Nhà văn Nhật Bản Kawabata Yasunari đoạt giải Nobel văn học năm 1968, cho rằng: "Những nhà văn gọi là tân tiến là những người đã tìm gặp
và “kết hôn” được với những tình cảm tươi mới. Hơn nữa, có người còn
kết hôn cả với cuộc sống mới. Thế nên cùng với những người chồng đó, họ sẽ bắt
đầu sinh sản ra những hình thức văn nghệ mới"
KHUYNH HƯỚNG CỦA CÁC NHÀ VĂN TÂN TIẾN
KAWABATA YASUNARI
Sự bùng nổ của một nền văn nghệ mới
Ngày nay, đối với tất cả những người có quan tâm đến
văn nghệ, thì mục tiêu họ phải chú ý đến trước tiên là các nhà văn tân tiến,
đúng hơn, cái “tính cách mới mẻ” mà những nhà văn này mang đến. Việc
tìm hiểu tính cách mới mẻ là rất cần thiết vì ta sẽ có được chiếc chìa khóa để
mở cửa bước vào vương quốc văn nghệ của một thời đại mới, cũng như chiếc vé duy
nhất cho chuyến lữ hành ấy. Những ai không có nó thì dù họ là người sáng tác
hay người thưởng ngoạn, đều sẽ bị cự tuyệt khi muốn bước vào giới văn nghệ của
ngày mai.
Bà nội, bà ngoại không thể sinh ra cháu. Muốn sinh
cháu cần phải có mẹ. Đứa trẻ mà người bà gọi là con cũng là người mà đứa con gọi
là mẹ. Cũng vậy, những người sẽ sống trong thế giới văn nghệ của tương lai xin
đừng nhìn bà của mình thôi mà phải biết mẹ mình là ai. Kẻ kiến tạo nên nền văn
nghệ của thời đại sắp đến nghĩa là người sẽ trở thành mẹ, chính là những nhà
văn tân tiến của ngày nay. Những ai chậm chạp, không hiểu kịp những nhà văn tân
tiến hiện tại là những đứa cháu do người bà sinh ra. Chẳng bao lâu nữa, chắc họ
sẽ phải nếm trải vị cay đắng của những nỗ lực hoài công vô ích.
Những nhà văn gọi là tân tiến là những người đã tìm gặp
và “kết hôn” được với những tình cảm tươi mới. Hơn nữa, có người còn
kết hôn cả với cuộc sống mới. Thế nên cùng với những người chồng đó, họ sẽ bắt
đầu sinh sản ra những hình thức văn nghệ mới. Thời đại của những người mẹ mới,
nhờ đó sẽ có thể nở ra những đóa hoa tươi sáng. Hoa của ngày hôm qua dẫu đẹp đến
đâu thì vẻ đẹp đó cũng đã được ta biết đến rồi. Thế nhưng đóa hoa vừa nở trước
mắt ta buổi sáng hôm nay mới thực sự tươi tắn và ta cảm thấy mình có lí do để
kéo dài cuộc đời cho đến sáng hôm nay. Nếu như sáng hôm nay, ta vẫn còn nhìn những
đóa hoa của hôm qua thì chẳng phải ta đã chết từ hôm qua rồi hay không?
Vấn đề xảy ra giữa các nhà văn thành danh và các nhà
văn tân tiến, dù muốn dù không, cũng đã trở thành vấn đề chính của giới văn nghệ
trong năm Taisho thứ 13 (1924). Nhìn thử mà xem! Hai chữ “kí thành” (đã
thành danh) và “kí tri” (được biết tới) thường bắt tay nhau một cách
đáng buồn. Nếu đổi cách nói thì “vị thành” (chưa có tiếng tăm) và “vị
tri” (chưa được biết tới) cũng bắt tay nhau đấy nhưng đó lại là điều đáng
vui mừng. Vì hai chữ “vị” kia, chỉ cần chừng đó thôi, đối với bất kì
ai, đều toát ra một sức hấp dẫn không kể xiết.
Mắt chúng ta đã long lanh khi muốn biết “vị tri” này
là cái gì. Chúng ta kể cho nhau nghe niềm vui tìm được một cái gì mới mẻ như thể
gửi lời chào đến một người đồng chí. Thế nhưng, nếu một người nói “Xin
chào” và người kia cũng đáp lại bạn bằng “Xin chào” thì hơi tẻ
nhạt. Loại văn nghệ không hề thay đổi sẽ làm người ta mệt mỏi, bởi vì sáng nay,
mặt trời lại mọc lên ở phương đông cũng như sáng hôm qua. Lúc một người bảo “Sao
mà giống cảnh khỉ con bám lủng lẳng vào bụng khỉ mẹ để di chuyển thế nhỉ?” thì
người khác bảo “Mấy ngón chân của cò trắng thực dài quá sức!” để chào
lại thì cuộc đối đáp mới trở nên thú vị.
Ngày nay, không phải ai cũng có thể hiểu cái gọi
là “văn nghệ mới” hay “cuộc sống mới” là gì. Nếu thế thì cũng được
thôi. Nói về những nhà văn tân tiến, không phải là làm một con tính về quá khứ
mà dự đoán những chuyện như đọt lá ngô đồng mới nhú hôm nay, ngày mai sẽ lớn
thêm được bao nhiêu phân nữa.
Vì vậy tôi cũng không dám kết luận ngay về phong cách
sáng tác của các nhà văn tân tiến. Tôi nói ngón chân của con cò trắng dài bởi
vì tôi đã thấy nó như thế. Những người khác nếu có thấy mèo, thấy chim hồng tước,
thấy hoa triêu nhan... thì cũng chẳng sao. Tuy vậy, rõ ràng là chúng ta đã bước
vào một thời đại mà những người yêu văn nghệ cần thấy rằng sự hiện diện của các
nhà văn tân tiến phải mang một ý nghĩa nào đó. Sự thực là nếu ta không cảm thấy
được một tương lai nào đó cho nền văn nghệ mới thì không còn có thể nói chuyện
về văn nghệ nữa. Sự góp mặt của các nhà văn tân tiến đã trở thành điều thường
tình trong nền văn nghệ mới, chẳng khác nào khí trời. Những ai không chấp nhận
điều này là những kẻ ngu muội chỉ biết thở bằng nước.
Tân cảm giác
Ngày nay mấy chữ “Tân cảm giác” không còn có
thể tách ra khỏi các khái niệm như “nhà văn tiên tiến” hay “thời đại
mới” nữa rồi. Đến nỗi nhiều người đã xem nó như phong cách sáng tác độc nhất
của các nhà văn tân tiến. Khi chứng kiến sự xuất hiện của những cây bút cùng
chí hướng trong tạp chí Bungei Jidai, Chiba Kameo gọi điều đó bằng cái
tên “Sự ra đời của trường phái Tân cảm giác”. Thế rồi ông đã phân chia các
nhà văn tân tiến ra làm hai loại: các nhà văn có chân trong Bungei Jidai là “phái
tân cảm giác”, còn những người viết cho tờ Bungei Sensen (Văn nghệ
Chiến tuyến) là những “nhà văn phái vô sản”. Cách gọi đó sau đã trở thành
quen thuộc đối với văn đàn.
Tuy vậy, trước khi có tập quán gọi họ theo lối đó, xin
biết thêm về một điều như sau:
Nếu các nhà văn phái vô sản cũng được gọi là những nhà
văn tân tiến đang muốn đóng góp cho nền văn nghệ mới thì trong văn phong của họ
phải bao hàm những cảm giác mới mẻ. Lí do rất rõ ràng và đơn giản. Nếu không có
một hình thức biểu hiện mới thì sẽ không có một nền văn nghệ mới. Nếu không có
hình thức biểu hiện mới thì sẽ không có nội dung mới. Không có cảm giác mới sẽ
không có hình thức biểu hiện mới. Đây không phải là chuyện mới bắt đầu hôm nay.
Và trên thực tế thì những nhà văn vô sản như các ông Maedagawa Koichiro, Kaneko
Hirobumi và Konno Kenzo đều có những cố gắng để có thể biểu hiện bằng những cảm
giác mới. Và đây là một điều đương nhiên.
Tuy vậy, độc lập với điều vừa kể, các nhà văn của trường
phái này hãy còn có thái độ khác đối với cảm giác. Họ bảo rằng cho đến nay, văn
nghệ chỉ hiểu được thiên nhiên và nhân sinh thông qua những cảm giác của giai cấp
tư sản. Phải hiểu được thiên nhiên và nhân sinh bằng cảm giác của giai cấp vô sản.
Phải nhìn cánh đồng củ cải trắng bằng con mắt của người nông dân, phải ve vuốt
làn da đàn bà bằng bàn tay của một người thợ dệt. Tóm lại, nhà văn phải là một
anh thợ dệt hay một người nghèo khó, bằng không thì phải là kẻ có khả năng có
cùng một cảm giác như họ.
Nếu thực hiện được điều này thì thế nào cũng sáng tạo
ra một loại hình văn nghệ mới. Thế nhưng trường hợp này không phải là “cảm
giác chủ nghĩa”. Nói rõ hơn là phải “phát hiện cảm giác”. Ông Kataoka
Teppei, một bình luận gia về “cảm giác mới”, khi dùng chữ “phát hiện
cảm giác” chắc đã có chủ ý nói về chuyện đó.
Tuy nhiên, cũng như ông Kataoka Teppei đã thuyết minh,
người theo chủ nghĩa tân cảm giác không xem việc phát hiện một cảm giác như mục
đích của họ. Đứng trước những cảm giác vốn chi phối sinh hoạt của con người, họ
sẽ nghĩ một cách khác so với các cách suy nghĩ trước đây. Thế rồi họ sẽ đem cái
cảm giác mới có về cuộc đời để vận dụng nó trong thế giới của văn nghệ. Cách giải
thích theo kiểu triết lí nghệ thuật như thế này làm cho vấn đề trở nên vô cùng
rắc rối. Thế nhưng, khi nói “đường thì ngọt” chẳng hạn thì trong văn
nghệ cho đến nay, người ta hiểu cảm giác ngọt đã được đưa từ đầu lưỡi lên thần
kinh trên đầu và đầu sẽ báo là “ngọt”, và ta viết ra như vậy. Thế nhưng
bây giờ lại viết là “lưỡi thấy ngọt”. Lại nữa, từ trước cho đến
nay, “mắt” và “hoa hồng” là hai vật khác nhau. Nếu như bây
giờ ta viết “Mắt tôi thấy hoa hồng đỏ” thì một nhà văn tân tiến có thể
gộp hai thứ lại để viết thành “Mắt tôi là một đóa hồng đỏ”. Có thể là về mặt
luận lí, nếu không giải thích thì không ai hiểu, thế nhưng tình cảm muốn viết
như vậy đã trở thành một cách cảm thông với sự vật và cũng là một cách sống nữa.
Cách suy nghĩ về cảm giác như thế tất nhiên không phải
là chủ nghĩa cảm giác theo lối hưởng lạc. Và cũng không phải là những cảm giác
thiếu nội dung. Nếu muốn trả lời câu hỏi nội dung của văn nghệ là gì, thật ra
có rất nhiều thuyết. Tuy vậy, nếu bảo đấy là tình cảm con người thì quả như thế.
Dầu vậy, những ai cho rằng “có thể trải nghiệm được một thứ cảm giác bên
ngoài tình cảm hay một cảm giác không có tình cảm” thì đó là lối suy nghĩ
nhầm lẫn của những kẻ chủ trương rằng “có loại hình không có sắc” hay “có
loại sắc không có hình”.
Như thế thì văn nghệ “tân cảm giác” đương
nhiên phải quy về thứ văn nghệ của những tình cảm mới. Chỉ có những người mù mắt
không nhận ra điều này mới có thể khinh thị nó khi nói rằng “văn nghệ tân
cảm giác là một thứ văn nghệ không có tình cảm” hay “văn nghệ không
có nội dung mới”. Tôi những muốn đạp đổ sự mê lầm trong luận điểm về văn
nghệ của họ nhưng nó không phải là mục đích của bài viết này nên xin phép bàn
qua chuyện khác. Vậy xin để tôi chỉ tập trung vào việc giải thích xem những cảm
giác mới mẻ mà các nhà văn tân tiến trình bày trong tác phẩm của họ đã được thể
hiện bằng cách nào.
Ngoài ra, khi luận về cảm giác trong văn nghệ, điều
chúng ta phải chú ý là văn nghệ vốn khác với mĩ thuật và âm nhạc. Khi sáng tác
mĩ thuật hay âm nhạc và thưởng thức chúng, thì những tác động của cảm giác lúc
đó vốn khác xa so với những tác động của cảm giác lên trên văn nghệ. Vấn đề này
cũng khá phiền phức, nếu muốn nói cho cạn, phải cần viết một bài bình luận
khác. Dù sao, về mặt kĩ thuật và lối biểu hiện của cái mà chúng ta gọi là văn
nghệ theo chủ nghĩa tân cảm giác, tôi có thể nói rằng nó đã tiến thêm một bước
đến gần với cách tác động của cảm giác lên trên mĩ thuật và âm nhạc. Điều này
là nguyên nhân khiến cho văn phong của các nhà văn tân tiến tỏa ra một cái đẹp
như thơ.
Nhận
thức luận theo biểu hiện chủ nghĩa
Giả dụ trên cánh đồng có một đóa hoa loa kèn đang nở.
Chỉ có ba cách nhìn đóa hoa ấy và chỉ có ba loại cảm giác đến trong ta vào lúc
nhìn thấy hoa. Hoặc là “trong đóa hoa đang có ta”, hai là “đóa hoa
đang ở bên trong ta” và ba là “ta với hoa là hai vật thể riêng biệt”.
Đây là một vấn đề triết học về nhận thức luận. Do đó, tôi không thể nào trình
bày cặn kẽ ở đây. Tôi chỉ xin phép được suy nghĩ về nó như một vấn đề liên quan
đến cách biểu hiện văn nghệ.
Nếu mô tả đóa hoa ấy như ta và nó không liên hệ gì với
nhau thì đó là cách viết kiểu tự nhiên chủ nghĩa. Đó là khách quan chủ nghĩa kiểu
cũ. Có thể nói rằng cho đến nay tất cả các hình thức đều diễn đạt theo lối này.
Tuy nhiên, cái sức mạnh chủ quan trong ta không cảm thấy
thỏa mãn với chừng đó. Bởi vì đang có cái ta bên trong đóa hoa ấy. Hay là đóa
hoa ấy đang ở trong ta. Hai điều này rốt cuộc giống như nhau. Thế rồi, khi mang
cảm giác đó đem sự vật diễn tả bên trên mặt giấy, chúng ta đã tạo ra cơ sở cho
lối biểu hiện theo chủ nghĩa tân chủ quan. Nổi bật hơn hết trong những lí thuyết
chủ quan đó có lẽ là biểu hiện chủ nghĩa ở Đức.
Vì có cái tôi nên thiên địa vạn vật mới tồn tại. Trong
cái chủ quan của ta đã có thiên địa vạn vật. Kẻ mang tâm tình như thế để nhìn sự
vật là đã nhấn mạnh về sức mạnh của chủ quan và tôn thờ tính tuyệt đối của chủ
quan như một tín ngưỡng. Nơi đó, họ đã tìm thấy nguồn vui mới. Họ còn thấy là
trong thiên địa vạn vật, có cái chủ quan của mình nữa. Mang cái tâm thế ấy để
nhìn sự vật, họ vừa khuếch đại cái chủ quan của mình, vừa làm cho nó có khả
năng lưu động một cách tự do. Thế rồi, với sự tiến triển của lối suy nghĩ này,
họ đi đến chỗ xem “ta với kẻ khác chỉ là một” và “vạn vật chỉ là
một”, giữa thiên địa vạn vật sẽ không còn biên giới nữa, chúng dung hợp lại
thành một tinh thần duy nhất, một thế giới nhất nguyên.
Ngoài ra, mặt khác thì, khi tính chủ quan tuôn chảy
vào bên trong vạn vật, có người nghĩ là lúc ấy vạn vật sẽ có một linh hồn
riêng, nói cách khác, đó là chủ thuyết “vạn vật hữu linh hồn” vốn có
tính chất đa nguyên. Đến đây, chúng ta có được một sự cứu rỗi mới. Hai thứ này
trở thành chủ nghĩa chủ quan cổ xưa của Đông phương, đồng thời cũng là chủ
nghĩa khách quan nữa. Không hẳn đâu, phải nói là chủ nghĩa “Chủ khách nhất như” cơ!
Viết văn với một tinh thần như vậy chính là thái độ biểu hiện của những nhà văn
tân tiến của hôm nay. Người khác xử sự như thế nào thì tôi không biết, nhưng
tâm tình của tôi là như thế. Trên thực tế, nơi các nhà văn tân tiến khác, tâm
tình này cũng đã bộc lộ ít nhiều trong trong lối diễn tả của họ. Có thể thấy điều
đó nơi các ông Kataoka Teppei, Juuichiya YoshiSaburo, Yokomitsu Riichi,
Tominosawa Rintaro, Kaneko Hirobumi và các nhà văn khác, cũng như ta sẽ nhận ra
nó ngay khi đọc tác phẩm của các vị trong nhóm Vườn Nho (Budoen). Cách hiểu về
lối biểu hiện của các nhà văn nói trên là do tôi tự tiện đánh giá nhưng tôi
nghĩ rằng nó đã dựa trên những cơ sở lí luận mà tôi vừa trình bày.
Hiện nay, ở Nhật vẫn chưa thấy có nhà văn nào đáng được
gọi là người theo chủ nghĩa biểu hiện, huống chi thái độ biểu hiện trong chủ
nghĩa biểu hiện cũng có năm, bảy đường. Tuy nhiên, cách biểu hiện có tính tân cảm
giác của các nhà văn tân tiến lại có cùng một cơ sở lí luận với nhận thức luận
của những người theo chủ nghĩa biểu hiện cho nên tôi nghĩ họ có thể xem nhau là
đồng minh về mặt nhận thức luận.
Hãy đưa một tác phẩm của nhà văn Yokomitsu Riichi làm
ví dụ. Có những người xem văn phong của ông Yokomitsu là theo chủ nghĩa tự
nhiên và như thế, cách biểu hiện của ông có tính cách khách quan. Rõ ràng đây
là một sự hiểu lầm to lớn. Nếu đúng là chủ nghĩa khách quan thì đó phải là một
chủ nghĩa khách quan mới. Một chủ nghĩa khách quan mới bởi vì nó là một chủ
nghĩa chủ quan mới cộng với tinh thần “chủ khách nhất như”. Vì lẽ đó,
có khi người ta gọi nó là trường phái biểu hiện, có khi gọi nó là phái lập thể
và những ví dụ như thế, thật kể ra không hết. Hãy mở sách ở bất cứ đoạn văn nào
của Yokomitsu Riichi (1898-1947). Hãy đọc đoạn văn được gọi là miêu tả tự nhiên
mà xem.
Đặc biệt hãy đọc
chỗ mà ông mô tả nhiều món đồ một lượt bằng một nhịp điệu hối hả. Ta sẽ thấy một
kiểu miêu tả theo kiểu “nhân cách hóa” nơi đó. Yokomitsu dùng trực
giác để nhìn thấy trong mọi vật đều có một sinh mệnh. Tùy theo trạng thái đặc
thù của đối tượng và cá tính của nó lúc bắt gặp, ông sẽ mang đến cho mỗi vật một
sinh mệnh. Thế rồi, chủ quan của tác giả sẽ phân tán ra thành vô số để đi vào
bên trong từng đối tượng và khiến cho đối tượng đó đứng lên nhảy nhót. Giả dụ
khi Yokomitsu miêu tả một đóa loa kèn trắng thì đóa hoa ấy sẽ nở bên trong chủ
quan của ông và cái chủ quan của Yokomitsu cũng nở bên trong đóa hoa đó. Có thể
nói điều này cho thấy Yokomitsu vừa chủ quan lại vừa khách quan. Mặt khác, vì lẽ
đó mà cách biểu hiện của Yokomitsu được xem là linh hoạt và tươi mới. Cũng nhờ
đó mà từ trong tác phẩm của ông, ta nghe như đang vọng lại những tiếng reo vui.
Tình cảm mà tôi có đây không phải chỉ đến từ tác phẩm
của Yokomitsu hay các nhà văn nói đến bên trên mà còn là một đặc sắc chung bắt
gặp nơi rất nhiều nhà văn tân tiến nữa. Thế rồi, thái độ biểu hiện đó có khi
làm sống lại một tình huống, có khi khuấy động nhân vật, tóm lại là đem đến một
sự tươi mới, mát mẻ khi “lập thể hóa” được cách miêu tả. Để có tâm trạng
này, điều kiện tất yếu là nhà văn phải tìm được những cảm giác mới. Và sau đó,
tâm trạng này đương nhiên sẽ lại làm mới cảm giác của họ.
ĐÀO HỮU DŨNG (dịch)