Cây bút Huỳnh Dũng Nhân tổng kết hành trình 70 năm với tuyển tập các tác phẩm báo chí và văn chương, được ra mắt nhân dịp Hội báo xuân toàn quốc 2024.
Cây bút Huỳnh Dũng Nhân quen thuộc với bạn đọc trên cả
hai lĩnh vực báo chí và văn chương. Nếu tính từ những bài thơ đầu tiên được
đăng báo thì đến nay cây bút Huỳnh Dũng Nhân đã có 50 năm theo đuổi văn chương và
40 năm làm báo chuyên nghiệp.
Nổi bật bằng thể loại phóng sự, cây bút Huỳnh Dũng Nhân
chinh phục độc giả qua những tập phóng sự “Ăn Tết trong rừng chó sói”, “Ký sự xuyên
Việt”, “Tôi đi bán tôi”, “Những người đi trong gió”, “Kính thưa Ô Sin”… Thời
thanh niên, Huỳnh Dũng Nhân đã thực hiện hai chuyến xuyên Việt bằng xe máy. Thế
nhưng, đồng nghiệp càng nể phục, sau khi bị tai biến vào năm 2021 thì Huỳnh Dũng
Nhân vẫn nỗ lực thực hiện chuyến xuyên Việt lần thứ ba để viết và vẽ.
Trong địa hạt văn chương, cây bút Huỳnh Dũng Nhân mang
đến các tập sách thiếu nhi “Nối dây cho diều”, “Những vòng sóng”, “Nghệ sĩ Đặng
Thái Sơn - Lãng mạn cùng cá sấu”, tập truyện ngắn “Ba hồi chuông” và tập tản văn
“Giọt lệ giữa trời”, “Sao băng”, “Chúng tôi một thời mũ rơm mũ cối”…
Thể loại mà cây bút Huỳnh Dũng Nhân dành nhiều ưu tư là
thi ca. Các tập thơ của Huỳnh Dũng Nhân đã xuất bản, gồm có “Dã quỳ tím”,
“Tự tình với Facebook”, “Ký ức chao nghiêng”, “Bỗng lại hờn lại nhớ”, “Riêng một
góc nhìn”, “Một chút riêng tư”, “Ngoảnh lại thương yêu”, “Trường ca Tôi”...
Không chỉ tác nghiệp báo chí, Huỳnh Dũng Nhân còn tham
gia đào tạo báo chí. Nhiều năm ông đảm nhận vai trò giảng viên bộ môn phóng sự để
truyền lửa nghề nghiệp cho thế hệ sau. Hai món “đạo cụ” được Huỳnh Dũng Nhân
mang đến sinh viên là tập “Phóng sự- Từ giảng đường đến trang viết” và tập “Để
viết phóng sự thành công”.
Năm ngoái, nhà báo kiêm nhà thơ Huỳnh Dũng Nhân phát hành
hồi ký “40 năm, đi yêu và viết”. Bây giờ, ông ra mắt tuyển tập “Huỳnh Dũng
Nhân- Cuộc đời và cây bút” với nhiều tâm
sự gửi gắm: “Hãy coi cuốn sách là một kỷ niệm của cuộc đời cầm bút của tôi gửi
tặng gia đình và bạn bè, đồng nghiệp”.
Say mê với báo chí và văn chương suốt nửa thế kỷ như Huỳnh
Dũng Nhân cũng là một trường hợp đặc biệt. Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi ông
bày tỏ: “Cây bút nói lên tình yêu con người, tình yêu cuộc sống của tôi. Bỏ cây
bút ra là tôi thất nghiệp, vô dụng. Vì thế tôi cảm ơn cây bút đã đem đến cho
tôi tất cả những gì tôi có được trong một lần được sống chứ không phải tồn tại
trên cuộc đời ngắn ngủi này”.
T.H