Nhà thơ, nhà lý luận kinh tế – chính trị Việt
Phương, có thể nói, là người mở cửa “Cửa mở để Suy nghĩ về
ngày mai”. Cũng có thể nói về ông như
là biểu hiện cho sự thống nhất của một diện mạo kép.
Việt Phương – Sự thống nhất hai trong một
HOÀI NAM
Tại Hà Nội, tạp chí Tia Sáng đã tổ chức
buổi tọa đàm ra mắt hai tác phẩm của nhà thơ, nhà nghiên cứu kinh tế – chính trị
Việt Phương (1928 – 2017).
Cuốn thứ nhất là Tuyển tập thơ Việt Phương (NXB Văn Học,
2023) in trọn vẹn tập thơ Cửa mở (NXB
Văn Học in lần đầu năm 1970, tái bản các năm 1989, 2009) và lược in chín tập
thơ mà ông cho xuất bản khá muộn sau tập Cửa
mở, trong sáu năm, từ 2008 đến 2014.
Cuốn thứ
hai là tập tiểu luận Suy nghĩ về ngày
mai (NXB Chính trị Quốc gia Sự Thật, 2023) bao gồm 18 bài nói, bài viết
mà Việt Phương đã thực hiện từ năm 1992 đến 2009. Đọc hai cuốn sách này, có thể
nói ngắn gọn về Việt Phương: đó là một người mang diện mạo kép.
Nói về thơ, thật ra Việt Phương có xuất
bản bao nhiêu tập thơ đi chăng nữa thì công chúng đa phần vẫn chỉ nhớ và nghĩ đến
tập thơ Cửa mở đầu tay của
ông (cho dù các tập thơ sau không hề dở). Vì nó quá nổi tiếng. Mà nổi tiếng nhất
chính là mấy câu này, trong bài Cuộc đời
yêu như vợ của ta ơi (1969):
Ta cứ nghĩ đồng chí rồi
thì không ai xấu nữa
Trong hàng ngũ ta chỉ
có chỗ để yêu thương
Đã chọn đường đi, chẳng
ai dừng ở giữa
Mạc Tư Khoa còn hơn cả
thiên đường
Ta nhất quyết đồng hồ
Liên Xô tốt hơn đồng hồ Thụy Sĩ
Hình như đấy là niềm
tin, ý chí, tự hào
Mường tượng rằng trăng
Trung Quốc tròn hơn trăng nước Mỹ
Sự ngây thơ đẹp tuyệt vời
và ngờ nghệch làm sao
Đọc lên thấy
quả là hài hước. Chúng chỉ ra rất đúng cái sự ngờ nghệch, ấu trĩ và tả khuynh một
thời. Vì thế chúng được truyền tụng rất nhanh và rộng ngay sau khi ra đời. Nhiều
người đọc hả hê, nhưng nhiều người đọc khác, trong đó có không ít vị lãnh đạo cấp
cao, thì bực bội, và Việt Phương bị “phê” là bởi thế (phải chịu kiểm điểm, kỷ
luật nặng, nếu không có sự can thiệp của Tổng bí thư Lê Duẩn). Ấy có lẽ do người
ta chỉ đọc mấy câu thơ này thôi, hoặc cố tình ngắt chúng ra khỏi tổng thể của một
bài thơ dài, trong đó Việt Phương nói rất rõ “Ta” đã vượt qua sự ngây thơ để
trưởng thành, để mạnh mẽ, để chiến thắng và để thêm yêu cuộc đời hơn:
Năm xưa ta vô tình tô đẹp
cuộc đời hơn để mà tin
Nay ta càng thêm tin mà
không cần tô gì nữa cả
Quen thuộc rồi mọi bất
ngờ kỳ lạ
Ta đã trả giá đau và ta
đã học nhìn…
… Ta đau lắm những nỗi
đau sinh nở
Cuộc đời, thân như hơi
thở ta ơi
Ta vui lắm những niềm
vui cởi mở
Cuộc đời yêu như vợ của
ta ơi
Nhìn rộng
ra thì cả tập thơ cũng vậy, sôi sục lý tưởng và tình yêu, tràn đầy niềm tự hào
và tinh thần chiến đấu của một người cộng sản kiên trinh. Trong đó những bài
như Muôn vàn tình thân yêu trùm lên khắp
quê hương, viết ngay sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, vẫn được xem là
một trong những bài thơ hay nhất về Hồ Chủ tịch. Ở bài Muôn vàn tình thân yêu trùm lên khắp quê hương,
Việt Phương ca ngợi Hồ Chủ tịch ở những khía cạnh nhẹ, nhỏ, mỏng, khẽ nhất, mà
hình tượng lãnh tụ hiện lên vẫn rất phi thường:
Bác thường để lại đĩa
thịt gà mà ăn trọn mấy quả cà xứ Nghệ
Tránh nói chữ to mà đi
nhẹ cả trong vườn
Tim đau hết nỗi đau người
ở chân trời góc bể
Đến bên Người ta thở dễ
dàng hơn…
Bác không bằng lòng gọi
trận đánh chết nhiều người là “đánh đẹp”
Con xóa chữ “đẹp” đi
như xóa sự cạn hẹp trong lòng con
Thêm hiểu lòng Người đối
với quân thù như sắt thép
Mà tình thương mênh
mông ôm hết mọi linh hồn
Hoặc ở bài
thơ Ta đánh Mỹ vậy thì ta tồn
tại (1966), Việt Phương vừa tự cắt nghĩa vừa nói to lên, vang vang, tiếng nói của
người Việt Nam khi buộc phải cầm súng chống kẻ thù đế quốc. Ta đánh Mỹ, là đánh bằng truyền thống bốn
nghìn năm lịch sử, bằng hai mươi năm tôi luyện của nước cộng hòa, bằng tình yêu
và lòng căm thù vĩ đại, bằng niềm vui xây dựng và bằng cả nỗi đau bất hạnh. Giọng
thơ ông trong bài này là giọng sử thi – lý sự rất khó lẫn: Ta chuẩn bị đánh Mỹ từ những trận Đống Đa Bạch Đằng thuở trước/ Từ cái ngày mỗi
chúng ta tỉnh giấc trong đêm biết thân mình mất nước/ Từ phút giây tuyên thệ dưới
Đảng kỳ/ Đánh Mỹ là đường ta chọn ta đi/ Ta đánh Mỹ, vậy thì ta tồn tại!… Nhưng
mấy câu thơ nói trên kia (vốn là mấy câu thơ… vô tội), éo le thay, vẫn là mấy
câu khiến nhà thơ Việt Phương trở nên nổi tiếng nhất.
Tuy nhiên
xét đến cùng thì thơ cũng chỉ là nghề… tay trái của Việt Phương mà thôi. Nghề
chính của ông là làm lý luận, nghiên cứu kinh tế – chính trị để từ đó tham mưu
cho lãnh đạo Đảng, Nhà nước về các vấn đề hoạch định chính sách, chiến lược.
(Ông từng làm thư ký của Thủ tướng Phạm Văn Đồng, rồi giúp việc cho Tổng bí thư
Lê Duẩn, sau tham gia Ban tư vấn kinh tế cho các Thủ tướng Võ Văn Kiệt, Phan
Văn Khải). Mười tám tiểu luận in trong tập sách Suy
nghĩ về ngày mai của ông, theo lời nhà xuất bản và người thân trong
gia đình, chỉ là một phần rất nhỏ những gì ông đã thực sự nghiền ngẫm và viết
ra trong suốt mấy chục năm, về các vấn đề kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa…
của đất nước.
Chỉ thế
thôi, nhưng cũng đủ để hình dung về diện mạo tinh thần của một nhà nghiên cứu
có kiến văn quảng bác, có sức nghĩ và sức nhìn viễn kiến, có năng lực nắm bắt
những vấn đề mới của thời đại mà rồi đây, sớm hay muộn cũng tác động đến Việt
Nam. Ví dụ như vấn đề toàn cầu hóa, hội nhập kinh tế quốc tế, Việt Phương đã viết
từ rất sớm, rất kỹ, và đưa ra chủ kiến của mình. Rằng toàn cầu hóa, bản chất của
nó là một trận đấu mà ai thông minh sáng suốt thì được nhiều hơn mất, ai dại khờ
sơ hở thì mất nhiều hơn được.
“Chỉ có một
tình huống chắc chắn mất hết đó là khi co mình lại, đóng cửa vào, cự tuyệt toàn
cầu hóa, khước từ hội nhập. Chính sách ấy là chính sách tự sát” (sđd, tr. 89,
90). Và để “được nhiều hơn mất” khi tham gia toàn cầu hóa, theo ông, Việt Nam cần
phải biết “toàn cầu hóa chiến lược”, phải xem đó là sự nghiệp toàn dân, phải chủ
động và chuẩn bị chu đáo về mọi mặt để không thua thiệt trong các đàm phán quốc
tế, và nhất là phải làm sao để đảm bảo toàn cầu hóa mang lại công bằng xã hội
nhiều hơn.
Ngoài ra, còn phải nói đến Việt Phương
như một nhà nghiên cứu dũng cảm và trung thực, hay đúng hơn, trung thực đến mức
dũng cảm, khi ông không ngần ngại đặt những vấn đề phản biện rất xác đáng với Đảng
lãnh đạo. Tôi xin lấy ví dụ bằng nhan đề một bài viết của ông: Một số suy nghĩ
về nâng cao tầm tư tưởng và trí tuệ của Đảng để đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp
công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Hay khi ông viết về nhà nước pháp quyền
và đặt vấn đề đó phải là “nhà nước của pháp quyền”, chứ không được biến thành
“pháp quyền của nhà nước”, rằng nhà nước nào cũng phải ở dưới luật, phải xem việc
thượng tôn pháp luật như một yêu cầu đạo đức nghiêm ngặt, thì rõ ràng đây là một
chủ đề hết sức thời sự, thời sự lúc ấy và thời sự cả bây giờ.
Hoặc, khi
nghiền ngẫm và trình bày những suy nghĩ mới/ mở về học thuyết của K.Marx và
liên hệ với thực tế Việt Nam, bài Một số
vấn đề lý luận về giá trị thặng dư và bóc lột, ông đã kết luận bằng những
câu: “Đáng chú ý rằng trong bộ luật Hình sự của nước ta không có tội danh “bóc
lột giá trị thặng dư của công nhân”. Còn mười mấy tội trong luật Hình sự mà thực
chất là chiếm đoạt công sức, tài sản của người khác, của nhân dân (tức là “bóc
lột” theo đúng nghĩa của từ ấy) thì mọi công nhân Việt Nam, chứ không phải chỉ
là đảng viên, đều không được phạm vào. Và đã vậy thì cần gì phải nêu việc cấm
phạm những tội ấy trong Điều lệ Đảng? Trong các nhiệm vụ của người đảng viên, tại
nhiệm vụ 1, Điều lệ Đảng đã nêu rõ: đảng viên “Phải chấp hành nghiêm chỉnh pháp
luật của Nhà nước”. Như vậy là đủ” (Sđd, tr. 163, 164).
Nhà thơ, nhà lý luận kinh tế – chính trị Việt Phương, có thể nói, là người mở cửa/ Cửa mở để Suy nghĩ về ngày mai. Cũng có thể nói về ông như là biểu hiện cho sự thống nhất của một diện mạo kép.