Buổi trưa từ trong căn phòng của Nguyễn Đình Toàn, đôi khi bạn có thể nhìn thấy một sợi tơ trời bay ngang mùa hạ, lơ lửng phía ngoài cửa sổ, như sự lơ lửng giữa niềm vui thú và sự đau khổ của sinh tồn.


Buổi trưa NGUYỄN ĐÌNH TOÀN

NGUYỄN ĐỨC TÙNG

Tôi thường đến thăm anh vào buổi trưa. Tôi đi với những người khác. Chúng tôi đi theo con đường lát đá nhỏ xuyên qua bãi cỏ rộng xanh mướt, leo lên một cầu thang hẹp. Anh ở trong một căn phòng nhỏ trên lầu hai. Tòa nhà chung cư cũ nhưng sạch sẽ, căn phòng anh ở có một phòng ngủ, sau khi chị Thu Hồng mất, anh ở một mình. Những người con và những bạn thân, như Đinh Quang Anh Thái, thường đến thăm anh, săn sóc anh những ngày nằm bệnh.

Thế mà khi tôi đến, bao giờ anh cũng khỏe, tỉnh táo, vui cười đón chúng tôi ở cửa. Nguyễn Đình Toàn chắc chắn không phải giàu có, nhưng anh là người hào hiệp, bất cứ thứ gì có trong tủ anh cũng mang ra. Những cuốn sách cũ, những băng nhạc gốc, anh đều có thể đem cho. Cũng như Du Tử Lê, người đã từng cho tôi những cuốn sách bản gốc mà tôi biết anh không còn một cuốn nào khác.

Tôi ngồi đó, đối diện với anh, nhìn ra ngoài cửa kính, nhìn xuống đường, qua bên kia bãi cỏ mùa h è. Tôi nhìn thấy nắng vàng của buổi trưa chói ngời như ngọc, nhảy múa, ánh sáng của chúng hắt từ cửa sổ vào chiếu nghiêng khuôn mặt thời gian đã làm nên dấu phong trần nhưng vẫn còn nét hào hoa của chàng trai Hà Nội cũ.

Anh có giọng nói ấm và vang, đọc thơ hay, khi hứng lên anh cầm cả đàn ghi ta. Tôi nhắc đến Chị Em Hải, là cuốn tiểu thuyết đầu tay của anh, mà tôi đọc rất sớm, năm mười mấy tuổi, anh lấy làm thú vị vì bây giờ không mấy ai nhắc nữa. Ở trong cuốn ấy đã có phong cách của Áo mơ phai. Chúng tôi ngồi im lặng, lắng nghe những bản nhạc của anh, nghe tiếng anh trong chương trình phát thanh. Những giờ phút im lặng ấy sẽ không bao giờ rời bỏ tôi.

Thuở nhỏ tôi đã cùng với ba tôi nghe chương trình Tao đàn của Đinh Hùng và sau đó vài năm chương trình Nhạc chủ đề của Nguyễn Đình Toàn, trên đài phát thanh Sài Gòn. Giọng nói của anh nhỏ nhẹ, ấm và rõ. Những người miền Nam thời đó biết về văn chương, âm nhạc, biết về Hà Nội, một phần là nhờ Đinh Hùng và Nguyễn Đình Toàn. Theo tôi, giọng của Đinh Hùng khàn đục, hơi nặng, giọng của Nguyễn Đình Toàn trong trẻo hơn. Tôi nhớ những bản nhạc được anh giới thiệu. Anh là người làm tôi yêu nhạc Trịnh Công Sơn, Vũ Thành An, yêu một nền âm nhạc quyến rũ, chưa chắc đã có ích lợi gì cho cuộc đời, một cuộc đời ngày càng dung tục.

Có lần anh bảo: có người nói, những người yêu tự do đã thua cuộc là vì thế. Nhưng mà, chẳng phải là tất cả sáng tạo thoạt tiên đều không có mục đích nào cả? chẳng phải là khoa học không hề hướng tới nhân sinh, và nhường công việc tiện ích ấy cho kỹ thuật?

Thần tiên gẫy cánh đêm xuân

Bước lạc sa xuống trần

Thành tình nhân đứng giữa trời không

Khóc mộng thiên đường

Tôi ngồi đó và nghĩ, cám ơn anh, cám ơn các anh. Cám ơn những người đi trước chúng tôi, gìn giữ một Hà Nội cho tâm hồn tôi, gìn giữ một miền Nam tự do cho chúng tôi. Hà Nội và miền Nam không có gì khác nhau cả, chúng là một.

Tôi nói với anh cái ý ấy, và anh vui đến nỗi cứ cầm lấy tay tôi lắc nhiều lần. Nhờ thế mặt anh gần chạm vào mặt tôi, và tôi bất ngờ nhìn thấy một ngấn lệ. Hay tôi nhầm? Tôi không thể nhớ được. Người ta nói rằng con người đạt được trạng thái tốt đẹp nhất của họ, chạm tới cái phần tinh hoa nhất của họ, khi tới trước mặt một đồng loại, trong giây phút cảm động. Tôi thấy điều ấy đúng. Tôi đã chứng kiến những giây phút như thế đối với người khác, không nhiều, nhưng có.

Tôi hỏi anh thêm chi tiết về những ngày làm việc ở đài phát thanh Sài Gòn, những năm dài đi cải tạo, những chuyến trở về Hà Nội sau này của anh, cuộc giã từ Sài Gòn sau cùng, thời gian đó tôi muốn viết một tiểu luận về thơ anh; nhân dịp anh kể thêm nhiều chuyện, nhưng tôi nhớ là thời kỳ đen tối nhất chỉ được anh kể lại với giọng hài hước, nhẹ nhàng, không cay đắng.

Anh có một lòng tự tin lạ lùng, một thứ mà tôi chỉ gặp ở vài người, như Trần Dạ Từ, Thanh Tâm Tuyền, Bùi Ngọc Tấn, sự tự tin của một người tin vào tình yêu và sự đúng đắn của chọn lựa của họ, và rằng những trở ngại sẽ sụp đổ. Có một sự im lặng thanh bình, một trạng thái an tĩnh, ở đó bạn có thể nghe được những tiếng động nhỏ nhất, tiếng một con cá búng nước trong cái bể nhỏ, một chiếc lá đập khẽ vào cửa sổ.

Buổi trưa từ trong căn phòng của anh, đôi khi bạn có thể nhìn thấy một sợi tơ trời bay ngang mùa hạ, lơ lửng phía ngoài cửa sổ, như sự lơ lửng giữa niềm vui thú và sự đau khổ của sinh tồn. Sự thăng bằng. Không có một người nào là toàn hảo, nhưng họ trở nên toàn hảo trong một giây phút, khi được nâng đỡ. Sự nâng đỡ ấy đến từ văn chương, nghệ thuật, người đồng điệu, tình tri âm độc giả.

Trong căn phòng của anh, chật hẹp nhưng ấm áp, chúng tôi, S và tôi, ngồi hàng giờ nghe những băng nhạc của anh. Khi tôi đặt tay lên những cuốn sách cũ và những cuốn sách mới in ở Mỹ, những dĩa nhạc mà anh mang theo từ Việt Nam, tôi tiếp nhận một nguồn rung cảm lạ lùng như được truyền lại qua các thế hệ. Đôi khi tôi cũng nghĩ đến cái chết, vốn không thể nào tránh được, tôi nghĩ rất lâu đến nỗi, có lần trong một căn nhà khác, bên bờ nước, anh nhận ra hay mơ hồ nhận ra, và lập tức nói lên cái ý rằng, anh muốn ở lại lâu hơn nữa với chúng ta, và ngay cả khi anh đi rồi, anh cũng muốn trở lại. Tất nhiên là vậy rồi, tôi nghĩ.

BUỔI TRƯA

Gởi Nguyễn Đình Toàn

Sâu trong trái tim của anh

Có một màu xanh

Sâu trong màu xanh

Có một màu vàng

Như buổi trưa hiu quạnh

Đôi khi màu vàng đứng lên

Nó đứng một mình

Không thể nào xô ngã

Như xô ngã một người đàn ông

Tôi làm bài thơ này, vài ngày sau khi anh mất, trong buổi tối đứng trong vườn, mặc áo khoác vì trời đã lạnh, mù mịt sương, sương xuống nhiều đến nỗi che mất bụi cây trước mặt, nhưng nhờ thế mà tôi nhìn thấy đám cỏ xanh ngoài cửa sổ căn phòng Nguyễn Đình Toàn, trong buổi trưa nắng vàng có một sợi tơ trời bay ngang trong gió.