Danh họa Lê Bá Đảng tiếp tục khiến công chúng ngạc nhiên khi di sản các tác phẩm giấy thủ công của ông được trưng bày tại triển lãm ‘Địa hình huyền bí’ diễn ra ở TP.HCM.


Danh họa Lê Bá Đảng (1921-2015) đã trở thành một tượng đài mỹ thuật Việt Nam với tầm vóc quốc tế. Vì vậy, triển lãm “Địa hình huyền bí” giới thiệu các tác phẩm giấy thủ công của danh họa Lê Bá Đảng được khai mạc ngày 16/12 tại Annam Gallery, Quận 3, TP.HCM là một sự kiện văn hóa rất được giới mộ điệu quan tâm.

Danh họa Lê Bá Đảng phần lớn thời gian cuộc đời sống tại châu Âu. Năm 18 tuổi, ông tự nguyện tham gia vào đội ngũ nhân công bản xứ của Bộ Lao động Pháp, với khát khao thoát nghèo khỏi mảnh đất quê nhà Quảng Trị khô cằn.



Suốt sự nghiệp, danh họa Lê Bá Đảng đã được trao nhiều giải thưởng cao quý tại Mỹ, Anh, Pháp và Việt Nam, như “Nghệ sỹ có tài năng lớn và tư tưởng nhân đạo” (Viện Quốc tế Saint - Louis, Mỹ trao tặng năm 1989), có tên trong danh mục “Những người có tên tuổi của thế giới” (do Trung tâm Tiểu sử Quốc tế, Đại học Tổng hợp Cambridge, Anh thực hiện năm 1992), “Huân chương Văn hóa nghệ thuật Pháp” (Nhà nước Pháp trao tặng năm 1994) và “Huy chương kháng chiến chống Mỹ cứu nước” (Chủ tịch nước Việt Nam trao tặng năm 2005).

Hiện nay, những tác phẩm tiêu biểu của Lê Bá Đảng đang được lưu giữ và trưng bày tại Trung tâm nghệ thuật Lê Bá Đảng và Không gian lưu niệm Lê Bá Đảng Huế. Tháng 11/2023 vừa qua, Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng đã tiếp nhận 253 hiện vật quý giá của ông, do ông bà Lê Tất Luyện- Thụy Khuê hiến tặng từ Pháp.

Triển lãm “Địa hình huyền bí" giúp công chúng có thêm một góc nhìn về danh hoạ Lê Bá Đảng. Bởi lẽ, danh họa Lê Bá Đảng là một trong những nghệ sỹ hiện đại người Việt thành danh tại châu Âu nửa sau thế kỷ 20 với hệ thống ngôn ngữ thị giác đa phương tiện, mang đậm dấu ấn cá nhân.

danh họa Lê Bá Đảng sống và thực hành nghệ thuật với tư cách một lữ thứ tha hương, nhưng tác phẩm của ông vẫn bám rễ vào đời sống Việt, thấm đẫm dân tộc tính và chiều sâu văn hoá, lịch sử. Danh họa Lê Bá Đảng lúc sinh thời bày tỏ: “Con người hiện hữu giữa cuộc đời bằng những cách thế khác nhau. Con người có cái bóng, mỗi góc có mỗi cái bóng khác nhau, mỗi cái bóng là một bức tranh. Làm nghệ thuật cũng phải nghĩ đến môi trường.



Qua triển lãm “Địa hình huyền bí” có thể thấy thủ pháp thực hành nghệ thuật của danh họa Lê Bá Đảng được xây dựng trên một nền nghiên cứu khoa học nghiêm cẩn và tỉ mỉ. Ông kiến tạo nên những lối tiếp cận và kỹ thuật sản xuất giấy thủ công độc đáo gồm in thạch bản (lithography) in tranh bằng lụa kết hợp dát vàng mà họa  đặt tên là “Lebadanggraphie”.

Đồng thời, danh họa Lê Bá Đảng cắt dán giấy tạo không gian nổi “Spacegraphie”, cũng là kỹ thuật đầy cảm hứng sáng tạo. Khi quan sát từ trên cao, các tác phẩm trong loạt “Spacegraphie” trông như những sa bàn với đủ loại địa hình có chiều sâu, trừu tượng và bí ẩn. Tác phẩm giấy thủ công qua tài năng Lê Bá Đảng đã mô phỏng những đồng ruộng, núi cao hay biển sâu... như một cách để tác giả hồi tưởng về xứ sở tuổi thơ ông.

Một mạch nội dung quan trọng khác của triển lãm “Địa hình huyền bí” là tính hư cấu huyền ảo trong bộ thạch bản “Thiên nhiên nguyện cầu không lời” (“La Nature prie sans parole”) được danh họa Lê Bá Đảng sáng tác cuối thập niên 60, lấy cảm hứng từ chất thiền trong Đạo đức kinh của Lão Tử.

Danh họa Lê Bá Đảng đề cao cốt cách văn bản bản địa. Năm 2006, ông từng xuất bản quyển sách trường ca H’Mong, người yêu của dòng sông đen xuất bản trên Éditions Alternatives và được chuyển thể bởi Mireille Gansel. Với sự cắt dán giấy những nhân vật và các loài thú, danh họa Lê Bá Đảng tái hiện lại mô típ dệt vải của người H’Mong và những cảnh sinh hoạt hằng ngày trên những bản làng miền Bắc Việt Nam.

Năm 2015, bà Myshu Lebadang, phu nhân danh họa Lê Bá Đảng, đã tặng cho bảo tàng Cernuschi (bảo tàng Nghệ thuật Châu Á ở thủ đô Paris) toàn bộ những tác phẩm trên giấy của ông. Đó là di sản phản ánh những nghiên cứu nghệ thuật và những cải tiến kỹ thuật của danh họa Lê Bá Đảng trong lĩnh vực tranh in bao gồm 33 bản in, một danh mục 17 bức in thạch bản, 2 tranh màu nước và 2 tranh sơn dầu.



Triển lãm “Địa hình huyền bí” thêm một lần chứng minh tầm vóc mỹ thuật của danh họa Lê Bá Đảng, như ông từng quan niệm: “Việt Nam phải có một nền nghệ thuật hiện đại riêng. Không Tây, không Tàu, ở Việt Nam trước đây cũng chưa từng có. Phải dựa vào tư tưởng lịch sử văn hoá Việt Nam mà phát triển nghệ thuật Việt Nam (ví dụ như chuyện Thánh Gióng), thì mới hợp với đất và con người Việt Nam, mới có được sự độc đáo để có thể thu hút được sự chú ý của người nước ngoài. Việt Nam hiện đại chứ không phải Việt Nam cổ điển, không phải nguyên xi truyền thống.

Qua thực tế cho thấy không có một sự sao chép, bắt chước, mô phỏng nào có thể tồn tại được trong nền nghệ thuật đương đại này. Việt Nam phải có một nền nghệ thuật cho mọi người, mọi người tham gia sáng tạo, mọi người thưởng thức và mọi người được hưởng lợi. Nghệ thuật mà không sinh lợi thì khó phát triển, khó tồn tại. Chất liệu nghệ thuật không cần phải nhập ngoại. Có thể sử dụng bất kỳ chất liệu gì đang có sẵn trong nước như đất sét, đá, sỏi, gỗ, thép, giấy, mây tre”.

                                                           NNVN