Trời Sài Gòn lúc gần Tết có nắng mấy thì miệt Ngã tư Bình Hòa phía Bà Chiểu vẫn mát nhờ có nhiều cây cối.  Lũ chim trên ba cây sao trước hẻm hót inh ỏi mỗi sáng.


XUÂN MỘT THUỞ

PHẠM CÔNG LUẬN

Trời Sài Gòn lúc gần Tết có nắng mấy thì miệt Ngã tư Bình Hòa phía Bà Chiểu vẫn mát nhờ có nhiều cây cối.  Lũ chim trên ba cây sao trước hẻm hót inh ỏi mỗi sáng. Lúc đó, phụ nữ trong nhà ông Trường bảo nhau: “Mong là tháng Chạp này ông không đi săn!”.

Dì Út tôi làm dâu trong gia đình họ Nguyễn đến thời gian đó đã được ba năm. Khác với những dịp ăn Tết ở nhà mẹ ruột khá đơn sơ, không khí Tết trong căn nhà to lớn của ba chồng của dì là ông Tư Trường rất tưng bừng rộn rã. Cả xóm ở hẻm 90 đường Nguyễn Văn Học (nay là Nơ Trang Long, Bình Thạnh) này đều thích thú dõi theo cách ăn Tết nhà họ Nguyễn vì ở đó có không khí chuẩn bị bày biện vui xuân chộn rộn, chu đáo và xôm tụ nhất xóm. Ai nấy như nhìn thấy lại thời xa xưa của Sài Gòn - Gia Định đầu thế kỷ hay thập niên 1930, cuộc sống ổn định, có những gia đình trung lưu trở lên biết ăn biết xài, sống phong lưu như trong chuyện kể của cụ Hồ Biểu Chánh.

Đến đầu tháng Chạp, ông Tư Trường lại lái xe đi săn. Chiếc xe lớn của ông chở theo mấy ông bạn như ông Giép, ông Ba Hòa phóng lên tuốt miệt Dầu Giây, Long Khánh. Để rồi mấy ngày sau, xe lăn bánh về tới sân là lũ con nít reo hò trong khi mấy bà trong nhà tỏ vẻ ngán ngẫm. Ông không biết bà Trường cùng bà Hai, chị ruột của ông lẳng lặng dặn dì Út tôi: “Ngày mai chủ nhật, con ở nhà lo xẻ thịt, má và cô Hai đi công việc !”. Hai bà tìm cớ lánh đi, lòng buồn vì em mình, chồng mình ham thích săn bắn, tức là sát sanh muông thú vô tội.

Cuối năm, trường cho giáo viên nghỉ dạy sớm. Dì Út ở nhà nấu nướng, kho nồi thịt lớn,  làm dưa giá, xẻ thịt cùng mấy bà trong họ, trong xóm đến đỡ tay. Dì vừa làm vừa lắc đầu, nhưng phận dâu con thì biết kêu ai. Thịt nai đem ướp ngũ vị hương rồi đem phơi, đợi sát Tết thì nướng lò than. Ngồi lóc mấy miếng gân ra khỏi thớ thịt, dì nhớ lại thời còn nhỏ, mười lăm mười sáu tuổi.

Gần Tết, nhà nghèo nên chuẩn bị sơ sài. Dì cùng má tôi sên mứt dừa. Do bên ngoại là người gốc Minh Hương nên cậu Tư của tôi là con trai trong họ được giấy mời lên đình Minh Hương Gia Thạnh ở đường Trần Hưng Đạo trong Chợ Lớn để nhận quà. Quà có xấp vải ta in bông, ổ bánh mì kẹp dăm-bông và khách được đãi bữa cơm ngon. Đi theo anh, dì Út thấy chưa lúc nào vui đến vậy. Không khí Tết trong Chợ Lớn sớm náo nhiệt, hai anh em nhận quà, ăn uống xong còn  đi xem, thắp nhang mấy khám thờ thần, ngắm tượng các ông Trịnh Hoài Đức và Ngô Nhân Tịnh, khám thờ Thống suất Nguyễn Hữu Cảnh và Đô đốc tướng quân Trần Thượng Xuyên, những người Minh Hương có công với nước Việt. Đến khi đi dạy, lấy chồng, Tết nhất trong trường chủ yếu là gây dựng Cây Mùa Xuân quyên góp giúp học trò nghèo.

Xong xuôi việc cắt xả ướp mớ thịt rừng, bà Hai và má chồng Dì Út mới bắt tay vào việc của mình. Bà Hai trổ tài nấu các món chay và làm bánh mứt. Trước đó, bà xách giỏ ra chợ Bà Chiểu mua tàu hủ ky, nấm, bún tàu, hột sen, nấm mèo... để nấu món chay cúng ba ngày Tết. Phần đặc sắc nhất mà bà thực hiện trong mấy ngày này là làm mấy loại bánh trái cây. Cùng với đám phụ nữ trong nhà, bà chỉ huy làm ba món bánh trái cây và một loại bông. Trước hết là làm bông hồng bằng mứt dừa. Mứt dừa xắt sợi dài, ngâm màu thực phẩm rồi sên trên chảo. Lấy ra khi còn nóng, bà dùng tay uốn từng cánh bông. Ba loại trái cây là trái cà, trái hồng và trái vải, tất cả đều làm bằng bột. Đậu xanh luộc chín đãi vỏ xay thành bột, nắn thành trái cà hay trái hồng. Nếu là trái cà thì cắm cành và lá nhãn tạo hình cuống trái. Còn trái hồng, bà đã để dành sẵn những cuống hồng tròn sau khi ăn trái, phơi cho khô. Khi nặn xong trái hồng, bà áp cái cuống vào, gắn thêm cọng lá nhãn là giống y hệt trái hồng, chỉ khác màu.

Trái vải được làm công phu hơn, dùng bột năng. Bột năng xào trong chảo cùng với lá dứa, khi nào lá dứa dòn là bột chín. Lấy bột ra tô, thắng nước đường trộn với bột ca cao cho có màu nâu. Nặn bột thành hình trái vải, bà dùng một tấm lưới đan bằng len bọc nó lại để có lớp vỏ nổi ô như vỏ trái vải. Bên trong trái vải có cả hột, làm bằng chuối khô. Ngày Tết, bà Hai bày ra một hộp trái cây bằng bột có đủ cành lá, trái vải, hồng, cà bằng bột…tuyệt đẹp nhưng chỉ dùng để cúng Phật, cúng tổ tiên. Sau đó là mang xuống đãi khách. Con nít trong nhà có thèm thì bà cho lúc nặn bánh hay nếu còn dư sau Tết.

Lũ nhỏ bây giờ mới thấm mệt vì đứa nào cũng có việc làm cả ngày. Mỗi đứa được phát một mớ xơ dừa để đánh bóng hai bộ ván gõ mật hai bên nhà cho đến láng coóng. Mấy đứa lớn hơn mang mớ nồi niêu xoong chảo đen thui dày cộp bồ hóng ra sân mà đánh, cọ bằng xơ dừa, xơ mướp và tro cho đến khi sáng bóng soi gương được. Bà Hai biểu mấy cô cháu gái phụ bà đan một cái giá bằng tre hình dáng như cây vợt tơ-nít. Đan xong, bà dùng bông huệ trắng cài đan xen trên mặt làm nền, trên cái nền đó cài nhiều loại bông có màu sắc như điệp, mồng gà, vạn thọ…cuối cùng là lá thiên tuế, đinh lăng xòe chung quanh. Cái giá sặc sỡ này được bà lễ mễ cắm vào bình bông phía bên phải bàn thờ, cạnh bộ lư đồng.  

Sát Tết, không khí càng lúc càng náo nức. Ông Trường đã yên tâm có các bà lo nấu nướng, bày biện. Có những buổi sáng, hứng chí, ông hê lên: “Đi ăn mì Bà Điểm không!”. Nghe tiếng ông, lập tức lũ con nít đã được nghỉ Tết đang chơi ngoài sân lập tức nhảy vội lên xe, vì nếu chậm chân là ông nổ máy xe, ai không lên kịp là bỏ lại. Mấy chuyến đi Long Hải tắm biển sáng đi chiều về cũng vậy. Người lớn cũng như con nít, không kịp thay đồ diện, đang bận đồ bộ cũng nhảy vội lên xe. Vậy mà vui. Hôm nào làm biếng lái xe, ông dắt cả lũ nhỏ đi ăn mì Cây Nhãn hay mì Minh Sanh gần nhà, hay có khi đi ăn phở Quyền ở ngã tư Phú Nhuận.

Dì Út đợi lúc ngơi tay chạy vội ra chợ Bà Chiểu. Cuối tháng giêng, Dì đã lãnh đợt lương cuối năm và ra chợ sắm ít nữ trang, vải vóc. Lương giáo viên lúc đó cũng khá, đủ sắm một lượng vàng. Trước đó, Dì đã cùng mấy cô giáo trong trường Đình, xã Phú Nhuận rảo qua chợ Bến Thành, ăn búm tôm càng và ngắm không khí Tết ở ngôi chợ bảnh nhất miền nam này.

Sát Tết hơn nữa, ông Tư Trường bảo cô con gái út qua thưa với hàng xóm là nếu muốn lấy nước để dùng trong cái giếng nhà ông, thì có thể lấy đến ngày Ba Mươi. Sau đó, ông sẽ cho đóng giếng cho đến mùng 6. Giếng cũng cần nghỉ ngơi sau cả năm dâng nước dùng cho dân xóm này. Hàng xóm lâu nay đã biết ý nên đã lấy nước từ mấy hôm nay, đổ đầy ắp mấy cái lu sành. Ai cũng muốn đến khi cúng Giao thừa, lu vại trong nhà đầy ăm ắp để cầu mong cuộc sống luôn sung túc như nước trong lu.

Tối Hăm Tám, Thím Năm là chị em bạn dâu của dì Út mang nồi qua nấu bánh chưng trước sân. Thím là người gốc Bắc nên thích duy trì tục lệ này dù bấy giờ ở chợ Bà Chiểu bánh chưng, mứt bánh trái gì cũng có. Lũ trẻ lại có dịp thức khuya canh bánh chưng, vui như được dự một đêm lửa trại với lửa hồng, trời se lạnh và những câu chuyện ma về cô Ba Trâm ở cái xóm Đình phía ngoài trường Vẽ Gia Định. Tám giờ tối, ông Ba Hòa là bố ca sĩ Elvis Phương đến chơi nhà. Ông Trường ra tiếp bạn, tay cầm chai rượu Martell và dĩa tôm khô củ kiệu. Rượu uống không bao nhiêu nhưng câu chuyện nối dài cho đến khi trời càng lúc càng đậm đen màu trời của đêm cuối tháng Chạp. Lư trên tủ thờ đã đánh thật bóng, ly tách trong tủ buýp phê sáng choang và hơi nhang trầm thơm cùng không khí ngoài trời sao mà thanh sạch.

Dì Út ngồi trên cái ghế đá đằng trước sân bên chậu sứ Thái Lan, kể tôi nghe trong một tối đầu tháng Chạp và giúp tôi quay về một đêm cuối năm đầu thập niên 1960 trên đất Gia Định xưa, rất bận rộn và mệt đối với một cô con dâu. Nhưng đó lại là một kỷ niệm vui không bao giờ quên được, như được dự một đêm Hội hoa đăng rực rỡ mà đời người trải qua không được mấy lần.