Đất cùng người hay người cùng đất, lúc nào cũng nhất mực
như thế, ở nghĩa chung thuỷ, vất vả có nhau, no đói có nhau, sống chết có nhau,
là một phát hiện trên mảnh đất - đời người từ trải nghiệm của Bùi Sỹ Hoa.
MỘT TINH THẦN NGHỆ, MỘT BẢN LĨNH NGHỆ
(Đọc “Hốc Chọ” của Bùi Sỹ Hoa, NXB Hội Nhà văn tháng 10 năm 2023)
ĐẶNG HUY GIANG
Trường ca “Hốc Chọ” hấp dẫn tôi ngay từ những câu đầu
tiên. Tôi như bị lạc vào không khí vừa có phần thiêng liêng, vừa có phần mê dụ,
lại có phần ám ảnh của mạch thơ mang vai trò và giá trị khai mở. Những gì bình
thường chợt trở nên khác thường. Những gì khác thường chợt manh nha trong đêm
bình thường. Đêm ấy cũng có thể coi là “đêm trở dạ” hoặc “đêm chuyển dạ” để mọi
thứ được sinh hạ khi ngày mai đến, khi ngày mai mặt trời trở lại. Và cứ thế,
đêm từng đêm tiếp nối...
Hình như gió từ những
câu thơ cũng khởi phát từ đó? Và gió là gì, nếu nó không được sinh ra từ những
khoảng trống rồi chạy vào những khoảng trống, không ngừng không nghỉ? Nhìn
chung, tạo được những khoảng trống trong thơ, gợi ra những khoảng ngẫm ngợi
trong thơ, đặc biệt là thơ dài, không phải dễ và cũng là cái tài của người viết.
Đêm đầy sao
Tiếng vạc nhạt vào khuya lãng
Ông tôi ngồi xa xăm
Bóng xiên liếp nhà húng hắng
Chắt cạn ấm chè xanh
Hớp cuối cùng ực nghẹn
Thơm ngọt đầy tràn, đắng chát chưa trôi...
Trong cái “đêm nheo nhóc vá đụp, vá chằng” ấy, “đêm côn
trùng nỉ non” ấy, ngày mai gian nan, ngày mai khốc liệt vẫn như nỗi lo thường
trực trong ý nghĩ của con người: “Ngày mai trời trút nắng/ Nắng cháy nắng thiêu
nắng hừng nắng rát/ Mặt đồng nứt nhăn vầng trán cha/ Nền trời hoang hoải đôi mắt
mẹ/ Héo hon nụ cười em gió khô/ Rạc rụng bờ tre gai tháng bảy/ Te tua tàu chuối
vàng tháng tám”. Trong cái đêm “trứng nước gió giông” ấy, trong cái đêm “chuyện
trạng trào nước mắt” ấy, trong cái đêm “đau đẻ oa oa hạnh phúc” ấy, “giấc mơ
gieo trồng dày nhánh sây bông”, “giấc mơ khai khẩn hốc chọ bòn mót” vẫn còn đó.
Giấc mơ ấy luôn hối thúc, luôn giục giã, chưa bao giờ yên và cũng là động cơ sống,
động lực sống.
“Hốc chọ” - theo giải thích của tác giả là “Vùng khai
trang, lập trại nơi rừng sâu, núi thẳm; là vùng đất khó dưới/ giữa chân đồi núi
theo từng con nước; được người dân nhiều nơi ở Nghệ An gọi là hốc/hóc, chọ, gọi
chung là hốc chọ”. Đây cũng là lời dẫn, lời mở đầu, rồi sau “Và...” là phần chính
của “Hốc chọ”.
Chúng ta từng biết một miền trung qua thơ Phạm Ngọc Cảnh
với “sông suối dày tơ nhện”, với “núi choài ra biển”, với “ngày này con trai ta
buộc chân vào lèn sóng”; một Hoàng Trần Cương với “miền trung mỏng và sắc như cật
nứa/chuốt ruột mình thành dải lụa sông Lam”, với “mảnh đất nghèo mồng tơi không
kịp rớt”...giờ lại gặp một miền trung khác của Bùi Sỹ Hoa.
Đó là một miền trung, cụ thể là Nghệ An, đến đất để trồng
cấy cũng phải “bòn mót”. Đó là một miền trung dẫu “kiệt cùng hang hốc” mà vẫn
giữ “đói rách sạch thơm”. Đó là một miền trung, giống như một ngọn lửa “cháy cạn
kiệt, lại thắp bừng đuốc sáng”. Trong cái đêm miền trung ấy, trong cái đêm “Sao rơi rơi/ Đèn hoa bấc cạn” ấy, vẫn có một
người ông “Thở dài nằng nặng/ Rồi vươn tay lấy nước - mát/ mềm/ Rồi vươn vai lấy
đá - nóng/rắn”, cho dù “Mai cháy lựng đôi vai”, “Mai toẽ chân dốc đứng”, cho dù
phải “Lấy lửa từ đá toé máu/ Nuôi giấc no từ rơm toóc bện khô giòn” thì vẫn phải mài ý chí thông qua việc “mài dao”, “mài
đêm”. Mài dao cho sắc, đòi hỏi một sự kiên trì. Nhưng mài đêm, mài ý chí cho sắc,
thì quả là một biểu hiện phi thường của sự kiên trì.
Trong cuộc mưu sinh thấm đẫm bao nhiêu kiếp đời không ngừng
không nghỉ, ý chí sống, nỗ lực sống để vượt lên hoàn cảnh, không chỉ có ở con
người. Hãy đọc những câu thơ dưới đây để thấy môi trường sống và vạn vật cũng
vượt lên hoàn cảnh cùng con người, “chung lưng đấu cật” cùng con người, như
cũng biết sẻ chia cùng con người:
Sông suối kiệt sức chảy
Lá cành kiệt sức xanh
Rễ siêng kiệt sức tìm
Mạch nước kiệt sức rỉ giọt
hay:
Suối ngọt vừa tìm dòng trôi vừa róc rách mơ biển mặn
Hạt quả vừa rơi vừa mơ nảy mầm trên đất no lành
Đất cùng người hay người cùng đất, lúc nào cũng nhất mực
như thế, ở nghĩa chung thuỷ, vất vả có nhau, no đói có nhau, sống chết có nhau,
là một phát hiện trên mảnh đất - đời người từ trải nghiệm của Bùi Sỹ Hoa. Cũng
như đời sông, đời người có bên bồi, bên lở, lúc thẳng, lúc quành, “dòng đục đến
hồi lắng trong/ dòng trong lắm khi vẩn đục” thì “nước” vẫn “mực trôi xuôi”,
thì “lối mòn bữa nay chưa dứt” vẫn có “lối
mòn bữa mai réo chờ”.
Tay làm hàm
nhai, tay quai miệng trễ. Ấy là câu tục ngữ nói về bàn tay liên quan đến lao động,
đến miếng ăn, miếng ăn phụ thuộc vào lao động. Tay làm thì có cái để ăn (“hàm
nhai”), tay không làm thì đói (“miệng trễ”). Nhưng đấy mới là cái biểu hiện một
phần của bàn tay, còn cái biểu hiện toàn phần của bàn tay vừa rất đặc trưng, vừa
rất linh hoạt, phải là:
Bàn tay khuấy vào trống không
Bàn tay thõng buông bất lực
Bàn tay ngửa khúm núm vay khất
Bàn ta khum đón nhận mùa vàng
Bàn tay vung lên quyết dành việc lớn
Bàn tay chai quen chặt to, kho mặn
Bàn tay búp măng chữ nghĩa cuốn như rồng
Tôi thích những câu thơ ấn tượng, vừa sống động, vừa rất
đời, lại không dễ viết: “Tiếng vạc nhạt vào khuya lãng”, “Bóng xiên liếp nhà”,
“Con dao sắc ngủ cùn trong vỏ tối”, “Cỏ dại mỗi sáng thắp treo ngàn vạn giọt
sương/ Mầm hy vọng long lanh giữa lặng nín đất trời”, “Uống một mình ra ôi ra
thiu/ San đi để có lần sẻ lại”, “Tháng ba tái xanh chưa qua, tháng tám đã thở
dài sườn sượt”, “Những mùa di cư gió ngang, gió dọc/ Mưa buốt mây tràn rớt tiếng
tha hương”, “Bay lên thoát kiếp người không/ Bay là sống giữa mênh mông đất
lành”...
Thủ pháp nhấn nháy cũng được sử dụng rất có ý thức qua việc
“quá tam ba bận” nhắc lại một khúc ca trong câu ví sông Lam cổ (nước xuôi). Lần
thứ nhất là “Răng là đục là trong/ Răng là vinh, là nhục”. Lần thứ hai đảo lại
là “Răng là vinh, là nhục/ Răng là trong, là đục”. Lần thứ ba là nguyên văn câu
ví: “Ai biết nác sông Lam răng là trong là đục/ Thì mới biết sống cuộc đời răng
là nhục, là vinh”. Ở đời, hiểu hết cái nghĩa lý đục-trong-vinh-nhục và sống hết
lòng trong cái môi trường sống ấy, xem ra cũng chẳng dễ!
“Hốc chọ” có hai trường đoạn viết thật hay, thật đáng nhớ.
Đó là trường đoạn viết về cá gỗ với một câu mở đầu: “Tôi là cá gỗ” và trường đoạn
viết về Chọ Hao và bà với
một câu như là điểm nhấn: “Bà tôi không
biết chữ”.
Đó là “Tôi là cá gỗ/ Người làng tôi nuôi chí quan trường/
Đi ra bằng vai phải lứa/ Giữa trời ai kém chi ai”; “Tôi là cá gỗ/ Thầy tôi kinh
thành lều chõng ứng thí/ Thầy tôi gánh ba bồ chữ/ Lận lưng đôi cắc gọi là/
Trong đầu toàn chuyện kinh bang tế thế/ Hai tay nghiên mực loem loè”.
“Tôi là cá gỗ...?
Một tôi trăm bữa không không có có/ Một tôi nuôi chí can trường”; “Tôi là cá gỗ/
Bơi trong bát sứa tương bần/ Bơi trong chén mắm loãng/ Lấp chìm sóng sánh thơm
tho/ Ngày ngày trôi trôi tháng tháng/ Trầm mình ướt rồi lại khô”
“Tôi là cá gỗ/ Tôi
gàn - không chịu hôi tanh/ Tôi gàn - không ăn muối mà không ươn”
“Tôi là cá gỗ/ Từ
đẽo gọt bỏ đi mà có/ Từ thẹo thừa bỏ đi mà có”
“Tôi là cá gỗ/ Ra
khỏi làng thành ông nọ bà kia/ Về giữa họ làm cháu chắt thưa dạ”
“Tôi là cá gỗ.../
Vượt nghèo và thoát khổ/ Vũng bùn và vũ môn”; “Từ bấy, tôi - cá gỗ../ Vứt nghèo
hèn, quẳng ô nhục/ Chân trời cũ chưa qua, phía trước khựng chân trời”...
Đó là “Nhà tôi Chọ Hao...Bà tôi mài mực đọc ngược Truyện
Kiều/ Mẹ tôi làm dâu củi tươi gió tạt/ Cha tôi mỏi vai, vợi chén rượu lạt/ Tiếng
cười khuây nguôi nắng sớm mưa chiều”; “Nhà tôi Chọ Hao.../ Tôi đi lạc bước u
mê/ Bước đi trống trếnh, bước về trống trơn/ U ơ bước tủi bước hờn/ Giữa chang
chang nắng ập cơn mưa rào/ Lòng quê mát tựa mạch trào/ Lòng tôi sóng sánh dây gầu
kéo trăng”
“Bà tôi không biết chữ/ Nói năng ngay lối thẳng hàng/ Hệt
như ca dao tục ngữ/ Kèo cột gieo mầm xa, cơm áo ủ giống gần”
“Bà tôi không biết chữ/ Buột mồm lục bát phân vân/ Đời
nào mà chó sủa không/ Không anh ăn trộm cũng ông ăn mày”
“Bà tôi không biết chữ.../ Dạy cháu con học để biết,
không chỉ dừng ở chữ/ Biết làm người...Nuôi ngày dài, ru đêm trường chân đất”...
Hai trường đoạn này, đặc biệt là trường đoạn “cá gỗ” đã
chọn được một cách diễn đạt, cách hành xử đúng mực, vừa chân thành, vừa thành
thực, không hẳn cương cũng không hẳn nhu, cương mà nhu, nhu mà cương, uyển chuyển
và có sức thuyết phục cao.
Theo tôi, “Hốc chọ” là một trường ca có mảng, có miếng,
có luồng có lạch, ngồn ngộn chi tiết thơ, đơn vị thơ xoắn xuýt với nhau, tạo
nên nhiều hình tượng thơ, luôn neo bám vào đất quê và hồn quê trong một mạch diễn
đạt, suy tưởng hanh thông. Về mặt lao động nghệ thuật, “Hốc chọ” được viết rất
kỹ lưỡng, kỳ khu và bộn bề cảm xúc.
Và sau chót, “Hốc chọ” chính là bài ca của sự nhẫn, của sự không khuất phục, của sự cương cường, của ý chí, của cốt cách...làm nên tinh thần Nghệ và bản lĩnh Nghệ./.