Thơ về tình yêu chiếm một tỉ lệ khá lớn trong
các tập thơ của Trần Ngọc Trác. Gắn với xứ Huế đẹp như trong tranh
và với Đà Lạt mộng mơ, tình yêu trong thơ anh thật đẹp và đắm say.
NGƯỜI CỐ ĐÔ Ở XỨ SƯƠNG MÙ
ĐẶNG NGỌC LAN
Trần Ngọc Trác (còn có bút danh là Trần Trọng Văn)
sinh năm 1958 tại làng Trúc Lâm, xã Hương Long, huyện Hương Trà (nay là phường
Hương Long, TP Huế).
Ông rời quê hương vào sống và viết ở Đà Lạt từ năm
1979 đến nay. Chủ tịch Hội VHNT Lâm Đồng khóa IV (2007-2012). Tính đến năm
2023 này, Trần Ngọc Trác đã in 7 tập thơ: Hoa trinh nữ (1990), Hương
lửa (2001), Ngọn gió lang thang (2006), Sắc hoa Đà Lạt (2007), Khuôn
trăng (2007), Rong chơi cho đã kiếp người (2012), Sự bức bối
của lửa (2014); 11 tập ký, ghi chép, sưu khảo và cảm nhận.
Ngoài ra anh còn là chủ biên của 14 ấn phẩm VHNT; Viết
kịch bản, cố vấn chương trình cho 33 tập phim ký sự tài liệu của VTV như: Đà
Lạt ký (12 tập); Chuyện cũ Đà Lạt (07 tập); Trịnh Công Sơn
nhẹ gót lãng du (05 tập); Kỳ nhân xứ sương mù (09 tập)… Thơ anh
xoay quanh nhiều phạm vi của hiện thực cuộc sống. Bởi trong đôi mắt
của một thi sĩ, theo bước chân của một phóng viên báo chí và trong
sự cảm nhận tinh tế của một trái tim luôn mở rộng đế đón nhận mọi
sắc màu, mọi cung bậc buồn vui của cuộc đời…
Rời xa cố đô Huế vào sinh sống và làm việc ở
Đà Lạt, người con xa xứ cứ đau đáu nhớ về quê nhà: Xa quê mới
thấy cực lòng/ Bốn bề núi, bốn bề sông ngậm ngùi (Quê xa). Là
một phóng viên báo chí, anh đã từng rong ruổi rất nhiều nơi và anh
nhận ra rằng: Dẫu có dọc ngang khắp bốn phương trời/ Cũng nhỏ bé trước
bình yên quê mẹ (Bình yên quê mẹ). Xa quê hương, trong tâm trạng hụt
hẫng, anh cảm thấy nơi nào không phải là Huế thì mọi khung cảnh đều
trở nên xa lạ: Tiếng chim cũng tiếng quê người buồn tênh/ Tí tách
giọt nước ngoài hiên/ Giọt mưa cũng giọt mưa miền quê xa (Quê xa).
Yêu Huế, anh rất tự hào về vẻ đẹp phong cảnh
và văn hóa xứ cố đô, tự hào về con người quê hương - những thiếu nữ
Huế xinh đẹp, duyên dáng: Trở lại Huế, anh lên đồi Vọng Cảnh/
Ghé Thiên An nhắc lại chuyện tình xưa và: Nón lá bến Tuần,
hàng cau Vỹ Dạ/ Em là ai mà chàng Tử cất lời? (Về lại Huế). Anh
yêu cái hồn quê của xứ Huế thuở ngày xưa mộc mạc, dân dã mà thật
nên thơ. Thế nên, trở lại thăm Huế, thấy cảnh vật đổi khác, anh đã
rất nuối tiếc: Bây giờ quê khác xưa rồi/ Còn đâu “cái dậu mồng tơi nhà
nàng”/ Còn đâu “lá trúc che ngang”/ Còn đâu trẻ nít quanh làng nhảy dây (Quê
nhà).
Gắn bó với Đà Lạt hơn nửa đời người, nói theo
nhà thơ Chế Lan Viên thì vùng đất này đã “hóa tâm hồn” thi sĩ: Vừa
lên đỉnh dốc Prenn/ Bao nhiêu nắng lửa rơi nghiêng mạn đèo - Về với Đà
Lạt, tất cả những bức bối sẽ tan nhanh để trong lòng chỉ còn sự
thanh thản, bình yên. Một bức tranh ngôn từ về Đà Lạt đẹp và thơ
mộng làm say lòng người: Gió luồn vực núi gió reo/ Ngàn năm thông vẫn
bốn chiều của thông/ Vắt qua con dốc lượn vòng/ Rừng nằm trong phố/ Phố nằm
trong mây (Đà Lạt của tôi). Ngao du cùng thắng cảnh thơ mộng huyền
ảo của xứ sở sương mù, ngòi bút của anh trở nên khoáng đạt khi ca
ngợi vẻ đẹp của hồ Tuyền Lâm: Một rừng xanh biếc Tuyền Lâm/ Con thuyền
lướt sóng giữa dòng ngẩn ngơ.
Và có lẽ, bức tranh có hồn nhất, giàu chất
thơ nhất về vẻ đẹp của hồ chính là cảnh Quỳ vàng rực sáng ven đồi/
Đàn bò tha thẩn ngắm trời bình yên (Dạo chơi trên hồ Tuyền Lâm). Trong
cảm hứng mãnh liệt được thăng hoa khi sáng tạo, thi sĩ đã có những
vần thơ thật độc đáo khi miêu tả cảnh đường đèo của xứ thông reo -
Cảnh đèo mang vẻ đẹp huyền ảo như ở chốn bồng lai, thực mà như
mơ: Qua đèo/ Qua đèo/ Qua đèo/ Con đường ngoằn ngoèo/ Vắt vẻo đồi
thông/ Mây bông sà xuống lòng thung/ Trăng một vùng/ Trăng khắp vùng
đèo mây (Qua đèo). Còn Đà Lạt trong con mắt của người đang yêu
mang vẻ đẹp thật dịu dàng: Chiều Đà Lạt mưa dịu dàng qua phố/
Anh tiễn em về nơi ấy - quê em (Mưa vẫn dịu dàng bay).
Rõ ràng, phải yêu quê hương Huế, yêu Đà Lạt đến
sâu nặng thì mới có được những nét vẽ xuất thần về cảnh và rung
động mãnh liệt như thế về hai vùng đất mà anh yêu thương: Huế và
Đà Lạt.
*
Là con út trong gia đình có tám anh chị em, hai
người anh mất sớm, Trần Ngọc Trác có lẽ được cha mẹ và các anh chị
dành tình thương yêu nhiều nhất. Cậu Út cũng rất sâu nặng tình cảm
với gia đình. Anh viết nhiều bài thơ về cha mẹ. Trong bài Cha làm thợ
may, cậu Út tả: Lùng bùng sợi chỉ giăng ngang/ Cha treo tuốt dọc
thành hàng thẳng bưng. Người cha nhân hậu với cái tâm trong sáng
ấy qua đường kim mũi chỉ mà dạy con phải thẳng ngay chính trực. Vậy
nên trong tâm tình yêu thương, kính trọng cha mình, anh đã xúc động mà
khẳng định: Tưởng rằng vụn vặt tần mần/ Hóa ra thánh thiện đến cùng cha
ơi!
Anh đặc biệt dành tình cảm cho người mẹ thân
yêu. Trong mắt mẹ, anh luôn thấy mình nhỏ bé: Ta bao giờ vẫn là trẻ
con trong mắt mẹ. Với lòng hiếu thảo vô bờ, anh muốn nhận về
mình tất cả những vất vả, thua thiệt của cuộc đời, miễn sao mẹ anh
được sống thanh thản: Gió quất vào đâu, còn tùy/ nhưng đừng để mẹ ta buồn
vô cớ/ Gió có thể giận hờn bờ vai ta lầm lỡ sương đêm/ và trần trụi ban ngày/
Nhưng đừng làm cho mẹ ta/ sợ cao nguyên nắng gió (Con trong mắt mẹ)...
Anh cũng dành những tình cảm thật ân tình gửi
tặng người vợ đã cùng anh chia ngọt sẻ bùi trong suốt hành trình mưu
sinh và trên con đường nghệ thuật. Những lời thơ anh viết tặng vợ
thật mộc mạc, giản dị nhưng hàm chứa bao yêu thương ngọt nồng: Gian
phòng rộng/ không rộng hơn được nữa/ Em một mình. Em lặng lẽ đêm. Trong
đời sống thường nhật, vợ chồng sao tránh khỏi những mâu thuẫn như
chén bát va vỡ, anh đã hành xử rất rất tâm lý và nhân văn: Anh
buồn em giả vờ ra ngõ/ Cho nguôi ngoai cơn nóng nảy trong mình/ Như con
thuyền trên sóng bập bênh/ Gió có dừng, biển bao la mới lặng (Chuyện
đời thường)…
Thơ về tình yêu chiếm một tỉ lệ khá lớn trong
các tập thơ của Trần Ngọc Trác. Gắn với xứ Huế đẹp như trong tranh
và với Đà Lạt mộng mơ, tình yêu trong thơ anh thật đẹp và đắm say.
Đó là tình yêu thật lãng mạn gắn với những
cung đèo Đà Lạt: Vì đâu em hỏi vì đâu/ Mà đèo hun hút luồn sâu men đồi/
Đèo cao/ mây-nhấp-nhổm ngồi/ Mây bông đang rước em tôi qua đèo (Qua đèo).
Chính cảnh sắc thơ mộng của Đà Lạt khiến cảm
xúc của anh được thăng hoa và hạnh phúc với tình yêu: Sương choàng
lên đỉnh Lang Bian / Lá thông nhè nhẹ rơi nghiêng qua đồi / Một mình em với
riêng tôi/ Trời xanh nhuộm với sắc trời rỗng không (Xuân về trên đỉnh
Langbian).
Tình yêu ấy cũng quay quắt trong nỗi nhớ khôn
nguôi: Một năm xa em/ Cắt ruột buốt lòng/ Mong ngày gặp lại/ Xa ngái mênh
mông… (Nỗi nhớ). Hay: Em về/ rũ rối câu thơ/ Cho anh ngơ ngẩn ngóng
chờ ngày đêm (Tưởng).
Có một chút ghen tuông thật dễ thương: Anh
bên em/ lối quen về mượt cỏ/ Sương vô tình/ hôn nhẹ mái tóc em/ Anh trách anh,
hẹp hòi bé nhỏ/ Đi bên em mà ghen hạt sương mềm! (Tự tình).
Bằng một thứ ngôn từ khéo léo, tinh tế, giàu
cảm xúc, thơ tình yêu của Trần Ngọc Trác mang phong vị man mác mà
ngọt ngào, nhẹ mà nồng và tình tứ, chỉ gợi nhưng mãnh liệt. Hấp
dẫn. Đắm đuối. Chếnh choáng. Say.
*
Ở rất nhiều bài thơ, Trần Ngọc Trác đã bày
tỏ một quan điểm sống theo những chuẩn mực chung. Anh đứng trên lập
trường của cái thiện, lẽ phải; trên cơ sở của đạo đức, của quan
điểm sống và lối sống chung của dân tộc mà khẳng định. Và Dặm
trường dặm ngôn là tác phẩm thể hiện rõ nhất quan điểm sống đẹp
của anh… Trước hết, phải giữ gìn phẩm hạnh ở bất cứ hoàn cảnh nào
là điều bức thiết mà anh nhất quán thực hiện trong suốt cuộc đời. Là
người, phải có cái tâm: Dặn lòng/ sau trước ghi khắc cốt/ Một chút từ
tâm cũng an lành.
Là người trọng đức chứ không trọng lợi danh,
anh nhủ mình phải sống cho minh bạch rõ ràng, không nhập nhèm giữa
tốt - xấu, thiện - ác, phải - trái, trong - đục: Tham chi một chút
hư danh/ Suốt đời day dứt tan tành mà thôi/ Đã mang thân kiếp con người/ Phải
cho thấu đáo rạch ròi đục trong.
Đặc biệt, anh rất quan tâm những số phận bất hạnh, khổ
đau; những người tài hoa mà phải chịu ngang trái giữa dòng đời vạn biến
này: Làm người có trái tim thì phải sống cho nhân ái. Anh tha thiết
kêu gọi mọi người hãy quan tâm tới những kiếp sống bơ vơ: Xin đừng quay
lưng trước bao số phận/ Đang khát tìm một chốn nương thân.
Từ quy luật của tự nhiên, anh khéo léo khẳng định
rằng con người phải có ý chí vượt thắng khó khăn, nghịch cảnh trong cuộc đời: Gió
tựa vào cây/ người tựa vào ý chí/ Có vươn xa cũng không sợ yếu mềm…
Thực tế hạnh phúc không tự đến với con người. Muốn có
nó, người ta phải tự đi tìm: Đừng đợi chờ ai mang phúc đến/ Nhân gian vay
trả lẽ thường tình… Anh nhắn nhủ: Sống tích cực là phương cách tốt nhất
để đến khi nhắm mắt từ giã cuộc đời, người ta sẽ không phải nuối tiếc vì mình
đã không “sống” đúng nghĩa: Hãy sống như từng sống/ Hãy yêu như từng yêu/
Nhỡ mai khi nằm xuống/ Lòng nhẹ nhàng bao nhiêu. Và bở vậy nên mặc cho cuộc
đời tệ bạc, anh vẫn tiếp tục sống, hành động và cống hiến: Mặc kẻ qua cầu
rút ván/ Dòng sông vẫn mải miết trôi…
Bởi cuộc đời luôn tồn tại hai mặt đối
lập: ánh sáng - bóng tối, thiện - ác, cái cao cả - cái thấp
hèn, đúng -sai… Vì thế anh đã khắc khoải, đau đớn khi phải chứng
kiến những bi kịch cuộc đời trước sự lấn át của cái xấu, cái ác,
cái sai. Tâm hồn anh đã nhức buốt khi đàng sau những cuộc ly hôn là
nỗi xót đau của mọi thành viên trong gia đình, đặc biệt là những đứa
con trong Lẽ nào có cuộc chia ly. Anh cám cảnh khi nhìn thấy những
đứa con phải ngóng đợi cha nó trở về trong vô vọng vì cha nó đã có
một “mái ấm mới” trong bài thơ Chờ cha. Trái tim của thi nhân cũng
quặn thắt khi liệt kê ra những vấn nạn của cuộc sống khi con người
đến trong cuộc đời chỉ để “tồn tại” vô nghĩa trong Ta đã sống…
Những mảng đời tối sáng và muôn sắc màu của
bức tranh cuộc đời đã được khúc xạ qua trái tim của nhà thơ rồi đi
vào thơ với những cảm xúc thật thương yêu…
*
Hiện diện trong thơ Trần Ngọc Trác hầu hết là
con người của cuộc sống đời thường được anh cảm nhận từ nhiều chiều
khác nhau, vô cùng phong phú. Họ được miêu tả ở đủ mọi cung bậc cảm
xúc, có người mang nét cao đẹp, phi thường nhưng cũng có những con
người chạm phải va vấp trong cuộc đời. Chính điều đó khiến hình ảnh
con người trong thơ anh trở nên thật hơn. Nhân vật trữ tình trong thơ anh
luôn có những khát khao cháy bỏng về hạnh phúc tình yêu, về tình
đời, tình người. Cũng ở đó, những suy tư, trăn trở, chiêm nghiệm, chua
xót của nhà thơ trước nhân tình thế thái và bày tỏ khát vọng mong con
người được hạnh phúc. Vì con người sống bất luận trong hoàn cảnh
nào, thời đại nào cũng đều mưu cầu hạnh phúc, tình yêu.
Nguồn: Văn Nghệ