Hồ Dzếnh có khả năng nhìn ngược về nguồn gốc của chính mình, bắt đầu từ số phận trôi dạt trước hết của chính cha ông: một chàng trai Trung Hoa phiêu dạt đến Việt Nam và kết duyên với một cô lái đò người Thanh Hóa.


 Nhà văn của nỗi sầu vạn cổ về thân phận con người

NGUYỄN THỊ MINH THÁI

Hồ Dzếnh không coi viết văn, và làm thơ là một nghề. Cả đời ông hầu như không bao giờ tuyên ngôn văn chương nghệ thuật. Hình như ông cũng chưa bao giờ có ý định tổng kết đời văn của mình thành một thứ kinh nghiệm cho nhà văn trẻ mới vào nghề noi theo. Ông sống như thế nào, đau đớn và vui sướng, yêu dấu và ghét bỏ như thế nào, thì ông ghi chép lại như thế ấy…

Nhất là ở tuổi hoa niên, khi trái tim ông trong trắng, tâm hồn ông thành thiệt, đa cảm, đầy thương vay khóc mướn, thì ông mới viết. Y như lời tự thú của ông trên Tạp chí Sông Hương số 1 năm 1983. Năm ấy tôi mới hai mươi tuổi, chưa có ý định triết lý nào cả để làm một nhà văn. Tôi chỉ ghi chép lại những điều mắt thấy tai nghe, về số phận trôi dạt của những con người mà tôi đã chứng kiến và đã làm tôi xúc động…

Cho đến tháng 8/2003, khi ông đã về bên kia núi chẵn tròn một con giáp, 12 năm (1991 - 2003), (cũng là khi tôi viết bài này, theo lời đặt tha thiết của con trai ông). Kể từ 2 giờ 18 phút sáng ngày 13/8/1991, là lúc Hồ Dzếnh về cõi ấy, bây giờ xem lại gần như tất cả những gì ông viết đã được xuất bản lại: Hồ Dzếnh – tác phẩm chọn lọc (NXB Văn học 1988), Cuốn sách không tên (NXB Văn học 1993) và Thơ với tuổi thơ (NXB Kim Đồng 2000) và đọc hầu hết các bài viết về ông của bạn bè, của người hâm mộ, của báo chí… ta càng thấy thấm thía và rưng rưng một điều: Hồ Dzếnh, cái người không coi văn chương như là một nghề này; cái người đã bị số phận hoà lẫn ngẫu nhiên trong mình hai dòng máu Trung Hoa – Việt Nam này, đã đích thực sống chan hoà với đất Việt, đã nặng lòng yêu người Việt và tiếng Việt đến mức tự nhiên thành một nhà văn Việt Nam đúng nghĩa, một nhà văn Việt Nam toàn phần, dù ông viết không nhiều… và chỉ với một ít bài thơ, một chùm truyện ngắn, một cuốn sách không tên như thế thôi, chừng đó cũng đủ là những tác phẩm xuyên thời gian mà nhà văn Hồ Dzếnh tận hiến cho nền văn học Việt Nam hiện đại.

Không ngẫu nhiên, tất cả những gì Hồ Dzếnh muốn nói với đời, ông đều nói bằng tác phẩm văn chương. Và tất cả những tác phẩm văn chương của ông đều viết như thể muốn nói hộ những thân phận con người Việt Nam qua sự va chạm hết sức máu thịt và thân mật của ông đối với họ. Dường như tài năng văn chương của ông đã khởi phát từ chính thân phận ông, và cái sự “ghi chép lại những điều mắt thấy tai nghe” của ông đã là kết quả của cái tài năng ấy, nên Hồ Dzếnh có khả năng nhìn ngược về nguồn gốc của chính mình, bắt đầu từ số phận trôi dạt trước hết của chính cha ông: một chàng trai Trung Hoa phiêu dạt đến Việt Nam và kết duyên với một cô lái đò người Thanh Hoá.

Chúng ta biết rằng Hồ Dzếnh sinh ra vào thập kỷ thứ 2 của thế kỷ XX và bắt đầu viết văn khoảng 20 tuổi. Tác phẩm đầu tay của ông: Chân trời cũ, là một tập truyện ngắn được NXB Á Châu ra mắt năm 1942. Trước đó, năm 1937, ông đã có một số bài thơ và truyện ngắn rải rác đăng trên các tờ báo khá có tiếng tăm thời bấy giờ: Trung Bắc Chủ nhật, Tiểu thuyết thứ bảy và tập san Mùa gặt Mới. Tập thơ đầu tay của ông: Quê ngoại được xuất bản sau Chân trời cũ một năm tại NXB Nguyên Hà 1943. Về thể loại tiểu thuyết, từ 1942 đến 1946, Hồ Dzếnh được xuất bản hai cuốn: Một truyện tình 15 năm về trước (ký bút danh Lưu thị Hanh) NXB Á Châu 1942 và Cô gái Bình Xuyên NXB Tiếng Phương Đông, 1946. Về thơ, sau tập Quê ngoại, là tập Hoa Xuân đất Việt, NXB Nam Hoa thư xã, 1946. Ngoài văn xuôi và thơ, Hồ Dzếnh còn có hai vở kịch một màn đã công diễn nhưng chưa xuất bản: Người nữ cứu thương Trung Hoa, viết năm 1947 và Đi hay ở, 1955. Sau này, khi Hồ Dzếnh đã mất, NXB Văn học đã xuất bản Cuốn sách không tên, mà tác giả, trước ngày qua đời, chưa có ý định công bố.

Thực sự, Cuốn sách không tên nằm trong di cảo Hồ Dzếnh do gia đình tìm thấy, chưa hề được nhà văn biên tập và đánh dấu chấm hết. Song cuốn sách có thể gọi là tiểu thuyết này đã rất nhất quán với văn mạch của Chân trời cũ. Nó - cũng y như con người Hồ Dzếnh, là giọt nước mắt của ông rơi cho chính thân phận mình và gia đình của mình, vừa mới được thành lập, đã chết một đứa con trai, sau là người vợ, để chỉ còn lại người chồng là ông - Hồ Dzếnh và đứa con năm tháng tuổi.

Trong số tác phẩm không nhiều của Hồ Dzếnh, có hai tác phẩm thuộc hai thể loại được người đời biết đến nhiều nhất, nhớ đến nhiều nhất và lan tỏa ảnh hưởng văn chương sâu rộng nhất. Đó là tập thơ Quê ngoại và tập truyện ngắn Chân trời cũ. Và nhất là Chân trời cũ, với những nhân vật truyện ngắn mang đậm đặc sắc màu thân phận người, ở làng quê miền Trung đầu thế kỷ XX, đã làm nhiều người đọc của nhiều thế hệ khó có thể quên.

Chắc chắn khi nảy ra ý định lập nghiệp ở Việt Nam, người cha của Hồ Dzếnh, một người Trung Hoa chính gốc không ngờ rằng trong ba đứa con trai mà ông có với người vợ Thanh Hoá, Việt Nam, đã có một nhà văn là đứa con trai út quá nặng lòng với quê ngoại và không bao giờ có ý định trở về Trung Hoa, như hai đứa con đầu của ông. Sự pha trộn dòng máu, sự phân vân nhị nguyên giữa tình yêu quê cha, quê mẹ, sự thiết tha nghiêng lệch của Hồ Dzếnh đối với quê mẹ, sự yêu thương vô bờ của ông đối với gia đình mà số phận “bắt buộc phải buồn rầu”, đã khiến Hồ Dzếnh trở thành người đa cảm, với trái tim đầy xót thương với thân phận con người.

Như đã nói, Hồ Dzếnh sống rất kĩ lưỡng thân mật với gia đình mình, và ông đặc biệt yêu mẹ. Mẹ ông được ông yêu dấu tôn thờ, với tính cách Việt Nam điển hình, đúng như Thạch Lam nhận xét về nhân vật người mẹ - một thân phận bao trùm trong nhiều truyện ngắn của ông và đặc biệt ảnh hưởng đến “tính cách đa sầu đa cảm” của ông trong phong cách viết văn, đã là: một người mẹ Việt Nam vào hạng những đàn bà Việt đã làm nên đất nước này, cũng là người đàn bà chỉ biết chịu khó vì chồng con, không bao giờ có một lời phàn nàn hay oán hận, mà cái ước mong sung sướng nhất là cứ được hy sinh mãi. (Lời tựa của Thạch Lam cho Chân trời cũ xuất bản 1942).

Trong cái gia đình hình như số phận bắt buộc phải buồn rầu này, ai cũng đau khổ, nhất là người phụ nữ. Với một người cha Trung Hoa, suốt ngày lầm lì không nói, với ba người con trai lựa chọn ba con đường khác nhau, với một cô con dâu người Trung Hoa sống lầm lũi như cái bóng, với em Dìn, chị Đỏ Đương, chị Yên…. Tất cả đã tạo thành thế giới nhân vật riêng của Hồ Dzếnh. Tuy không viết ngay về họ khi đang sống với họ, mà ông chi viết về họ sau một cuộc “lùi xa”, cả về không gian lẫn thời gian, khi ông tha hồ nhớ về quê ngoại, nhớ về chân trời cũ của ông, nơi cái “làng quê bé bé”; “cánh đồng xa xa”, nơi có những nhân vật của ông đang sống trọn vẹn thân phận bé mọn của họ.

Văn xuôi của ông chính là kể chuyện về họ. Mỗi người dường như được ông kể vừa vặn trong một truyện ngắn. Và mỗi truyện ngắn là một phận người từ lúc xuất hiện cho đến khi chết, có khi chỉ vừa khít với một kết thúc “không có hậu” và hình như Hồ Dzếnh buộc phải viết những kết thúc “không có hậu” cho nhân vật của mình, cho lo dù ông rất đau khổ, dù ông đầy mong muốn cho họ một số phận tươi sáng hơn.

Là một thứ văn xuôi nhuốm đậm màu tự truyện, hầu hết các truyện ngắn của Hồ Dzếnh trong Chân trời cũ là ngoái nhìn lại chính cái gia đình đầy đau khổ của mình với nỗi tiếc hận là mình không thể làm gì cho vơi bớt những đau khổ ấy của từng người một, nhất là mẹ. Người mẹ mà Hồ Dzếnh đã viết những dòng văn cảm động về Người trong truyện ngắn Lòng Mẹ, và những dòng văn đầy hoài cảm thương mến khi tả lại cuộc gặp gỡ của cha mẹ mình trong truyện ngắn Ngày gặp gỡ. Chính ở nơi “quê mẹ tôi ở Trung Bộ” - Hồ Dzếnh viết: Nhà Người – tôi không làm thơ đâu – ở bên kia một dòng sông nhỏ, ôm kín với hai bờ lau xanh… lúc Người mới mười lăm tuổi, thì một tình duyên đẹp đẽ gây nên, sự gặp gỡ giữa hai người xa lạ (Chân trời cũ – truyện ngắn Lòng mẹ).

Vì sinh ra trên đất Việt, Hồ Dzếnh đã thiên lệch yêu quê ngoại và yêu mẹ “một cách bịn rịn”. Hồ Dzếnh được mẹ yêu chiều nựng nịu, có lẽ vì Người đoán thấy ở tôi một số phận thiếu êm vui. Mà đúng là thiếu êm vui, thừa đau khổ, nhất là đối với trái tim dễ đau đớn, dễ bị thương tổn, dễ “thương vay khóc mướn” ở nơi Hồ Dzếnh. Có người nói tính cách yếu đuối và đa cảm này của Hồ Dzếnh xuyên suốt cuộc đời ông, khiến cho ông có một giọng văn trầm lắng, nặng trĩu những nỗi buồn kiếp người. Nỗi đau buồn của ông về con người ngấm sâu vào trang sách đến mức mỗi một nhân vật của ông đều mang theo một tiếng thở dài đau đớn của ông.

Và hầu hết tiếng thở dài não nùng thương cảm nhất ông đều dành cho những người đàn bà nông thôn Trung Bộ, thường chịu gánh nặng định mệnh khe khắt của duyên phận bẽ bàng. Đọc truyện ngắn của Hồ Dzếnh khó có thể quên được những nhân vật này: Nhân vật mẹ ông, nhân vật người chị dâu Trung Hoa với xuất thân từ con nhà trưởng giả đặc Tàu, sang đến Việt Nam làm dâu nhà ông, lấy anh cả ông, rốt cuộc đã phải “nhập gia tuỳ tục”, đến nỗi “chỉ hai năm sau, chị dâu tôi hoàn toàn thành một người đàn bà quê Việt Nam đặc”.

Mối đồng cảm này của Hồ Dzếnh dường như không bao giờ vơi cạn trong cuộc đời ông. Nó khiến ông có một cái nhìn riêng biệt độc đáo, dường như nếu không phải là ông thì sẽ không thể có những chân dung như người mẹ, người chị dâu Trung Hoa, em Dìn, chị Đỏ Đương, anh Đỏ Phụ, em Fin, chú Nhì, chị Yên, thím Cư… trong Chân trời cũ. Nó cũng khiến ông có một phong cách viết truyện ngắn riêng, một lối “truyện ngắn - thơ” với chất truyện đầy chi tiết văn xuôi, nhưng lại với giọng kể chuyện đầy tình cảm bộc lộ theo lối trực tiếp và tức thì của chủ thể trữ tình trong thơ. Giọng kể này bao trùm lên cách xây dựng nhân vật truyện ngắn của Hồ Dzếnh, khiến mỗi nhân vật của ông có một cách kết dính đặc biệt chỉ có ở cây bút đa sầu đa cảm này: đó là những chi tiết truyện ngắn làm nên sắc thái riêng của nhân vật và những đoạn trữ tình ngoại đề mà bao giờ cũng được Hồ Dzếnh viết thẳng vào truyện ngắn, như thể ông không kìm nén được, mà phải xổ tung cái lòng thương của mình trong những lúc nhân vật đau đớn đến cao trào.

Thí dụ trong các truyện ngắn của ông, thường ông không ngăn được lòng thương cảm khi kêu lên rằng: phần nhiều, hay tất cả cũng được, những bà mẹ Việt Nam đều phải đau khổ ngay từ lúc lọt lòng. Mọi sự do “Trời” định, các tâm hồn đó chỉ biết vâng theo, một cách nhẫn nhục, một cách lặng lẽ, một cách chua xót vô cùng. Bao nhiêu thế kỷ rồi, những tiếng thở dài mất tăm trong đêm tối, những mái đầu bù rối nghiêng xuống bổn phận hàng ngày, tầm thường và nhỏ mọn. Cuộc hôn nhân của mẹ tôi, đến nay, tôi mới thấm thía được hết cái đơn giản, cái nghi lễ của nó. Và đến ngày nay, tôi mới biết mẹ tôi hơn lúc nào hết, người lái đò trên sông Ghép ngày xưa, người mẹ Việt Nam dịu dàng và cao quý. (truyện ngắn Ngày gặp gỡ). Trong truyện ngắn “Người chị dâu tôi”, ngay trang đầu tiên, tác giả đã thương mến viết như ân hận, như xin lỗi người chị dâu Trung Hoa đã lỡ bị ràng buộc vào gia đình của mình: Hỡi chị! Nếu số phận đã bắt chị làm dâu một gia đình cơ khổ, làm vợ một người chồng không bằng người, làm một người đàn bà lưu lạc, chị hãy nhận ở đây, trong mấy dòng chữ này, một lời an ủi, đó may ra lòng đau khổ của chị được san sẻ một vài phần…

Có thể nói không truyện ngắn nào không có những dòng sẻ chia như vậy của Hồ Dzếnh cho thân phận nhân vật của mình. Cũng có thể nói đây là vẻ thật riêng trong cốt cách văn chương Hồ Dzếnh, thứ văn chương chỉ dùng để ngoái nhìn về dĩ vãng, cái dĩ vãng xa vời vợi như một chân trời cũ tràn ngập một nỗi sầu vạn cổ.

Không phải ngẫu nhiên, ngay từ năm 1987, nhà thơ Vũ Quần Phương đã nhận xét rất chính xác rằng: truyện ngắn Hồ Dzếnh là truyện ngắn trữ tình – Nhân vật chính xuyên qua tất cả mọi truyện chính là tác giả. Nhiều lúc diễn biến cốt truyện bị ngưng lại nhường cho người viết bộc lộ. Song, những đoạn trữ tình ngoại đề luôn luôn xuất hiện trong truyện ngắn của Hồ Dzếnh vẫn chưa thỏa nỗi khát khao bộc lộ tình cảm buồn thương chất ngất sầu vạn cổ của Hồ Dzếnh đối với những điều trông thấy luôn làm ông đau đớn cho số phận con người và cho cả chính trái tim dễ vỡ của ông nữa.

Tất yếu nỗi khát khao của Hồ Dzếnh tràn sang một thể loại trữ tình, đó là thơ. Và ở thể loại này tâm hồn đầy thương cảm của Hồ Dzếnh đã rót đầy những vần thơ lục bát và đôi khi còn tràn bờ sang các thể thơ khác, thậm chí xuất thần một bài thơ được coi là đỉnh cao của thơ Hồ Dzếnh. Bài Chiều.

Trong thơ cũng vẫn là tâm hồn và tấm lòng Hồ Dzếnh mà truyện ngắn chưa trang trải hết. Và về sau này, Hồ Dzếnh còn phải tìm đến cả tiểu thuyết, đề trang trải những nỗi đau đời luôn canh cánh bên lòng ông, với tư cách một người mà số mệnh đã bắt ghi chép lại “những điều trông thấy” mà phải đau đớn, về cõi người.

Hồ Dzếnh hình như có gì đồng điệu với Nguyễn Bính. Nếu như thi sĩ Nguyễn Bính yêu làng quê, đồng ruộng với một tâm hồn thành thị, thì Hồ Dzếnh đã yêu đồng quê với một tâm hồn quê mùa chất phác, mộc mạc và giản dị hơn nhiều. Sự khác nhau này đã dẫn Hồ Dzếnh đến những bài thơ lục bát mang một dáng vẻ riêng Hồ Dzếnh khó có thể lẫn với thơ lục bát của những nhà thơ Mới khác.

Thơ lục bát của Hồ Dzếnh có một tình điệu riêng, man mác buồn và thấm thía xa xôi một nỗi buồn của ca dao người Việt: Có lần tôi thấy tôi yêu/ Mắt nhung cô bé khăn điều cuối thôn/ Lâu rồi tôi đã hơi khôn/ biết cô hàng xóm có còn nhớ nhau. Hoặc là hai câu thơ nói về tình yêu trai gái quê kiểng kín đáo và ý nhị: Yêu là khó nói cho xuôi/ Bởi ai hiểu được sao trời lại xanh.

Không thể không đồng ý với nhận xét của một số nhà phê bình thơ Mới rằng Hồ Dzếnh là một trong số những nhà thơ của phong trào thơ Mới đã cố ý “lạ hóa” cái thể thơ lục bát truyền thống dân tộc bằng cách phổ vào nó những ý tưởng mới mẻ của thời đại, ví dụ như nỗi buồn đầy màu sắc cá thể của Hồ Dzếnh trong bốn câu thơ tiêu biểu sau:

Chiều buồn như mối sầu chung

Lòng im nghe thoảng tơ chùng chốn xa

Đâu hình tàu chậm quên ga

Bâng khuâng gió nhớ về qua lá đầy.

(Mùa thu năm ngoái)

Và khó tin được rằng, bằng vào thơ lục bát, có thể diễn đạt được những cảm giác tinh tế đến như Hồ Dzếnh lắng nghe đất trời khẽ rùng mình: Khi vàng đứng bóng im trưa/ tiếng khô lá rụng làm thưa phố phường. Không biết về sau này hai câu thơ tuyệt bút của Trần Đăng Khoa có thể có một ảnh hưởng (rất xa) từ các câu thơ lục bát của Hồ Dzếnh hay là của các nhà thơ Mới đầu thế kỷ XX chăng: Ngoài thềm rơi chiếc lá đa/ tiếng rơi rất mỏng như là rơi nghiêng.

Tuy trong cả văn xuôi lẫn thơ, Hồ Dzếnh đều để riêng ra một góc lòng nhớ về quê cha ở Trung Hoa, nhưng đã là những nỗi nhớ mang đầy vẻ xa xôi thậm chí vu vơ ước lệ, với những câu thơ mang tính ước lệ, không ấm nóng một thứ tình nhân thế như ta vẫn thấy đầy ấm áp trong thơ văn viết về quê mẹ của Hồ Dzếnh. Đi đến cuối nỗi nhớ này, ta chỉ gặp những hình ảnh ước lệ sáo mòn:

Liễu Động Đình thơm chuyện hảo cầu

Tốc thề che mướt gái Tô Châu

Bâng khuâng trăng sáng trời Viên Hán

Một dải Giang Nam nước rộn màu

(Tư hương)

Song, bài thơ được coi là hay nhất, độc đáo nhất và số phận của nó ly kỳ nhất chính là bài thơ Chiều của Hồ Dzếnh. Suýt bị mất, vì Hồ Dzếnh viết một mạch trong lúc xuất thần, trên vỏ bao thuốc lá và bỏ quên trong túi áo. May mà bất chợt tìm lại được. Sau khi ra đời gần mười năm, nhạc sĩ Dương Thiệu Tước đã phổ nhạc bài thơ này (và đổi tên là Chiều. Tên đầu của bài thơ Hồ Dzếnh đặt là Màu cây trong khói).

Phổ nhạc bài thơ, mặc dù Dương Thiệu Tước thấm thía tận lòng nỗi buồn nhớ chất ngất “sầu vạn cổ” của Hồ Dzếnh, vị nhạc sĩ tài hoa này vẫn mất gần sáu tháng trời để sao cho nhạc tan thêm vào từng lời thơ và lên hết nghĩa của lời thơ bằng âm thanh của từng nốt nhạc và xâu chuỗi lại thành giai điệu tổng thể của cả bài hát. Chiều như một ca khúc sáng giá nhất của Dương Thiệu Tước. Có người cho rằng sở dĩ bài hát Chiều trở thành vượt thời gian là do Dương Thiệu Tước phổ nhạc, nhưng chính nhạc sĩ lại phủ nhận điều này. Nhà thơ Hoàng Hưng cho biết (báo Lao động 25-8-1991) chính Dương Thiệuo Tước nói rằng: “Trong ca khúc phổ thơ, phần thơ có vai trò chính. Với bài Chiều lại càng như thế”.

Quả thực là như vậy. Bài Chiều đã làm Hồ Dzếnh khác lạ hẳn các nhà thơ mới khác ở tình điệu vô song của nó trong thể thơ 5 chữ. Bài thơ bắt đầu bằng một không gian bát ngát cảm xúc trực giác của nhà thơ, với một con đường về cụ thể, với nỗi nhớ đầy không gian, ngập tràn không gian. Trong không gian đầy nỗi nhớ, chiều xuống thật chậm, dùng dằng dùng dình như kéo níu khi phải đưa chân bóng ngày để chiếm lĩnh không gian cho bóng tối bắt đầu buông xuống.

Và khi màn đêm buông, mọi vật nhòa trong hư vô, chỉ còn nghe được tiếng buồn vang trong mây. Đến đây, bài thơ chuyển đoạn với 4 câu tiếp nối tả mọi vật ngưng lại, hoặc bị phá vỡ thăng bằng: Chim rừng quên cất cánh/ Gió say tình ngây ngây”. Tất cả chỉ nhằm đẩy nỗi buồn lên chất ngất, với một từ ước lệ “sầu vạn cổ “, nhưng lại rất cụ thể: nỗi buồn lên trong mây đã lan tỏa trong hư vô, bỗng dồn nén lại chất chồng cả vào hồn của chủ thể thơ, với tất cả sức nặng hư vô của nó…

Khổ thơ cuối, người lữ khách mới xuất hiện và xuất thần những ý thơ thật mới của một kiểu chủ thể thơ cô đơn giữa trời đất, chỉ mới hiển hiện trong phong trào thơ Mới: Tôi là người lữ khách / Màu chiều khó làm khuây/ Ngỡ lòng mình là rừng / Ngỡ hồn mình là mây/

Và đến cái kết thúc, thì bài thơ đã hoàn toàn thấm nhuần một tinh thần lãng mạn hiện đại, mà trước các thi sĩ thơ Mới như Hồ Dzếnh, ở thơ cũ không thể có một bài thơ bừng sáng đến thế bằng hai câu kết: Nhớ nhà châm điếu thuốc/ Khói huyền bay lên cây… Đến đây thì phải chia sẻ với nhận xét thông minh, tinh tế của Hoàng Hưng về cái kết của bài chiều “Trong thơ tiền chiến cái tôi chưa bao giờ có được một tư thế như vậy”. Tôi cũng cho rằng cùng với cái tôi trong văn xuôi, vả cả thơ nữa, như thế, Hồ Dzếnh đã có một tư thế riêng biệt và vững chắc trong văn chương Việt Nam hiện đại./.