Có tác phẩm kén độc giả, có tác phẩm không, có người viết cho đương thời, có kẻ viết cho hậu thế, nhưng đã viết thì ai cũng mong có người đọc mình, nếu không thì viết làm gì?


 NHÀ VĂN VÀ BẠN ĐỌC, BẠN ĐỌC VỚI NHÀ VĂN

SƯƠNG NGUYỆT MINH

Sinh thời, nhà văn Nguyễn Hiến Lê từng viết: "Nhà văn có thể không cần tiền, cũng không cần vàng, nhưng nhất định là phải cần độc giả. Tất nhiên có tác phẩm kén độc giả, có tác phẩm không, có người viết cho đương thời, có kẻ viết cho hậu thế, nhưng đã viết thì ai cũng mong có người đọc mình, nếu không thì viết làm gì?". Vâng! Nhà văn viết ra để làm gì, nếu không có người đọc mình?

1.

Trong đời viết văn, tôi chưa biết một nhà văn nào sáng tạo tác phẩm mà không thèm công bố, không dành cho bạn đọc, không cần ai đọc mình. Có thể có ai đó âm thầm viết, viết và cất vào tủ để đời sau cho con cháu. Con cháu đọc thì con cháu cũng là bạn đọc. Con cháu đem in và biếu tặng, phát hành sách của ông cha thì càng có thêm nhiều người đọc đón nhận. Dù người viết không có ý định viết cho một đối tượng bạn đọc nào đó, chỉ viết với niềm say mê con chữ và để cho riêng mình, nếu không bị mối mọt, ẩm mốc hủy hoại, thì cũng sẽ đến ngày có người đọc, và phát tán bản thảo. 

Nhưng, hầu hết người viết văn đều hướng đến độc giả. Có người chọn đối tượng bạn đọc thiếu niên, hoặc tuổi mới lớn để sáng tác, có tác giả nhắm tới phân khúc bạn đọc bình dân, có người chọn lớp độc giả tinh hoa… là tùy thuộc cái tạng và sở trường. Bạn đọc hiện tại hay tương lai không cần biết tác giả viết cho mình hay không, họ cứ thấy có chữ là lướt mắt nhìn, chữ gây ấn tượng mạnh thì dừng lại đọc lâu đọc kĩ, chữ không thuyết phục thì bỏ qua. Thậm chí bạn đọc chẳng cần biết nhà văn là ai, nhưng vẫn mua sách. Đọc sách, bạn đọc nhớ cốt truyện, nhớ nhân vật, nhớ chi tiết, nhớ ngôn ngữ…, mà rất có thể quên tác giả.

Dường như trong đời viết văn, tác giả nào cũng được hỏi, bị hỏi: "Vì sao anh/ chị lại viết văn?". Mỗi người trả lời theo nhận thức và trải nghiệm riêng, nhưng đại khái là vì: Một là, yêu thích công việc viết văn. Hai là, viết như một công việc kiếm tiền. Ba là, do nhu cầu truyền bá tri thức và thông điệp đến người khác, cụ thể là bạn đọc. Cũng có người thêm lý do thứ tư là… lập danh từ công việc viết văn. Vì những lý do ấy mà tác phẩm hoàn thành, nhưng không có bạn đọc thì sản phẩm tinh thần của nhà văn sẽ ra sao?

M. Gorki từng nói rằng: "Nhà văn là người sáng tạo ra tác phẩm, nhưng chính người đọc tạo nên số phận cho nó". Ở đây có câu chuyện sáng tạo và tiếp nhận tác phẩm. Nhà văn là người sinh thành tác phẩm, nó to lớn hay èo uột, nhạt nhẽo tầm phào hay sâu sắc, độc đáo… bắt đầu từ tác giả. Song, giá trị tác phẩm được khẳng định hay không, số phận của nó ra sao còn do sự tiếp nhận của bạn đọc. Có tác phẩm ra đời bị bạn đọc hờ hững, nhưng vài chục hoặc trăm năm sau, thế hệ độc giả tương lai tiếp nhận nồng nhiệt. Có tác phẩm vừa phát hành đã trở thành hiện tượng được bạn đọc vồ vập chuyền tay nhau, nhưng năm tháng thời gian qua đi nó dần dần bị lãng quên.

Có một thực tế: không phải lúc nào bạn đọc cũng cảm được ý tưởng tác phẩm, quan niệm, cách viết của nhà văn. Tác phẩm ra đời có thể bị hờ hững, có thể bị ruồng bỏ, bị bạn đọc quy kết, phủ nhận, dù ý tưởng, nội dung và nghệ thuật không đáng bị như thế. Bỏ ngoài chuyện yêu - ghét cá nhân, hay quan điểm thì vẫn có chuyện: mỹ cảm của nhà văn và bạn đọc không gặp gỡ nhau. Bởi một tác phẩm có một vạn bạn đọc sẽ có một vạn hình dung khác nhau, đòi hỏi tiếp nhận của bạn đọc sự trùng khít với ý đồ sáng tạo của nhà văn là một điều không tưởng. 

Nhà văn và bạn đọc là mối quan hệ cộng sinh, đồng sáng tạo. Nhà thơ Chế Lan Viên từng viết rằng: "Mình là ta đây thôi ta vẫn gửi cho mình/ Sâu thẳm mình ư lại là ta đấy/ Ta gửi tro, mình nhen thành lửa cháy/ Với viên đá con, mình lại dựng lên thành". "Mình" và "Ta" là nhà văn và bạn đọc, là sợi dây vô hình gắn kết với nhau, tác động nhau, cùng sáng tạo. Bạn đọc thổi bùng lên ý tưởng thầm kín, làm sáng lên ngôn ngữ ẩn dụ, làm rõ hơn vùng mỹ cảm mờ nhòe, thậm chí phát hiện cái mới, cái lạ trong tác phẩm bằng giấy trắng mực đen mà nhà văn vẫn nghĩ mình không viết. Đó chính là điều thú vị mà bạn đọc và nhà văn gắn bó với nhau, quý mến nhau dù chưa một lần gặp mặt.

Năm 1881, văn hào Dostoievsky mất ở kinh đô Petersburg mà có khoảng gần 100.000 người dân đưa tang, họ lặng lẽ đi sau linh cữu ông với niềm tiếc thương và kính trọng. Bạn đọc nước Nga yêu mến văn chương và nhà văn như thế, không xuất hiện văn hào Dostoyevky, và Tolstoy mới là chuyện lạ. Ở nước ta hàng vạn người âm thầm đi sau linh cữu tiễn đưa Xuân Diệu, Nguyễn Tuân về nơi an nghỉ cuối cùng đến mức người và xe cộ đông tắc cả đường phố chỉ vì bạn đọc thuộc thơ tình của nhà thơ và nhớ "Vang bóng một thời" của nhà văn.

2. 

Nhà văn nào cũng có bạn đọc thú vị, bạn đọc nào cũng có nhà văn yêu quý.

Tôi nhớ hồi mới về Tạp chí Văn nghệ Quân đội, nhà văn Lê Lựu nhờ tôi chở ông đi đăng kí xe máy. Chả là ông mua được một cái xe cub "đầu vênh, máy cánh" đời 79 từ Hải Phòng, đem về đăng ký ở Hà Nội gặp vấn đề rất loằng ngoằng về thuế. Cô nhân viên thuế giải thích thế nào ông cũng không hiểu, không đóng thuế được thì không được làm thủ tục đăng ký, có nguy cơ cái xe thành đống sắt vụn, chẳng được tham gia giao thông. Ông Lê Lựu bảo: "Tôi mua cái xe bãi rác có 3 triệu đồng, đi đi lại lại, gửi xe lửa từ Hải Phòng chở lên Hà Nội và chiêu đãi anh em đã mất 2 triệu 9 rồi. Bây giờ quay xuống Hải Phòng làm lại giấy tờ thì "tiền cá quá tiền cơm", thôi thì tôi tặng luôn cho cô".

Cô nhân viên thuế cười ngặt nghẽo bảo: "Cháu chả dám lấy cái xe cà tàng của chú, nổ máy chạy, không nổ lốp thì cũng tuột xích, long ốc, nó ăn vạ giữa đường". Ông Lê Lựu đỏ mặt, đòi được gặp cấp trên của cô nhân viên thuế, cô ấy mừng quá chỉ luôn cái phòng sếp đang mở cửa. Tôi bước vào trước, trịnh trọng giới thiệu, mới nói đến "… đây là nhà văn Lê Lựu" thì mắt anh phó phòng thuế đã sáng lên lấp lánh. Khi ông Lê Lựu trình bày về cái xe máy bãi rác bị dừng ở cửa nộp thuế thì anh phó phòng cầm giấy tờ lướt nhanh rồi mỉm cười. Anh ân cần mời nhà văn Lê Lựu và tôi ngồi xuống ghế, pha ấm trà mới, rồi ký roạt roạt…, bảo: "Xe của bác phải nộp thuế theo khoản này…, điều này…, số tiền được giảm còn phải nộp bằng này… Mời bác uống nước xong thì quay lại chỗ lúc nãy, nộp tiền".

Ông Lê Lựu và tôi trố mắt ngạc nhiên, cứ như đang mơ, ông rụt rè, hỏi lại: "Cho mình hỏi thật, sao công việc của mình đang tắc nghẽn lại đột ngột được giải quyết trôi trảy quá, nhanh quá vậy?". Anh phó phòng thuế bảo: "Bác là Lê Lựu - nhà văn lớn, đã là nhà văn thì ắt phải người tử tế, chứ đâu phải kẻ mua gian bán lận gì mà bắt bác phải quay về Hải Phòng xin giấy tờ xác minh nguồn gốc xe. Giải quyết ngay để bác về còn viết văn cho nhân dân đọc".

Ông Lê Lựu bảo: "Anh đã nói thế thì vinh dự cho tôi quá. Chả biết làm gì để cảm ơn anh". Anh phó phòng thuế cười hiền, rồi lấy trong ngăn kéo bàn ra quyển tiểu thuyết "Thời xa vắng" cũ đã nhàu, có trang tuột chỉ vì đọc nhiều lần ra: "Bác chỉ cần cho em xin chữ kí vào quyển sách này là vinh dự cho em lắm".

Hóa ra, anh phó phòng làm ngành thuế quá yêu văn chương, đọc đi đọc lại "Thời xa vắng" đến cũ nhàu, bất ngờ gặp được cha đẻ của tiểu thuyết này và công chuyện ngoài văn chương được giải quyết chóng vánh. Hôm ấy, tôi chúc mừng nhà văn Lê Lựu: "Chỉ cần một bạn đọc như anh phó phòng thuế này đã hạnh phúc cả một đời bác viết văn". Ông Lê Lựu cười lớn: "Chú mày không biết đâu. Tao có nhiều bạn đọc như thế".

Nhà thơ Văn Công Hùng một thời tuổi trẻ sống và học cấp hai, cấp ba ở Hậu Lộc, Thanh Hóa. Tháng Giêng năm nay, từ Tây Nguyên, ông bay ra Hà Nội dự Ngày thơ Việt Nam rồi rủ chúng tôi về cái nơi ông trèo núi Gai, núi Tùng bắt sáo đá, đánh trận giả ở sân đình làng Phú Điền. Chúng tôi đi viếng đền Bà Triệu, lúc quay ra bỗng dưng bà bán đồ lễ ở phía ngoài đền tặng Văn Công Hùng hai lá bùa. Ông móc ví lấy tiền trả, bà ấy bảo: "Không! Tau tặng mi mà, mi một cấy, vợ mi một cấy". Ông nhà thơ Tây Nguyên ngớ người lúng túng, bà bán hàng lại trách: "Tau vẫn đọc thơ mi. Tau khoe với con cháu tau có mi là nhà thơ Văn Công Hùng bạn học cấp hai ngày xưa, mà mi không nhớ tau mô". Nhà thơ Nguyễn Thành Phong đứng bên cạnh, bảo: "Ông Văn Công Hùng này làm thơ về Thanh Hóa nhiều lắm, véo von lắm".

"Thì rứa", nói rồi bà bán hàng đọc rộn ràng hết cả 36 câu trong bài thơ “Xứ Thanh” của Văn Công Hùng: "Tôi lớn lên từ bãi sông chiều/ Giăng ngang tuổi thơ gót chân ngày rét/ Những mùa biển lưng quay ra sóng/ Ngón hằn trong cát mưa mai/ Xứ Thanh/ Tôi gặp em ngày Hòn Mê biển động/ Thế mà tường vi vẫn nở/ Thế mà một khoảng trời vẫn tím/ Thế mà chạc chìu đang hứng hở núi xa…". Tôi ngạc nhiên quá, bảo: "Hàng ngày bà bán hàng bận túi bụi mà còn thuộc thơ nhiều thơ thế. Mà lại thuộc thơ Văn Công Hùng thì tài quá". Bà bán hàng cười hiền hậu: "Có chi mô nơ… Có chi mô nơ". Nhà thơ Văn Công Hùng có đồng môn hơn nửa thế kỉ, mấy chục năm là bạn đọc chung thủy với thơ ông, hỏi nhà văn được mấy người như thế?

Tôi cũng có bạn đọc của riêng mình. Chỉ là bạn đọc bình thường làm giáo viên tiểu học, là cô bé học lớp 5, là sinh viên đại học, tôi không biết tên của họ. Đâu đó, tôi vẫn bất ngờ nhận ra những điều thú vị từ những bạn đọc ấy. Chẳng hạn, bỗng một ngày, tôi khoe tác phẩm mới viết lên Facebook, rồi ai đó từ một huyện biên giới xa lắc giáp Lào gửi bức ảnh chụp quyển tiểu thuyết của mình trên giá sách của họ kèm theo mấy chữ: "Nhà em cũng có sách của nhà văn nè". Quả thật, bạn đọc đã mang niềm vui đến cho tôi. Niềm vui nhỏ bé, bình dị ấy cũng làm cho tôi vui vẻ, nhận ra lý do về sự tồn tại của nhà văn, và tự nhủ cần phải tiếp tục nỗ lực viết, viết trong hành trình sáng tạo văn chương đầy khó khăn, nhọc nhằn.