Trước và sau năm 1975, vị trí của Từ Kế Tường trong dòng văn học dành cho thiếu niên nhi đồng và tuổi mới lớn đã được giới nghiên cứu, lý luận phê bình thừa nhận và đánh giá cao.


TRANG SÁCH VỀ NHỮNG CÔ GÁI TUỔI HOA

HÀ THANH VÂN

Từ Kế Tường là một nhà văn có tiếng từ trước năm 1975 ở miền Nam với những tác phẩm chủ yếu dành cho tuổi mới lớn. Sau năm 1975, tác phẩm của ông được tái bản lại nhiều lần và gần đây nhất là xuất hiện với diện mạo mới qua tủ sách Tuổi Ngọc của Hanoibooks và NXB Văn học.

Ở miền Nam trong giai đoạn 1954 – 1975, có tủ sách Tuổi Hoa xuất bản những tác phẩm văn học dành cho các bạn nhỏ ở tuổi thiếu niên, nhi đồng, tuổi mới lớn. Tủ sách Tuổi Hoa chia làm ba loại: Hoa Đỏ, Hoa Xanh và Hoa Tím, tùy độ tuổi. Nhiều nhà văn có tên tuổi ở miền Nam thời đó tham gia viết cho tủ sách này, và cũng nhiều tác giả trẻ nổi lên từ tủ sách này. Đó là Nguyễn Trường Sơn, Minh Quân, Kim Hài, Thùy An, Nguyễn Thái Hải… Nhà văn Nguyễn Trường Sơn chính là người đã có sáng kiến thành lập và điều hành tủ sách Tuổi Hoa. Nhiều nhà văn khi viết cho tủ sách này đã bỏ lại sau lưng phong cách văn chương vốn đầy “nhức nhối” của họ, để chuyển sang giọng văn trong veo, mơ mộng, tình cảm. Cùng với tủ sách Tuổi Hoa là sự thành công của bán nguyệt san Tuổi Hoa và tờ báo Ngàn Thông. Tòa soạn Tuổi Hoa nằm ở số 38 đường Kỳ Đồng, Sài Gòn.

Từ Kế Tường khi đó cũng là một trong những tác giả viết nhiều cho tuổi mới lớn. Ông có tên thật là Võ Tấn Tước, sinh năm 1946; quê quán tại xã Phú Vang, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre. Ông là Thư ký tòa soạn tuần báo Tuổi Ngọc khi mới 19 tuổi, một trong những tờ báo dành cho lứa tuổi mới lớn rất thu hút độc giả trẻ tuổi thời đó. Sau đó ông làm chủ bút tuần báo Mây Hồng, cũng là một tờ báo tương tự như tờ Tuổi Ngọc. Song song với việc làm báo, Từ Kế Tường còn viết văn, làm thơ, đã xuất bản nhiều tác phẩm thơ, truyện ngắn, tiểu thuyết, trong đó có nhiều sách viết cho lứa tuổi thiếu niên, nhi đồng và tuổi mới lớn. Từ Kế Tường đã ghi dấu trong văn học miền Nam thời đó như là một cây bút viết nhiều cho tuổi trẻ với nhiều tác phẩm ăn khách, đáng kể nhất là phải nói đến tác phẩm “Huyền xưa”, tác phẩm đăng dài kỳ trên báo và khi xuất bản lần đầu năm 1969 đã có số lượng in lên đến 150.000 bản.

Sau năm 1975, Từ Kế Tường tiếp tục làm báo và sáng tác. Ông làm Thư ký tòa soạn báo Công an TP Hồ Chí Minh trong một thời gian dài, từ năm 1986 đến năm 2003, rồi làm việc tại tuần báo Văn nghệ TPHCM và cộng tác với nhiều tờ báo khác. Cho đến nay số lượng tác phẩm đã xuất bản của ông đã lên đến con số trên 200 với nhiều thể loại từ thơ, truyện ngắn, tiểu thuyết, đến kịch bản phim... Nhắc đến Từ Kế Tường, độc giả hay nghĩ về ông như là một nhà văn của tuổi mới lớn, bên cạnh một người cầm bút sau ông một chút và cũng rất thành danh là nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Những tác phẩm nổi tiếng của ông từ trước năm 1975 là “Đường phượng bay” (sau năm 1975 đổi tên là “Bờ vai nghiêng nắng”), “Huyền xưa”, “Như mưa ngọt ngào”, “Áo vàng qua ngõ”, “Hoa lưu ly không về”, “Mùa áo vàng”, “Một mình tôi bước đi” v.v… Sau năm 1975, Từ Kế Tường được độc giả nhỏ tuổi biết đến qua bộ sách gồm 10 tập “Bầu trời màu trứng sáo” 10 tập do NXB Kim Đồng đặt hàng.

Sau năm 1975, Từ Kế Tường cũng thuộc lớp nhà văn đầu tiên được in lại hàng loạt những tác phẩm viết trước đó và được tái bản nhiều lần. Còn có thể kể thêm những tác phẩm như “Bài hát thần tiên”, “Suối mây hồng”, “Mối tình như sương khói”, “Áo tím qua đường”, “Còn những bóng mưa tan”, “Mùa thu mưa bay”… Hiện nay, tủ sách Tuổi Ngọc với những tác phẩm của nhà văn Từ Kế Tường đã quay trở lại với các độc giả một lần nữa trong một hình hài mới.

Trước và sau năm 1975, vị trí của Từ Kế Tường trong dòng văn học dành cho thiếu niên nhi đồng và tuổi mới lớn đã được giới nghiên cứu, lý luận phê bình thừa nhận và đánh giá cao. “Từ điển tác phẩm văn xuôi Việt Nam”, ba tập, do Viện Văn học biên soạn, hai tác phẩm của nhà văn Từ Kế Tường là “Huyền xưa” và “Mùa áo vàng” đã được chọn lựa đưa vào tập 2 mang tên “Tác phẩm văn xuôi Việt Nam 1945-1975”, NXB Giáo dục, 2006. “Huyền xưa” được xem là một trong những tác phẩm thành công nhất của Từ Kế Tường, mang đầy đủ đặc trưng phong cách nghệ thuật của ông. Tác phẩm với diện mạo mới, đầy chất thơ và được chăm chút từ trang bìa đến bản in đã được NXB Văn học cho ra mắt vào tháng 9.2023

“Huyền xưa” mở ra khung cảnh một thị trấn nhỏ bé, xinh xắn mặt hướng ra phía biển, lưng dựa vào núi và rừng với những con đường dịu mát bóng cây, một ngôi trường thơ mộng với những nữ sinh tỉnh nhỏ duyên dáng.

“Huyền xưa” là một truyện dài lãng mạn, đượm chút bâng khuâng thương nhớ và đau xót về một mối tình giữa một chàng thanh niên và một cô bé tuổi hoa. Vì thế, toàn bộ nội dung truyện toát lên một nỗi u buồn bàng bạc. Những nhân vật trong truyện của Từ Kế Tường dường như không phải là những nhân vật theo đúng nghĩa của nó, mà chỉ là những biểu tượng cho những tình cảm, những tâm tư của con người, phản ánh tâm trạng của những con người mới chớm bước chân vào ngưỡng cửa tình yêu, còn e lệ, rụt rè, với những giận hờn vu vơ, những vui buồn vô cớ. Dù tác phẩm này được viết cho lứa tuổi hoa niên và không ngoài mục đích giải trí nhẹ nhàng, nhưng hình như ngòi bút của Từ Kế Tường còn có chút ngụ ý sâu xa rằng cái đẹp thì mong manh và dễ tan vỡ và do vậy, từng khoảnh khắc sống trên đời này của cái đẹp đều cần phải được nâng niu, tôn trọng.

“Những cô gái tuổi hoa” là tên một cuốn sách trong bộ trường thiên tiểu thuyết “Đi tìm thời gian đã mất” của nhà văn Pháp nổi tiếng Marcel Proust. Marcel Proust nổi tiếng với lối viết dòng ý thức tinh tế, miên man trong những ký ức quá vãng về tuổi thanh xuân. Khi đọc tác phẩm của nhà văn Từ Kế Tường, có thể thấy đậm nét bóng dáng của những cô gái tuổi hoa, lứa tuổi đẹp nhất của đời người.

Từng có những ý kiến so sánh hai nhà văn chuyên viết cho tuổi mới lớn với những rung động đầu đời là Từ Kế Tường và Nguyễn Nhật Ánh. Nói đến tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh, độc giả hay nhớ đến những nhân vật nam chính và ngòi bút văn chương của Nguyễn Nhật Ánh thường lấy điểm nhìn, điểm kể chuyện từ nhân vật nam. Từ Kế Tường thì ngược lại. Các nhân vật nữ trong những tác phẩm của nhà văn được xây dựng nổi bật, không chỉ từ nội dung của truyện, mà ngay từ nhan đề thơ mộng của nhiều tác phẩm đã cho thấy điều đó. Ngòi bút của nhà văn Từ Kế Tường luôn ưu ái các nhân vật nữ. Các cô gái tuổi hoa qua các trang văn của Từ Kế Tường luôn trong sáng, hồn nhiên, thánh thiện. Họ không chỉ đơn thuần là nhân vật, họ là biểu trưng cho vẻ đẹp nữ tính, cho những cảm xúc rung động đầu đời.

Từ Kế Tường hấp dẫn độc giả không chỉ ở nội dung hay là những nhân vật đẹp như hoa, mà còn ở một giọng văn rất riêng biệt. Giọng văn của Từ Kế Tường không mộc mạc, chân chất kiểu Nam Bộ, mà ngược lại, có sự tinh tế, bay bổng, lãng mạn ngay ở những câu chữ đơn giản nhất. Nhà văn rất chú trọng việc tả cảnh thiên nhiên trong sự hòa quyện với tâm trạng nhân vật như Nguyễn Du từng viết trong “Truyện Kiều”: “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”. Từ Kế Tường cũng rất chú ý trau chuốt câu chữ. Rõ ràng ông là người trân trọng nghề văn và nghiêm túc với nghề. Có những giọng văn thu hút độc giả vì là giọng văn hay, còn nhà văn Từ Kế Tường thu hút độc giả bởi giọng văn đẹp.

Những tác phẩm viết cho tuổi mới lớn của Từ Kế Tường là những tác phẩm không phải chỉ của một thời. Đó là tình bạn, tình yêu của tuổi thanh xuân mới chớm nở; đó là không khí học đường với thầy cô, trường lớp; đó là những niềm vui, nỗi buồn của những người đang đứng trước ngưỡng cửa cuộc đời; đó là tình cảm gia đình, người thân… Độc giả của Từ Kế Tường do vậy là độc giả của nhiều thế hệ. Họ là những độc giả nhỏ tuổi cùng thời với Từ Kế Tường khi nhà văn mới bắt đầu sáng tác, nay đã lên tuổi ông bà. Họ là những người đã đọc tác phẩm Từ Kế Tường qua những lần tái bản sau năm 1975, nay đã ở tuổi phụ huynh. Và cùng với sự ra mắt của tủ sách Tuổi Ngọc, tái bản lại những tác phẩm của nhà văn, thì Từ Kế Tường lại tiếp tục có những độc giả trẻ trung thuộc thế hệ mới.

Và như thế, mong rằng nhà văn Từ Kế Tường lại thêm một lần mang những tác phẩm quay lại văn đàn với những thành công mới trong sự đón nhận của độc giả nhiểu thế hệ.