Với lịch chiếu dày đặc gần như đầy ắp các rạp, phim “Mai” của Trấn Thành hứa hẹn một năm đại thắng so với những phim khác. Nhưng ngoài ưu thế về suất chiếu rạp, phim “Mai” còn có gì để khiến khán giả phải bỏ tiền mua vé xem phim?



Xung quanh bộ phim MAI ăn khách

Kỳ 1: Chiêu trò quen thuộc vẫn hiệu quả

HÀ THANH VÂN


Trước mùa phim Tết cách đây một vài tháng, khi đi xem các rạp chiếu phim thuộc hệ thống CGV ở Sài Gòn, khán giả đã thấy phim “Mai” được quảng cáo rầm rộ trước mỗi suất chiếu các phim. Đồng thời trước Tết, việc bị xử phạt về hành vi vi phạm quảng cáo trên xe bus với một số tiền nhỏ không đáng kể, cũng góp phần làm cho bộ phim nóng lên trên dư luận công chúng. Đó là chưa kể đến loạt bài quảng bá trên truyền thông khéo léo như nhiều bộ phim khác của Trấn Thành, từ chuyện phục dựng chung cư đến chuyện hóa trang Trấn Thành vào vai người cha hơn 60 tuổi như thế nào, từ chuyện đầu tư 300 bộ trang phục cho phim Mai đến chuyện Trấn Thành khẳng định đây là bộ phim mà anh đầu tư nhiều nhất từ trước đến nay, kể cả công sức và tiền bạc với kinh khí làm phim xấp xỉ 50 tỷ đồng, chuẩn bị trong ba năm…

Và như thường lệ, phim nào của Trấn Thành trong vài năm trở lại đây cũng trở thành chủ đề tranh cãi giữa antifan và fan của anh, nhưng vẫn thu về những doanh thu kỷ lục. Chưa kể một đội ngũ seeders hùng hậu đi khen ngợi khắp nơi, trong đó có một vài người chả hiểu sao lại lôi tên của Hà Thanh Vân vào những status nói nọ kia, từ khi tôi chưa viết bài này. Nhưng như mọi khi, tôi vẫn khẳng định là tôi chưa hề nghe thấy CON NGƯỜI nào chửi tôi cả. Cũng vì tin tưởng rằng không có CON NGƯỜI nào chửi tôi cả nên tôi mới mạnh dạn viết bài này.

Trấn Thành chọn một kịch bản kết hợp giữa anh và biên kịch Bình Bồng Bột cùng chấp bút. Nội dung kịch bản là thế mạnh và cũng là đề tài quen thuộc trong phim Trấn Thành, đó là những câu chuyện tình cảm tâm lý xã hội kèm theo yếu tố gia đình. Với phim Tết, đó là một chủ đề không mới lạ nhưng khán giả luôn cảm thấy gần gũi, quen thuộc.

Lần này Trấn Thành chọn nhân vật chính là một phụ nữ lỡ thời 37 tuổi. Cô Mai (Phương Anh Đào đóng) là một cô gái làm nghề massage, sống ở một chung cư cũ và chịu nhiều sự dè bỉu, dị nghị của hàng xóm với những cái nhìn không thân thiện về nghề của cô. Ở nơi làm việc cô cũng bị ghen tị, nói xấu. Dương (Tuấn Trần đóng) là một nhạc công con nhà giàu có, kém cô nhiều tuổi và có thiện cảm với cô, dần dần tình cảm ấy biến thành tình yêu và anh bắt đầu theo đuổi Mai. Câu chuyện tiếp theo mở ra với nhiều tình tiết bất ngờ và kết thúc cũng không có hậu theo kiểu thông thường.

KỊCH BẢN LÀ MÓN LẨU THẬP CẨM HỢP KHẨU VỊ KHÁN GIẢ BÌNH DÂN VÀ DIỄN XUẤT CỦA CÁC DIỄN VIÊN GÁNH CẢ BỘ PHIM, NHƯNG ĐÂY LÀ PHIM TỐT NHẤT CỦA TRẤN THÀNH TỪ TRƯỚC ĐẾN NAY

Thật ra tôi không hề chê khẩu vị khán giả bình dân. Bởi vì họ chiếm số đông trong xã hội. Theo quan điểm của tôi, xã hội loài người cấu trúc theo hình kim tự tháp và số đông là ở những tầng dưới cùng để xây dựng nền móng. Chưa kể quan điểm của nhà nước Việt Nam về văn hóa từ trước đến nay luôn nhấn mạnh yếu tố “đại chúng”, kể từ “Đề cương văn hóa” ra đời năm 1943 cho đến Chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa của Việt Nam. Theo Quyết định số 1755/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: Phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, thì điện ảnh được xem là một ngành mũi nhọn để tập trung phát triển vì có sẵn lợi thế và tiềm năng. Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, đề ra chỉ tiêu đến năm 2030 thì ngành điện ảnh đạt doanh thu 250 triệu USD, tương đương hơn 6000 tỷ VNĐ và các ngành công nghiệp văn hóa chiếm 7% GDP cả nước. Như vậy doanh thu cao chứng tỏ phim hợp thị hiếu của đông đảo khán giả bình dân và cũng là một nội dung của Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam.

Phim “Mai” được Trấn Thành đầu tư không chỉ tiền bạc, mà qua đó cũng cho thấy sau loạt phim vừa qua, bản thân anh đã tích lũy được những kinh nghiệm để có một bộ phim “Mai” lên tay hơn hẳn so với những phim trước đó. Thay vì một bộ phim đơn thuần giải trí, phim “Mai” có những tình tiết khiến cho khán giả bình dân cảm thấy xúc động vì rất gần gũi với cuộc sống đời thường. Không chỉ là câu chuyện tình yêu quen thuộc theo motif giàu – nghèo, lệch tuổi, mà phim “Mai” còn đề cập đến quan hệ gia đình giữa cha mẹ với con cái, lối sống soi mói, thích phán xét, đặt điều của một bộ phận người Việt, sự ghen tị, tranh giành nhau ở nơi làm việc, tệ nạn cá độ, chuyện đồng tính…

Bộ phim “Mai” đã tiết chế được khá nhiều những đối thoại sáo rỗng và những đạo lý dài lê thê đặt vào miệng nhân vật. Dĩ nhiên vẫn có những cảnh ồn ào, khóc lóc kiểu rất kịch, song so với những phim trước đây của Trấn Thành, bộ phim “Mai” đã tập trung nhiều vào những khuôn hình, mang tính chất điện ảnh đậm hơn, không mang tính kịch kiểu như hài kịch “Trong nhà ngoài phố” một thời của Đài Truyền hình TPHCM. Trấn Thành xây dựng nhiều cảnh tương phản đặt cạnh nhau với hai khung cảnh chính là chung cư và spa nơi Mai làm việc. Ở đó những đối thoại, những mảnh đời vụn vặt hiện ra, đậm chất cuộc sống nơi đô thị, khiến cho khán giả có thêm những góc nhìn theo kiểu “những người sống quanh tôi”.

Khung cảnh chung cư cũ có những góc quay ấn tượng nhưng tạo sự gần gũi cho khán giả, chẳng hạn như cảnh Mai và Dương sóng vai nhau đi trong bãi giữ xe máy. Một người làm việc trong lĩnh vực điện ảnh đã nhận xét: “Đây là phim tốt nhất của Trấn Thành từ trước đến giờ và phim sẽ thắng lớn Tết này. Bản thân tôi rất thích kết thúc của bộ phim, một kết thúc nhân văn”. Tôi cũng thích kết thúc của phim này và cho rằng ngoài diễn xuất của dàn diễn viên, thì kết thúc phim cũng cứu cả bộ phim này, cho dù đó là một kết thúc theo kiểu “đầu voi đuôi chuột”.

Vẫn sử dụng một kịch bản không mới, phảng phất bóng dáng một số bộ phim Hàn Quốc về motif một chàng trai trẻ giàu có, lãng mạn yêu một cô gái lỡ thời, rồi cũng có sự xuất hiện của bà mẹ chàng trai với dáng vẻ sang trọng, quý phái nhưng thâm sâu, khó lường, vẫn motif ông bố nợ nần, ham mê cá độ, bộ phim “Mai” được dàn diễn viên gánh đỡ cho kịch bản rất nhiều. Phương Anh Đào nhập vai rất xuất sắc, diễn tả được bi kịch của một cô gái tự ti về bản thân nhưng luôn khao khát tình yêu, rồi có tình yêu thì lại không dám bước đến đón nhận. Bóng tối và ánh sáng của khu chung cư đan xen trên mỗi bước cô đi hay trên nét mặt của cô, diễn tả sự khắc khoải nội tâm. Nhưng về sau, Phương Anh Đào bắt nhịp với sự chuyển biến tâm lý của nhân vật, thể hiện nói nhiều hơn, tự tin hơn.

Trong khi đó Tuấn Trần diễn xuất cũng tốt hơn so với những phim trước đó của anh, nhập vai một công tử nhà giàu, có phần lãng mạn, phất phơ, nhưng tốt bụng, chân thành, dám yêu, dám sống. Dàn diễn viên phụ đều có thực lực và đều là ngôi sao kỳ cựu, như nghệ sĩ Hồng Đào vào vai bà mẹ giàu có của Dương, NSND Việt Anh trong vai ông bảo vệ Spa, hay NSND Ngọc Giàu, “bà ngoại quốc dân” của khán giả Việt Nam lần này vào vai Má Mi, đều thu được thiện cảm của khán giả không hẳn là nhờ diễn xuất trong phim này mà nhờ vào danh tiếng có sẵn trước đó. Ngay cả Trấn Thành diễn xuất cũng rất đạt trong vai ông bố mê cá độ.

Bộ phim cũng chọn được màu sắc phù hợp ở nhiều khung cảnh, chủ yếu là màu tối, trầm, ăn khớp với nội tâm trăn trở của nhân vật. Nhiều khuôn hình được trau chuốt kỹ lưỡng. Cú máy dài mở đầu phim theo chân nhân vật “Mai” gây được cảm xúc tốt cho khán giả ngay từ đầu. Góc máy quay trong phim khá đa dạng, từ đặc tả, cận cảnh đến quay từ trên cao xuống, từ dưới lên. Đạo diễn hình ảnh cho phim “Mai” là Diệp Thế Vinh thể hiện một tay nghề vững, dẫu rằng nhiều hình ảnh vẫn còn mang tính biểu tượng quá rõ ràng, thiếu tinh tế, kiểu như chung cư cũ nhìn chật chội, xô bồ, nhưng vẫn có những góc máy cho thấy những vệt nắng sáng, gợi đến những ước vọng. Nhịp phim cũng vừa phải, ít bị lệch nhịp như một số phim khác mà Trấn Thành từng tham gia.

Kịch bản kể câu chuyện tình của Mai và Dương thật sự không mới, nhưng phim “Mai” vẫn có doanh thu cao theo con số công khai trên báo chí. Tất nhiên ngoài yếu tố phủ dày đặc các suất chiếu, sự lên tay của đạo diễn Trấn Thành và diễn xuất tốt của cả dàn diễn viên chính và phụ, phải nói đến thị hiếu của khán giả Việt, đặc biệt là khán giả bình dân về dòng phim tâm lý tình cảm xã hội cũng như cảm quan khi khán giả chứng kiến những mảnh đời trên phim. Câu chuyện của hai nhân vật chính trong phim là một câu chuyện đủ sức kéo đông đảo khán giả bình dân đến rạp với đủ các yếu tố éo le, hấp dẫn, kèm theo chút hài hước, đạo lý với những cảnh đời tả thực.


(Mời xem tiếp kỳ 2: Yếu tố giải trí đè bẹp giá trị nghệ thuật)