Kịch Lưu Quang Vũ là cuộc đối thoại mạnh mẽ trên vị trí của những yêu cầu mới trong xã hội. “Vật kì dị” cần bị loại bỏ, như mong muốn của “người anh hùng bi kịch” Trương Ba.


 HAI BIỂU TƯỢNG TRONG VỞ KỊCH “HỒN TRƯƠNG BA DA HÀNG THỊT”

TRỊNH BÁ ĐĨNH

 

Chất lượng, trình độ của một nền nghệ thuật thể hiện rõ nhất ở việc sáng tạo ra những biểu tượng độc đáo, giàu ý nghĩa và có sự khái quát lớn. Một biểu tượng thường có nhiều ý nghĩa, một “đám mây ngữ nghĩa”, gợi nên ở người tiếp nhận   nhiều liên tưởng khác nhau. Các biểu tượng luôn mở rộng góc nhìn ngữ nghĩa của tác phẩm.  Nội dung một biểu tượng luôn rộng hơn một khái niệm, hoặc nội dung đạo lí của câu chuyện ngụ ngôn. Việc giải thích biểu tượng nghệ thuật phần nhiều mang tính định hướng hơn là xác nhận, góp phần đọc văn bản văn học một cách sâu sắc và đúng đắn.

Ngược lại, không hiểu bản chất biểu tượng có thể dẫn đến những sai sót nghiêm trọng trong việc giải thích tác phẩm và làm sai lệch ý định của tác giả. Có hai loại biểu tượng chính. Loại thứ nhất gồm các biểu tượng vốn đã có trong truyền thống văn hóa. Chúng là ngôn ngữ văn hóa được nhà văn sử dụng để sáng tạo tác phẩm văn học. Chẳng hạn các biểu tượng con đường, đàn, hoa sen, Trương Chi, Thạch Sanh. Loại thứ hai bao gồm các biểu tượng được nhà văn tạo ra, chưa có (hoặc chưa thành biểu tượng) trong văn hóa truyền thống. Những biểu tượng này nảy sinh trên cơ sở các mối quan hệ ngữ nghĩa trong một tác phẩm văn học hoặc một loạt tác phẩm. Chẳng hạn như con hổ nhớ rừng của Thế Lữ, núi Hy Mã Lạp Sơn trong thơ Xuân Diệu, Xuân tóc đỏ của Vũ Trọng Phụng, Vũ Như Tô của Nguyễn Huy Tưởng. Trong vở kịch của Lưu Quang Vũ, tôi sẽ xem xét hai biểu tượng thuộc về hai loại này.

 Lưu Quang Vũ trong kịch và trong thơ không bao giờ chỉ là người phản ánh “trung thành” hiện thực, ông là người sáng tạo đích thực. Sáng tạo trên bình diện tư tưởng chủ đề, cả trên bình diện ngôn ngữ nghệ thuật trong đó sự sáng tạo ra các biểu tượng là sáng tạo cao nhất. Ở kịch Lưu Quang Vũ, các biểu tượng như ánh sáng (Nguồn sáng trong đời), lửa (Nếu anh không đốt lửa), hoa (Tin ở hoa hồng, Hoa cúc xanh trên đầm lầy) linh hồn (Linh hồn của đá, Hồn Trương Ba da hàng thịt) rất phong phú ý nghĩa tư tưởng. Ý đồ sáng tạo các biểu tượng khiến cho kịch Lưu Quang Vũ hướng đến việc sử dụng ngôn ngữ văn hóa. Nhiều những vở kịch của ông mượn các tích, truyện trong văn hóa truyền thống: Nàng Sita, Ông vua hóa hổ, Ngọc Hân công chúa, Hồn Trương Ba da hàng thịt…

Vở kịch Hồn Trương Ba da hàng thịt ra đời năm 1981, do đạo diễn Nguyễn Đình Nghi dàn dựng để Nhà hát kịch Hà Nội công diễn, gây tiếng vang rộng rãi, được đánh giá cao về nghệ thuật. Vở kịch nhận Giải tác phẩm hay nhất trong Liên hoan sân khấu Moskva, 1990. Năm 1998, Nhà hát kịch Việt Nam đã thực hiện chuyến lưu diễn qua gần hai mươi trường Đại học Mĩ, trước sinh vên, nhận được rất nhiều lời khen ngợi của khán giả và các chuyên gia. Có thể đánh giá tác phẩm là đỉnh cao nghệ thuật kịch nghệ của Lưu Quang Vũ. Tác phẩm có giá trị cao về nhiều phương diện, trong phần viết này tôi chỉ xem xét phương diện biểu tượng của văn bản kịch mà thôi.

 Vở kịch được triển khai với hai xung đột

Xung đột xã hội: Giữa lối sống, lối làm ăn mới (thị trường với các hệ quả của nó cả tốt lẫn xấu) và lối làm ăn cách sống truyền thống (trông cây, làm vườn, giữ nếp nhà.  Đại diện cho lực lượng thứ nhất là nhân vật Cả, con Trương Ba; lực lượng thứ hai là Trương Ba- người làm vườn. Cùng với họ là các nhân vật đồng hướng. Đây cũng là xung đột thế hệ, xung đột thời đại.

Xung đột siêu hình: Cuộc trang chấp giữa tâm hồn (trí tuệ, tình cảm) và thể xác (sức lực, vật chất). Đây là xung đột chính của vở kịch. Nó bao quát toàn bộ cấu trúc văn bản, chi phối hầu như toàn bộ thế giới hình tượng của tác phẩm.

Hai tuyến xung đột này lồng vào nhau, thống nhất trong chỉnh thể tác phẩm, việc chia tách chỉ là cách làm việc khoa học của nhà nghiên cứu, giống như khoa học y sinh xem xét cơ thể con người theo các hệ tuần hoàn, thần kinh, tiêu hóa. Hai biểu tượng chính được phân tích ở đây có vai trò quan trọng đối với việc tổ chức và biểu đạt nội dung hai tuyến xung đột. Đó là biểu tượng Khu vườn và biểu tượng “Vật kì dị” (Hồn này - xác kia). Biểu tượng thứ nhất thuộc sáng tạo riêng của Lưu Quang Vũ, biểu tượng sau vốn có trong văn hóa truyền thống được ông vay mượn, diễn giải và tái sáng tạo trong tác phẩm của mình…

       Biểu tượng Khu vườn

       Hình ảnh - biểu tượng khu vườn được nhắc đến nhiều lần trong thơ và kịch Lưu Quang Vũ, nó vừa là sự mô tả “hiện thực” thông thường về một không gian sinh thái, vừa biểu đạt những nghĩa trừu tượng, một quan điểm về cuộc sống, tình yêu, nghĩa vụ, cái đẹp. Nếu có một đề tài tìm hiểu quá trình biểu đạt của hình ảnh-biểu tượng quan trọng này trong toàn bộ sáng tác của Lưu Quang Vũ sẽ rất thú vị. Ta đã từng biết vở kịch nổi tiếng thế giới của văn hào Tsekhov Vườn anh đào, vườn ở đây không chỉ là một khu vườn thông thường mà là một biểu tượng lớn về nước Nga giữa hai thế kỉ XIX - XX: vườn anh đào nở hoa là biểu tượng của một cuộc sống trong sáng, tốt đẹp, còn việc chặt bỏ khu vườn là sự ra đi, kết thúc của một cuộc đời, một thế hệ, một thời đại văn hóa. Phán đoán căn cứ vào đời sống văn nghệ những năm 60-80 thế kỉ trước ở miền Bắc, tôi nghĩ Lưu Quang Vũ chắc chắn biết đến vở kịch này.

   Lưu Quang Vũ có một bài thơ rất hay Vườn trong phố, được in trong tập thơ Hương cây và Bếp lửa, năm 1968. Đây là tập thơ đầu tiên của ông (in chung với Bằng Việt), ngay từ đó vườn đã mang ý nghĩa biểu tượng. Ta hãy phân tích nhanh bài thơ:

“Trong thành phố có một vườn cây mát
Trong triệu người có em của ta
Buổi trưa nắng bầy ong đi kiếm mật
Vào vườn rồi ong chẳng nhớ lối ra.

Vườn em là nơi đọng gió trời xa
Hoa tím chim kêu bàng thưa lá nắng
Con nhện đi về giăng tơ trắng
Trái tròn căng mập nhựa sinh sôi.

Nơi ban mai cỏ ướt sương rơi
Một hạt nhỏ mơ hồ trên má
Hơi lạnh nào ngón tay cầm se giá?
Suốt cuộc đời cũng chẳng hiểu vì sao...

Nơi đêm khuya vọng lại tiếng còi tàu
Bỗng nhớ xa xôi những miền đất nước
Nơi bài hát lên đường ta hẹn ước
Nơi góc vườn ta để quên chùm hoa...

Nơi vòm lá rì rào xao động cơn mưa
Quả ngọt chín khi mùa ve lại đến
Những chân trời màu hồng những chân trời màu tím
Những ngôi sao bàng bạc cả hoàng hôn.

Nơi lá chuối che nghiêng như một cánh buồm
Cánh buồm xanh đi về trong hạnh phúc
Se sẽ chứ, không cánh buồm bay mất
Qua dịu dàng ẩm ướt của làn môi.

Dưa hấu bổ ra thơm suốt ngày dài
Em cũng mát lành như trái cây mùa hạ
Nước da nâu và nụ cười bỡ ngỡ
Em như cầu vồng bảy sắc hiện sau mưa.

Đến bây giờ đánh giặc anh đi xa
Nhìn lại mảnh vườn xưa thấy hẹp
Biết bao điều anh còn chưa nói được
Rối rít trong lòng một nỗi em em.

Rừng rậm đèo cao anh đã vượt lên
Theo tiếng gọi con tàu ngày bé dại
Vườn không níu được bước chân trở lại
Nhưng lá còn che mát suốt đường anh.

Mảnh vườn em vẫn là mảnh vườn xanh
Nơi ban đầu lòng ta ươm tổ mật
Nơi ta hái những chùm thơ thứ nhất
Nơi thu sang mây trắng vẫn bay về”.

 

Trước tiên, đó là một khu vườn trực quan, với rất nhiều hương thơm và màu sắc: một địa điểm cụ thể: “Trong thành phố”, “Nơi vòm lá rì rào xao động cơn mưa”; những sinh vật và thực vật: “bầy ong đi tìm mật”, “hoa tím chim kêu, bóng thưa lá nắng/ Con nhện đi về giăng tơ trắng/ Trái tròn căng mập nhựa sinh sôi”; rồi “lá chuối “ và “dưa hấu”, “sương rơi”, “quả ngọt” và “mùa ve”,… Nhưng không chỉ có thế, văn bản tạo lập nên một không gian ngữ nghĩa trừu tượng nhờ các từ, các liên kết ngôn ngữ. Mở đầu là sự đối chiếu tương đồng: “Trong thành phố có một vườn cây mát/ Trong triệu người có em của ta”. Tiếp theo là sự đồng nhất:Vườn =Em, và sự đồng nhất này được duy trì suốt bài thơ: “Vườn em là nơi lộng gió trời xa”, “Mảnh vườn em vẫn là mảnh vườn xanh”. Vườn em chứ không phải vườn của (nhà) em, đó là điều cần nhấn mạnh. Tiếp tục là một liên kết khác: hình ảnh vườn liên kết với hình ảnh thời gian “… lá còn che mát suốt đường anh”, “Hơi lạnh nào ngón tay cầm se giá/ Suốt cuộc đời cũng chẳng hiểu vì sao”. Và không chỉ suốt đời một con người mà còn hơn thế: “Mảnh vườn em vẫn là mảnh vườn xanh/ Nơi ban đầu lòng ta ươm tổ mật/ Nơi ta hái một chùm thơ thứ nhất/ Nơi thu sang mây trắng vẫn bay về”. Một mảnh vườn “khởi đầu của tất cả” (tình yêu và nghệ thuật) như vậy gợi ở người đọc đến hình ảnh vườn địa đàng của Adam và Eva.

Câu thơ cuối cùng gợi nét nghĩa về thời gian huyền thoại (sự vĩnh cửu). Khu vườn mang nét nghĩa nơi khởi sinh thế giới. Vườn trong bài thơ còn một nét nghĩa biểu tượng nữa, đó là thứ trung gian nối liền giữa quá khứ và hiện tại: “Đến bây giờ đánh giặc anh đi xa…Rừng rậm, đèo cao anh đã vượt lên/ Theo tiếng gọi con tàu ngày bé dại /Vườn không níu được bước chân trở lại Nhưng lá còn che mát suốt đường anh”. Vườn như vậy, là thực tthể trừu tượng biểu đạt tình yêu, tuổi trẻ, khởi nguồn đạo đức và cái đẹp, kết nối quá khứ, hiện tại và cả tương lai.

  Trong vở kịch Hồn Trương ba da hàng thịt không có hình ảnh khu vườn được mô tả trực tiếp (trong trình diễn trên sân khấu có thể có), nhưng nó vẫn hiện diện thông qua lời các nhân vật và lời tác giả. Nhân vật chính Trương Ba, theo lời tác giả, là một “người làm vườn”, người rất yêu khu vườn của mình và say mê công việc làm vườn đến mức thành “người lẩn thẩn”, dưới mắt người đời:

Vợ Trương Ba: Nắng nôi thế này mà ông cứ suốt ngày lúi húi ngoài vườn. Bây giờ có tuổi rồi, sức vóc không còn như lúc trai trẻ, ai bắt ông phải lao lực vất vả thế…”. Trương Ba say mê trồng vườn trong thời buổi nghề này đang sa sút, “chăm bẵm thì vất vả mà bán thì chả được mấy quan tiền”. Mọi người đều thấy ông “lẩm cẩm” kể cả vợ ông. Kì cục nhất là ông lại trồng những cây lâu niên như na và mít, trái ngược hẳn với lệ thường “trẻ trồng na, già trồng chuối”. Ông vui sướng vì cây na mới trồng đã lên vài mầm lá và cây mít đã lớn ngang vai. Trong truyền thống văn học Việt Nam và thế giới, các nhân vật “gã khờ”, “chàng ngây”, ‘kẻ lập dị”, “người (giả) dại”, “vật nhân dạng”, bao giờ cũng chứa đựng hàm nghĩa lớn, ý nghĩa biểu tượng sâu sắc. Trong vở kịch, khu vườn là lí tưởng của của Trương Ba, cũng là “linh hồn” của gia đình ông với truyền thống, đạo lí. Khi gia đình Trương Ba có nguy cơ tan nát cũng là khi ngôi vườn sắp bị chặt phá, để cậu Cả mở rộng việc buôn bán thịt. Điều này cũng gần gũi về ý nghĩa với biểu tượng vườn anh đào trong vở kịch cùng tên của Tsekhov. Kết thúc vở kịch, trước khi chết Trương Ba muốn nhìn lại khu vườn của mình lần cuối:

     Hồn Trương Ba (Bỗng thấy trong người choáng váng): Đã đến lúc rồi ư? Ông Đế Thích. Sao nhanh thế? Khoan! Khoan đã! Một chút nữa thôi! Tôi còn muốn thăm lại khu vườn…

     Vườn là lí tưởng của Trương Ba, điều mà ông muốn truyền lại cho thế hệ sau. Trong vở kịch có nhân vật những đứa trẻ, những con người biết quý trọng, yêu thích khu vườn. Và đây là lời cuối cùng ông dặn lại người con cả:

     Như ngày nào hai cha con ta khai phá gieo vỡ khu vươn. Con nên nhớ so với sự sống chết của một đời người, mọi thứ của cải là vô nghĩa hết.  Chỉ có lòng thầy u yêu thương con, lòng các con yêu thương nhau là đáng kể… Cả ơi con hãy tìm lại tâm hồn thằng Cả ngày xưa của thầy. nếu không con sẽ chết mất. Bà và các con hãy chăm sóc khu vườn, chăm sóc cái Gái cho cẩn thận. Mong sao bọn trẻ sau này được sung sướng…Cũng như trong thơ, ở đây khu vườn là “vật dẫn truyền”, thứ nối kết quá khứ, hiện tại và tương lại, thế hệ này với thế hệ khác. Vườn xanh - Linh hồn thanh cao (trong sáng, đạo đức)- Tuổi xanh (trẻ em, tương lai), những nét ngữ nghữ nghĩa gần gũi, tương đồng, là nội dung của biểu tượng khu vườn, và lời kêu gọi gìn giữ chăm sóc nó là thông điệp đối với độc giả/khán giả. Linh hồn thanh cao” theo quan điểm của Lưu Quang Vũ đó là tình yêu thương, sự thanh sạch (xem vở Trái tim trong trắng).

       Biểu tượng “Vật kì dị” (hồn nọ - xác kia)

     Tên gọi “vật kì dị” là của chính Lưu Quang Vũ thông qua lời của nhân vật Trương Ba để chỉ thực thể “hồn nọ-xác kia”. Đó không phải là con người đích thực, vì theo tác giả đã là con người thì phải hồn nào xác nấy, nội dung nào hình thức ấy. Vở kịch của Lưu Quang Vũ mượn cốt truyện từ một truyện cổ dân gian cùng tên. Trong Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam, nó được đánh số 45, thuộc loại truyện “Giải thích các tích, các câu ví”. Soạn giả Nguyễn Đổng Chi nói rõ ông mượn cách gọi phân loại này từ sách Sử Nam chí dị, một cuốn sách cổ ghi lại những câu chuyện “kì quái” ở đất “phương Nam”. Cách phân loại biểu đạt một phần nội dung của truyện: không nhằm giáo huấn mà nhằm giải thích “sự lạ”. Ngoài ra ở phần “Khảo dị”, Nguyễn Đổng Chi còn đưa ra hai phiên bản có cốt truyện khá tương tự, vốn được lưu hành ở Trung Quốc. Điều này cho thấy tính phổ cập của cốt truyện trong cộng đồng khu vực văn hóa Trung -Việt.

      Những sự kiện chính của truyện cổ tích này như sau: Trương Ba là một người trẻ tuổi nức tiếng giỏi cờ, nước cờ rất cao, trong vùng không ai địch nổi. Tiếng đồn sang đến tận Trung Quốc, đến tai một kì nhân nổi tiếng là Kì Như. Kì Như khăn gói sang nước Nam so tài với Trương Ba. Trong cuộc cờ, Trương Ba dồn Kì Như vào một nước bí không thể thoát khỏi thua cuộc. Trương Ba kiêu hãnh bảo: nước cờ này dù có Đế Thích cũng phải bó tay. Đế Thích là thần cờ trên Thiên Đàng nghe thấy, bực mình liền xuống trần, giả dạng một ông già đến xem, bày cho Kì Như một nước cờ, giải thoát cho nhân vật một cuộc thua. Trương Ba nhận ra thần Đế Thích, cung kính bái phục, Đế Thích cũng quý mến Trương Ba. Trước khi về trời Đế Thích để lại một nén hương dặn khi nào cần gặp thì Trương Ba thắp nén hương. Nhưng sau đấy Trương Ba đột ngột chết. Gần một tháng sau, trong một lần dọn dẹp nhà cửa, vợ Trương Ba thấy nén hương liền châm lửa thắp.

 Đế Thích xuống biết chuyện, nhưng vì người chết đã lâu, không cách nào cứu được, đành chọn một người trong vùng chết ngày hôm đó, một anh hàng thịt. Đế Thích về trời làm cho hồn Trương Ba nhập vào xác anh hàng thịt. Anh hàng thịt - Trương Ba sống lại trước sự ngỡ ngàng của mọi người. Tuy nhiên việc đó cũng gây nên vụ tranh chấp giữa vợ Trương Ba và gia đình anh hàng thịt: bên nào cũng nhận là người của mình đành phải đưa lên quan xử kiện. Quan xử bằng cách yêu cầu nhân vật (Hồn Trương Ba) làm hai việc: mổ lợn và đánh cờ. Quan xác nhận đây là Trương Ba, cho người vợ đưa về nhà. Truyện kết thúc như vậy. Nguyễn Đổng Chi còn đưa ra hai “dị bản” nói là được lưu hành ở Trung Quốc. Đáng chú ý ở dị bản thứ nhất, quan xử kiện yêu cầu người sống lại mổ lợn và làm thơ phú để xác minh. Ở dị bản hai, một sư ông chết hồn đi lang thang rồi nhập vào một vị công tử. Vị công tử ăn nói như một sư thầy làm cả gia đình hoảng hốt. Ở dị bản sau không có chuyện đánh cờ cũng như xử kiện, chỉ có sự việ hồn người này nhập vào xác người kia.

      “Sự lạ” (hồn người này trong thân thể người khác) đối với người Việt cổ xưa và cả với nhiều người hiện nay là một “thực tế”. Phật giáo với quan điểm luân hồi, tín ngưỡng thờ Mẫu với thực hành hầu đồng, gọi hồn làm cơ sở cho cách nhìn đó. Trước tiên nói về thuyết luân hồi. Luân là bánh xe, hồi là lăn tròn. Luân hồi đi đâu? Không ngoài ba đường ác và ba đường lành, cứ lên xuống quay tròn như vậy hoài, gọi là luân hồi. Nếu người làm điều tốt khi chết sẽ đi các đường trên, hưởng hết phúc rồi thì tuột xuống. Còn kẻ làm những điều xấu thì đọa vào các đường dưới, đền chỗ trả hết nghiệp mới được trồi lên. Trong văn thơ nghệ thuật, nhất là phônclo vốn chịu ảnh hưởng chủ yếu bởi phật giáo bình dân, thuyết luân hồi rất phổ cập. Có luân hồi tức là có “kiếp trước”, “kiếp sau”, từ đây có qan điểm về sự “đầu thai”. Một người chết đi chưa hết “nghiệp” sẽ đầu thai vào một sinh linh nào đó tiếp tục sống để “trả nghiệp”. Đầu thai như thế nào? Cần có linh hồn làm việc “bắc cầu”. Linh hồn đầu thai là sinh, linh hồn tách rời thân xác là chết.

Quan hệ giữa linh hồn và thân xác giống quan hệ giữa chủ hộ với nhà cửa: nhà cũ đổ nát thì chủ nhân dọn đến nhà mới. Phật giáo coi nhẹ thân xác, nên khi một người chết thì người ta đốt xác, bỏ tro xuống sông để dòng nước cuốn đi. Đó là sự diễn giải linh hồn, thân xác theo quan điểm của Phật giáo bình dân, nguồn cảm hứng vô tận cho văn học nghệ thuật hướng đến đời sống dân sinh.

Truyện Kiều, một tác phẩm tràn đầy cảm quan phật giáo cũng cho ta thấy quan niệm người bình dân (có lẽ ngay cả Nguyễn Du?) về linh hồn và thể xác. Nguyễn Du nói “Xác là thể phách hồn là tinh anh”. Trong Truyện Kiều có ba lần hồn Đạm Tiên về báo mộng cho Thúy Kiều. Lần một, là buổi tối ngày tảo mộ: “Chênh chênh bóng nguyệt kế mành/ Tựa ngồi bên triện một mình thiu thiu/ Bỗng đâu thấy một tiểu kiều….”. Lần hai, khi Kiều tự vẫn ở lầu xanh, Kiều ngất đi, “Trong mê dường đã đứng bên một nàng/ Rỉ rằng: “Nhân quả dở dang…”. Và lần ba, Kiều tự vẫn tại sông Tiền Đường được sư Giác Duyên vớt lên: “Nàng còn thiêm thiếp giấc vàng chưa phai/ Mơ màng phách quế hồn mai/ Đạm Tiên thoắt đã thấy người ngày xưa”. Quan điểm về linh hồn (nói chung là quan điểm về thế giới siêu hình) tạo nên một bộ phận hình tượng trong Truyện Kiều, hiện diện suốt toàn bộ tác phẩm.

Về đạo Mẫu với hiện tượng nhập hồn. Đạo Mẫu là một tín ngưỡng cổ xưa và phổ biến ở Việt Nam. Nó không chỉ có trong thực hành tín ngưỡng của dân chúng mà còn được thể hiện qua rất nhiều những huyền thoại, truyện cổ tích, trong các nghệ thuật như múa, âm nhạc. Chẳng hạn các bài hát văn ở Mẫu Tam phủ, Tứ phủ kể về lai lịch của Thánh Mẫu. Văn học viết thời trung đại có nhiều mô tả về các hoạt động của Đạo Mẫu. Tiểu thuyết hiện đại Mẫu thượng ngàn nổi tiếng của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh cũng in đậm dấu ấn của tín ngưỡng này. Điều ấy cho thấy Đạo Mẫu luôn tồn tại trong văn hóa và văn học Việt Nam. Trong Đạo Mẫu có nghi lễ quan trọng là hầu đồng, một hình thức diễn xướng với vũ đạo và âm nhạc, tạo nên không khí đặc biệt để nhập đồng.

Người ta quan niệm các thần linh có thể nhập vào thân xác các “thầy đồng”, nam hoặc nữ để phán truyền những thiên cơ, ban phát phúc phận cho các con nhang đệ tử. Khi thần linh nhập vào thân xác ông đồng, bà đồng thì xuất hiện trạng thái lên đồng, họ không còn là mình, nói ngôn ngữ của mình nữa mà nói năng, hành động theo cách của các vị thần nhập vào họ. Trong các vị thần linh thì Thánh Mẫu ở vị trí cao nhất, cai quản các vùng khác nhau của đất nước và toàn vũ trụ. Sau Thánh Mẫu là các Quan và các Chầu. Nghi lễ nhập đồng thể hiện quan điểm của người Việt về linh hồn và thể xác như những thực thể tách rời, linh hồn “đi” lang thang, có thể nhập vào thân xác khác, linh hồn cao quý có thể nhập vào thân xác phàm tục.

Nhận xét về quan niệm linh hồn- thể xác của người Việt “thời bán khai”, nhà nghiên cứu Nguyễn Đổng Chi nêu các khía cạnh sau: a. Linh hồn bất diệt theo luân hồi; b.Thân xác người cũng như cỏ cây, động vất là chỗ trú ngụ của linh hồn; c. Ngoài cõi người còn ba cõi nữa là cõi trời, cõi nước và cõi âm. Mỗi cõi đều có vua quan, dân chúng, giàu sang, nghèo hè.; d. Thần tiên, ma quỷ cũng có phân biệt thiện và ác, có hạng đáng thương, có hạng đáng ghét. Nguyễn Đổng Chi khẳng định: “đó là vũ trụ quan của người Việt từ thời bán khai đến nay”. Vũ trụ quan này là cơ sở của văn hóa dân gian truyền thống Việt.

Cốt truyện ‘hồn nọ-xác kia” còn thấy trong một tác phẩm nữa mà chắc chắn Lưu Quang Vũ có biết và kế thừa, đó là vở tuồng Trương Đồ Nhục của Nguyễn Hiển Dĩnh (1853-1926) nhà hoạt động sân khấu tuồng nổi tiếng đất Quảng Nam (Điện Bàn). Tên ông ngày nay đã được dùng đặt cho nhà hát tuồng của thành phố Đà Nẵng. Sinh ra ở Quảng Nam, do học hành, đỗ đạt, ông được nhà nước đương thời cử đi trị nhậm nhiều nơi, nên có điều kiện hiểu biết văn hóa nhiều vùng đất nước. Ông từng làm tri huyện ở Điện Bàn, bổ chính ở Khánh Hòa, tuần phủ ở Quảng Trị, Phủ thừa ở kinh đô Huế. Ở nơi nào ông cũng tiếp xúc gần gũi với dân địa phương, tổ chức phát triển văn hóa nghệ thuật, nhất là nghệ thuật hát bội. Ông là tác giả của hàng chục vở tuồng, nội dung hướng đến phản ánh và phê phán xã hội thông qua ngôn ngữ kịch đặc trưng. Phong cách kịch của ông rất nhiều những yếu tố văn hóa dân gian bản địa, ít ngôn từ Hán Việt. Các vở nổi tiếng như Lục Vân Tiên, Giáp kén xã nhộng, Phong Ba Đình, Trương Đồ Nhục.

Trương Đồ Nhục là một vở tuồng thuộc loại bi hài kịch được phóng tác từ truyện cổ dân gian Hồn Trương Ba, da hàng thịt với nhiều sáng tạo độc đáo. Vở kịch có lẽ xuất hiện vào những năm đầu thế kỉ XX. Tác phẩm có sự thay đổi rất nhiều so với truyện dân gian, nhằm hướng đến việc phản ánh và phê phán xã hội đương thời. Cũng như truyện cổ dân gian, kịch tính bắt đầu do sự nhầm lẫn, song sự nhầm lẫn ngoài trần thế chỉ là thứ yếu, vẫn có thể khắc phục được nếu bộ máy thực hành, tức hệ thống quan lại trong xã hội có trách nhiệm hơn. Nhưng không, bộ máy xã hội lại làm tăng các nhầm lẫn, do sự vô trách nhiệm, tham ô của quan lại các cấp. Họ phát hiện ra sai sót, nhưng càng sửa càng sai.

Trương Đồ Nhục làm nghề đồ tể, chuyên sát sinh, bị Diêm Vương sai quỷ sứ bắt xuống âm phủ để trị tội. Quỷ sứ do Thổ địa dẫn đường đã bắt nhầm Trương Thiền sư. Diêm vương muốn sửa sai, nhưng xác Trương Thiền sư đã bị hỏa táng liền ra lệnh bắt hồn Trương Đồ Nhục xuống âm phủ, còn đưa hồn Trương Thiền sư trở lại dương gian. Xung đột kịch phát triển đến đỉnh điểm trong cảnh tranh giành chồng giữa vợ anh hàng thịt Trương Đồ Nhục và Nhà chùa. Nếu trong truyện dân gian sự tranh chấp chỉ là giữa hai người phụ nữ, thì tính biểu tượng của kịch Nguyễn Hiển Dĩnh có ý nghĩa khái quát hơn. Cuộc tranh chấp tình cảm cá nhân được thay thế bằng cuộc tranh chấp giữa hai lực lượng xã hội: Đời (gia đình nhà hàng thịt, đại diện cho quan điểm sát sinh) và Đạo (nhà chùa, đại diện quan điểm phi sát sinh).

Cuối cùng là màn phán xử để xác định “con người này” là Trương Thiền Sư hay Trương Đồ Nhục? Cách xử kiện rất đặc trưng cho văn hóa thời trung đại: sự thật sẽ bộc lộ qua văn thơ. Nhân vật biết làm thơ mà không biết mổ lợn. Nhà chùa đã thắng. Vợ anh hàng thịt Tuyết Nương dẫu rất buồn và đau khổ, song cũng đành lòng chấp nhận phán xử của quan tri huyện: “Xác Đồ Nhục tạm giao cho chư tăng giữ. Đợi khi nào hồn Thiền Sư về cõi thiên thai thì xác Đồ Nhục phải trả cho Tuyết thị”. Vở Trương Đồ Nhục như bài ca chiến thắng của Đạo, cụ thể hơn của đạo phật đối với thế giới trần tục.

Lưu Quang Vũ sinh ra ở tỉnh ở Phú Thọ, tuổi thơ sống ở vùng Kháng chiến Việt Bắc, sau năm 1954 sống ở Hà Nội cho đến cuối đời. Văn hóa vùng Bắc Bộ như vậy là nền tảng quan trọng cho nghệ thuật của ông. Những triết lí, tín ngưỡng, văn học dân gian của vùng văn hóa Bắc Bộ dễ dàng thành chất liệu cho ông sáng tạo. Trong khi đó, cha ông, nhà viết kịch Lưu Quang Thuận (1921-1981) lại là người gốc Quảng Nam- Đà Nẵng, sáng tác kịch nghệ và văn học từ trước năm 1945 ở dịa phương. Sau 1954, Lưu Quang Thuận tiếp tục hoạt động trong giới sân khấu ở Hà Nội. Gia đình họ thực sự là gia đình nghệ sĩ. Những điều ấy cho phép ta khẳng định dứt khoát rằng Lưu Quang Vũ biết rất rõ hai tác phẩm đã nói trên.

Vở kịch của Lưu Quang Vũ không phải là sự giải thích hiện tượng lạ (truyện cổ tích), cũng không phải là bằng chứng cho sự chiến thắng của Đạo (Trương Đồ Nhục), nó là nhận thức về đời sống xã hội và triết luận về quy luật của tồn tại. Đây không còn chỉ là vấn đề hồn và xác mà là vấn đề quan hệ biện chứng giữa tinh thần và thể chất, hình thức và nội dung, vấn đề con người cần được phát triển hài hòa cả thể xác lẫn tinh thần.

Trong vở kịch, đường dây sự kiện, nhiều tình tiết của các tác phẩm tiền thân vẫn còn đó, song vai trò của chúng trong cấu trúc văn bản, nội dung tư tưởng của chúng đã có nhiều thay đổi. Cũng như trong cải tạo giao thông, những cung đường, những ngã tư vẫn còn ở vị trí đó, song con đường đã mở rộng, chất lượng mặt đường và cảnh quan đã khác nhiều. Điều quan trọng nhất, cách tân quyết định nhất trong vở kịch là Lưu Quang Vũ đã đưa lại cho hình thức (thể xác anh hàng thịt) một nội dung ngữ nghĩa mới. Thân xác không còn là túi đựng linh hồn mà là thực thể độc lập, có tiếng nói, có phát triiển và hơn nữa làm biến đổi cả linh hồn.

 “Hồn Trương Ba” (thực thể kì dị) lúc đầu chỉ thấy :vướng víu, khó chịu với tình trạng hồn nọ - xác kia, dần dần đã biến đổi theo quy luật thích ứng dần. Thân xác anh hàng thịt đòi hỏi cơm, rượu nhiều hơn, tiếng quát to hơn, cú tát mạnh hơn, khác hẳn ông Trương Ba ngày xưa, một người làm vườn hiền lành, đạo đức, có phần nho nhã. Cửa hàng bán thịt mà Hồn Trương Ba tiếp quản càng ngày càng bị khách hàng kêu là “cân điêu, bán đắt”. Đỉnh điểm của cuộc xung đột là “Vật kì dị” (Hồn Trương Ba) đã không còn hứng thú với khu vườn, không còn biết chơi cờ, đã  xiêu lòng trước tình cảm, dục cảm của vợ anh hàng thịt. Hệ quả, bàn cờ bị đập vỡ, bạn tuyệt giao, vợ quyết định bỏ đi, cháu đuổi ông khỏi nhà, con trai mắng “ông không phải là bố tôi”. Cô con dâu, người thấu hiểu, thông cảm với tình thế của ông cũng phải nói: “Thầy bảo con cái bên ngoài là không đáng kể, chỉ có cái bên trong là quan trọng, nhưng con sợ lắm, con đau đớn thấy thầy mỗi ngày một đổi khác, mỗi ngày mất mát dần, đến nỗi có lúc con không nhận ra thầy nữa…”. Đó là đỉnh điểm, nút thắt của vở kịch, cần được giải quyết. Nhân vật đã ‘thức tỉnh”, ý thức về sự tồn tại vô lí của mình (một thực thể kì dị) và tìm đến cái chết. Vở kịch Hồn Trương Ba da hàng thịt là một vở bi kịch thực sự.

Quan điểm hình thức (thân xác) là một thực thể độc lập, chủ động, có “tiếng nói” của nó, thể hiện qua màn đối thoại giữa hai thực thể “Xác hàng thịt” với “Hồn Trương Ba” sau đây:

 _- Xác hàng thịt: Cái linh hồn mờ nhạt của ông Trương Ba khốn khổ kia ơi ông không thể tách khỏi tôi được đâu, dù tôi chỉ là thân xác.

    -Hồn Trương Ba: A, mày cũng có tiếng nói cơ à? Vô lí, mày không thể biết nói. Mày không có tiếng nói mà chỉ là xác thịt âm u, đui mù.

    -Xác hàng thịt: Có đấy! Ông đã biết tiếng nói của tôi rồi! Đã bị tiếng nói ấy sai khiến.  Chính vì âm u đui mù mà lắm khi tôi có sức mạnh ghê gớm lắm khi át cả linh hồn cao khiết của ông đấy…

     -Hồn Trương Ba: Mày đã thắng thế rồi đấy…mày đã tìm mọi cách để lấn át ta

      Kết thúc màn đối thoại: Xác hàng thịt: Đấy cuối cùng ông đã phải gọi tôi là anh rồi đấy (trước đó toàn gọi là “mày”).  Thân xác đã được tôn trong, một nhận thức mới đã hiện diện, một thời đại mới đã hé lộ.

 Tinh thần của vở kịch còn cho thấy tác giả coi thân xác (hình thức, vật chất) không chỉ “có tiếng nói” mà còn có ý nghĩa, vai trò tích cực: nhiều việc được giải quyết dễ dàng, cuộc sống sinh động hơn, thành thật với chính mình hơn. Vở kịch của Lưu Quang Vũ ra đời vào nửa đầu những năm 80, trong hoàn cảnh xã hội khó khăn về kinh tế, xã hội có những mâu thuẫn, quan niệm về phát triển con người đang có thay đổi.

Sau nhiều thập kỉ đất nước chiến tranh, ý chí, tinh thần, lí tưởng là yêu cầu cao nhất đối với xã hội, với mỗi con người, những yêu cầu vật chất thành “cái thứ hai”. Giờ đây, yêu cầu phát triển hài hòa đã xuất hiện, các yếu tố vật chất được coi trọng, thân rhể cần mạnh mẽ hơn. Ngay trong lĩnh vực sáng tạo văn học, nghệ thuật, tầm quan trọng của các yếu tố hình thức được nhấn mạnh, thậm chí người ta đã nói đến chủ nghĩa hình thức. Và chỉ vài năm sau thời điểm ra đời của vở kịch này, cuộc thi hoa hậu lần thứ nhất sẽ bắt đầu. Và tiếp theo là những cuộc trình diễn thân thể sôi động, hào nhoáng đã diễn ra. Trong vở kịch, như vậy có những tín hiệu đầu tiên báo hiệu thời kì “ca tụng thân xác” đang đến.

Kịch Lưu Quang Vũ là cuộc đối thoại mạnh mẽ trên vị trí của những yêu cầu mới trong xã hội. “Vật kì dị” cần bị loại bỏ, như mong muốn của “người anh hùng bi kịch” Trương Ba. Đoạn kết của vở bi kịch nói về những đứa trẻ cần được sống hạnh phúc như “trẻ con thật sự”, linh hồn nào thì thân xác ấy. Điều đó khiến tác phẩm bi kịch có sắc thái bi kịch lạc quan theo tinh thần của Chủ nghĩa hiện thực XHCN.

Lưu Quang Vũ để lại một di sản kịch nghệ lớn, có những vở kịch xuất sắc với những biểu tượng độc đáo, giàu ý nghĩa và tầm khái quát. Trong đó, các vở bi kịch Nguồn sáng trong đời, Hồn Trương Ba da hàng thịt phải được nêu tên trước hết. Cùng với các biểu tượng mang trong mình, chúng sẽ sống mãi với thời gian./.