‘Hạt gạo làng ta’ là một tiết mục được chọn làm điểm nhấn cho chương trình khai mạc Festival quốc tế ngành lúa gạo Việt Nam – Hậu Giang 2023 diễn ra tối 12/12.


“Hạt gạo làng ta” là một trong những bài thơ làm nên tên tuổi thần đồng Trần Đăng Khoa. Từ “góc sân và khoảng trời” ở làng Trực Trì (xã Quốc Tuấn, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Hương) cậu bé Trần Đăng Khoa 11 tuổi đã viết bài thơ “Hạt gạo làng ta” vào năm 1969.

Bài thơ “Hạt gạo làng ta” có lời đề từ “Kính tặng chú Xuân Diệu”, được công chúng yêu thích vì phản ánh được vẻ đẹp đời sống nông thôn những năm gian khó. Giá trị hạt gạo lấp lánh trong từng dòng thơ 4 chữ hồn nhiên: “Hạt gạo làng ta/ Có vị phù sa/ Của sông Kinh Thầy/ Có hương sen thơm/ Trong hồ nước đầy/ Có lời mẹ hát/ Ngọt bùi đắng cay... 
Hạt gạo làng ta/ Có bão tháng bảy/ Có mưa tháng ba/ Giọt mồ hôi sa/ Những trưa tháng sáu/ Nước như ai nấu/ Chết cả cá cờ/ Cua ngoi lên bờ/ Mẹ em xuống cấy...

Hạt gạo làng ta/ Những năm bom Mỹ/ Trút trên mái nhà/ Những năm cây súng/ Theo người đi xa/ Những năm băng đạn/ Vàng như lúa đồng/ Bát cơm mùa gặt/ Thơm hào giao thông...
Hạt gạo làng ta/ Có công các bạn/ Sớm nào chống hạn/ Vục mẻ miệng gàu/ Trưa nào bắt sâu/ Lúa cao rát mặt/ Chiều nào gánh phân/ Quang trành quết đất
Hạt gạo làng ta/ Gửi ra tiền tuyến/ Gửi về phương xa/ Em vui em hát/ Hạt vàng làng ta”

“Hạt gạo làng ta” càng phổ cập rộng rãi vào cộng đồng, khi bài thơ của Trần Đăng Khoa được nhạc sĩ Trần Viết Bính phổ nhạc vào năm 1971.

Nhạc sĩ Trần Viết Bính sinh năm 1934 tại Thái Bình. Từ năm 1981, ông chuyển vào sinh sống tại Đồng Nai. Ca khúc “Hạt gạo làng ta” là một trong những tác phẩm của nhạc sĩ Trần Viết Bính được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2017.

Một ca khúc thiếu nhi khác, cũng nổi tiếng không kém “Hạt gạo làng ta” là ca khúc ‘Em đi giữa biển vàng” do nhạc sĩ Bùi Đình Thảo (1931-1997) phổ từ bài thơ “Mùa lúa chín” của nhà thơ Nguyễn Khoa Đăng.

Bài thơ “Mùa lúa chín” ra đời năm 1973, khi nhà thơ Nguyễn Khoa Đăng đang dạy học ở Thái Bình. Năm 1975, bài thơ “Mùa lúa chín” được âm nhạc chắp cánh thành ca khúc “Em đi giữa biển vàng” chinh phục nhiều thế hệ công chúng: “Em đi giữa biển vàng/ Nghe mênh mang trên đồng lúa hát/ Hương lúa chín thoảng bay/ Làm lung lay hàng cột điện/ Làm xao động cả rặng cây

Em đi giữa biển vàng/ Nghe mênh mang trên đồng lúa hát/ Bông lúa trĩu trong lòng tay/ Như đựng đầy gió mưa nắng/ Như mang nặng giọt mồ hôi của bao người nuôi lớn lúa, lúa ơi
Hai bài thơ “Hạt gạo làng ta” và “Mùa lúa chín” quen thuộc với đám đông nhờ được phổ nhạc, nhưng bài thơ đầu tiên viết trực diện về lúa gạo Việt Nam phải kể đến “Thăm lúa” của nhà thơ Trần Hữu Thung (1923-1999).

Bài thơ “Thăm lúa” được nhà thơ Trần Hữu Thung viết năm 1950: “Mặt trời càng lên tỏ/ Bông lúa chín thêm vàng/ Sương treo đầu ngọn gió/ Sương lại càng long lanh.

Bay vút tận trời xanh/ Chiền chiện cao cùng hót/ Tiếng chim nghe thánh thót/ Văng vẳng khắp cánh đồng/ Đứng chống cuốc em trông/ Em thấy lòng khấp khởi/ Bởi vì em nhớ lại/ Một buổi sớm mai rì
Anh tình nguyện ra đi
/ Chiền chiện cao cùng hót/ Lúa cũng vừa sẫm hột/ Em tiễn anh lên đường Chiếc xắc mây anh mang/ Em nách mo cơm nếp/ Lúa níu anh trật dép/ Anh cúi sửa vội vàng/ Vượt cánh đồng tắt ngang
Đến bờ ni anh bảo
/ “Ruộng mình quên cày xáo/ Nên lúa chín không đều/ Nhớ lấy để mùa sau/ Nhà cố làm cho tốt”...
Nông thôn nói chung và lúa gạo nói riêng, đã trở thành một đề tài tạo nhiều cảm hứng trong thi ca Việt. Màu lúa chan chứa trong “Mắt người Sơn Tây” của nhà thơ Quang Dũng (1921-1988) có sức lưu luyến kỳ lạ: “Bao giờ trở lại đồng Bương Cấn/ Về núi Sài Sơn ngó lúa vàng/ Sông Đáy chậm nguồn qua Phủ Quốc/ Sáo diều khuya khoắt thổi đêm trăng”.

Hình ảnh đồng lúa cũng xuất hiện trong bài thơ “Tinh mơ” của nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo (1947-2019) khá quyến rũ: “Như có ai gọi tôi từ chân đê ngoài đồng vắng/ Hay cây sáo xanh presvin đã thổi báo xuân về/ Tôi chạy dọc bờ đê chân trần mơn man sóng/ Sóng nước sông quê và sóng lúa đồng quê”.

Tương tự, trong bài thơ “Những cánh đồng của nhà thơ Đỗ Thị Tấc lại cho thấy hình ảnh lúa gạo gắn bó con người ở Lai Châu: “Con sinh ra trên cánh đồng mùa đông/ Đất nứt xé đôi gốc rạ/ Đất nứt như gót chân ông bà/ Đất nứt như tiếng nấc...
Trâu thở ra khói
/ Người nói ra sương/ Ơi con quý con thương/ Cha cho con lửa ấm/ Mẹ cho con sữa thơm/ Ông bà cho con dao để đầu giường/ Cha dắt con ra cánh đồng mùa hạ
Mẹ gieo thóc giống
/ Dâng niềm hy vọng lên trời/ Những hạt thóc như mỏ gà trống/ Gõ vào bình minh/ Vào núi/ Vào mây/ Vào lòng mẹ”.

                                                        NNVN