Trấn Thành là một người làm rất tốt khâu marketing cho phim và bản thân anh cũng xác định rất tốt đối tượng khán giả - khách hàng của mình. Anh là một doanh nhân điện ảnh chuyên nghiệp và giỏi.
Xung quanh bộ phim MAI ăn khách
Kỳ 2: Yếu tố giải trí đè bẹp giá trị nghệ thuật
HÀ THANH VÂN
Bộ phim “Mai” không chỉ gợi nhớ đến những motif quen
thuộc trong một số phim Hàn Quốc, mà còn khiến khán giả mê phim nhớ đến phim
“Call me Chihiro” của Nhật Bản chiếu năm 2023, với kiểu nhân vật làm nghề nhạy
cảm, bị kỳ thị, song vẫn khát khao được sống hạnh phúc. Và dĩ nhiên khán giả sẽ
dễ có liên tưởng so sánh. Riêng Trấn Thành thì ngoài việc học hỏi motif, anh
còn tham lam dồn ghép nhiều chủ đề vào phim “Mai” đến mức không cần thiết,
thành ra bộ phim mang đến quá nhiều thông điệp, làm cho phim vừa rối rắm lại vừa
loãng. Nếu như chỉ tập trung vào mối tình chị em giữa Mai và Dương cùng với
hoàn cảnh giàu nghèo, tiết chế lại những ồn ào nơi chung cư hay spa thì mạch
phim sẽ chặt chẽ hơn.
Một số cảnh quay lấy cảm hứng từ những phim nổi tiếng
của thế giới, nhưng chưa thật sự làm mãn nhãn người xem, thậm chí còn khá vụng
về. Chẳng hạn như cảnh Mai và Dương bước bên nhau trong bóng tối đan xen ánh
sáng ở chung cư lấy cảm hứng từ bộ phim “Tâm trạng khi yêu” của Vương Gia Vệ. Cảnh
Mai và Dương khiêu vũ với âm nhạc gợi nhớ bộ phim “La La Land” của Mỹ. Một số cảnh
quay trong phòng chung cư gợi nhớ đến bộ phim đình đám “Ký sinh trùng”
(Parasite) của Hàn Quốc… Một số lời thoại và cảnh quay hành động của nhân vật gợi
nhớ đến phim của Châu Tinh Trì chẳng hạn như những lời thoại: “Anh muốn làm bạn
trai em”, “Vì sao anh thích em?”, nhân vật nắm tay nhau, đi xe máy với nhau…
KOL chuyên phê bình điện ảnh Lê Minh Mẫn (Robbey) nhận xét: “Trấn Thành luôn muốn
chứng tỏ bản thân đang làm nghệ thuật, chứ không đơn thuần là một trường hợp
thùng rỗng kêu to. Thế nên, cứ nhắm nhắm tác phẩm nghệ thuật nào của thế giới
được đại chúng đón nhận, Trấn Thành sẽ cố bê những đặc sắc của thiên hạ vào
phim mình - hiệu quả hay không tính sau”.
Dù đã tiết chế nhưng phim “Mai” vẫn còn những phân đoạn
cãi vã, chửi thề, giống như web drama, làm giảm chất lượng phim. Thời lượng
phim đến 130 phút cũng hơi dài, có thể cắt bỏ một số cảnh thừa mà không làm ảnh
hưởng đến tác phẩm, chẳng hạn như những cảnh nóng như Dương hẹn hò tình một đêm
với cô gái qua ứng dụng Tinder, hay có chỗ mang hơi hướng kinh dị, giật gân. Phần
kết thúc phim còn đơn giản, dễ dãi, thiếu thuyết phục và khiến khán giả hơi hẫng
hụt tâm lý sau khi đã chứng kiến quá nhiều tình tiết ở đầu và giữa phim.
Về phần kết thúc phim, cho dù Dương hứa hẹn với Mai là
chờ anh hai năm sau, sau đó phim chuyển đến 4 năm sau ở Đà Lạt. Mai trở thành
bà chủ spa (dĩ nhiên là thuê mặt bằng trong một resort) và vẫn độc thân, gặp lại
Dương đi cùng bà mẹ và người vợ đang mang thai của Dương. Mặc dù kết thúc rất
nhanh và chóng, tạo cảm giác “đầu voi đuôi chuột” nhưng rõ ràng với một bộ phim
rất đời thường như thế, đó mới là một kết thúc hợp lý, bởi vì như lời thoại của
nhân vật Mai: “Có ai thiếu ai mà chết đâu”. Đời thật không có cổ tích và những
mối tình gái già hơn tuổi trai trẻ thì đa phần chỉ là trong trường hợp gái già
là “phú bà” (có nghĩa là người phụ nữ giàu có trong ngôn ngữ mạng của Trung Quốc)
mà thôi và điều này có thể thấy ngay ở trong showbiz Việt.
Thật ra kịch bản phim “Mai” là nói về thân phận người
phụ nữ. Có người thì liên tưởng đến nữ diễn viên Mai Hồ với một hoàn cảnh có
đôi phần tương tự và cho rằng kịch bản lấy cảm hứng từ Mai Hồ. Nhưng đó chỉ là
phỏng đoán. Còn đọng lại trong tôi là một cảm giác nặng nề và khó chịu khi xem
bộ phim “Mai” cho dù tôi vẫn đánh giá phim này là một phim lên tay của Trấn
Thành. Vì sao như vậy?
Vì kịch bản không có gì mới, cũ kỹ với tình tiết giống
như nhiều những bộ phim đã từng làm trước đó. Vẫn là giàu – nghèo. Vẫn là người
mẹ chia rẽ tình yêu. Vẫn là căn bệnh bộc phát của người mẹ. Vẫn là bỏ đi xa. Vẫn
là thành đạt sau đó! Giá như có thể mới hơn, đừng lặp lại motif xưa như trái đất
ấy! Bồng bột và bồng bềnh trong một môi trường kịch bản quen thuộc!
Vì các nhân vật nữ vẫn một màu xám xịt! Ngoại trừ Mai
và Bình Minh (con gái của Mai). Tại sao phụ nữ có thể xấu như thế? Có thể độc
ác với nhau như thế? Và họ là những người ở một chung cư cũ kỹ, thuộc tầng lớp
bình dân, hoặc là những cô gái làm việc trong spa. Tôi không thích cách xây dựng
những nhân vật nữ phụ như vậy. Tôi luôn nghĩ rằng kịch bản phim phải có sự “điển
hình hóa” phù hợp và cũng sẽ có sự nhấn nhá, thêm thắt cho nhân vật. Nhưng
chung cư cũ và những nhân vật nữ phụ “đáng sợ” ở chung cư này làm cho tôi cảm
thấy đó không phải là một chung cư Sài Gòn, những phụ nữ bình dân Sài Gòn mà
tôi từng gặp khá nhiều ngoài đời. Họ không độc ác như thế, cay nghiệt như thế.
Ngay cả cặp vợ chồng bán hủ tiếu mà kịch bản xây dựng cũng quá là “nhẫn tâm” và
“độc ác”.
Biên kịch Bình Bồng Bột không làm tôi thất vọng về sự
bồng bột của anh. Thất vọng vì anh cho nhân vật người đàn ông bán hủ tiếu nói
giọng Hoa vào vai phản diện “dê xồm” và cô vợ hay chửi rủa. Giá như đổi lại là
một đôi vợ chồng bán hủ tiếu dễ thương, niềm nở, có thể thấy ở rất nhiều ngõ hẻm
hay cửa chung cư ở khắp Sài Gòn. Vì thế tôi cho rằng xây dựng nhân vật phụ cần
khéo hơn, để cho thấy rằng cuộc đời này vẫn có chút gì đó ngọt ngào và nhân
văn, chứ không phải chỉ là những lời mắng chửi!
Vì tôi không thích nhiều lời thoại trong phim. Một vài
ví dụ: Vai bà mẹ Dương do Hồng Đào diễn thì khóc lóc kể lể dài dòng chuyện nuôi
con vất vả thế nào, lý giải cuộc đời ra sao! Ngay câu cửa miệng của bà mẹ:
“Life is too short”, một thành ngữ tiếng Anh tôi học từ hồi nhỏ, cũng chả ăn nhập
gì với nội dung phim vì chỉ để kêu gọi Mai yêu đi! Chuyện yêu hay không thì
liên quan gì đến đời dài hay ngắn! Yêu thì một là cứ yêu thôi. Hai là phải tính
toán thì mới yêu được! Nội dung phim chỉ có thế!
Mai là cô gái thuộc tầng lớp bình dân. Song có lẽ xưng
hô với người yêu theo kiểu “mày - tao” có lẽ không phải là một xưng hô phù hợp
khi chiếu phim cho đại chúng! Có thể đây là chỉ là cảm tính rất chủ quan của
tôi, song tôi luôn cho rằng trong tình yêu mà xưng hô mày – tao thì có lẽ cảm
xúc cũng tụt về con số 0! Ngoài ra rất khó lý giải vì sao lúc đầu là xưng hô
anh – em ngọt ngào, sau đó thì lại xưng hô mày – tao vì diễn biến tâm lý của
nhân vật không có sự biến chuyển cho phù hợp!
Và thật ra tôi vẫn mong muốn có một phim hay, dù chỉ
là mang tính giải trí chiếu Tết về con người Sài Gòn, xã hội Sài Gòn. Nhưng xã
hội Sài Gòn ấy được diễn tả quanh quẩn ở một chung cư cũ kỹ, với những nhân vật
độc ác, với một spa cũng chẳng tốt đẹp hơn và ngay cả những người giàu cũng có
đủ nhẫn tâm dẫu rằng đó là sự nhẫn tâm hợp logic. Sài Gòn đáng yêu của tôi với
những con người Sài Gòn hào sảng, nhiệt tình rất nhiều quanh tôi mà lên phim chỉ
có thế thôi sao? Đây hoàn toàn là cảm xúc cá nhân và có thể tôi không phải là
người từng trải, am hiểu tầng lớp “dưới đáy xã hội” như nhiều người khác, nhưng
tôi vẫn mong muốn một bộ phim đừng vẽ một chân dung Sài Gòn đáng buồn như thế,
đừng xây dựng những nhân vật nữ ác như thế, dẫu chỉ là thông qua những mảnh đời.
Trấn Thành là một người làm rất tốt khâu marketing cho
phim và bản thân anh cũng xác định rất tốt đối tượng khán giả - khách hàng của
mình. Anh là một doanh nhân điện ảnh chuyên nghiệp và giỏi. Anh nắm bắt được
phân khúc thị trường của mình. Chúng ta cũng không thể bắt phim Trấn Thành phải
hay như là nhiều bộ phim giải trí của Hollywood được vì ngoài kịch bản, còn cần
bối cảnh, kinh phí và cả trình độ của người làm phim cũng như số đông khán giả.
Tôi cho rằng phim Trấn Thành là phù hợp với thị hiếu khán giả bình dân, nội
dung đơn giản, dễ xem, dễ hiểu. Nhưng chỉ là đặt trong bối cảnh Việt Nam và có
thể mang ra chiếu ở thị trường nước ngoài tăng thêm doanh thu với khán giả chủ
yếu là Việt kiều.
Còn muốn đi xa hơn nữa như một bộ phim giải trí vẫn có
thể mang tính nghệ thuật kiểu “Titanic” hay hoàn toàn dùng công nghệ để chinh
phục khán giả kiểu như phim “Avatar” thì điện ảnh Việt Nam rõ ràng không thể đạt
tới tầm đó, dù nguồn cảm hứng sáng tạo cho những phim mang tính “bom tấn” có đầy
rẫy trong lịch sử Việt Nam. Chỉ có điều nếu bằng lòng với hiện tại và vẫn mãi
như vậy thì cũng có nghĩa là để cho điện ảnh Việt Nam đứng chân tại chỗ.
Mạng lưới các thành phố sáng tạo UNESCO (UCCN) của
UNESCO được thành lập năm 2004 nhằm thúc đẩy hợp tác giữa các thành phố. UNESCO
xác định sáng tạo là yếu tố chiến lược để phát triển đô thị bền vững. Tại Việt
Nam, Bộ Văn hóa, Thế thao và Du lịch đã đưa ra Đề án phát triển hệ thống các
thành phố sáng tạo Việt Nam và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào đầu năm
2023.
Năm 2023, Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM đã chọn lựa
lĩnh vực Điện ảnh để đăng ký làm hồ sơ gia nhập mạng lưới thành phố sáng tạo của
UNESCO và đang đệ trình lên Ủy ban nhân dân TPHCM xem xét, đồng thời lắng nghe
ý kiến của những chuyên gia tham vấn. Theo định nghĩa của UNESCO đưa ra: Thành
phố sáng tạo (trong tiếng Anh được gọi là Creative City) là nơi mà ở đó
con người với tính sáng tạo là tài nguyên quan trọng, tạo ra của
cải cho xã hội. Tài nguyên thiên nhiên dồi dào, vị trí địa lí thuận
lợi và tiếng tăm từ quá khứ không còn đóng vai trò quyết định tới
sự hưng thịnh của một quốc gia hay thành phố trong thời đại ngày nay.
Thay vào đó, nền tảng cho sự phát triển của mọi thành phố là tính
sáng tạo.
Thành phố sáng tạo là những thành phố chú trọng phát
triển 7 lĩnh vực: (1) Nghệ thuật dân gian và thủ công mỹ nghệ, (2) thiết kế,
(3) phim ảnh, (4) ẩm thực, (5) văn học, (6) nghệ thuật truyền thông đa phương
tiện, (7) âm nhạc. Khi đăng ký làm hồ sơ tham gia mạng lưới, mỗi thành phố sẽ
chọn một lĩnh vực. Tính đến thời điểm hiện tại, có 350 thành phố sáng tạo tại
trên 100 quốc gia, đại diện cho 7 lĩnh vực sáng tạo.
Tuy nhiên, TPHCM việc chọn điện ảnh làm lĩnh vực phát
triển chính làm gợi nên không ít những băn khoăn, ít nhất là đối với cá nhân
tôi. Chọn điện ảnh có ưu điểm vì là một loại hình nghệ thuật mang tính tổng hợp,
do vậy các loại hình nghệ thuật khác cũng sẽ góp mặt trong điện ảnh. Nhưng nếu
xét riêng điện ảnh TPHCM, thì rõ ràng còn rất nhiều điểm yếu. Hàng loạt câu hỏi
được đặt ra mà rất khó có câu trả lời: Điện ảnh TPHCM ở đâu trên bản đồ điện ảnh
thế giới? Đã có những tác phẩm gì tiếp cận với điện ảnh thế giới? Đã có những
hoạt động nổi bật gì để giao lưu quốc tế hay chỉ là chờ đến năm 2024 mới có
Liên hoan phim quốc tế TPHCM lần thứ nhất? Các thế hệ nghệ sĩ, đạo diễn có những
ai vươn tới tầm ngôi sao bên ngoài lãnh thổ Việt Nam? Và điều quan trọng nhất,
đâu là bản sắc điện ảnh TPHCM nói riêng và bản sắc điện ảnh Việt Nam nói chung?
Dĩ nhiên, nếu so với những thành phố sáng tạo khác trên thế giới cũng chọn điện
ảnh làm mũi nhọn như Cannes (Pháp), Roma (Italia), Mumbai (Ấn Độ), Pusan (Hàn
Quốc)… thì TPHCM sẽ phải trải qua một chặng đường dài vất vả nếu cũng chọn điện
ảnh, cho dù không thể phủ nhận thực tế là điện ảnh TPHCM phát triển dẫn đầu cả
nước.
Vậy thị trường phim Việt Nam nói chung và TPHCM nói
riêng sẽ đọng lại những gì, giới thiệu ra thế giới những gì với những phim như
“Mai” hay “Gặp lại chị bầu”? Là gì ngoài doanh số? Là gì ngoài những tranh cãi?
Vậy liệu TPHCM có trở thành thành phố sáng tạo điện ảnh được hay không nếu
quanh năm suốt tháng vẫn chỉ là sản xuất những bộ phim giải trí tầm trung với
thị hiếu của khán giả Việt?
(Mời đọc tiếp kỳ 3: Con số doanh thu có đáng tin?)