Nhà văn nữ Tạ Lăng Khiết có buổi giao lưu để giới thiệu tiểu thuyết ‘Song nguy thuyền’ với đồng nghiệp và công chúng tại Hội Nhà văn TP.HCM sáng 6/12.

Nhà văn nữ Tạ Lăng Khiết là người gốc Quảng Tây, Trung Quốc, nhưng đã lập gia đình và sinh sống tại châu Âu nhiều năm. Từ bỏ công việc trong lĩnh vực quản lý tài chính dù đã theo đuổi hơn 11 năm, nhà văn nữ Tạ Lăng Khiết rẽ hướng sang nghiên cứu văn chương, ngôn ngữ chuyên sâu và sáng tác văn học.

Với một tình yêu đặc biệt dành cho Việt Nam, nhà văn nữ Tạ Lăng Khiết từng nhiều lần sang Việt Nam để tìm hiểu văn hóa, đời sống, con người nơi đây. Tại buổi giao lưu sáng 6/12 ở TP.HCM, nhà văn nữ Tạ Lăng Khiết cũng bày tỏ nguyện vọng sẽ sang Việt Nam sống một thời gian để tìm cảm hứng sáng tác.

Sự nghiệp văn chương của Tạ Lăng Khiết bắt đầu từ năm 2001 với nhiều truyện ngắn được đăng tải trên các tạp chí văn học nổi tiếng của Trung Quốc như Tháng Mười, Văn học Bắc Kinh, Tác gia Trung Quốc, Văn học Thượng Hải, Chuyên gia, Tiểu thuyết giới, Văn học Thời đại, Văn học Quảng Tây... Trong đó, một số tác phẩm của Tạ Lăng Khiết đã được chọn vào các tuyển tác giả nữ văn học Trung Quốc hiện đại.

Nhà văn nữ Tạ Lăng Khiết đã từng giành các giải thưởng như Giải thưởng Văn học thanh niên Quảng Tây, Giải thưởng Văn học Trung Sơn dành cho Hoa kiều... Một trong những tác phẩm nổi bật nhất của chị là tập truyện vừa Chiếc bím tóc”. 

Nhà văn nữ Tạ Lăng Khiết


Tiểu thuyết dài đầu tay Song nguy thuyền của Tạ Lăng Khiết xoay quanh cuộc sống của người dân châu Âu thời kì hậu chiến tranh Thế giới II cùng những tư tưởng triết học về việc nhìn nhận đánh giá về cuộc đời, về nhân sinh, về chiến tranh... Tác phẩm được đón nhận nồng nhiệt trên thị trường sách quốc tế, khiến độc giả Trung Quốc và độc giả châu Âu phải thán phục bởi góc nhìn mới lạ trong một trữ lượng kiến thức đồ sộ, sâu sắc về lịch sử, công nghệ, tôn giáo, triết học...

Cuốn sách “Song nguy thuyền” khái quát bức tranh nhân loại như thế nào? Sau cái chết của nhà thám hiểm nổi tiếng William, Tô Ngữ một du học sinh người Trung Quốc tại Đại học Oxford đã bắt đầu dấn thân vào hành trình tìm kiếm cuốn sách bí ẩn mà William từng xuất bản. Cũng từ ngày ấy, một mê cung kỳ bí bắt đầu cuốn lấy cô cùng người bạn trai Andre của mình.

Những nhân vật bí ẩn dần xuất hiện, liệu những người đó đóng vai trò gì trong câu chuyện của William? Ai là Hercules, ai là Atlas và ai là Trái Táo Vàng? Con thuyền cổ hai cột buồm là một ẩn ức như thế nào trong nỗi day dứt khôn nguôi của William?

Bên cạnh cuốn sách của William, cuốn nhật ký của Asia, người vợ của ông, cũng gợi mở nhiều chi tiết. Những trang nhật ký nhuốm màu thời gian ấy ẩn chứa cả một khoảng ký ức tăm tối của lịch sử châu Âu dưới sự thống trị của Đức quốc xã và những số phận bi thương bị đặt trong bối cảnh lịch sử của dân tộc mình.

 Trên con đường tìm kiếm cuốn sách đầy gian nan ấy, cảm xúc trong Tô Ngữ đã vỡ ào khi cô khám phá ra câu chuyện về tình thân, tình bạn, tình yêu của William và những người thân yêu của ông, đồng thời, cuộc hành trình này cũng giúp cô tìm thấy chính bản thân mình.

Nhà văn nữ Tạ Lăng Khiết chia sẻ: Đây là cuốn sách dài hơi đầu tiên của tôi và khác biệt đáng kể so với những cuốn trước đó. Sau khi định cư ở Bỉ, tôi đã phải mất nhiều năm để hoàn thành cuốn tiểu thuyết này. Ở thời điểm bắt đầu, cuốn sách vẫn chưa thành hình, nhưng cảm xúc của tôi luôn dâng trào và tràn ngập, thôi thúc tôi một cách có ý thức và cả vô thức, khiến tôi bị cuốn hút vào nó và thậm chí đôi lúc tôi bị rơi vào trạng thái điên loạn hoặc hoang tàn khi viết cuốn sách này.

Nguồn cảm hứng ẩn sâu bên trong, giống như một ngọn núi lửa dưới lòng đất hay lòng biển mà chưa được biết tới cho đến khi nó khởi phát cả một trận động đất hay sóng thần. Nó đẩy lớp magma dưới áp suất lớn xuyên qua tầng, phun trào một cách không thể kiểm soát”.



Tiểu thuyết “Song nguy thuyền” được Chibooks và Nhà xuất bản Lao Động phối hợp ấn hành. Dịch giả Trần Trung Hỷ tham gia chuyển ngữ “Song nguy thuyền” sang tiếng Việt khẳng định “Song nguy thuyền” là một tiểu thuyết khá “lạ”, lạ về mặt nội dung và thi pháp biểu hiện. Cụ thể hơn, dịch giả Trần Trung Hỷ nêu hai yếu tố mang tính điểm nhấn của “Song nguy thuyền”.

Thứ nhất, tác phẩm có liên quan đến rất nhiều phương diện văn hóa như hải dương học, kiến trúc, khảo cổ, triết học, thư viện học, lịch sử, sân khấu, văn học… và có thể khẳng định, những kiến thức ở các lĩnh vực này đã được tác giả Tạ Lăng Khiết đưa vào tiểu thuyết rất phong phú và có chiều sâu. Dịch giả gặp phải những khó khăn nhất định và để chuyển tải chính xác những vấn đề mà tác giả đã dày công thể hiện. Thậm chí, dịch giả phải vận dụng tổng hợp những kiến thức có sẵn, đồng thời phải tra cứu rất nhiều tài liệu thuộc các lĩnh vực trên.

Thứ hai, nghệ thuật tự sự “Song nguy thuyền” cũng rất độc đáo, đặc biệt là kết cấu song tuyến và nghệ thuật liên văn bản đã mang lại những hiệu quả nghệ thuật khá mới mẻ. Và có thể khẳng định, bút pháp Tạ Lăng Khiết nếu so với những tác phẩm văn học Trung Quốc hôm nay, thì cách viết của tác giả mang lại cho người đọc tầm suy tư, chiêm nghiệm về nhiều lĩnh vực cuộc sống.

                                        NNVN