Từ thực trạng xã hội đương đại, truyện ngắn Đồng bằng sông Cửu Long trong cuộc thi này, phải chăng đã trở mình? Các tác giả nói về, nghiền ngẫm về chuyện đời, tình đời. Nhân vật cán bộ nhà nước hiếm thấy trong tác phẩm của họ.

ĐỌC VÀ CẢM NHẬN 

LÊ ĐÌNH TRƯỜNG

(Thành viên Ban chung khảo cuộc thi Truyện ngắn Đồng bằng sông Cửu Long năm 2023)

 

Từ trước thế kỷ 17, dấu chân người Việt đã vượt sông Gianh tiến về phương Nam, mở mang bờ cõi.

 ĐBSCL nơi có những cánh rừng bạt ngàn ngày ngày vươn ra biển cả, lúc nào cũng tràn đầy những lượn sóng vỗ, những con sông chằng chịt như những mê cung… Dọc theo những triền sông ấy, là đồng bằng, là những thành phố, thị trấn, thôn xóm... Cư dân hiền lành, an hòa… nhưng mỗi người là một kiên cường, mỗi người là một bất khuất.

ĐBSCL vùng đất đã được khai phá độ trên dưới năm trăm năm nay. Con người phải khẩn hoang để trồng trọt chăn nuôi. Họ phải đối diện với kẻ thù, những cản lực của thiên nhiên-rừng rậm, thời tiết, thiên tai, muỗi, vắt, thú dữ... từ thế hệ này qua thế hệ khác. Họ vừa chiến đấu để xây dựng quê hương vừa mở cõi lòng giao hòa với thiên nhiên. Đó là tính cách của cư dân ĐBSCL.

Những truyện ngắn của các tác giả tham gia dự thi truyện ngắn ĐBSCL 2023- Thăm thẳm những trầm tích, trùng trùng những màu xanh no ấm: “Ở châu đốc ngó xuống Vàm Nao/thấy con cá đao nó nhảy nhào vô lưới” (Ông Hai Khôi).

 Có những cù lao ở cuối dòng sông Hậu tưởng rất xa dòng đời, kỳ thực nó đang hội nhập và cung ứng biết bao sản vật mà người đất cù lao sản sinh ra… Những dấn thân vào những vùng đất hoang sơ, chát đắng “cá bơi nổ mắt, vịt lội teo chân”, đến bây giờ chỗ nào cũng vườn rau ao cá, người nông dân hạnh phúc no đầy. Các cây bút say mê ngợi ca đất nước con người, dù thế sự biển dâu, nhưng trong sự dâu biển ấy vẫn còn mãi lưu dấu tinh anh của những bậc tiền hiền đã khai mở và chiến đấu với giặc ngoại xâm.

Dọc theo chín nhánh sông của ĐBSCL trong các tác phẩm mà chúng tôi đọc được, là đời sống sông nước thương hồ, cư dân dọc theo triền sông sống an lạc hiền hòa, tình làng nghĩa xóm dạt dào. Bước vào thế giới văn chương của họ như bước vào và sống cùng với những phận người bao dung, nhẫn nại, có đức hi sinh, chịu phần thiệt thòi về mình, mưu cầu hạnh phúc cho thân tộc, cho xóm làng, cho cộng đồng… Họ có nét khoan hòa, bao dung của Phật giáo, lễ nghĩa của Khổng giáo- có thể cảm nhận ở các truyện ngắn “Qua phà Lẫm cháy”, “Đàn bà quê” …

Có thể nhận thấy, sự thay đổi văn chương ĐBSCL hiện nay qua các tác phẩm dự thi lần này. Đó là phản tỉnh về sự ngợi ca, vì lẽ, xã hội bon chen quay cuồng theo nền kinh tế thị trường, tình người, đối nhân xử thế ngày càng biến đổi. Để rồi người đọc bâng khuâng tiếc nuối một thời nghèo khó, điện đóm chưa về đến thôn làng, giao thông đường bộ trắc trở, mà tình nghĩa xóm làng thì chan hòa, nồng ấm. Thật thú vị khi đọc doạn đối thoại giữa hai nhân vật. Truyện ngắn “Đàn bà quê”. Chiều muộn, một người đàn bà bưng thau gạo, ghé qua chỗ mành vịt đẻ mua hột vịt. Người đàn bà: “Tính hỏi anh mua nửa chục hột vịt. Ba Ca (người chăn vịt) cười hức hức, cầm năm trứng vịt quay lại: Tặng nè, tay nào cầm đây?/ Anh để giùm lên thau gạo đi! Nhận nó xuống cho không rớt…” Hình ảnh thật chân quê, chất phác, phải không?

 Từ thực trạng xã hội đương đại, truyện ngắn ĐBSCL trong cuộc thi này, phải chăng đã trở mình? Các tác giả nói về, nghiền ngẫm về chuyện đời, tình đời. Nhân vật cán bộ nhà nước hiếm thấy trong tác phẩm của họ. Thay vào đó là những nông dân, thị dân trong cuộc đời thường. Tính nhân văn tràn đầy trong những tác phẩm súc tích, cô đọng. Theo đó là nghệ thuật diễn đạt bằng ngôn ngữ đặc trưng nam bộ tài tình, mới mẻ, giản dị và rất đa dạng..

Rất đau đời là truyện ngắn “Bến lở”. “Tiếng đất lở rơi xuống sông rất gần làm chị Liên giật mình”. Tuy rằng, chỉ một chi tiết nhỏ vô tình ấy cũng làm người đọc giật mình, vì liên tưởng đến những trận lở đất bất ngờ trong đêm đen làm sập nhà, dòng nước sông cuồn cuộn nuốt cả dãy chục căn nhà, người dân phải khốn đốn tất tả tản cư chạy khỏi mảnh đất mà gia tộc mình đã sinh sống biết bao đời.

Nhưng thật ra, từ tiếng đất lở rơi xuống sông, chị Liên, nhân vật trong truyện, bỏ nghề buôn bán trên sông, lên bờ cất nhà, diễn tiến câu chuyện là tình yêu, duyên phận buồn đến với chị…

Cho đến hôm nay, đồng bằng với một số thực trạng đau lòng: “Ban đêm kinh khủng lắm, ghe lớn ghe nhỏ đua nhau hút máu sông, tất cả là hút cát lậu...” và vài năm sau, đất bắt đầu lở trên đầu cồn lở xuống”(Nắng trong gió chiều)

Truyện ngắn “Mãi miết tìm nhau”, tác giả nhẫn nại, đau đớn gửi đến bạn đọc một thông điệp thật buồn, thật đẹp lung linh như trăng treo sâu thẳm đáy nước của dòng sông đêm, và cái đẹp ấy đang trôi theo dòng nước. Tin rằng cái đẹp từ đáy sông trong truyện ngắn ấy sẽ ánh lên, tỏa rạng trong lòng bạn đọc.

Hay nói về một chàng phóng viên tay mơ, đươc một cựu chiến binh ủy nhiệm viết về cuộc đời binh nghiệp của ông. Chàng ta loanh quanh đi lên đi xuống, ăn nhờ ở đậu, thâm nhập thực tế, nhậu nhẹt, làm cỏ, tưới rau… tiếp cận mọi chiều với nhân vật. Rồi chàng ta giật mình, ngộ ra, rằng công việc này quá khó, nên hứa là hứa vậy, nhưng thâm tâm muốn nhẹ nhàng rút lui…(Ngày tháng sau lưng)

“Tóc mai sợi vắn”, câu chuyện sau chiến tranh vệ quốc, chống thực dân mới, có một thằng bé Mỹ lai Việt trong cộng đồng thôn xóm, nó biết đi ruộng, hái bắp chuối, ăn cắp ổi…cùng trẻ con trong xóm chơi đánh trận thì nó bị súng bập dừa bắn đùng đùng, chết tươi, lát sau thằng Mỹ con mới lồm cồm ngồi dậy. Năn nỉ cho làm bên mình, nhưng “mày tóc vàng, mắt xanh, mũi nhọn, da trắng sát mà sao đóng du kích được…”. Trẻ con thật hồn nhiên, dễ thương và thú vị phải không?

Một truyện ngắn có tính thời sự, mô tả người đàn bà ở bên này sông, ngày nào cũng thấp thỏm bên thềm ba ngóng đợi con trai mình đang ở trong trại cách ly mùa covid bên kia sông “Khoảng cách chỉ hơn 100 mét, mà thời đoạn này nó xa vời vợi” (Sau cơn mưa chiều).

Hay một trải nghiệm một tình huống sư phạm trong một lớp học giữa cô giáo và một học sinh. Chao ôi, sao mà đáng yêu, sao mà rưng rưng nước mắt. Đọc truyện ngắn này ta thêm yêu nhân vật cô giáo, yêu những học sinh bé bỏng, sáng trong như những thiên thần nhỏ, yêu môi trường sư phạm có những thày cô tận tâm vì đàn em thân yêu (Bài học mãi còn xanh)                                                         

Thật khó để viết một truyện ngắn thành công, Vì dung lượng thể loại thì ngắn, nhưng bạn đọc đòi hỏi sự toàn bích, mười phân vẹn mười. Chất liệu và sự bố trí, sắp xếp chất liệu; thủ pháp, ngôn ngữ thể hiện; nén chặt chất liệu, bung tỏa tất cả chất liệu tạo hiệu ứng bằng một vài chi tiết đắt giá, bất ngờ... Sao cho, người đọc bâng khuâng khi rời khỏi dòng chữ cuối cùng. Theo quan niệm của Chekhov “trong chương đầu tiên rằng có một cây súng trường treo trên tường, thì trong chương thứ hai hoặc thứ ba, nó nhất định phải khai hỏa. Nếu cây súng trường không khai hỏa, nó không nên được treo lên tường." Tức là, mỗi chi tiết là một hiệu ứng, không có chi tiết thừa. Là dẫn chứng thế thôi, thực ra, truyện ngắn hiện đại sử dụng rất nhiều thủ pháp đặc trưng, độc đáo của mỗi cá tính sáng tạo.

Vâng. Thật khó và rất khó. Một thể loại văn chương đầy thách thức mà cũng đầy cám dỗ đối với người viết thể loại văn xuôi. Cho nên, có người cho rằng, khi nhà văn ngồi trước trang giấy tức là anh ta đang đối diện với pháp trường trắng.

Thiết nghĩ, những trang văn của cuộc thi truyện ngắn lần này, có những truyện thật đằm sâu, vời vợi không khí của miền Tây nam bộ. Thế giới truyện ngắn họ thật hấp dẫn, thú vị. Dư vị tác phẩm đọng trong lòng người đọc rất lâu.