Nguyễn Thành là một thợ cày, một lực điền đúng nghĩa đen nhưng yêu thơ và làm thơ luôn được đặt ra như một sứ mệnh, một tín điều, một tín ngưỡng thẳm sâu, truyền kiếp. Thơ ông chân chất lúa khoai…


 NGƯỜI ĐI CÀY LO VIỆC TẰM TANG

PHÙNG VĂN KHAI

Trong số những bạn bè văn nghệ nơi thôn ấp, đã gần ba mươi năm tôi gắn bó với nhà thơ Nguyễn Thành ở Như Quỳnh, Văn Lâm, Hưng Yên. Ông sinh năm 1952, từng là lính chiến, sau 1975 trở về quê như bao người lính khác.

Ông là một thợ cày, một lực điền đúng nghĩa đen nhưng yêu thơ và làm thơ luôn được đặt ra như một sứ mệnh, một tín điều, một tín ngưỡng thẳm sâu, truyền kiếp. Thơ ông chân chất lúa khoai, đằm đẵm nỗi người, nỗi đời. Ông đau nỗi đau nhân thế và buồn tình người đang ngày càng mai một.

Có những lúc nhà thơ bàng hoàng thảng thốt những tốt lành vừa mới đây thôi, vừa hôm qua vẫn hiển hiện trên bàn tay mình sao nay đã mất đi, như bị một thế lực tối tăm nào cướp giật: “Ngày xưa hai phía đều tin/ Rằng không thể có cái nhìn dửng dưng/ Vì yêu nên cũng đã từng/ Sẻ chia muối mặn cay gừng rồi thôi/ Bây giờ em lướt qua tôi/ Làm thân phận cái con người đớn đau/ Lỗi lầm chi thuở ban đầu/ Gánh gồng đổ xuống sông sâu không chìm” (Cái nhìn mang đổ xuống sông). “Một tuần công tác xa/ Tưởng việc nhà yên ổn/ Ai ngờ vừa về đến/ Đã ù tai kinh hoàng/ Sao chị đi vội vàng/ Hỡi trời xanh như lạc/ Cỏ hoa có thể khác/ Nơi đến rồi nơi đi/ Chị Thi ơi chị Thi/ Suốt đời không gian dối/ Thảo thơm như nguồn cội/ Nhân hậu tựa trăng đầy/... Chị đã thành thiên cổ/ Từ nay làng trống chỗ/ Của chị Thi từng ngồi” (Thêm một người tốt qua đời). “Là hoa giả mười mươi/ Mà nom như hoa thật/ Chợ đông, người bán đắt/ Khách hàng chen nhau mua/... Và cái giả làm nên/ Bao nhiêu là sự thật/ Kể cả người bán đắt/ Kể cả đời tranh mua” (Lời người bán hoa giả).

Thơ Nguyễn Thành là thơ của anh thợ cày chính hiệu hàng trăm hàng ngàn năm cày xới trên đồng đất thấm đẫm mồ hôi và máu của tiền nhân. Thơ ông luôn thường trực nỗi đau về những mất còn không phải từ bể dâu vật chất mà là sự thoái hóa xuống cấp về tinh thần. Những tinh thần trượng nghĩa liên tài, tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách, nghĩa xóm tình làng... không hiểu sao cứ dần dà mai một, hoán cải đến khôn cùng. Cái tốt, cái thiện bị săn đuổi tưởng không còn chốn nương thân. Chúng luôn mỏng manh yếu ớt phải đương đầu với những mánh lới gian ngoan của cái xấu cái ác.

Cái xấu cái ác dường như ngày càng lành mạnh và mang nhiều bộ mặt là một đau đớn thậm chí bất lực đối với nhà thơ, người chỉ quen cày cuốc trên đồng ruộng, thức khuya dậy sớm. Nhưng cũng không vì thế mà nhà thơ sớm đầu hàng. Ông trăn trở, dằn vặt nhưng không tuyệt vọng mà luôn tìm tới những bình minh mới, chân trời mới với cách suy nghĩ lặng lẽ, chất phác cũng không kém độ thâm trầm của người lao động chân chính: “Giữa cánh đồng mênh mông nắng gió/ Nhìn lưỡi cày lòng cồn lên đất đai/ Cha nghĩ đến ngày mai/ Ngày của con/ Cha sẽ gói lòng tin tưởng đặt vào tay ngày đó... Cha chợt nhớ tới ông/ Thuở sinh thời, ông thường khen cánh tay cha rắn rỏi/ Hôm trao cày cho cha ông nói/ Người ta sống ở đời bằng hạt lúa của khoai... Thì điều tuy giản dị con ơi/ Sẽ chẳng dễ nhận ra/ Nếu bát cơm con ăn không phải chính từ tay mình đem lại”(Người đi cày nghĩ điều giản dị).

Với sự bình dị của người lính trở về sau chiến tranh, Nguyễn Thành đã có những câu thơ về đồng đội ấm áp đến thắt lòng. Những câu thơ như điểm tựa tinh thần của những người lính thời hậu chiến vẫn kiên gan trong những khủng hoảng vật chất và tinh thần cho ta thấy bản lĩnh thơ của người lính nông dân trong những thời khắc khó khăn nhất vẫn biết dựa vào chính mình, dựa vào đồng đội vượt qua thác ghềnh cuộc sống: “Đồng đội ơi vẫn nguyên vẹn một điều/ Tôi đã nghĩ từ những năm tháng ấy... Đồng đội ơi! Nay sống ở những đâu/ Hãy nhớ lại cùng tôi năm tháng ấy/ Những tháng năm tuổi xuân ở đấy/ Với cơn sốt rung chiều rừng khộp, rừng le” dường như là những thanh âm trong trẻo và niềm tin của những người bước từ trong rừng ra đang phải giáp mặt với cuộc mưu sinh chật vật.

Nhưng thơ Nguyễn Thành, về chủ đạo vẫn là những âm hưởng buồn, những day dứt, những dở dang nhiều khi như là vô nguyên cớ của người lương thiện. Trong đời sống hằng ngày cũng như khi một mình đối diện với trang giấy trắng thì người lính, người thợ cày, nhà thơ Nguyễn Thành luôn trăn trở đến những khoảnh khắc thiện của con người.

Nhà thơ dường như đã trải qua những đớn đau khi giáp mặt với những biểu hiện nửa người nửa thú mà luôn tự răn mình. Ông đã có những chiêm nghiệm khiến người từng trải nhất cũng phải giật mình: “Làng có chùa đã có hai ông/ Đá trước thềm mòn chân người đứng vái/ Đã bao kẻ bị ông Ác phạt tội/ Và bao người được ông Thiện ban khen/Năm tháng nhuộm mái chùa dầu dãi/ Dân làng tin mọi chuyện thiêng liêng/ Mà không biết xung quanh thế gian biến cải/ Ông Thiện và ông Ác vẫn ngồi yên” (Ông Thiện ông Ác)

Tôi đã im lặng rất lâu trước những câu thơ trên. Nhân dân. Chỉ có nhân dân cần lao mới có thể thốt lên những lời từ gan ruột đến vậy. Nhưng nhân dân không nói được. Chỉ có những nhà thơ đại diện nhân dân, bình tĩnh và đắng cay mới có thể có những nghĩ suy thâm trầm, thấu đáo và về một phía nào đó có thể hiểu đã đạt đến độ thiền trong cõi nhân gian.

Bao giờ tôi vẫn cho rằng, thơ Nguyễn Thành là một phản biện của người đi cày, của một lực điền đã quá hiểu lẽ đời, lẽ người mà ông là người trực tiếp, người trong cuộc, người đã trả giá bằng toàn bộ cuộc đời mình để đưa ra những thông điệp buồn nhưng chân thực: “Giờ này chợ đã tan chưa/ Đường về em đã... hay vừa xếp quang/ Lôi thôi nón thúng đường làng/ Bàn chân mỏi bước nắng vàng đi đâu/ Xiên xiên đòn gánh hai đầu/ Một vai năm tháng dãi dầu nhớ mong/ Một khi chợ búa càng đông/ Thì làng càng vắng thì đồng càng thưa” (Về chợ). “Người đàn ông đứng khóc một mình/ Giọt nước mắt lặng thinh bào gan ruột/ Xung quanh xác niềm tin tan buốt/ Chồng lên nhau son phấn cuộc đời” (Người đàn ông khóc)... “Bác bèn ra vườn trước/ Hái nắm búp ổi non/ Cẩn thận đem sao giòn/ Pha giả chè để uống.../ Phận nghèo quen đạm bạc/ Lâu dần thành thói quen” (Chuyện bác Tiệm uống chè).

Nguyễn Thành trong văn chương và trong đời sống luôn nhất quán đến khờ khạo nhưng chính sự nhất quán của ông đã ứa nên bao nỗi băn khoăn của kiếp người cầm bút chân chính cho dù đích đến vốn đường xa dặm thẳm, được một bại mười, nhưng than ôi, một người như ông, một thợ cày chân chính thì sẽ không thể khác. Đó dường như là định mệnh của những người làm thơ cũng là định mệnh của ông.

Ngay cả những lúc lạc quan nhất, ông vẫn luôn chất vấn: “Nhoáng nhoàng đám đông ngơ ngác/ Hướng lỗ tai vào nhau/ Lại bắt gặp chồng chất những cái đầu/ Ngơ ngác/ Sự thật như lá bài/ Hai mặt đều khao khát/ Nên ảo diệu không ngừng/ Trước đám đông ngơ ngác” (Ảo diệu). “Lần ấy em ra đi/ Mang nỗi niềm quá khứ/ Tôi hằng mong ngày về/ Nên mở lòng gìn giữ/ Ôi đau thương đã đủ/ Trải trong ngoài gần xa/ Dẫu không còn lưu lại/ Tình yêu khi mất đà” (Diễm xưa).

Thơ Nguyễn Thành có một đặc tính mọi hình ảnh, sự việc thường được ông nghiền ngẫm, cân nhắc kỹ lưỡng trong các mối tương quan đời sống thật chín muồi mới được ông trân trọng viết ra. Trong bốn mươi năm làm thơ, ông viết không nhiều nhưng những gì đọng lại với bạn đọc là những chia sẻ chân thực nhất được thể hiện bằng sự ngân rung của một tâm hồn trải không ít thua thiệt trong cuộc sống. Phẩm chất người nông dân - thi sĩ luôn nhất quán và ổn định ở Nguyễn Thành. Ông đang có những bứt phá đáng kể trong nghề nghiệp, nghề sáng tạo vốn vô cùng gian khổ và đơn độc.

Thời gian gần đây, thơ Nguyễn Thành càng chín đằm hơn. Trong một tỉnh Hưng Yên khiêm tốn về địa lý thì một tâm hồn thợ cày Nguyễn Thành cũng đáng trân trọng lắm chứ. Xin giới thiệu trọn vẹn một bài thơ của gã thợ cày.

 

Chúng ta đã hồn nhiên lâu quá

Cả chúng tôi và cả các anh

Chúng ta đã hồn nhiên lâu quá

Sự thật này vừa quen vừa lạ

Quen có đáng mừng? Lạ có đáng lo?

 

Đã lâu rồi chúng ta thích reo hò

Tung hô cái bóng mình

Nên chân bước lửng lơ vấp bóng đè lơ lửng

 

Đã lâu rồi chỗ đứng

Của chúng ta bị cớm nắng ông bà

Khiến có lúc tưởng lầm đã vươn tới tầm xa

Mà chẳng hay vẫn quẩn quanh ăn mày dĩ vãng

Đã lâu rồi ù lì từng khối nặng

Chắn ngang đường

Chúng ta vẫn vô tư…

 

Đã lâu rồi bao hủ tục nọ, kia

Bìu díu ta mà ta không hay biết

Bởi một lẽ vô cùng đáng tiếc

Đã để hồn nhiên mọc rễ quá lâu rồi!