Đã không ít lần, tại những hội thảo hoặc hội họp của Hội Âm nhạc Thành phố Hồ Chí Minh, nhiều nhạc sĩ đã thắc mắc: “Ở một bài hát sử dụng thơ để làm lời (cố ý không ghi là “phổ thơ”), sẽ phải ghi tên ai trước trên ca khúc: nhạc sĩ hay nhà thơ?”.


TẢN MẠN THƠ - NHẠC

NGUYỄN THỊ MỸ LIÊM

Thơ và nhạc có mối quan hệ khăng khít từ ngàn xưa. Trong thần thoại Hy Lạp những nữ thần (Muse) được giao cho cai quản các nghệ thuật thì nữ thần Thơ và nữ thần Nhạc luôn song hành trong mọi câu chuyện. Cho đến những ngành khoa học đầu tiên ở những trường Đại học Châu Âu thời Trung cổ cũng có ngành Âm nhạc nhưng luôn được hiểu là giảng dạy bao gồm cả văn thơ, múa… và ngày nay, thơ và nhạc luôn cùng nhau trong những bài ca “đi cùng năm tháng” và những tên tuổi: Phan Huỳnh Điểu, Phạm Minh Tuấn, Trọng Đài, Nguyễn Cường v.v… Đầu xuân, nhân tọa đàm “Thơ và Nhạc, tương sinh hay tương khắc”, xin tản mạn về mối quan hệ này với vài ý mọn…

Dân ca - thơ dân gian phổ nhạc

Trong nền âm nhạc cổ truyền, ca khúc dân gian có bản chất là thơ dân gian được hát lên. Đó là những bài hát ru, hò, vè, đồng dao, lý… trong dân ca, đều là thơ dân gian được hát lên (phổ thành nhạc). trong sách chữ Hán của Mao Tuyền có câu: “Khúc hợp nhạc viết ca, đồ ca viết dao” (ca là lời hợp với nhạc, dao là lời hát mà không có nhạc). Trong dân ca, ru, hò, lý được hát lên với giai điệu riêng cho mỗi làn điệu nên gọi là dân ca. Vè, đồng dao chỉ là nói (hát nói) lời thơ chỉ chú trọng tiết tấu, ít quan tâm giai điệu nên thường gọi chung là dân dao. Nhưng những làn điệu này đều được gọi chung là dân ca, là thơ dân gian được hát.

Đối với dân ca, thơ “tương sinh” với nhạc do trong thơ có nhạc điệu bởi vần/điệu từ âm điệu tiếng nói và cách ngắt nhịp thơ. Chỉ cần cất tiếng theo lối ngắt nhịp thơ là đã sinh ra tiết tấu, sinh ra nhạc, đã là hát. Hoặc ngân nga các từ trong thơ, luyến láy theo ngữ điệu của tiếng nói các vần thơ là đã sinh ra giai điệu (ngâm thơ). Nhưng thơ cũng “tương khắc” với nhạc bởi nếu nhạc “muốn” không tuân thủ theo thơ, ngắt không đúng nhịp thơ, tự khắc có thể làm trái nghĩa, biến nghĩa của lời thơ. Chưa kể, chỉ cần đọc theo cách riêng, tạo giai điệu cưỡng âm đối với thơ thì… dễ thành diễu cợt biến đổi thơ. Bản thân nhạc không thể làm chủ được mà phải hoàn toàn tuân thủ thơ. Đó là thơ đã khắc chế nhạc.

Tuy vậy, trong dân ca cũng có những làn điệu được dân gian cố ý cưỡng âm hay gây trúc trắc nhịp của lời hát… với những ngụ ý khác nhau: Lý con chuột, Lý bánh ít… (dân ca Nam Bộ) với ý giễu cợt, chê bai; Hò mái nhì Thừa Thiên Huế với cách bỏ chữ lững lơ, gây cảm xúc mênh mông, man mác của điệu hò sông nước.

Những làn điệu Sa mạc, Bồng mạc, ví, giặm, … đều được sinh ra từ thơ. Các cô gái, chàng trai nói với nhau những lời yêu thương bằng cách hát lên câu thơ bàn đầu dựa trên âm điệu tiếng nói địa phương. Sau dần, đã hình thành những làn điệu mà ở đó, nghệ nhân dân gian biết đưa những lời thơ để “điệu” vào làn và hát lên. nhưng họ luôn biết sáng tạo, luyến láy, thêm chữ lót, tiếng đệm, làm giàu giai điệu để lời thơ đi vào trái tim của người mình yêu thương. Cũng chính vì vậy mà, chỉ với 2 câu lục bát

Ai đem con sáo sang sông

Để cho con sáo sổ lồng bay xa

đã có đến hàng chục bài Lý con sáo, với mỗi điệu hát đều có dáng vẻ riêng, âm điệu riêng. Cũng như vậy, một làn điệu hò, vè, lý, ví, giặm… đều có thể hát với nhiều lời thơ dân gian. Vậy nên, thơ dân gian và dân ca, quan hệ này có qua có lại, có tương sinh và cũng có phái sinh; nhưng đôi khi cũng có tương khắc (nếu không làm theo đúng thơ) để có những cái mới, cái lạ.

Thơ sáng tác để... hát , nhạc hát phải từ … thơ

Trong lịch sử nghệ thuật Trung Quốc, những bài hát đều được khởi đầu từ các Từ khúc, tức thơ được sáng tác để hát. Thời nhà Trần ở nước ta, một người từ bên Tàu sang Đại Việt, chuyên sáng tác “từ khúc” bán cho người Việt hát, được ghi trong sách sử là Dư Nhuận Chi… (Cuối năm Thiệu Phong năm 1341, thi nhân Dư Nhuận Chi được tiếp đãi ân cần, mời dự tiệc ở Phiếm Bích Đường và nguyên soái Trần Nhật Duật đã cho mười chín ca nhi xinh đẹp ra múa hát giúp vui. Dư Nhuận cũng là người sáng tác nhiều bài hát được truyền tụng khắp kinh thành: “mỗi khi làm xong một bài, các giáo phường tranh nhau mua…”)

Thơ phổ nhạc đã có lịch sử lâu đời ở nhiều nước. Từ thời Cổ đại, ở Hy Lạp, đã xuất hiện những bài hát cho một giọng người hát, có hoặc không có phần đệm mà hình ảnh điển hình còn lưu lại đến ngày nay là những thiên thần hát với cây đàn Lyre trên tay trong những truyện thần thoại… Đó là những bài thơ có nội dung trữ tình được hát lên, nên còn gọi là Lyric - ca khúc trữ tình (bài hát đệm bằng đàn lyre). Ngày nay, “lyric” trong tiếng Anh nghiã là “lời của bài hát”.

Những ca khúc nghệ thuật thời kỳ “tiền Lãng mạn” (préromantique) - trước thế kỷ XVIII bắt đầu được khởi xướng ở Đức cũng từ những bài hát thơ dân gian (kế thừa từ thể loại Grégorien) và từ những hợp xướng nhà thờ. Cũng từ đây, những bài thơ luôn được lưu tâm sử dụng để làm lời cho những ca khúc, hay nói cách khác, các nhạc sĩ đã sử dụng các bài thơ để sáng tác ca khúc với phần đệm piano (lúc bấy giờ vẫn còn gọi là piano - forte).

 Đến những thập niên cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX những Lied của trường phái Vienne được bắt dầu từ những bài thơ của Goeth (Das Veichen của W. A. Mozart). Tiếp sau đó là những lied, romance, air (gọi chung là ca khúc nghệ thuật)… của C. W. Gluck, J.Haydn, L.V. Beethoven… mà phần lớn là phổ thơ của Goeth hoặc Schiller cũng như lấy nội dung, thơ được sáng tác từ những thần thoại, chuyên cổ tích…

Trong suốt hơn một thế kỷ, từ lúc Franz Schubert (1797-1828), người mở đầu cho trào lưu âm nhạc Lãng Mạn Châu Âu, được mệnh danh là “vua ca khúc”, đã sáng tác hơn 600 ca khúc thì hầu hết đều sáng tác cho thơ của Goeth, cho đến Arnold Schoenberg (1874-1951), người mở đầu cho thời kỳ âm nhạc “đương đại” ở châu Âu, thì hầu hết ca khúc đều được sáng tác dựa trên thơ. Gần như chỉ có ngoại lệ duy nhất là Richard Wagner luôn luôn tự viết lấy lời nhạc cho mình. Claude-Achille Debussy cũng đôi ba lần có làm thơ để tự phổ lấy. Các nhà phê bình phương Tây đều đánh giá đó là vì họ không tìm ra tác phẩm thi ca nào đáp ứng kịp những yêu cầu cách tân ngôn ngữ của bản thân. Trong sáng tác ca khúc, hầu hết những nhạc sĩ đều giữ nguyên lời thơ. Thực sự là đa phần các sáng tác gia phương Tây đều không can dự vào phần ca từ, thỉnh thoảng mới phải điều chỉnh một số chữ đơn lẻ nào đó, hoặc đưa thêm một số rất ít những câu thơ trong trường hợp giai điệu của mình có nguy cơ “khó” phát triển tự nhiên mà thôi.

thể nói, đối với âm nhạc hàn lâm thế giới, dù ở Anh, Pháp, hay Nga… một bài hát dù có tên gọi"lied", hoặc không dịch nghĩa, không chuyển ngữ mà giữ nguyên cách gọi tên của mỗi quốc gia như "song", "chanson", "песня" và kể cả “romance”, “ballade”, “mélodie”, “airs,  v.v… thì đều được hiểu là “ca khúc nghệ thuật”, có nghĩa là “hát một bài thơ có đệm nhạc, mà luôn luôn là bởi đàn piano”.

Ca khúc Việt - nhạc phổ thơ hay thơ phổ nhạc?

Đã không ít lần, tại những hội thảo hoặc hội họp của Hội Âm nhạc Thành phố Hồ Chí Minh, nhiều nhạc sĩ đã thắc mắc: “Ở một bài hát sử dụng thơ để làm lời (cố ý không ghi là “phổ thơ”), sẽ phải ghi tên ai trước trên ca khúc: nhạc sĩ hay nhà thơ?”. Và không ít người đã quyết đưa tên của nhạc sĩ lên trên - trước!

Đối với nhạc, người ta hay nói “ca khúc phổ thơ của….”, nhưng đối với thơ, người ta lại nói “thơ được phổ nhạc bởi…” Vậy thì, từ góc độ nào, ta sẽ nói theo góc ấy. Văn phạm tiếng Việt còn hơn “bảo táp phong ba”… mà! Vậy nên, nếu giới thiệu tác phẩm âm nhạc, một ca khúc chẳng hạn, thì tác giả âm nhạc sẽ được ghi tên và tiếp theo là tên nhà thơ.

Nhưng phổ thơ cũng lắm cách, nhiều đường. Nếu sử dụng toàn bộ bài thơ làm lời cho nhạc (ca khúc) thì lời thơ thường gắn bó hữu cơ với phần giai điệu, và nhất thiết không cưỡng âm, chịu chi phối bởi âm điệu của lời thơ và đôi khi cả tiết tấu của nhịp thơ. Như vậy, giống như lối hát trong dân gian - dân ca đã giới thiệu ở trên. Nhưng chúng ta đều biết, cùng một bài thơ có nhiều cách phổ nhạc, chẳng hạn trường hợp bài thơ “Màu tím hoa sim “ của nhà thơ Hữu Loan (“Những đồi hoa sim” của Dzũng Chinh, “Áo anh sút chỉ đường tà” của Phạm Duy, …) hoặc nhiều bài thơ khác nữa. 

Nhưng, nếu không giữ nguyên vẹn lời, chỉ sử dụng tứ thơ, một vài câu làm ý nhạc thì nhiều ca khúc đã là một sáng tạo mới (“Mùa xuân bên của sổ” của Xuân Hồng, “Thuyền và biển”, nhạc Phan Huỳnh Điểu, thơ Xuân Quỳnh; “Khát vọng” nhạc Phạm Minh Tuấn, phỏng thơ Đặng Việt Lợi, “Dấu chân phía trước”, nhạc Phạm Minh Tuấn, thơ Hồ Thi Ca v.v…). Lối này được các nhạc sĩ chọn nhiều hơn bởi sẽ có cảm hứng sáng tạo và có những tác phẩm bay bổng hơn.

Ngày nay, Rap là thể loại được cho của người Mỹ, mới du nhập vào Việt Nam. Rap là lối nói trên nền nhạc, ít nhạc tính nhưng nếu xét kỹ, cũng đã được thể hiện bằng cách nói những câu có vần vè theo lối nói vè hay đồng dao cổ truyền. Rap sau này còn được các bạn trẻ “chế tác” theo kiểu có giai điệu (Rap melody) nhưng, dù sao, thể loại này cũng văn vần được nói trên nền nhạc. Vậy nên, nhiều người vẫn không cho đó là hát! Và, lần này thì văn vần không phải là thơ, mà là nói, nên không phải là nhạc! vì vậy, có thể kết luận Rab không phải là nhạc chăng?!

Vậy, mối quan hệ giữa thơ và nhạc cũng có những nghiêm luật.

Tạm kết

Lúc đầu, nghĩ đến mối quan hệ thơ và nhạc, chỉ thấy chữ “tương sinh”. Nhưng nếu cưỡng lại, không thuận theo thì đôi khi có thể làm hỏng thơ và nhạc cũng bị hỏng mất. Vậy nên giữa thơ và nhạc cũng thành “tương khắc”. Giữa hai bên có mối ràng buộc mà cần biết cách giữ gìn, hòa thuận, nâng nhau lên… để cùng “tương sinh” và “tương khắc” thì có thể sẽ làm nên những kỳ tích!

Dù sao, từ ngàn năm trước, thơ và nhạc đã có mối giao duyên, nên, hãy tận dụng mối lương duyên này để dâng cho đời nhiều sáng tác bất hủ, và, thơ hãy tiếp tục là nàng… thơ của âm nhạc, mang đến cho âm nhạc những ý tưởng sáng tạo, nhưng ngôn từ đẹp đẽ rồi cùng nâng nhau bay lên…