Thơ của ta hiện nay có diện nhưng không có đỉnh. Tìm ra được một gương mặt mới, một hiện tượng thơ mới, bây giờ thật là khó. Những bài thơ đèm đẹp, vô thưởng, vô phạt hơi nhiều. Những bài thơ không sạch nước cản rất sẵn, lại đẻ non, rất sẵn.


 TẢN MẠN THƠ

ĐẶNG HUY GIANG

 

1.

Lâu nay, trong dân gian, nhiều người truyền miệng nhau hai câu ca dao rất vỉa hè: “Gặp nhau, tay bắt mặt mừng/ Tặng gì thì tặng xin đừng tặng thơ” và tỏ ra khoái trá ra mặt. Đó là hai câu bầy tỏ thái độ thiếu tôn trọng và có ý giễu cợt đối với người làm thơ. Đây là một thái độ không đứng đắn và mang nặng chất bông lơn, bỡn cợt. Đơn giản vì làm thơ là quyền của mọi người. Đơn giản vì người làm thơ, dù có thế nào, ít nhiều vẫn mang hơi hướm hướng thiện trong mình. Còn việc làm ra thơ thế nào? Và là gì? Lại là một việc hoàn toàn khác.

Theo tôi, hai câu ca dao trên chỉ phản ánh một thực tế: Càng ngày càng có nhiều người làm thơ, càng ngày càng có nhiều tập thơ được cấp phép quá dễ dãi...Dễ dãi đến mức mà sinh thời, nhà thơ Quang Huy - giám đốc Nhà xuất bản Văn hóa Thông tin (1985 – 1999), có lúc phải thốt lên: “Cái đáng chống nhất mà không chống, đó là chống chất lượng nghệ thuật yếu kém”. Từ hai câu ca dao trên, cho phép chúng ta được suy ra: Dân tộc ta là một dân tộc yêu thơ và dân tộc ta cũng là một dân tộc có quá nhiều người làm thơ.

Năm ngoái, có một cuộc hội thảo về thơ khiến nhiều nhà thơ ở các CLB thơ không khỏi mếch lòng. Có người có rằng, thơ nghiệp dư đang làm hại thơ chuyên nghiệp và có ý kiến quay ra chỉ trích, đổ tại cho thơ nghiệp dư, làm như thơ chuyên nghiệp không hay là do lỗi ở thơ nghiệp dư không bằng. Nước sông không phạm nước giếng. Thơ nghiệp dư là thơ nghiệp dư, thơ chuyên nghiệp là thơ chuyên nghiệp, nào có ảnh hưởng gì đến nhau. Gỗ thì nổi, đá thì chìm...

Cuối cùng, chỉ thơ hay là còn mãi. Đến đây, cũng phải nói lại cho rõ: Nói nghiệp dư hay chuyên nghiệp trong thơ như vậy, cũng chưa thật chuẩn cho lắm. Vì chuyên nghiệp là phải sống bằng nghề của mình. Trong khi ở ta, đã có nhà thơ nào sống được, cụ thể là mưu sinh được bằng thơ đâu! Mà chẳng phải chỉ ở xứ ta, tôi dám chắc ở nhiều quốc gia trên thế giới, cũng vậy!

Nên chăng nên chia thơ ra là hai loại: “Phong trào” và “nâng cao”? Trong lĩnh vực thể dục thể thao, người ta đã chia ra như thế từ lâu rồi. Nếu coi thơ như một nội dung chạy trong môn điền kinh chẳng hạn, thì “phong trào” là chạy vì sức khoẻ, còn “nâng cao” là chạy vì thành tích. Chạy vì sức khoẻ thì ai cũng có thể làm được. Còn chạy vì thành tích thì phải có huấn luyện viên, phải có chế độ tập luyện, tập huấn, thi đấu thường xuyên và riêng biệt.

Nhưng nếu chia như thế, chắc chẳng sẽ rất ít ai chịu nhận mình là “thơ phong trào” cả? Vì sao? Vì cái cố tật “văn mình vợ người” từ lâu đã ăn vào máu của những ai trót cầm bút. Cũng ít có người nghĩ là làm thơ là để làm chơi, mà đa phần lại là để...làm thật.

    

2.

Có người bảo: Thơ hay ngoài những tiêu chí cần có, còn có thêm một tiêu chí nữa: Độ phổ biến. Xa xưa, đúng là một bài thơ hay cũng là một bài thơ có độ “phủ sóng” cao, được nhiều người thuộc và chép vào sổ tay thật! Ấy là thời văn chương nói chung, thơ nói riêng còn được quan tâm và có vị trí độc tôn. Còn bây giờ thì khác, hoàn toàn khác. Thị phần đọc ngày càng bị co hẹp đến mức thảm hại, nhường chỗ cho thị phần nghe - nhìn và các thị phần khác. Ở thời hiện đại, con người ta nhìn bận bịu đủ thứ, chịu áp lực đủ thứ, chất lãng mạn giảm, chất thực tế, thực dụng tăng. Cho nên, nếu nhiều độc giả có nhắc đến tác phẩm của một nhà thơ nào đó (trừ những tác giả đã trở thành kinh điển) thì cũng đã là chuyện xảy ra đã lâu rồi. Nhiều độc giả chỉ đọc đến đấy thôi và không cập nhật thêm nữa. Cho nên, bây giờ nói đến độ phổ biến của một bài thơ, nghe hoang đường quá!

Nói không quá thì độc giả văn chương ở ta đã đứt quãng từ lâu rồi, ít ra là vài chục năm. Nói một cách khác: Độc giả văn chương kiểu này chỉ nhớ gì đã đọc từ lâu rồi, chỉ giữ cái cũ, không nạp thêm cái mới. Cho nên, có một số nhà văn, đặc biệt là nhà thơ thời hiện đại, đã “ăn” vào quá khứ, thậm chí đến cả váng của quá khứ nữa, từ lâu rồi. Đấy là nói về độc giả thuần túy. Còn độc giả không hoàn toàn thuần túy (các nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình, nghiên cứu văn học - nói chung là người trong giới) cũng ít. Nhiều người không đọc của nhau và cũng không biết bạn văn, bạn thơ của mình viết gì. Đó là dấu hiệu đáng báo động.

Nhà văn Sương Nguyệt Minh, có lần kể lại: “Năm ấy, một nhà văn ở TP Hồ Chí Minh là thành viên Hội đồng Văn xuôi Hội Nhà văn, tham gia khi bỏ phiếu qua điện thoại. Nhà văn này bảo tôi: Chưa thể bỏ phiếu được vì chưa đọc các tác phẩm dự giải. Nhưng chỉ nửa tiếng sau, ông đọc vanh vách tên những tác phẩm dự kiến xếp giải. Tôi bèn hỏi lại: Bác đọc nhanh thế! Mới nửa tiếng đồng hồ mà đọc xong và thẩm định cả chục cuốn tiểu thuyết, truyện ngắn? Thực là kỳ tài!”

Cách nay trên một thập kỷ, một nhà văn Ru-ma-ni khi sang thăm Việt Nam nói: “Thời buổi này là thời buổi ăn liền và người thưởng thức thích những gì tiện lợi tức thì kiểu ăn liền. Nằm ngửa ra cái ghế, người ta có thể thưởng thức phim ảnh, được thế nào thì được, được đến đâu hay đến đó...Vừa xem phim, vừa lơ mơ ngủ, cùng không sao. Còn đọc một cuốn sách, nhất là một cuốn sách dày dặn, đó là một hành trình cô đơn. Mà hành trình cô đơn thì bao giờ cũng đòi hỏi một nghị lực nhất định, một sự kiên trì nhất định, một khoảng thời gian nhất định...

 

3.

Thơ của ta hiện nay có diện nhưng không có đỉnh. Tìm ra được một gương mặt mới, một hiện tượng thơ mới, bây giờ thật là khó. Những bài thơ đèm đẹp, vô thưởng, vô phạt hơi nhiều. Những bài thơ không sạch nước cản rất sẵn, lại đẻ non, rất sẵn. Những bài thơ mang giá trị hữu ích, có ảnh hưởng tốt về mặt mỹ cảm rất hiếm. Những bài thơ có ý, có tứ cũng rất hiếm. Những bài thơ có giá trị về mặt tư tưởng thì chẳng khác gì “sao buổi sớm”, “lá mùa thu”...Có vẻ như nguyên khí không còn mấy. Xu hướng “mủi lòng”, “rên rỉ”, “làm trò làm vè”, “bế tắc”...ngày càng có xu hướng gia tăng. Đã thế, việc định giá thơ theo lối không khách quan, cánh hẩu, ngoài văn chương...đang thắng thế. Hiện tượng này khiến những người làm văn chương đích thực hoặc nản lòng, hoặc mất niềm tin.

 Về những nhà thơ “làm trò làm vè”, biến thơ thành “trò chơi hình thức”, từng bị nhà thơ lớn Chế Lan Viên nhắc nhở: “Những nhà thơ mất giá/ Lại thường hay đổi tiền/ Mong dùng nhiều chữ lạ/ Lừa người tiêu quá quen”.

Nhà thơ Thi Hoàng có lần tâm sự: “Nếu ví thơ là những hạt gạo thì dứt khoát chúng phải là thứ thật, không phải là thứ giả. Gạo ni lông đẹp thật, lóng lánh sắc màu thật nhưng có ăn được đâu. Hoa giả cũng thế! Chúng đâu có hương, có sắc. Nói một cách nôm na, nếu làm thơ như nấu một món ăn. Phải có thực phẩm (như thịt lợn chẳng hạn) đã, rồi mới bàn đến món luộc, món xào hay món nướng...Nếu không có cái ban đầu ấy, chắc chắn chỉ nói loanh quanh. Không có gì mà làm thành có gì, một là khó lắm, hai là không thể làm được.

Có độc giả hỏi tôi: Bài thơ này viết gì mà tôi không hiểu. Tôi trả lời: Bài thơ này có gì đâu mà hiểu. Còn làm thơ mà cứ  như chơi trò hũ nút thì có khác gì đánh đố người đọc. Nên nhớ, dẫu thơ anh có khép kín đến đâu, cũng phải có một cái khe (có thể mỏng như lưỡi dao cạo) để người đọc có chỗ mà lách vào”.

Lại hiếm hoi có nhà thơ bảo: “Tôi làm thơ mà người khác hiểu được, tôi hiểu được, thì làm thơ làm gì!”. Làm thơ không để người khác hiểu mình...Vậy thì anh làm thơ để làm gì? Còn anh đề cao mình đến mức làm thơ không để mình hiểu, thì chỉ có hai trường hợp xảy ra. Một, anh là thiên tài. Hai, anh là người tâm thần phân liệt thể hoang tưởng. Theo tôi, trường hợp thứ nhất: Rất hy hữu; còn trường hợp thứ hai: Rất phổ biến. Xét cho cùng thì đây cũng là một cách nói có chất ngụy biện mà thôi!

Xa xưa, thi hào Cao Bá Quát bảo: “Người đẹp không ở áo/ Thơ hay thường ít lời”. Vậy mà thơ ta ngày nay, có người vẫn nhiều lời. Nhiều lời mà ít ý, đã là dở. Nhiều lời không có ý gì, lại càng dở hơn. Có người vẫn viết theo kiểu nói lấy được ấy.

 

 4.

B. Brecht là một thần tượng thơ của tôi. Trong thơ, B. Brecht mâu thuẫn giữa chủ nghĩa duy lý đậm nét trong tư duy với trí tưởng tượng đầy ắp cảm xúc từ hiện thực đã mang đến sự kết tinh cô đọng, vượt xa cả ý đồ sáng tác một cách có ý thức. Thơ ông giản dị, khó làm. Ông là người để lại nhiều “vết chém” trong nghệ thuật mà không mấy trong đời làm nổi. Ông là người tiên phong trong lĩnh vực thơ định đề. Xin được nêu hai bài thơ của ông làm ví dụ.

Bài thứ nhất:

CHỜ THAY LỐP XE

Tôi ngồi xuống lề đường

Chờ người lái xe thay lốp mới

Nơi tôi ở không còn gì chờ đợi

Nơi tôi đi cũng chẳng có gì hơn!

 

Vậy sao tôi vẫn trông

Sốt ruột thay lốp mới.

(Bản dịch của Bằng Việt)

 

Bài thứ hai:

SỢI DÂY THỪNG BỊ ĐỨT

Sợi dây thừng bị đứt

có thể buộc nối lại

Nhưng dẫu sao

thừng cũng đã đứt rồi

 

Có thể

hai ta còn tái ngộ

nhưng ở nơi

tôi bị em từ bỏ

sẽ chẳng bao giờ gặp được tôi đâu

(Bản dịch của Quang Chiến)

Tên cả hai bài thơ đều không thơ, bình thường đến mức không thể bình thường thêm nữa. Cả hai bài thơ đều không có câu thơ nào thật thơ. Cũng chẳng cần phải tu từ, sử dụng thủ pháp trau dồi ngôn ngữ nào cả. Và hai hiện tượng đều rất phổ biến, ai cũng có thể chứng kiến, ai cũng có thể gặp trong đời, rất nhiều người đã bỏ qua. Vậy mà chỉ có B. Brecht nhìn ra cái khác thường trong cái bình thường ấy. Diễn nôm ra thì...xe tôi hỏng lốp, phải thay lốp mới. Nơi tôi ở không có gì chờ đợi. Nơi tôi đi cũng chẳng có gì hơn. Thế mà tôi vẫn sốt ruột mong lốp xe được thay thật nhanh. Tại sao vậy? Vì bản thân tôi cũng như mọi người, vẫn phải đi, vẫn phải sống. Phải đi, phải sống chính là cái cốt lõi của tứ thơ.

 Tương tự, một chuyện đời thường diễn ra ở bài “Sợi dây thừng bị đứt”: Đứt thì phải nối lại và có nối lại thì nó vẫn làm sợi dây bị đứt. Như đôi chúng ta đã chia tay nhau, rất có thể sẽ nối lại (“tái ngộ”), nhưng chúng ta sẽ chỉ lại bắt đầu từ mối nối (nơi “tôi bị em từ bỏ”) ấy mà thôi! Tứ thơ trở nên khác lạ là ở điểm này.

 Ở ta, tôi nể trọng Trần Dần. Đánh giá cao thơ ông qua những bài thơ ngắn. Trong 13 bài thơ mini của Trần Dần, thơ ông vừa có tâm thế, vừa có tâm tình, vừa  giàu trải nghiệm, vừa tràn đầy nhân bản, lại hết sức cô đọng, khúc chiết:

1. Tất cả diễn ra trong khói một tia nhìn.

 

2. Tôi khóc những chân trời không có người bay

Lại khóc những người bay không có chân trời.

 

3. Tất cả những gì tôi có đều do tôi sắm lấy

Bằng-nhiều-mất-ngủ-chân-mây.

 

4. Chưa hưởng mùa xuân đã phải chịu mùa hè.

 

5. Phải chịu đau rồi mới hết đau.

 

6. Mưa rơi không cần phiên dịch.

 

7. Tôi như kẻ đi đày trên sa mạc tờ giấy.

 

8. Người ta thích nói thi sĩ đầu bù

Nhưng nếu anh cạo trọc đầu

Người ta lại nói: Nhà thơ đầu trọc.

 

9. Tôi không thừa nhận một thứ thơ nào nhân tạo

Mà không có khổ đau và nổi loạn.

 

10. Em hãy giữ gìn đôi mắt lệ

Đừng lau mắt lệ hạ huyền

Nỗi buồn sáng thế còn nguyên.

 

11. Ở trong tôi còn một tia hy vọng mồ côi.

 

12. Tôi chẳng muốn mang sang gì cả

Nỗi buồn ga cuối còn nguyên.

 

13. Hãy ôm thế giới này, tha thứ cho nó

Hãy thắp sáng mọi chòm cao cũ

Cả những vì sao đá tắt lụi từ lâu.    

Theo tôi, thơ hay là thơ có tư tưởng, giản dị mà sâu sắc, giản dị mà khó làm, làm khác thường những điều bình thường hoặc phát hiện ra những điều khác thường trong những điều bình thường. Và đó là cách đích muôn đời  mà nhân loại đã, đang và sẽ hướng tới.