình vôi, một chiếc hòm bỏ tiền làm bằng gỗ và đóng khóa đồng, như hòm tiền kiểu xưa. Một phái viên đi cổ động ở Lục tỉnh về nạp tiền, một nhà buôn đến trả tiền quảng cáo hay một độc giả tới đóng tiền mua báo đã có viên thư ký rồi đưa trình bà quản lý ta ký tên và nhận tiền. Tất cả chữ nghĩa của bà đã biết, chỉ gói lại có một chữ ký tên “Mậu” mà bà tập hết mấy hôm. Nhưng chữ tên ký ấy rất có quan hệ với nhà báo và có tín dụng từ một đồng cho đến hàng nghìn, hàng vạn”.

Điều độc đáo, theo tác giả là bà không… biết chữ, nhưng bà biết thưởng văn và rất chú ý đến nội dung tờ báo của bà thuở ấy chuyên trọng về nghị luận hơn là tin tức. Mỗi kỳ báo, viên thư ký phải đọc bài nghị luận cho bà nghe và bình phẩm hay dở. Với chủ bút và trợ bút, bà lập lệ cứ mỗi một trăm tờ báo in tăng lên thì lương được gia thêm bao nhiêu. Tức thị hôm nào báo xuống, lương cũng phải xuống. Lúc Phan Chu Trinh tiên sinh ở bên Tây về, báo Đ.P.T.B. được dịp xuất bản đến 13.000. Lúc ấy bà trả tiền bộ biên tập có hơi xuýt xoa. Tài nhất là với bà, nhà in không thể phung phí một tờ giấy, trẻ con bán báo không thể ăn gian xu nào, mà quảng cáo nào trả tiền hay chưa, bà đều ghi nhớ trong trí.

Mục “Chị em không nhờ chồng” (báo Phụ Nữ Tân Văn số 223, ra ngày 2 tháng 11 năm 1933) tác giả ký tên là V.A cũng có bài viết về nữ nhân nổi tiếng này. Bài báo cho biết ban đầu cách buôn bán của bà là theo kiểu truyền thống: buôn thuyền, bán chợ đi Đông về Tây. Bà mua sản vật trong xứ, đem bán từ làng này sang làng khác mà bán, lời nhiều nhất là bán cau.

Lúc Nam Kỳ nổi lên phong trào tẩy chay việc buôn bán độc quyền của người Hoa năm 1918, có một tổ chức lập ra, tạm gọi là “Hội Khuyến thương” do ông Nguyễn Phú Khai đứng đầu, để khuyến khích đồng bào Việt tích cực làm ăn buôn bán trong các ngành nghề, từ nghề bán mì bán cháo, bán gạo, củi, thịt heo. Bà Thạnh Thị Mậu muốn giúp công cuộc này thành công nên tự xuất vốn riêng cùng người nhà đảm nhiệm việc buôn bán ở chợ Bà Chiểu, bán gạo, nước mắm và thịt heo.

Báo Phụ Nữ Tân Văn lúc đó đã ca ngợi bà như là một phụ nữ vợ viên chức làm cho người Pháp đầu tiên đi bán thịt heo, không chỉ vì ham làm ăn mà còn vì tham gia phong trào mang ý nghĩa khuyến khích người Việt tham gia thương trường lâu nay họ bỏ bê. Bà cạnh tranh giỏi nên người Hoa không ưa bà. Bà cạnh tranh với họ hơn một năm trong khi nhiều người bán từ ban đầu bỏ cuộc. Về sau, khi ông Kim Đính làm tờ Đông Pháp Thời Báo và mở nhà in, bà ra giúp chồng để trông nom việc phát hành báo và thợ thầy nhà in. Bà vốn là người cần kiệm tảo tần, tuy làm bà chủ và là bà Hội đồng, bà sống tiết kiệm, không khoe khoang danh vọng với ai. Tính cách ấy khiến bà trông nom nhà in và tờ báo thuận lợi được một thời gian. Sau vài năm, công việc ngày càng khó khăn. Ông vỡ nợ. Bà lấy danh nghĩa riêng mà đứng tên nhà in, gánh lấy nợ nần. Rồi ông Đính về lập một nhà in khác ở Gia Định, rồi lại nợ nần, bà lại gánh tiếp nợ nần và công việc của chồng.

Đến thời kỳ khủng hỏang kinh tế khó khăn mà nhà in của bà vẫn vững vàng.

BÀ NGUYỄN ĐỨC NHUẬN, CHỦ BÁO PHỤ NỮ TÂN VĂN:

Bà là tay quản lý nhà báo xuất sắc, còn thêm viết bài mỗi tuần và có ít nhiều sáng kiến hay trong việc cổ động cho tờ báo. Báo này đã lập ra học bổng chu cấp được hai người học trò nghèo sang học bên Pháp trong mấy năm, một người đỗ kỹ sư canh nông và một người đỗ cử nhân khoa học.

BÀ TRẦN THIỆN QUÝ LÀM QUẢN LÝ NHẬT BÁO TRUNG LẬP:

Bà cũng tỏ ra là một người khéo nắm giữ một tờ báo lớn. Nữ quản lý này chẳng những trông coi công việc ở nhà báo mà thôi mà còn thường đến các hãng của người Pháp để xin quảng cáo, đi giao thiệp với nhà in của người Pháp. Nhiều khi nhà báo cần gấp năm bảy trăm hay một ngàn đồng tiền thời đó để trang trải tiền giấy và tiền in, tưởng đâu tình thế nguy ngập như sợi chỉ treo chuông mà bà nữ quản lý này vẫn xoay xở được.

BÀ PHAN VĂN THIẾT, BỐN NĂM KẾ TIẾP QUẢN LÝ BA TỜ TUẦN BÁO CÓ TIẾNG LÀ VIỆT DÂN, THẾ GIỚI VÀ TÂN VĂN.

Trong khi đức phu quân của bà chỉ ngồi trên gác viết bài, nữ quản lý này ở dưới tòa báo, làm việc sổ sách, thơ từ, chi thu tiền bạc, mỗi ngày hai buổi, rất nhanh nhẹn và mẫn cán. Từ nhà buôn, bạn đọc cho tới đại lý, phái viên, nhất thiết giao dịch với bà quản lý, chớ không mấy khi gặp mặt ông chủ báo bao giờ. Mỗi tờ báo bà làm quản lý đều in từ 5.000 đến 10.000 mỗi tuần, với số xuất bản như thế, công việc của người quản lý không phải là chuyện thảnh thơi nhẹ nhàng.

Bà Bút Trà.


BÀ BÚT TRÀ, QUẢN LÝ NHẬT BÁO SÀI GÒN:

Tác giả Văn Lang cho rằng những ai biết tình hình báo giới Nam Kỳ, đều phải ngợi khen bà Bút Trà, quản lý nhật báo Sài Gòn, được xem là tay quản lý đởm lược nhất và khéo kinh doanh nhất.

Tờ nhật báo Sài Gòn xuất hiện từ đầu năm 1933, với vốn ban đầu độ vài ngàn đồng, cho tới năm 1940 đã đáng giá đến mười vạn và nhiều máy móc, khí cụ nhà in. Có thể nói tờ báo này đứng vào hàng lớn nhất, vững nhất ở Nam Kỳ, tất cả nhờ một tay bà nữ quản lý Bút Trà gây dựng, giữ gìn, bù đắp, mở mang.

Văn Lang viết: “Ai tới thăm nhà báo Sài Gòn, bà tiếp kiến và chuyện trò nói năng rất thạo. Ai tới để lời rao trong báo, chính bà định giá. Ai gọi điện thoại hỏi han việc gì, trong mười lần đến tám chín lần chắc chắn gặp bà ở đầu giây. Mỗi ngày có hàng trăm thơ từ gửi về nhà báo một mình bà mở xem trước hết rồi phân phát việc nào cho người chuyên trách ấy. bà ký giao kèo với các công ty bán giấy. Nội nhà in cần dùng món gì hay thầy thợ muốn hỏi chuyện gì, cứ trực tiếp nơi bà. Tóm lại, bà chủ trương nhất thiết, quán xuyến nhất thiết. Có thể nói ở nhà báo Saigon, chính bà mới thật là tổng lý, lại kiêm luôn cả ba chức sự nội vụ tổng trưởng, tài chánh tổng trưởng và ngoại giao tổng trưởng; ông chủ báo Bút Trà chỉ như một vị công sứ hay đại sứ do bộ ngoại giao ủy đi giao thiệp ở bên ngoài.

Cho đến việc biên tập, cách sắp đặt và các bài vở trong số báo mỗi ngày, bà cũng lưu ý kiểm soát được nữa mới tài. Đêm nào cũng thế, trước khi báo sắp lên máy, thợ phải vô một bản đưa trình bà quản lý xem sự sắp đặt thế có được không, hay tin nào nên bỏ, lời rao nào còn thiếu. Những tân văn thời sự của thông tin viên các tỉnh gửi về, bà quản lý xem và quyết định cái nào đăng được cái nào không. Tin nào chưa được bà quản lý tiên kiểm, thì nhân viên trong bộ biên tập phải trình hỏi ý kiến. Tôi được nghe một ông bạn trong Nam thuật ại rằng: trong khi đang ngồi đàm đạo với một bà quản lý, một ông trợ bút cầm đến hai ba tờ giấy đưa bà xem và hỏi:

- Thưa chị, cái tin này chị có cho đăng không?

Vì trong nhà báo này, nhân viên biên tập đều quý mến và kính nể bà quản lý, gọi bà bằng chị. Bà gọi trở lại bằng thầy hay bằng anh. Thường khi bà trao ý kiến này kia cho bộ biên tập viết bài không phải là sự lạ”.

Bà Bút Trà đưa tờ báo vượt quá mấy năm đầu có đôi lúc bị khủng hoảng tài chính khủng hoảng suýt ngã ngựa, nhưng nhờ một tay bà chống giữ, chuyển nguy ra an, đổi suy làm thịnh, đến lúc đó đã rất vững vàng.

HỌ CHỨNG MINH ĐƯỢC CHÍNH MÌNH

Lời cuối, tác giả viết: “Chắc hẳn chị em Bắc Hà ta phải chịu mình thua kém phụ nữ phương Nam về tài kinh doanh một tờ báo. Làng báo ta ngoài này tuy cũng có một vài bạn phụ nữ đứng quản lý một vài tờ báo nhưng chỉ coi đại thể bề ngoài hoặc giúp việc tòa soạn, thử hỏi đã có một bà nào, cô nào đảm đương nổi vận mạng lý tài của một nhà báo như mấy bà nữ quản lý kể chuyện trên chưa?”.

Đã có một giai đoạn, làng báo Sài Gòn tự hào vì đã có những nữ tướng như vậy. Họ chứng minh cho xã hội Việt thời đó còn nặng tư tưởng “trọng nam khinh nữ” rằng phụ nữ có đủ tài năng để có thể đảm đương những công việc lớn trong xã hội.