Nhà văn tiên kiến, nhà văn mẫn cảm và nhà văn có đủ quặng vỉa hiểu biết để trình ra cho độc giả những nhân vật của lịch sử và đang bị chính lịch sử ấy thít cổ. Thoát ra bằng cách nào đây khi “thế hệ chúng ta có của thừa kế thật kinh hoàng?”.


LƯU VĨ LÂN và ẨN TÀNG

DẠ NGÂN

Thôi thúc phải ngồi vào bàn. “Vật” Ẩn Tàng 4 ngày, không do rảnh, do tiểu thuyết cuốn và cuốn, gần 280 trang, sách khiến không đọc ngắt quãng được. Đến trang 210 thì khóc và trang 268 thì khóc lặng. Xin lỗi, tôi không đàn bà đến mức dư thừa nước mắt nhưng là người nhiều năm viết văn xuôi, tôi biết, chừng hai phần ba sách mà khiến cho độc giả nghẹn ngào, cầm chắc sách đã có nhịp của tài năng tiểu thuyết: bắt đầu như lốc cuốn, chậm dần để ngấm và khi trào dâng thì nhất định không thể không ứa nước mắt cùng tác giả. Mọi thứ sau đó duỗi dần, cập bến, lưu luyến và muốn nhìn lại, ngoảnh lại, trang trọng giở lại ở những chỗ thấm thía, để ngấm mùi vị, mùi hương.

Thành công chưa, thành công ngoạn mục Lưu Vĩ Lân à. Làm báo, nhiều thâm niên viết báo, gần sáu mươi mới lầm lì viết văn. Cuộc đời Sài Gòn ấy, gia tộc bão giông Sài Gòn ấy, cốt cách ấy thì khi rời báo và ngồi trước trang Văn, chừng như mọi thứ đã sẵn sàng, chín nẫu. Lập tức khát vọng trilogy (tiểu thuyết bộ ba), Mật Đạo (2018), Ngẫu Tượng (2019), Nghiệp Chướng (2021) trở thành hiện tượng của văn đàn Sài Gòn (nói riêng). Giải thưởng 2021 của Hội Nhà văn TpHCM và…và Giải Sách hay 2022 cho bộ ba này là một minh chứng giòn giã không riêng cho Sài Gòn.

Bộ ba đầu, tôi chỉ đọc Nghiệp Chướng do tác giả tặng, có lẽ biệt nhãn với chị mà tặng. Các cuốn trong bộ đều độc lập nhau, đọc một vệt hay đọc riêng đều thú vị. Không dưng mà riêng NGHIỆP CHƯỚNG nhận giải thưởng Văn học Nghệ thuật 2021 của Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam. Nghiệp Chướng cho tôi niềm tin về một hiện tượng Lưu Vĩ Lân. (Sài Gòn mươi năm trước có Mộ Phần Tuổi Trẻ của Huỳnh Trọng Khang cũng làm nên hiện tượng văn xuôi cho thành phố này). Nhưng với Lưu Vĩ Lân, lập tức thấy lộ trình lớn của một cây bút không thể chín hơn, cứ thế mà viết và viết, viết gì cũng cho độc giả thứ họ bỏ tiền ra mà không tiếc.

ẨN TÀNG nằm trong trilogy của Quỹ Chủ. Tôi lại chưa được đọc Quỹ Chủ (in 2022), ôi trời, mỗi năm một tiểu thuyết thì có mà chạy theo em hoài để đọc à Lân? Ẩn Tàng (viết 2023, còn thơm mùi mực in quý 1/2024), tác giả đã đến tận nhà tặng, có lẽ biết sở đọc và “sở trà sở cà phê” của chị mặn mà loại đề tài này - nó độc lập với Quỹ Chủ, vậy nên tôi hào hứng ngay. Tạng viết của Lưu Vĩ Lân tôi đã biết và đã yêu mến, đã kỳ vọng.

Không gian hiện tại, không gian thế sự và không gian biển, những trang biển, nhiều trang rất có chủ ý về biển dào dạt và sâu nặng nội tâm. Cho rằng tiểu thuyết định đề là chưa hiểu tác giả, Lưu Vĩ Lân không phải tạng văn xuôi định đề. Nhưng vì sao bị nhận định là Ẩn Tàng định đề? Đọc thì mới biết, Tiểu thuyết hay Văn xuôi nói chung, hay cả Thơ, đọc rồi mới biết. Kiến văn rộng, tự tin về những mẫu người mọi phía: Việt Cộng trước và sau 1975, Việt kiều thuyền nhân từ bản lề khốn khổ 1975 ấy và không chỉ có bấy nhiêu, những chàng nàng Việt – Úc – Đài Loan – Ucraina…chào đời vào thập niên 90s đang hồn nhiên thụ hưởng toàn cầu hóa bên trên những cuộn sóng ngầm tai vạ của một cuộc đối đầu ghê gớm mới Trắng – Vàng, Mỹ - Trung.



Nhà văn tiên kiến, nhà văn mẫn cảm và nhà văn có đủ quặng vỉa hiểu biết để trình ra cho độc giả những nhân vật của lịch sử và đang bị chính lịch sử ấy thít cổ. Thoát ra bằng cách nào đây khi “thế hệ chúng ta có của thừa kế thật kinh hoàng?”.

Sau đại dịch, xem như toàn cầu hóa bị xóa sổ và “…một quá khứ đã được tạo ra trong nháy mắt và trong cái chớp nháy nhỏ nhoi ấy của lịch sử, bọn họ đã đổi khác hoàn toàn, như thể một đường cát tuyến cắt ngang làm đứt đoạn một dòng chảy. Bên kia và bên này của cát tuyến đó là những con người khác, như thể chỉ cần một đoạn ngắn của thời gian đã tạo ra hai kiếp người khác nhau. Mình chợt hiểu ra sao cha anh cứ bị các cột mốc lịch sử ám ảnh, cái gì cũng phải so với trước hoặc sau năm này, năm kia. Đúng là trong dòng chảy đều đều của thời gian, có những khúc lịch sử …rùng mình. Như những cơn địa chấn tác động lên địa mạo của thời gian, cái rùng mình ấy tạo ra nhiều đổ vỡ, đứt gãy, sụp đổ, tàn phá. Dường như nó muốn xóa cái cũ, đồng thời nó cũng tái tạo, sáng lập những hình thế mới: xuất hiện những ngọn núi mới, hòn đảo mới, dòng sông mới, bờ biển mới. Cho nên trước và sau cái “rùng mình” đó, con người không còn nhận ra mình khi xưa. Đó là lý do những cột mốc luôn ám vào dòng suy tư của con người”.

Các nhân vật của những cột mốc chính họ không muốn quên, lần lượt nói những lời thều thào chân lý; những nhân vật của hai thế lực Trắng – Vàng vẫn tiếp tục “cơ đồ” tranh chấp trong gene trong máu họ và đang tìm kiếm máu xương ủy nhiệm từ những quốc gia nhỏ bé bất hạnh đã hoặc tiềm tàng; và một thế hệ vừa thụ hưởng vừa muốn giải thiêng câu chuyện toàn cầu hóa… phải, nhân vật nào cũng sinh động kích cỡ nội tâm, đến phút chót, đến trang chót. Thế sự nóng rát và những con người trẻ trung năng động, quyết liệt, dịu dàng, đăm chiêu, cay đắng… với linh cảm một đối đầu – thế chiến! Cảm ơn, cảm ơn tác giả già dặn ưu tư một cách rất ư Sài Gòn đã dựng nên, đã công phu đã mô tả lớp lớp con người trên cả hai phía, sống và chết, phi thực mà cũng vô cùng chân thực.

Cứ vậy nhé Lưu Vĩ Lân, cuốn thứ ba trong trilogy Quỹ Chủ đang thai nghén chắc chắn sẽ mê hoặc độc giả, tôi tin như thế, hoàn toàn dám tin như thế.