Họa sĩ Tú Duyên được công chúng mỹ thuật nhắc nhớ về kỹ thuật thủ ấn họa, qua triển lãm ‘Nhành hương xưa’ tổ chức suốt tháng 3/2024 tại Annam Gallery, TP.HCM.


 

Họa sĩ Tú Duyên (1915-2012) tên thật là Nguyễn Văn Duyến. Nghệ danh của ông đúng ra là Tứ Duyên (từ cách đọc lái của chữ Duyến Tư do ghép giữa tên ông và tên người bạn học thân thiết Đỗ Văn Tư). Thế nhưng, giới mộ điệu lại hình thành thói quen đọc thành Tú Duyên, và ông chấp nhận điều ấy.

Họa sĩ Tú Duyên sinh trưởng trong một gia đình nhà Nho tại làng cổ Bát Tràng, Bắc Ninh. Chính nơi đây đã ảnh hưởng đến tâm hồn, tình cảm và định hình lối sáng tác rất riêng và độc đáo của ômg.

Từ năm 1935 đến năm 1938, ông thi đậu và theo học lớp dự bị tại Trường Mỹ thuật Đông Dương. Đến năm 1939, ông phải gác lại việc học và cùng gia đình chuyển vào Sài Gòn sinh sống.

Năm 1942 là cột mốc quan trọng trong sự nghiệp hội họa của Tú Duyên khi ông sáng tạo ra kỹ thuật “Thủ Ấn Họa”, một loại hình ấn mộc bản cải biên từ tranh khắc gỗ dân gian của Việt Nam, có sự khác biệt về công dụng và mang tính nghệ thuật cao.



Khác với các thế hệ họa sỹ đồng lứa tập trung và khám phá chất liệu sơn dầu để biểu đạt những tình cảm, hình ảnh của cuộc sống đương đại và nhận được nhiều sự yêu mến, cổ vũ từ công chúng yêu nghệ thuật, họa sỹ Tú Duyên lại dũng cảm và kiên trì theo đuổi lối đi riêng thông qua việc nghiên cứu khắc mộc truyền thống và dành nhiều tâm sức vào nghệ thuật Ấn họa Nhật Bản và Trung Quốc để kiến tạo nên dòng tranh “Thủ Ấn Họa” có một không hai ở Việt Nam.

Học giả Nguyễn Hiến Lê cũng từng ngợi khen kỹ thuật thủ ấn hoa: “Nhờ họa sỹ Tú Duyên mà nền Nghệ thuật Việt Nam góp được một phần danh dự cho nền nghệ thuật thế giới.”

Năm 1950, các tác phẩm theo kiểu thủ ấn họa của họa sĩ Tú Duyên bắt đầu được nâng cao về mặt chất lượng và độ tinh xảo. Triển lãm cá nhân đầu tiên về loạt tranh thủ ấn họa ra mắt công chúng yêu nghệ thuật vào tháng 3/1953 tại Nhà hát lớn Sài Gòn.

Năm 1955, họa sĩ Tú Duyên đã đạt giải nhất Mỹ thuật miền Nam với bức tranh về danh nhân lịch sử Trần Bình Trọng “Thà làm quỷ nước Nam”.

Cuối năm 1996, triển lãm cá nhân về loạt tranh thủ ấn họa lần thứ 18 của họa sĩ Tú Duyên diễn ra tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM.

Tranh của họa sĩ Tú Duyên rất đậm chất thơ và trữ tình vì ông thường lấy cảm hứng đề tài sáng tác từ kho tàng văn chương cổ điển Việt Nam, các nhân vật lịch sử và hình ảnh phụ nữ Việt Nam.



Họa sỹ Tú Duyên đã để lại một dấu ấn sâu sắc và ấn tượng cho nền mỹ thuật Việt Nam hiện đại với việc dày công nghiên cứu và cho ra đời kỹ thuật thủ ấn họa, một sự cách tân từ tranh khắc gỗ dân gian Việt Nam, có sự khác biệt về công dụng và mang tính nghệ thuật cao. Tuy tranh ông chỉ sử dụng hai bản khắc âm dương duy nhất, màu sắc rất đa dạng và sống động nhờ ông dùng đầu ngón tay và gang lòng bàn tay pha và dàn màu cho tranh. Tùy theo tâm tư, tình cảm, không gian, nội dung và đề tài diễn đạt mà họa sĩ Tú Duyên sẽ chọn gam màu nóng lạnh, rồi đặt lụa lên và dùng tay xoa, ấn, vuốt, đập để màu thấm vào lụa, tạo ra nét dìu dịu, mạnh nhẹ, rõ mờ theo chủ đích biểu hiện.

Triển lãm “Nhành hương xưa” gợi cho người xem về một không gian xưa, nhẹ nhàng và thơ mộng với ba đối tượng thẩm mỹ chính: các loài hoa, người phụ nữ Việt Nam xinh đẹp, thướt tha trong tà áo dài cùng các nhạc cụ dân tộc. Trong nhiều khung cảnh khác nhau, những người phụ nữ ấy như đang thả hồn qua những nhạc khúc, giai điệu xưa được tấu bởi đàn tranh, đàn nguyệt, hay đàn tỳ bà.

Ông Nguyễn Bùi, con trai cố họa sỹ Tú Duyên, chia sẻ: “Những năm trước khi mất, ba tôi vẫn ôm ấp một triển lãm cá nhân cuối cùng, nhưng không kịp. Vì vậy, gia đình chúng tôi rất xúc động khi tác phẩm của ông được giới thiệu khá đầy đủ qua triển lãm “Nhành hương xưa” do Annam Gallery và Lân Tinh Foundation tổ chức triển lần này”.

                                                     NNVN