Nhạc sĩ Văn Cao thêm một dịp được tôn vinh bằng những buổi biểu diễn và những cuộc hội thảo, nhân dịp kỷ niệm 100 năm sinh nhật của ông (15/11/1923- 15/11/2023).

Nhạc sĩ Văn Cao được kính trọng, trước hết vì ông là tác giả ca khúc “Tiến quân ca” đã trở thành Quốc ca Việt Nam. Ca khúc “Tiến quân ca” được nhạc sĩ Văn Cao viết năm 1944 tại Hà Nội.

Hoàn cảnh sáng tác “Tiến quân ca” trong hồi ức nhạc sĩ Văn Cao: “Bài hát đã làm trong thời gian không biết bao nhiêu ngày, tại căn gác hẹp số 45 Nguyễn Thượng Hiền, bên một cái cửa sổ nhìn sang căn nhà hai tầng, mấy làn cây và một màn trời xám. Ở đây, thường vọng lên những tiếng xe bò chở xác người chết đói về phía Khâm Thiên. Ở đây hàng đêm mất ngủ vì gió mùa luồn vào tung khe cửa, vì tiếng đánh chửi nhau của một gia đình anh viên chức nghèo khổ, thiếu ăn, vọng qua những khe sàn gác hở. Ở đây tôi hiểu thêm nhiều chuyện đời. Ở đây đêm đêm có những tiếng gõ cửa, những tiếng gọi đêm không người đáp lại”.

Ngoài ca khúc “Tiến quân ca”, nhạc sĩ Văn Cao còn có nhiều ca khúc bất hủ đưa ông lên vị trí hàng đầu nền tân nhạc Việt Nam. Nhạc sĩ Văn Cao (1923-1995) cùng nhạc sĩ Phạm Duy (1921-2013) và nhạc sĩ Trịnh Công Sơn (1939-2001) vượt trội so với đội ngũ viết ca khúc Việt Nam thế kỷ 20. Thế nhưng, gia tài ca khúc của nhạc sĩ Văn Cao lại khá ít ỏi so với nhạc sĩ Phạm Duy và nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Vì sao như vậy? Vì cuộc đời nhạc sĩ Văn Cao có nhiều khoảng lặng im của giai điệu.

Từ ca khúc đầu tay “Buồn tàn thu” viết năm 1940, cảm hứng âm nhạc của Văn Cao rất dạt dào. Ông sáng tác đều đặn và liên tục có nhiều ca khúc chinh phục công chúng như “Thiên thai” (1941) “Suối mơ” (1942) Trương Chi (1942) “Bến xuân (1943) “Chiến sĩ Việt Nam” (1944) “Bắc Sơn” (1945) “Làng tôi” (1946) “Sông Lô” (1947) “Ngày mùa” (1948) “Ca ngợi Hồ Chủ tịch” (1949)... Thế nhưng, sau ca khúc “Tiến về Hà Nội” thì nhạc sĩ Văn Cao đột ngột dừng sáng tác. Có gì khó hiểu ở đây chăng?

Ca khúc “Tiến về Hà Nội” không phải được viết khi tiếp quản Hà Nội ngày 10/10/1954, mà đã được hình thành trước 5 năm. Đầu xuân 1949, tại Liên khu 3, từ gửi gắm của hai vị lãnh đạo Khuất Duy Tiến và Lê Quang Đạo, nhạc sĩ Văn Cao đã sáng tác “Tiến về Hà Nội” vừa hùng tráng vừa trữ tình: “Trùng trùng quân đi như sóng/ Lớp lớp đoàn quân tiến về/ Chúng ta đi nghe vui lúc quân thù đầu hàng/ Cờ ngày nào tung bay trên phố”.

Ca khúc “Tiến về Hà Nội” sau khi được in trên báo Thủ Đô và rất được yêu thích. Thế nhưng, có ý kiến cho rằng đây là sự “lạc quan tếu” nên “Tiến về Hà Nội” bị chìm lấp. Bẽ bàng và thất vọng, nhạc sĩ Văn Cao thề không viết ca khúc nữa.

Thế nhưng, đúng như mong muốn của những người yêu nhạc chân chính, “Tiến về Hà Nội” càng ngày càng phô bày vẻ đẹp dự báo tin yêu của một bậc kỳ tài: “Trùng trùng say trong câu hát/ Lấp lánh lưỡi lê sáng ngời/ Chúng ta đem vinh quang sức dân tộc trở về/ Cả cuộc đời tươi vui về đây/ Năm cửa ô đón mừng đoàn quân tiến về/ Như đài hoa đón mừng nở năm cánh đào/ Chảy dòng sương sớm long lanh/ Chúng ta ươm lại hoa sắc hương say ngày xa/ Ôi phố phường Hà Nội xưa yêu dấu/ Những bông hoa ngày mai đón tương lai vào tay/ Những xuân đời mỉm cười vui hát lên”.

Sự cố “lạc quan tếu” cộng với oan ức Nhân Văn Giai Phẩm, nhạc sĩ Văn Cao gần như rời xa âm nhạc. Ông vẽ tranh, vẽ minh họa cho các báo và trình bày sách để kiếm sống. Thậm chí, Văn Cao chính là người thiết kế bao bì cho sản phẩm thuốc lá Tam Thanh nổi tiếng dạo ấy.

Ngoài việc dùng nghề mỹ thuật mưu sinh, nhạc sĩ Văn Cao đã “phục xuống mà viết” những câu thơ gan ruột. Mảng thi ca hình thành trong trống vắng âm nhạc, đã mang lại cho Văn Cao một thành tựu khác, với tư cách nhà thơ.

Bao nhiêu năm âm thầm trong căn phòng khiêm nhường ở số 108 Yết Kiêu – Hà Nội, thơ Văn Cao chắt lại như “tiếng kêu của một khúc thép đỏ/ trong chậu nước” để đối diện với nghịch cảnh “có lúc nước mắt không thể chảy ra ngoài được”. Ông có hai bài thơ viết cho mùa thu ở hai cột mốc thời gian khác nhau vẫn không mấy khác nhau về xao xác, mùa thu 1968 “những bóng người loang trên Hồ Tây” và mùa thu 1992 “có tà áo trắng loang qua khung cửa”, chứng tỏ ảo giác đơn lẻ hụt hẫng kéo dài qua vùng thơ ưu phiền. Ngược lại, bài thơ “Thức dậy” vỏn vẹn hai câu ít nhiều thể hiện được cứu cánh thi ca đối với Văn Cao: “Khi đêm tối tất cả người tôi thức dậy/ Những đam mê quên ngủ suốt ngày”.

Di sản thơ Văn Cao chỉ khoảng 60 bài, nhưng nhờ cuộc truy vấn số phận miệt mài, Văn Cao được tự do tái sinh những trải nghiệm, từ trải nghiệm thua thiệt cá nhân “bỗng nhiên/ bóng của người ấy chia mất/ nửa mặt tôi/ một nửa mặt của tôi/ của tôi nửa mặt trắng/ miệng tôi nửa miệng đắng/ một con mắt tôi/ lặng lẽ lấp lánh/ sau bóng đen người ấy” đến trải nghiệm lầm lạc ân tình “những bó hoa mang tới/ chúc tụng/ thành công một con người/ hàng ngày hàng ngày/ xây thành cái mồ chôn/ con người thành công ấy/ người ta đôi khi bị giết/ bằng những bó hoa”.

Âm nhạc ngỡ bỏ đi rồi, bỗng dưng quay lại với nhạc sĩ Văn Cao, khi non sông thống nhất. Một con người thiết tha với vận mệnh dân tộc như Văn Cao không thể dửng dưng trước sự kiện ba miền sum họp một nhà Việt Nam. Đón tết Bính Thìn 1976, từ cây đàn piano cũ kỹ của Văn Cao đã vụt ra “Mùa xuân đầu tiên” dạt dào: “Rồi dặt dìu mùa xuân theo én về/ Mùa bình thường mùa vui nay đã về/ Mùa xuân mơ ước ấy đang đến đầu tiên/ Với khói bay trên sông, gà đang gáy trưa bên sông/ Một trưa nắng vui cho bao tâm hồn”.

Khoảng cách từ ‘Tiến về Hà Nội” đến “Mùa xuân đầu tiên” là 26 năm. Khoảng lặng im của thanh âm suốt hơn một phần tư thế kỷ ấy, được nhạc sĩ Văn Cao hồi đáp bằng một giọng thứ, nhịp ¾  với điệu valse nồng nàn và ấm áp. Ca khúc “Mùa xuân đầu tiên” lập tức được in trên báo Sài Gòn Giải Phóng, nhưng lại bị vài ý kiến phản ứng là “lãng mạn quá”.

Khoảng lặng im của “lạc quan tếu” vừa thoát khỏi, thì lại gặp trắc trở “lãng mạn quá”. Gần 20 năm sau, khi nhạc sĩ Văn Cao qua đời, ca khúc “Mùa xuân đầu tiên” mới được biểu diễn lần đầu tiên công khai cho công chúng thưởng thức, trong bộ phim ca nhạc “Buổi sáng có trong sự thật” do đạo diễn Đinh Anh Dũng thực hiện.

“Mùa xuân đầu tiên” là ca khúc cuối cùng của nhạc sĩ Văn Cao. “Mùa xuân đầu tiên” đánh thức quãng lặng im giai điệu trong tâm hồn Văn Cao. Và đến hôm nay, thực tế sinh động đã chứng minh, “Mùa xuân đầu tiên” là một kiệt tác vượt qua những yêu ghét riêng tư, những tị hiềm nhỏ mọn, những nghi kỵ tăm tối.

“Mùa xuân đầu tiên” trở thành một mảnh ghép hoàn hảo để giới mộ điệu nhìn thấy chân dung nhạc sĩ Văn Cao mong manh mà lừng lững đi qua năm tháng: “Ôi giờ phút yêu quê hương làm sao trong xuân vui đầu tiên/ Ôi giờ phút trong tay anh đầu tiên một cuộc đời êm ấm./ Từ đây người biết quê người/ Từ đây người biết thương người/ Từ đây người biết yêu người”.

                                                  LÊ THIẾU NHƠN