Một thực tế được nhìn nhận là nội dung trại viết thời bình lại không thu hút học viên như thời chiến tranh. Phải chăng thế giới đã phẳng, nên việc đọc, giao lưu dễ dàng hơn. Những nhà văn đã được tắm trong rừng thông tin nên không bức xúc được trao truyền thông tin nữa?


TRẠI VIẾT NĂM XƯA VÀ HÔM NAY

TRẦM HƯƠNG

Khi làm bộ phim tài liệu “Hồn thơ Hoài Vũ”, được đi cùng ông về chiến trường Long An xưa, cùng ông bơi xuồng trên dòng Vàm Cỏ Đông, được gặp lại những nhân chứng chiến tranh; những người con gái, con trai Long An dũng cảm kiên cường năm xưa từng là đồng đội của ông còn sống sót đến hôm nay, bao câu chuyện cảm động chảy tràn cùng nước mắt. Những câu chuyện thật hay, thật xúc động và quý báu nhưng kỳ lạ thay, chuyện nhà thơ Hoài Vũ mở những trại viết ở chiến trường miền Nam ác liệt năm xưa gây cho tôi sự tò mò đặc biệt. Càng nghe ông kể về những trại viết mở ở chiến trường tôi càng thấm thía và dù không muốn, thật có nhiều so sánh, liên tưởng... 

Những trại viết ở chiến trường miền Nam

Nhà thơ Hoài Vũ quê Quảng Ngãi, tham gia cách mạng lúc còn rất nhỏ tuổi, tập kết ra Bắc, được tuyển vào khoa báo chí Tuyên giáo Trung ương. Giữa năm 1963, ông vượt Trường Sơn vào Nam. Gần 4 tháng trời ròng rã, vượt bao hiểm nguy, gian khổ, những cơn sốt rét ác tính..., cuối năm 1964, ông về đến căn cứ Trung ương Cục miền Nam, được trao trách nhiệm phụ trách trường báo chí. Sau đó, ông về Báo Văn nghệ giải phóng, đi sáng tác, mở trại viết. Chiến tranh ác liệt, bom đạn tơi bời, sự sống và cái chết trong gang tấc mà “mở trại viết”?! Tôi kinh ngạc vì điều đó. Và tôi cũng thật sự khâm phục, thật cảm động vì điều đó.

Hai chữ “TRẠI VIẾT” nghe thật sang mà cũng thật lạ lẫm trong hoàn cảnh chiến tranh. Nhà thơ Hoài Vũ xác tín: “Hồi đó dẫu đối mặt với sống chết, tập trung tinh lực cho cuộc chiến cân não giữa ta và địch nhưng lãnh đạo cũng rất quan tâm, chăm chút bồi dưỡng, tạo mọi điều kiện phát triển đội ngũ văn nghệ sĩ. Tôi cùng nhà thơ Giang Nam được đưa về Chi hội Văn nghệ Sài Gòn - Gia Định. Chiến tranh ác liệt vậy mà hoạt động văn nghệ rất sôi nổi. Chúng tôi nhận nhiệm vụ mở các trại sáng tác mà quen gọi tắt cho đến giờ là “trại viết” trong những hoàn cảnh rất đặc biệt”. 

Nhà thơ Hoài Vũ nhắc đến “Trại viết” với niềm hứng khởi dâng trào. Hai chữ ấy đối với ông thật thiêng liêng, gợi lên bao khuôn mặt thân thương, những kỷ niệm máu thịt gắn bó cuộc đời ông, một trời ký ức. Ông nhớ mồn một từng trại viết được mở trong căn cứ. Thời ấy, để có được một trại việt thật kỳ công, từ khâu xin ý kiến lãnh đạo, tổ chức, huy động người, lo chuyện đi lại, ăn ở... Chỉ việc chọn địa điểm mở trại sao cho bí mật, an toàn cũng phải bàn đi tính lại đết nát óc. Một người viết là một chiến sĩ đặc biệt quý nên hết sức nâng niu. Nhưng làm sao thuyết phục được đơn vị cho họ ngừng chiến đấu một thời gian để đi học viết văn là điều thật không dễ dàng. Nhà thơ không khỏi tự hào, rất lấy làm tâm đắc và thật xúc động khi nhìn lại những “Trại viết” sinh ra từ máu lửa:

“Vậy mà mở được bốn, năm khóa đó chớ. Tôi không hiểu sao hồi đó mình làm được chuyện thần kỳ như vậy?!”. Vâng, “thần kỳ”, ông không ngần ngại dùng hai chữ này để kể về những trại viết mà ông được giao trách nhiệm - một trách nhiệm mà ông hân hoan nhận lấy, dù trọng trách mở những lớp viết văn trong rừng có lúc khiến ông thấy mình quá sức, quá liều và đôi lúc phải đau đớn hy sinh tình cảm của mình...

Từng trại viết trở về trong ký ức ông...

Trại viết đầu tiên được mở năm 1968, huy động những cây bút viết từ lực lượng Thanh niên xung phong miền Nam, giữa cánh rừng Tây Ninh, căn cứ Trung ương Cục. “Từ trại trưởng đến trại viên tự lo việc ăn uống. Hơn 50 chiến sĩ từ các đại đội Thanh niên xung phong miền Nam tụ về, mang theo những câu chuyện lạ lùng kỳ diệu, những gương anh hùng, những đau thương mất mát... Chúng tôi ngồi nói chuyện về văn chương vừa canh chừng biệt kích, thám báo và B52...”. Tôi bật lên câu hỏi: “Vậy anh dạy gì cho các học viên của mình?”. “Ồ, thì nói về cách xử lý tư liệu, viết phóng sự, bút ký, truyện ngắn... Một số anh chị em cũng làm thơ và thơ rất hay, rất xúc động. Tôi nói với các học viên của mình về cảm xúc và hiện thực... Những gì tôi được học ở trường báo chí, những gì tôi được trải nghiệm, tôi trao hết cho học viên, móc gan ruột mình ra để nói. Họ say mê nghe thầy giáo chia sẻ, như ưống từng lời. Thầy trò thương nhau hết sức. Từ trại viết đầu tiên đó, nhiều cây bút đã khẳng định tên tuổi, nổi tiếng sau này”. 

Trại viết thứ hai mở năm 1969, tại chiến trường Long An. Hồi đó, Long An gồm cả phân khu 2 và phân khu 3 - những phân khu ác liệt làm bàn đạp tấn công vào nội đô trong Mậu Thân 1968. Ông nhớ lại: “Trại này tập trung những chiến sĩ không chỉ biết cầm bút mà còn cầm súng thiện chiến, ngoan cường. Trại viết được tổ chức ngoài bưng Đức Huệ, Long An... Có những người rất trẻ tham dự như Hào Vũ, Đinh Thị Thu Vân”. 

Tôi sực nhớ những bóng hồng trong những bài thơ nổi tiếng của ông nên hỏi: “Trại này có cô Bảy Nhàn hả anh?!”. Ông xác nhận: “Phải rồi. Trại viết này mình có nhiều bài thơ lắm. Cô học trò Bảy Nhàn khiến tôi thấy từng dấu chân cô in trên cát cũng nở hoa. Tôi làm sao quên hương vị gạo lúa nàng thơm, cá bóng kèo béo ngọt... Rồi những ngày ngắn ngủi dành cho văn chương qua nhanh, mỗi người trở về với vị trí của mình, mà nhớ mà thương, “Ôi bát ngát chân trời miền Hạ / tím tình yêu tím cả ước mong...”. Đó là thời điểm vô cùng ác liệt. Trại viết có khoảng 30 người thì sau đó về đơn vị chiến đấu, hy sinh gần 20 người. Bảy Nhàn bị sa vào tay địch, bị đưa đến mọi nhà tù. Và tôi đã viết cho em: “Gởi người bạn gái trong tù”, mong thơ phát trên đài phát thanh giải phóng, em nghe được tiếng lòng tôi...”

“Thế nhưng trại viết theo tôi là đình đám, xôm tụ nhất là Trại viết dành cho Thành đoàn được tổ chức năm 1971. Trại viết này thành công quá sức mong đợi!”. Nhà thơ Hoài Vũ tự hào nhớ lại. Năm ấy, về dự trại viết là những người trẻ đầy tâm huyết, tài năng như Trần Long Ẩn, Lê Duy Hạnh, Trương Quốc Khánh, có cả nhà thơ Đồng Tháp... Trại viết được tổ chức tại Thanh An, Thủ Dầu Một, Bình Dương. Một trại viết quy tụ những người trẻ, từ Sài Gòn phồn hoa đến với căn cứ cách mạng đã khơi dậy bao tâm huyết. Những trại viên năm ấy sau này trở thành trụ cột của âm nhạc, sân khấu, văn học... 

Càng kể về những trại viết, nhà thơ Hoài Vũ càng phấn khích nhớ lại một thời gian khổ, hào hùng. Trại viết gây ấn tượng mạnh mẽ cho ông là trại được tổ chức vào năm 1973, ở rừng Tà Leng, căn cứ Khu Sài Gòn Gia Định. “Khi ấy, chiến tranh đang có dấu hiệu kết thúc, hòa bình đã gần kề. Lãnh đạo Khu rất có tầm nhìn để đào lạo lực lượng viết trẻ nên tạo mọi điều kiện cho trại hoạt động. Có khoảng 40 trại viên, Toàn những người trẻ. Một trong những người tôi nhớ là Lam Giang... Lực lượng viết trẻ ấy sau này là những cây bút chủ chốt cho báo Sài Gòn Giải Phóng, báo Tuổi Trẻ”.

Nhà thơ Hoài Vũ rất cảm kích khi nói về tầm nhìn và tấm lòng của những lãnh đạo mà ông được trọng thị, giúp đỡ hết mình ở những trại viết: “Lãnh đạo đơn vị đánh giá rất cao vai trò văn nghệ sĩ - chiến sĩ nên rất quý những người viết. Mà người viết thì phần nhiều cá tính, cuộc sống không mấy đơn giản. Vì thương quý văn nghệ sĩ, nhiều “tật” của anh em cũng được cảm thông. Sở dĩ tôi tham gia đào tạo được nhiều trại viết như vậy là nhờ lãnh đạo các đơn vị. Vì có nhu cầu nên đơn vị tổ chức, tôi đứng ra giảng bài, chấm điểm, nhận xét, động viên... Ngoài ra, Ban văn nghệ Giải phóng tổ chức được nhiều trại viết mà nhà văn Nguyễn Văn Bổng là một trong những thầy giáo cự phách, tận tâm giảng dạy cho anh em... Hồi đó, anh em đến với trại viết rất nghiêm túc, rất tự hào, cảm nhận công việc viết lách thật thiêng liêng. Bom đạn ác liệt là vậy, ngồi học trong những chòi lá, lót guốc dép, bao bố mà uống từng lời thầy giáo. Những trại viết trong chiến tranh cứ đi theo suốt cuộc đời làm văn học nghệ thuật của tôi, cho đến ngày hòa bình! Có quá nhiều những kỷ niệm đẹp, rất thiêng liêng, những trang viết của các trại viên đã đổi bằng giá máu!”

Trại viết hôm nay

Sau chiến tranh, với đường lối phát triển văn học nghệ thuật, với sự trân quý tài năng văn nghệ sĩ, nỗ lực đi tìm những gương mặt mới trong sáng tác văn học nghệ thuật; các Hội văn học nghệ thuật, Hội Nhà văn... vẫn duy trì và phát triển trại viết. Dù những năm sau hậu chiến, đất nước còn đói nghèo, nhiều khó khăn; các trại viết vẫn được mở và dành phần lương thực thực phẩm tươi ngon cho văn nghệ sĩ.

Tôi nhớ mình đã từng được tham dự trại viết văn Quân khu 9, trại viết văn đồng bằng sông Cửu Long... những năm 1980. Tôi được nghe những chia sẻ nghề nghiệp tâm huyết từ lớp nhà văn bước ra từ máu lửa chiến tranh như nhà văn Nguyễn Quang Sáng, Anh Đức, Hà Mậu Nhai... Hồi đó, quân khu cũng mời được nhà văn đang “nóng” - Nguyễn Mạnh Tuấn để nói về Đứng trước biểnNhững khoảng cách còn lạiCù lao tràm... của ông. Văn chương và tác phẩm mở ra chân trời mới cho một cô kỹ sư nông nghiệp chưa từng học qua trường lớp viết văn, chỉ biết đam mê văn học.

Thời ấy, tôi còn quá trẻ, mới chập chững với mấy chục bài thơ, vài ba truyện ngắn in báo làm sao hiểu thấu đáo lời khuyên về kinh nghiệm “viết ém mình” của nhà văn Anh Đức. Giờ thì tôi hiểu, lời khuyên ấy thật quý báu trong việc thu thập tư liệu, ngấm đời sống và tiết chế cảm xúc... để trang văn bật lên những ý đồ gởi gắm, để văn được đi xa... Tôi nhớ lới khuyên nhà văn Nguyễn Quang Sáng là nhà văn phải có tác phẩm, phải viết mọi lúc mọi nơi có thể, phải đặt mình vào kỷ luật, không đợi hứng rồi mới viết... Những chia sẻ nghề nghiệp, học thuật từ lớp nhà văn thành đạt thật đáng giá ngàn vàng. Không phủ nhận nhiều nhà văn trẻ được phát hiện, hiển lộ từ trại viết.

Thật không ít những cặp đôi văn chương kết duyên nhau từ trại viết, sinh ra những đứa con tinh thần và cả những đứa con máu thịt, sống hạnh phúc bên nhau cùng kiến tạo, phát triển sự nghiệp văn chương. Nhưng những bi kịch cuộc đời, những đổ vỡ, đau khổ trần ai cũng bắt đầu từ những trại viết, cả sự ảo tưởng bản thân mình khi được khen quá trớn, cả thất vọng mủi lòng khi bị phủ nhận tài năng, thậm chí còn có ông thầy văn chương khuyên “học trò” mình nên bỏ nghề, sợ học trò đeo bám dai dẳng giấc mộng văn chương mà không đi đến đâu thì dỡ lở cuộc đời, thì mang khổ...

Dự trại viết trong hòa bình hẳn nhiên là sung sướng hơn trong chiến tranh nhiều lần. Kinh phí mở trại viết hàng năm của các hội văn học nghệ thuật cũng được rót đều. Không còn lót dép, guốc hay ngồi trên bao bố nghe giảng giữa rừng hàng tiếng đồng hồ trong tiếng ì đùng bom pháo; không còn ngủ trong những lán trại, cùng xúm nhau nấu cơm, tát đìa bắt cá cải thiện sau buổi học...; giờ đây học viên được đón ra điểm mở trại bằng xe máy lạnh đời mới, được ngủ trong những khách sạn tiêu chuẩn, cơm ăn ngày ba bữa, được phục vụ chu đáo.

Một số trại viết nhờ ban tổ chức có khả năng xã hội hóa được ngủ nghỉ trong những khách sạn năm sao hay những khu resort đẹp đẽ, phong cách. Người được chọn đi cũng không khe khắt như thời chiến tranh. Chỉ cần bạn là hội viên một hội chuyên ngành nào đó, có nhu cầu, có nguyện vọng chính đáng là được xem xét dự trại. Hội Nhà văn TP. Hồ Chí Minh do hội viên đông nên có quy chế mỗi hội viên được xét tài trợ, được mời dự trại viết, đi thực tế sáng tác 3 năm một lần. Dẫu vậy, vòng quay này cũng tăng nhanh do số hội viên cao tuổi nhiều hơn hội viên trẻ. Những nhà văn cao tuổi phần đông đều có vấn đề sức khỏe như tim mạch, huyết áp, các căn bệnh mãn tính nên ngại xê dịch.

Một số nhà văn trẻ được mời thường bị dính chặt vào công việc cơ quan, doanh nghiệp nên việc xếp lại công việc để dự một trại sáng tác khoảng một vài tuần là điều nan giải. Số trại viên tham dự được về nhà không có tác phẩm cũng không sao... Kỷ luật trại viết thì lỏng lẻo, hết sức mở, hết sức linh hoạt. Thậm chí trại viên có mặt buổi khai mạc hoặc bế mạc cũng được chấp nhận. Dần dà, những trại viết ít nhiều “biến tướng” thành những chuyến đi nghỉ dưỡng...

Một thực tế được nhìn nhận là nội dung trại viết thời bình lại không thu hút học viên như thời chiến tranh. Phải chăng thế giới đã phẳng, nên việc đọc, giao lưu dễ dàng hơn. Những nhà văn đã được tắm trong rừng thông tin nên không bức xúc được trao truyền thông tin nữa?! Không còn những điều làm trái tim nhà văn rung cảm, để quan tâm, uống từng lời thầy giáo. Nhiều trại viết cũng tổ chức tọa đàm, giao lưu nhưng ít dần những sinh hoạt học thuật, phải chăng vì ban tổ chức cũng ngại kiến thức học thuật cũng đã lỗi thời mà nhà văn thời nay ai cũng được đọc, được tiếp cận...

Nếu những trại viên đến với trại viết trong chiến tranh luôn với sự háo nức, sẵn sàng mở lòng ra để đón nhận những kinh nghiệm trao truyền người đi trước với tâm trạng ly nước chưa đầy thì ngày nay, diễn giả đến trại viết cũng rất dè dặt. Nhiều người thầy e ngại mình không mang lại điều gì mới cho trại viên, bởi học trò nhà văn ngày nay khôn lanh quá, bản thân họ bước ra từ cuộc chiến tranh giờ còn bị bỏ lại phía sau bởi lọng cọng với màn trình chiếu, ti vi phẳng, bối rối với chiếc máy tính đôi khi phản chủ...

Từ thực tế đó, việc tìm diễn giả, thầy giáo truyền đạt kiến thức cho trại viên trong trại viết cũng là điều nan giải. Ban tổ chức xoay sở nhiều cách nhằm thu hút hội viên, tổ chức những buổi tọa đàm, giao lưu, nói chuyện chuyên đề... Nhưng những cuộc giao lưu, tọa đàm nói qua nói lại nghe sướng tai lúc đó, thậm chí có những nhà văn hầm hố khai sáng, gợi mở vài vấn đề được tung hứng, hoan nghinh nhưng khi trại viết bế mạc rồi, lời nói gió bay, chìm trong quên lãng...

Là người từng được tham gia các trại viết trong những ngày thời công nghệ 4.0, lúc thế giới đang rất phẳng, trí tuệ nhân tạo đang cạnh tranh khốc liệt, đe dọa những người sáng tạo văn học nghệ thuật; tôi cũng có đôi lúc tự hỏi: “Trại viết có thật sự cần cho người cầm bút không?”. Tôi nhớ một nhà văn nổi tiếng thời kháng chiến chống Mỹ có lần cảm thán kêu lên: “Đi trại viết chủ yếu là để gặp mấy ông bạn già cho vui chớ không ở đâu viết tốt bằng cái bàn viết ở nhà. Làm quen với cái bàn mới tao phải mất cả tuần”.

Việc đi thực tế sáng tác hay tham gia trại viết để giao lưu, trao đổi nhau về kinh nghiệm sáng tác, học thuật luôn cần thiết. Làm cách nào để nâng cao chất lượng trại viết không khó. Cái khó hơn tất cả là làm cách nào để truyền ngọn lửa đam mê sáng tác văn học cho hội viên? Không có đam mê sẽ không có được tác phẩm. Trại viết chỉ mở trong vài tuần, còn người viết văn thì phải viết cả đời.  Việc đi thực tế sáng tác với nhà văn cũng bằng cả trải nghiệm cuộc đời. Trong tâm thế ấy, chúng ta không quá kỳ vọng có được lửa đam mê như những trại viết năm xưa mà tìm cách nâng cao chất lượng, nội dung để thu hút trại viên. Và rồi, ở nhà quen với cái bàn để viết hay đi trại viết, cuối cùng với nhà văn vẫn là sự khẳng định bằng tác phẩm.