Trong sự vận động xã hội, nhà thơ đã đào sâu vào lòng
mình, cảm nhận sự vật, liên kết và đánh giá chúng một cách khách quan rồi đúc lại
bằng thông điệp cá nhân. Có những câu thơ như tuyên ngôn khiến người đọc phát
hoảng.
BƯỚC VÀO MỘT CẢNH GIỚI THI CA
CAO CHIẾN
Tập thơ “Gió heo may ngày nắng gián đoạn” là tác phẩm
thứ 11 của nhà thơ – nhà phê bình Lê Thiếu Nhơn, gồm 42 bài, do NXB Văn Học ấn
hành. Trong giai đoạn 1997-2010, Lê Thiếu Nhơn đã ra mắt 5 tập thơ, trước khi lấn
sang lĩnh vực phê bình. “Gió heo may ngày nắng gián đoạn” là tập thơ thứ 6,
cách tập thơ trước 10 năm. Anh 3 lần được Tặng thưởng của Hội Nhà văn TPHCM,
hai lần cho thơ và một lần cho phê bình.
Nhận xét về tập thơ “Gió heo may ngày nắng gián đoạn”,
nhà thơ Vũ Quần Phương viết: “Đến tập này, thơ anh gọn chắc lại, chủ đề rõ lên
và bao trùm là tinh thần trách nhiệm công dân, muốn thơ có ích cho cộng đồng…
Thơ công dân giáo dục mà đẩy lên, mà không nén được, những cảm xúc cá thể. Đấy
là thành công của Lê Thiếu Nhơn. Nói chung các bạn trẻ thời nay hay có sự thẳng
băng như thế. Tôi kính trọng sự can đảm ấy. Can đảm để thiết thực, để có ích”.
Nhận xét của bậc đàn anh trong nghề, có nghề, hiển
nhiên là ý nghĩa. Hơn một lần tôi nói thơ là tiếng hát cất lên từ tâm hồn,
trong sâu thẳm hồn vía mình thế nào thì tiếng hát ngân lên như thế, giống như
trên gương mặt người, lòng dạ sao thì biểu cảm ra như thế, giấu cũng chả được.
Tiếp cận một văn bản thơ, ở đây là “Gió heo may ngày nắng
gián đoạn”, tôi chú trọng ba ý là giọng thơ, tư tưởng và lối biểu đạt, tóm lại
cũng là trên căn bản nội dung và nghệ thuật. Về tư tưởng, tôi tán đồng nhận xét
của Vũ Quần Phương, rằng giá trị phổ quát của “Gió heo may ngày nắng gián đoạn”
là tinh thần trách nhiệm công dân, mong muốn thơ có ích cho cộng đồng.
42 bài thơ trong tập, dù là triết lý (Giữa trang giấy
trắng, Tạp cảm vần điệu, Đừng cạn lãng mạn, Nỗi lặng im khác, Gió heo may ngày
nắng gián đoạn, Viết trước giao thừa, Khuất nẻo mây bay), hay suy tư, tình cảm
(Khúc chậm sông trôi, Tĩnh lặng lúc giao mùa, Bên sông mưa bụi, Đoán định bình
minh, Gửi theo mùa xuân thơ ấu, Hồi âm cho thinh lặng,Ghi phía gió đông, Bản tụng
ca khờ dại, Trên chuyến xe ngày tết), thảy đều toát ra cái chất trách nhiệm
công dân ấy.
Tư tưởng xuyên suốt và nhất quán của “Gió heo may ngày
nắng gián đoạn” là trách nhiệm công dân, có ích cho cộng đồng. Thơ, hay bất cứ
việc gì, nếu chẳng đem lại lợi ích cho cộng đồng, thì rốt lại chỉ là món trang
sức đẹp lạnh lùng, chẳng thể bền lâu.
Giọng điệu của tập thơ khác lạ, trong chừng mực nào đó
khác với cả chính thơ của tác giả ở giai đoạn trước. Định danh một tác giả cốt
yếu là ở sự khác biệt. Sự khác biệt lần này biểu đạt rõ ràng là ý thức hơn, tập
trung hơn. Trong sự vận động xã hội, nhà thơ đã đào sâu vào lòng mình, cảm nhận
sự vật, liên kết và đánh giá chúng một cách khách quan rồi đúc lại bằng thông
điệp cá nhân. Có những câu thơ như tuyên ngôn khiến người đọc phát hoảng. Lại
có những câu độc dị buộc người đọc phải nghĩ gần nghĩ xa.
Xin dẫn ra đây đôi câu để bạn đọc xác tín cho nhận định
này của tôi (dĩ nhiên là chủ quan). “Vẫn cố chấp để chọn lấy con đường cô
độc/ trời nhiều mây, chỉ thêm vài tia chớp ăn vạ/ …can đảm không bầy đàn/can đản
không bè cánh” (Gió heo may ngày nắng gián đoạn); “Tôi tìm cách đi
lùi trong ký ức, đi lùi đến ngây thơ!/ còn màu hoa bên mép vực dại khờ/ làm sao
tìm được cách tha thứ những tiếng vỗ tay phản trắc?” (Khuất nẻo mây bay).
Cái sự “cố chấp” để chọn lấy con đường cô độc chẳng phải
nhà thơ nào cũng xác quyết, thậm chí kể cả khi xác quyết thì cũng chẳng biết
nên biểu đạt ra như thế nào cho phải, cho đẹp. Tương tự như vậy là
câu “làm sao tìm được cách tha thứ những tiếng vỗ tay phản trắc?” trong
một trạng huống phân tâm. Chỉ bằng vài tia chớp ăn vạ, đôi bước đi lùi (trong
ký ức), tiếng vỗ tay phản trắc, nhân tình thế thái bỗng phô bày ra ngay trước mắt.
Quả thực chẳng phải ai cũng đủ tài và cũng chả phải
lúc nào cũng có thể viết ra những câu thơ gan ruột như thế. Rốt lại, giọng điệu
của “Gió heo may ngày nắng gián đoạn” là giọng điệu gì. Tôi cho nó là giọng điệu
nhập thế. Ở giai đoạn nào đó trong cuộc đời và trong khoảnh khắc hữu duyên, con
người ta ngộ ra những chân giá trị mà họ sẽ bám vào để sống, để cống hiến, để
hy sinh. “Trả nợ cho mình/ giấc mơ bé bỏng/ …trả nợ phận người/nửa quỷ nửa
ma” (Đứng cạn lãng mạn). Tôi nghĩ Lê Thiếu Nhơn đã bước một chân vào ngưỡng
cảnh giới thi ca
Trong quan niệm của riêng tôi, cảnh giới có chuẩn của mình. Con người là một phần của vũ trụ. Sự lớn hay bé của một người xét cho cùng chẳng phải họ có bao nhiêu tiền của, đất cát, nhà lầu, xe hơi, mà ở chỗ họ làm gì hữu ích cho xã hội. Đối với một nhà thơ, thấu hiểu kiếp nhân sinh là ngưỡng cảnh giới lớn nhất. “Gió heo may ngày nắng gián đoạn” là một tác phẩm tích cực. Tác giả đã có rất nhiều trăn trở, tìm tòi trong hành trình sáng tạo. Bằng lối biểu đạt nghiêng về tư duy xã hội, nội hàm triết lý sâu, ngôn ngữ chắt lọc, tập thơ có tính cảnh báo cao, rất đáng đọc, suy ngẫm. Có thể coi đây là một thách thức với ai đủ “trình” bước đi trên con đường này.