Người đọc trước ngồn ngộn sách vở mới ra mỗi ngày cũng quên ngay quyển sách kia đi, quên cả cái tin đồn đâu đó rằng nó từng bị cấm. Cuốn sách lúc này được trả về giá trị ban đầu


VỀ SÁCH CẤM HÔM NAY

ĐINH PHƯƠNG

Sách vở ở ta có nhiều cái lạ, lạ lùng nhất là những cuốn sách đang ở dạng ế (tức bán nhỏ giọt cầm chừng) bỗng một ngày có tin ngầm, tin bí mật, tin rỏ rỉ từ nơi A nơi B nào đó rằng sách “có vấn đề này vấn đề kia”, sách “dừng phát hành chờ thu hồi”, thế là cuốn sách đang ế bỗng lên hương “đắt chồng” nườm nượp…

Nhiều nhà sách bán lẻ trên phố đang giảm 20%, 30% theo chiết khấu trên bìa nhận ra cơ hội, sách đang chễm chệ ở ngăn cùng trên giá giờ chuyển xuống ngăn cuối cùng, nằm khuất sâu trong góc. Khi có người hỏi mua thường không đưa ra ngay mà hỏi đi hỏi lại rằng mua cuốn nào, à ừ cuốn đó đang có lệnh cấm bán từ trên, khách nài nỉ thì tặc lưỡi tỏ vẻ thông cảm rón rén đưa sách ra, giá bìa giữ nguyên... Các trang bán sách trên mạng xã hội cũng chớp ngay dịp này đẩy quảng cáo, đưa sách đến tận tay người đọc với mức giá bìa bao phí vận chuyển. Khi trao đổi cũng đưa ra các trả lời nửa vời, kiểu bánh trôi nước nửa nổi nửa chìm… Thế là người mua xuống tay chuyển khoản ngay...

Còn khách sau khi có sách thì sao, thường vài phầm trăm cũng hào hứng đọc tỉ mỉ ngay, cố gắng tìm ra vấn đề của cuốn sách; nhiều phần trăm khác yên tâm để đấy vì sách đầy mua tích trữ đã đọc hết đâu. Sau đấy đôi ba người viết bài cảm nhận trên các nhóm mạng xã hội, chỉ chăm chăm nhấn mạnh các điểm kị, húy cho thật sinh động. Vòng sóng cấm được đẩy loang thêm, tất nhiên sách vẫn bán được thêm thời gian nữa rồi chìm dần, tức trở lại mức chiết khấu bình thường, có khi còn hơn vào mỗi dịp cuối năm hay lễ lạt kỉ niệm đầy rẫy trong năm.

Người đọc trước ngồn ngộn sách vở mới ra mỗi ngày cũng quên ngay quyển sách kia đi, quên cả cái tin đồn đâu đó rằng nó từng bị cấm. Cuốn sách lúc này được trả về giá trị ban đầu, là một cuốn sách của nhà văn D nhà văn F, nhà nghiên cứu H nhà nghiên cứu G nào đó. Nếu nó hay thực sự người đọc sẽ tiếp tục tìm đến với nó, tái bản ở các tháng, các năm tiếp sau. Còn không, lập tức rơi vào lãng quên như đa số sách vở trong thời đại in ấn ngày nay…

Với một người đọc sách bình thường thì sách cấm lẫn sách không cấm đều có giá trị ngang nhau. Đọc sách để đọc cái hay trong sách, để cảm thấy mình được chia sẻ với nhân vật, để giải trí sau những giờ làm việc, học tập căng thẳng. Đọc để hiểu thêm về một vấn đề gì đấy mình đang quan tâm tìm hiểu, để mở rộng vốn từ…

Khi mua một cuốn sách nghi bị cấm đồng nghĩa với việc người đọc mong cuốn sách đó bị cấm thật như lời đồn. Bởi, nếu cuốn sách đó không bị cấm tức độc giả đang bị lừa, bị dẫn dắt bởi truyền thông, dư luận. Sau đó, sẽ có một câu hỏi rằng bình thường anh/ chị có mua cuốn sách đó nếu không có tin đồn bị cấm kia không. Chắc hẳn ½ sẽ trả lời không, số còn lại ở tình thế lưỡng lự, chỉ số ít người bảo mình sẽ mua. Thêm một câu hỏi mang tính sát thương nữa, rằng nếu không có tin đồn bị cấm anh/ chị có biết tác giả, nhà văn đó không. Câu trả lời sẽ giống câu trên, hoặc còn thảm hơn nữa...

Có cả trường hợp sách ngày hôm qua bị coi là “kịch độc” thì ngày hôm nay đã được “giải độc” chẳng còn độc hại nữa, chưa kể còn có phần hiền lành. Có thể kể đến các trường hợp nhà văn của Tự Lực Văn Đoàn như Khái Hưng, Nhất Linh, Thạch Lam, Trần Tiêu, Hoàng Đạo, Thế Lữ, Tú Mỡ… Thậm chí tiểu thuyết Xóm cầu mới được nhà văn Nhất Linh (1906-1963) viết trong nhiều năm, con trai ông xuất bản lần đầu sau khi ông mất mười năm (1973) cũng đã được tái bản vào cuối năm 2021 (Nhà xuất bản Phụ Nữ cấp phép, một tập, với hơn 500 trang khổ lớn; khác với lần đầu chia thành hai tập). Rồi các tác giả được giải thưởng Tự Lực Văn Đoàn như Vi Huyền Đắc, Mạnh Phú Tư, Anh Thơ, Tế Hanh… thì các tác phẩm được giải sau này đều đã được in lại cả. Trong đó nổi bật nhất là tác phẩm Bỉ vỏ (trao giải năm 1937) của nhà văn Nguyên Hồng được tái bản nhiều lần, là hành trình đọc không thể thiếu của tuổi thơ nhiều thế hệ.

Với các nhà thơ trong phong trào Thơ Mới có một khoảng thời gian không được in lại các tác phẩm trước 1945, nhưng sau cũng được in lại cả, như: Xuân Diệu, Huy Cận, Hàn Mặc Tử, Lưu Trọng Lư, Nguyễn Nhược Pháp, Nguyễn Bính, Thâm Tâm, Vũ Hoàng Chương…

Nhiều nhà văn miền Nam trước 1975 ngày nay cũng đã có trên kệ sách, không chỉ tái bản một đầu sách mà là nhiều đầu cùng lúc, như Sơn Nam, Bình Nguyên Lộc, Bùi Giáng, Nguyễn Thị Hoàng, Dương Nghiễm Mậu, Du Tử Lê, Nguyễn Thị Thụy Vũ, Nguyễn Thị Ngh…; rồi nhà nghiên cứu như: Tạ Chí Đại Trường, Nguyễn Hiến Lê, Trần Thái Đỉnh, Nguyễn Văn Trung, Vũ Đình Lưu, Kim Định, Phan Khoang, Nguyễn Duy Cần…

Còn với nhà văn, nhà nghiên cứu đích thực thì cũng chẳng mong gì sách mình bị cấm. Cấm ở đây tức sách chẳng đến được tay bạn đọc nữa. Cả cái tin đồn cấm kia cũng không mong, bởi bạn đọc đọc trong trạng thái bong bóng, đọc ở lớp váng cấm đoán chứ có đọc để thưởng thức câu chữ, đồng cảm, chia sẻ với người nghiên cứu, người sáng tạo đâu.

Viết đến đây người viết chợt nhớ đến truyện ngắn Sách cấm của nhà văn Bảo Ninh in trong tập Chuyện xưa, kết đi được chưa. Truyện viết về hai cô cậu bé học cùng lớp, cậu bé hay được cô bé lấy sách cấm, tức sách tác giả Tự Lực Văn Đoàn ở tủ nhà đi cho đọc. Cho đến một ngày cô bé đột nhiên thôi học, tìm đến nhà cũng chẳng thấy đâu. Cậu bé vẫn cầm quyển sách của cô bé chưa kịp trả và nhớ đến sau này. Truyện chỉ đơn giản thế, gợi nhớ một quá vãng về rung động đầu đời trong trẻo, về những cuốn sách xưa cấm đoàn giấu giếm mà giờ chẳng còn nhiều người đọc, bởi mỗi xã hội lại sản sinh ra lớp người đọc của riêng mình.

Trước thì sách ít chẳng có nhiều lựa chọn, giờ sách nhiều, nhiều lựa chọn thì mỗi người đọc nên là người đọc thông thái với sản phẩm mà mình lựa chọn tiêu thụ. Và khi nghe đến sách cấm hãy nên biết hoài nghi, xem mình có sắp sửa rơi xuống cái bẫy nào không…