Chẳng biết in bao nhiêu, nhưng chỉ sau 10 ngày, tập thơ “Nhật ký người xem đồng hồ” đã bán hết, và 90% người mua là không quen biết Nguyễn Quang Thiều. Bạn đọc không quen biết mua là phải. Họ đã đọc ông thích rồi mua, họ chưa đọc cũng mua vì tò mò xem ông Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam làm thơ thế nào...


AI MUA VĂN, TÔI BÁN VĂN CHO

SƯƠNG NGUYỆT MINH

Có người nghĩ ngày xưa Hàn Mặc Tử bệnh tật, tâm hồn bấn loạn mà thảng thốt thành thơ rao bán trăng: “Ai mua trăng tôi bán trăng cho”. Rồi có người cãi là mỹ cảm siêu thực sáng tạo vô bờ của Hàn, chứ trăng của vũ trụ, của muôn người sao bán được? Nhưng, “ai mua thơ tôi bán thơ cho”, “ai mua văn tôi bán văn cho” không phải siêu thực siêu hình, càng chẳng phải giả định rồi phủ định, mà là hiện thực. Nhà thơ bán thơ, nhà văn bán văn của mình là sự thật không còn xa lạ trong đời sống.

1. Thời bao cấp, các nhà văn, nhà thơ chỉ có việc sáng tác, sáng tác cho thật nhiều, thật hay, còn in và phát hành thì nhà nước lo. Dĩ nhiên là không phải ai viết cũng được in, mà phải lần lượt xếp hàng theo chức vụ, theo đẳng cấp văn chương.

Đất nước sang thời đổi mới, in và phát hành sách bao cấp bị xóa bỏ nhưng tác phẩm văn học lại xuất hiện ào ạt hơn, sinh động hơn. Các giá trị văn học cũ được khẳng định và quay trở lại văn đàn sau một thời gian vắng bóng như các tác phẩm của Vũ Trọng Phụng, Hàn Mặc Tử, Nguyễn Bính, Nguyễn Tuân… Đặc biệt là các tác giả được tự bỏ tiền xin giấy phép xuất bản, tự in tác phẩm và tự bán. Có tác giả bao nhiêu năm xếp hàng chờ in thời bao cấp, thì lúc ấy in từng bừng, xuất hiện tưng bừng, thậm chí có người “vua biết mặt, chúa biết tên”, chứ không áo gấm đi đêm như đã từng bị phong bao, ẩn khuất. Có người in thơ để tặng, có người in thơ để bán. Chợ văn chương rộn ràng và có bao nhiêu chuyện buồn vui.

Nhà tôi có một quán sách báo ngay từ khi đổi mới được gần chục năm, bà vợ bán đều đều. Tháng nào cũng có một vài nhà thơ đến quán nhà tôi gửi sách bán, họ chỉ gửi khoảng hai chục cuốn, bán hết sẽ gửi tiếp và ngỏ lời trích lại hoa hồng khoảng 25-30%. Giá để sách thì chật, chỉ dám bày vài cuốn lên bán hết mới đặt lên, còn lại bó chặt để góc quán. Quả thật là rất khó bán. Thơ ế để lâu chiếm chỗ của tiểu thuyết được Giải thưởng Nobel, sách của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, của Doremon truyện tranh Nhật Bản, của “Đắc nhân tâm”, của “Khi yêu anh sẽ nói gì?”,  “Thuật hồi xuân”, “1.000 cách làm giàu”... Văn ế, thơ ế là chuyện có thật. “Gặp nhau tay bắt mặt mừng/ Tặng gì thì tặng xin đừng tặng thơ”.

2. Cũng là nhà văn, nhà thơ đi bán sách của mình mà người thì mặc cảm, đắn đo, do dự, rụt rè; người thì tự tin, quả quyết, mạnh bạo, tưng bừng.

Năm ngoái, nhà văn Y Ban tự in 500 cuốn tuyển truyện ngắn bìa cứng, đánh số từ 1 đến 500. Bà gửi nhà thơ Lý Hữu Lương bán trên Tiki 100 cuốn hết veo. Lương điện thoại bảo cô gửi cho cháu thêm trăm cuốn nữa cháu bán cho, Y Ban bảo cô bán hết sạch rồi. Hết rồi, nhanh thế là bởi Y Ban rao trên Facebook: “Ai mua văn tôi bán văn cho”, mọi người nhao nhao vào đặt mua. Bà gò lưng, mỏi tay ký lưu bút, đóng gói gửi chuyển phát nhanh. Bán hết vèo 400 cuốn bìa cứng đặc biệt, rồi cứ tiếc hùi hụi biết thế in số lượng nhiều hơn. Y Ban kể chuyện, cười rạng rỡ “như địa chủ được mùa”, rồi bảo tôi: “Anh tự in bán đi, em bày cách cho”.

Nghe nhà văn Y Ban nói chuyện bán sách, bỗng nhiên tôi lại nhớ mình cũng đã từng bán văn. Ấy là cái dạo năm 2001, in tập truyện ngắn “Người ở bến sông Châu”. Lúc đầu, định giao bản thảo cho một nhà xuất bản làm từ A-Z, nhưng khi ngồi với bạn văn, thấy người nọ khoe bán sách từng này cuốn, lãi từng này đồng, người này lại bảo tự in thơ tự bán cũng kiếm được món kha khá, trí tò mò của tôi bỗng nổi lên. Tò mò, nhưng cũng hãi bởi chuyện sách ế của các nhà văn, nhà thơ nước mình thì tôi đã nhìn thấy tận mắt, sờ được tận tay.

Tuy vậy, vẫn cứ thử xem sao? In 1.000 cuốn, chứ không dám in hơn. Giấy phép thì xin ở Nhà Xuất bản Hội Nhà văn, thuê người dàn trang, trình bày, bìa sách họa sĩ Nguyễn Xuân Hải làm cùng tòa soạn vẽ tặng, còn in thì thuê một doanh nghiệp tư nhân chỗ nhà văn Phùng Văn Khai quen biết. Sách ra, việc đầu tiên là tặng người thân, bạn bè, rồi sau đó ra quán sách báo nhà mình bán. Tiếp theo nữa là bán khắp nơi.

Dạo ấy chưa có mạng xã hội để mà bán sách trên Facebook, Tiki… mà bán vã, bán theo kiểu phát hành truyền thống. Thư viện quân đội mua cho 300 cuốn, còn lại rải sách vào các cửa hàng từ Nguyễn Xí, Đinh Lễ đến một số cơ quan, đơn vị trong và ngoài quân đội. Nói thật là ngoài số sách tặng bạn bè rồi, vẫn lãi kha khá, nhưng thu được đồng tiền từ bán sách của mình mới thấy trần ai. Có nơi trả tiền rất nhanh “trong vòng nốt nhạc”, có chỗ lâu như bà bầu chửa chín tháng mười ngày, thậm chí hai năm sau mới lấy được tiền. Sách của mình họ bán hết rồi, đến cửa hàng không thấy bày trên sạp, sách bán cho đơn vị thì cũng vào kho hoặc cấp phát về thư viện. Nhưng, tiền thì họ cứ giữ, khất lần. Từ dạo ấy, bụng bảo dạ: thôi, viết văn, viết báo thì cứ yên phận viết báo, viết văn, bán văn đã có người khác lo, chứ không thể vừa viết văn vừa bán văn được.

3. Nhưng, có một tác giả viết văn như “búa bổ củi”, bán văn như “thác lũ” mùa lụt, ấy là nhà văn Phùng Văn Khai. Khai làm thơ, viết báo, viết truyện ngắn, rồi cứ in, cứ bán rộn ràng, ai nhìn thấy cái sự viết và bán văn của ông cũng phát thèm. Nhưng, đỉnh cao của sự viết văn, bán văn của Phùng Văn Khai là… viết tiểu thuyết rồi bán; quyển nào cũng dầy hai, ba đốt ngón tay, đọc mỏi mắt vẫn chưa đến trang cuối. Tôi đã từng chứng kiến việc lao động nhà văn của Phùng Văn Khai, trong phòng ông có hai bàn, hai máy vi tính, hai thư kí. Vừa sáng tác cùng một lúc hai cuốn tiểu thuyết, vừa đọc cho hai người chép lại mà vẫn không nhầm lẫn, vẫn giữ được cảm xúc, vẫn kiểm soát được nhân vật.

Nhưng cái tài bán sách của Phùng Văn Khai cũng không kém gì cái tài viết sách. Khai thành lập doanh nghiệp bán sách giúp cho các nhà văn và cũng là để bán sách của mình. Tôi đã từng toát mồ hôi khuân bê sách lên xuống ôtô tải cho Phùng Văn Khai khi ông chuyển kho sách từ đường Láng sang Ngã Tư Sở. Sách của ông bán cho thư viện, bán cho các đơn vị, cơ quan, bán trên Tiki, bán trực tiếp cho người tìm đến mua. Có quyển ông “phát hành”, có quyển ông “ấn hành”, không quyển nào ế. Chỉ có lãi và nối bản dài dài. Người viết mà tự in tự bán sách nhanh, nhiều như Phùng Văn Khai cũng hiếm.

Tôi biết nhà thơ Lê Quang Sinh và nhà thơ Văn Công Hùng rất thân nhau, nói chuyện toàn đùa tếu, mày tao. Một lần nghe nhà thơ xứ Thanh kể: Văn Công Hùng ở Pleiku, nhưng lại gửi tác phẩm đến các quán sách bán khắp nước. Ra Hà Nội, ông bảo bạn chở đến quán văn hóa phẩm ở Bưởi gần Hồ Tây chỗ quen biết, lấy tiền bán sách. Lê Quang Sinh cười tủm, hóa ra ông cũng gửi thơ ở đó bán. Văn Công Hùng gửi 20 cuốn bán được 15 cuốn, còn 5 cuốn vẫn trên giá sách. Lê Quang Sinh gửi 20 cuốn thì vẫn còn nguyên. Một ông buồn nẫu ruột, một ông vui rộn ràng.

Văn Công Hùng bảo Sinh: “Chết chưa. Chết chưa. Thơ mày ế rồi. Thơ mày ế rồi”, đoạn quay sang cô chủ quán xinh đẹp yêu thơ, nói rằng: “Em đừng trả lại thơ cho ông này, cứ để trên giá sách cho người ta biết thơ ông ấy ế xưng ế xỉa”, rồi cười trêu bạn tưng bừng. Lê Quang Sinh cùng cười như mếu, thủng thẳng bảo: “Cười người chớ vội cười lâu/ Cười người hôm trước, hôm sau người cười”.

Nói xong, Lê Quang Sinh thấy cô chủ quán nghe điện thoại, rồi cô cười cười, bảo: “Có một trường trung học phổ thông ngoại khóa chủ đề biên giới hải đảo, vừa đặt mua 20 cuốn thơ và nếu xin được chữ kí của tác giả càng tốt để làm phần thưởng cho học sinh. Em nghĩ tập thơ “Tiếng chuông chùa trên đảo” của anh Lê Quang Sinh là phù hợp. Anh ký giúp, rồi em thanh toán luôn 20 cuốn, không nợ nần gì nữa nhé”. Khỏi phải nói niềm vui bán sách của thi sĩ Lê Quang Sinh và Văn Công Hùng ai hơn ai. Chỉ biết rằng vừa ký, Sinh vừa quay sang hỏi bạn: “Mày đã được ký thế này bao giờ chưa? 5 cuốn thơ ế của mày trên giá sách còn lâu mới bán hết nhá”.

Gần đây, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cũng lần đầu tiên mở “Chiến dịch bán thơ”. Ông Thiều in thơ đã nhiều, nhưng chưa bao giờ ông tự in thơ và tự bán. Ông bảo, nghĩ lại cũng hơi ân hận, vì bán thơ là bán cho người cần mua, chứ cứ tặng có khi lại làm khó người không thích đọc. Bán thơ như một cách chống lại sự làm phiền vốn sẵn của mình với người khác.  "Với tôi, đây là một "chiến dịch" thật sự. Vậy đó là chiến dịch gì? Đây là chiến dịch … "BÁN THƠ".

Chẳng biết in bao nhiêu, nhưng chỉ sau 10 ngày, tập thơ “Nhật ký người xem đồng hồ” đã bán hết, và 90% người mua là không quen biết Nguyễn Quang Thiều. Bạn đọc không quen biết mua là phải. Họ đã đọc ông thích rồi mua, họ chưa đọc cũng mua vì tò mò xem ông Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam làm thơ thế nào, chứ bạn văn chương quen được tặng rồi, chả mấy người mua đâu.

Nhà thơ Vương Trọng nhiều lần in thơ cũng chỉ lấy nhuận bút, rồi mua thêm sách của mình tặng bạn bè. Lần này ông in “Thơ tuyển” hơn 350 bài, dày 570 trang và thông báo trên Facebook: “Bạn đọc nào có nhu cầu mua tuyển tập thì cho tôi biết tên, địa chỉ, số điện thoại… Tôi cám ơn các bạn và rất vui khi đi gửi sách cho người mua, vì biết được vẫn có người đọc thơ mình: Một quyển sách gửi tới người mua/Tin ít nhất có một người đọc trọn/Mười quyển sách gửi đi biếu tặng/Đã chắc chi ai đọc hết một bài”. Chỉ 5 ngày, ông bán được 200 cuốn, dĩ nhiên là ký mỏi tay, và ông đóng gói mỏi tay gửi đến người mua yêu thơ.

Các nhà thơ trẻ Nguyễn Phong Việt bán hàng chục vạn bản. Nhà văn Thương Hà chỉ 2 năm in 7 cuốn tiểu thuyết, chị bán trên Tiki, bán trên các mạng xã hội, bán cho các doanh nghiệp sách chuyên phát hành ra nước ngoài, quyển nào bán cũng chạy. Rồi nhà thơ trẻ Nồng Nàn Phố, Hồ Huy Sơn, Đặng Thiên Sơn… cũng tự in thơ, tự phát hành tưng bừng.

Sáng tác thơ văn dù là lao động nghệ thuật khác người bình thường, nhưng xét đến cùng cũng là lao động. Lao động thì ra sản phẩm, ra hàng hóa. Tác phẩm của nhà văn nhà thơ trở thành hàng hóa mới đi vào quá trình vận hành của kinh tế thị trường. Bán văn, bán thơ là bán sản phẩm tinh thần sáng tạo của mình, một việc làm chân chính; nhưng không phải tác giả nào cũng tự in tự bán được sách của mình đâu.