Nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn bày tỏ: Xã hội càng hiện đại, càng nhiều biến động thường xuyên và khôn lường, khiến phía trước nảy sinh rất nhiều điều phải lo, phải gỡ, nhưng nhà văn mà yếu thế thì khó ra được những tác phẩm mạnh để chuyển hóa những điều đang cần chuyển hóa.
NÊN CÓ CÁCH ĐỂ NHÀ VĂN BỚT YẾU THẾ
NGUYỄN MẠNH TUẤN
Đầu tháng 9/2022, nhà văn kiêm đạo diễn điện ảnh Nguyễn Ngọc
Hiến, gốc Quảng Ngãi, dân miền Nam tập kết, đi chiến trường năm 1962, đến nhà,
tặng tôi cuốn truyện ký “Tôi Được Sống” khổ 16x24, 340 trang, bìa cứng, giấy đẹp, số lượng 1.000 cuốn, nhà
xuất bản X, giá bán 240.000 đồng. Cùng ở Sài Gòn, từng cùng làm việc ở hãng phim
TP.HCM, mà anh là giám đốc,
nhưng anh ở Thủ Đức, đầu thành phố, còn tôi ở Gò Vấp, cuối thành phố, cách nhau
hơn hai chục cây số, nên từ khi cùng rời biên chế Nhà nước, rất ít khi gặp
nhau. Thấy anh, tôi rất mừng;
- Hết sức chúc mừng. Điều mừng nhất là ở tuổi nghỉ ngơi, ông
vẫn sáng tác. Đưa Hiến vào phòng khách, tôi trầm trồ: Sách đẹp thế này, chứng
tỏ nhà xuất bản vẫn ưu ái thế hệ lão thành.
- Đâu có. Hiến cười lành: Tất cả đều do tôi bỏ tiền.
- Bao nhiêu? Tôi hỏi.
- Tám mươi sáu triệu đồng.
- Nghi hưu hơn hai chục năm nay, ông lấy đâu ra số tiền lớn?
- Vay ngân hàng.
- Liệu có trả được không?
- Lúc đang máu in, thì tính cua trong hang: bên phát hành sách bán xong, mình được 45% doanh thu, là thừa tiền trả nợ, thậm chí, còn dư gửi tiết kiệm, phòng cuối đời sống “khỏe” trong bệnh viện. Không hề tính đến trường hợp sách bán chậm và bán không hết.
Sang tháng 10/2023, thì Nguyễn Ngọc Hiến đang ở trường hợp thứ hai. Tôi không dám gọi điện hỏi anh sẽ lấy đâu ra tiền trả nợ.
Cũng tháng 10/2023, nhà văn Thạch Cương, gốc Hải Phòng, vào miền Nam năm 1963, được thằng con trai thứ hai, kỹ sư công nghệ thông tin, chở sang nhà tôi, tặng hai cuốn sách mới xuất bản. Cuốn “Mưa Lẻ”, tiểu thuyết, 208 trang, khổ 13x19, số lượng 500, giá bìa 100.000, và “Chuyện Vui Thời Kháng Chiến Ở Đất Thép”, 132 trang, khổ 13x19, số lượng 1000, giá 80.000, cùng nhà xuất bản Y.
Nhà Thạch Cương ở đường Quang Trung, vuông góc với đường Thống Nhất, nhà tôi, cùng quận Gò Vấp. Hai nhà sang nhau chỉ 5 phút xe gắn máy, nhưng cũng rất ít gặp nhau vì cùng mắc bệnh “lao lực nhà văn”; anh lại bị yếu chân, do mười mấy năm ở chiến trường, muốn đi đâu phải phiền thằng con chở đến, rồi bắt nó ngồi chờ suốt buổi, để chở về.
Thấy hai cuốn sách mới xuất hiện từ những bước đi rất khó
khăn của anh, khi vừa bước vào nhà, tôi nói:
- Hết sức chúc mừng. Nhưng lẽ ra anh gọi điện, để tôi sang
anh lấy thì phải lẽ hơn.
- Đâu được. Thành quả lao động của tôi, thì tôi phải đến tận nhà tặng ông bà.
Đã biết đường đi nước bước cuốn “Tôi Được Sống” của Nguyễn Ngọc Hiến, tôi hỏi ngay:
- Nhà xuất bản hay ông bỏ tiền?
Thạch Cương nói:
- Tôi bỏ hết. Một cuốn năm mươi triệu, còn một cuốn ba mươi triệu.
- Tiền ở đâu?
- May có đám bạn cựu chiến bình cùng chiến trường Củ Chi,
biết mình đang cần tiền ra sách, chúng nó cho vay.
- Rồi có trả được không?
- Sách nhà xuất bản đã giao hết cho công ty phát hành, phải chờ một thời gian, biết tình hình phát hành, mới tính được vụ trả nợ. Nhưng hai vợ chồng đã tính, xấu nhất thì bán cái nhà đang ở, mua một căn chung cư thuộc diện nhà ở xã hội giá rẻ bán ưu tiên cho người nghèo, lấy tiền dư trả nợ, để mình ra đi không còn nợ một ai.
Tôi thiếu điều muốn khóc. Cùng lâu năm trong nghề như Nguyễn Ngọc Hiến và Thạch Cương, sở dĩ tôi không hề biết tình cảnh sản phẩm văn chương của các đồng nghiệp đến với các nhà xuất bản, vì thời tôi còn viết sách, nhà văn có bản thảo, mọi kinh phí in ấn đều do nhà xuất bản bỏ ra với số lượng ít nhất từ 10.000 bản trở lên. Sách in ra đều do công ty phát hành sách bao bán. Nhuận bút tác giả được nhận hết khi sách giao phát hành. Tập truyện ngắn đầu tay Tôi Vẫn Về Nhà Máy Cũ, của tôi, nhà xuất bản Thanh Niên in năm 1978; nhuận bút 4.000 đồng, trong khi lương cán sự 5 của tôi 72 đồng/ tháng.
Từ năm 1990, số lượng bản in hầu hết các tác phẩm văn học bất ngờ tụt xuống 1.000 bản một lần in, đương nhiên nhuận bút tụt chỉ còn một phần mười, chưa kể đồng tiền mất giá. Đang một mình một chợ, đại diện Nhà xuất bản Lao Động tại thành phố Hồ Chí Minh, tôi chạy qua hãng phim, chuyển sang viết kịch bản phim điện ảnh và phim truyền hình nhiều tập, trước hết vì điện ảnh phục vụ được nhiều người xem hơn. Nếu là kịch bản tốt, phù hợp với yêu cầu sản xuất, kịch bản phim truyền hình, mỗi tập từ 30 - 40 trang A4, nhuận bút 20 triệu; còn kịch bản phim điện ảnh, từ 70 đến 100 trang A4, nhuận bút 200 triệu. Vì sự chuyển đổi này mà hơn ba chục năm qua, tôi thiếu thực tế về đời sống của sách văn học.
Nhưng rồi phong trào các “tác giả” tặng sách mọi lúc, mọi nơi, bỗng nhiên nở rộ. Từ các cuộc hội, họp sang trọng của đủ mọi ngành nghề, đến các cuộc sinh hoạt tổ dân phố; từ các câu lạc bộ đủ mọi loại hình giải trí, đến buổi tập thể dục buối sáng ở các công viên; rồi đám cưới, đám ma, đều thấy cảnh các “tác giả” đeo ba lô mang sách đến tặng. Văn hóa đọc có lên hay không, chưa dám vội kết luận, nhưng văn hóa viết rõ ràng trăm hoa đua nở.
Giữa lúc đó, nhà lý luận và phê bình văn học nổi tiếng Ngô Thảo ở tận Hà Nội xa xăm, vào Sài Gòn, tặng vợ chồng tôi cuốn Tuyển tập “Tiểu Luận Phê Bình Văn Học”, 567 trang, khổ 14,50 X 20,50, số lượng 500 cuốn, nhà xuất bản danh giá Z, với lời ghi ở trang đầu “Sách cũ tặng hai bạn Nguyễn Mạnh Tuấn và Hà Phương. SG-31/10/2023”. Tôi đọc hết tác phẩm, thấy sách rất mới. Như vậy, anh cố tình ghi “cũ”, có lẽ để chứng tỏ một cách kín đáo, sách mình không nằm trong dòng “trăm hoa đua nở”.
Tôi biết tên tuổi Ngô Thảo qua những bài lý luận, phê bình
sắc sảo, với nhiều quan điểm riêng, trên các báo, tạp chí văn nghệ từ 1970, khi
tôi bắt đầu cầm bút; nhưng ngoài 1980, hai bên mới gặp nhau ở thành phố Hồ Chí
Minh. Và trọng nhiều hơn thân. Vì quan điểm văn chương dường như có chỗ khác
nhau. Ngô Thào lại rất quảng giao. Ở đâu cũng đông bạn bè; từ các đại gia, nghệ
sĩ, trí thức, quan chức, tướng tá, xuống đến phó thường dân, cùng có hai đặc
điểm: nổi tiếng và quảng giao, trong khi tôi lại tránh cả hai điều trên. Nên
mỗi lần biết vợ chồng anh sống phong lưu, vẫn vào thành phố Hồ Chí Minh như đi
chợ, tôi đều gọi điện:
- Rất quý mến, nhưng ông bà cứ chơi cho hết bạn bè, tôi xin
xếp hàng sau cùng. Nếu chơi chưa hết bạn, ông quên tôi đi cũng được.
Do Ngô Thảo chẳng bao giờ hết bạn, nên chúng tôi càng rất ít
gặp. Lần này, còn được anh tặng sách. Tôi hỏi:
- Ông thuộc hàng có chức, có quyền (Khi chưa nghỉ hưu, Ngô
Thảo làm Phó Tổng Thư ký Hội Sân Khẩu Việt Nam, Tổng Biên tập tạp chí Sân
Khấu), sách ra ào ào, nhà xuất bản đầu tư hay
phải bỏ tiền túi?
Ngô Thảo nói:
- Cuốn này cũng là “Sách Nhà nước đặt hàng” (một cách nói
khác, để xác định đẳng cấp cao hơn loại sách do tác giả bỏ tiền).
Tôi hỏi:
- Nhuận bút bao nhiêu?
- Được bốn cuốn sách.
Tôi nói đùa:
- Giữ cho mình một cuốn làm kỷ niệm; chỉ còn ba cuốn tặng vợ
và các con thì không đủ.
Ngô Thảo:
- Vợ con không tặng, cả nhà vẫn vui, nhưng bạn bè nhất định
phải có. Mình chơi rộng, bạn bè thấy sách ra, đua nhau chúc mừng; chưa kể mình
làm phê bình, các nhà văn, nhà thơ đua nhau ưu ái tặng sách, giờ mình có sách, nhất
định phải đáp lại, nên lần nào sách ra cũng phải mua của nhà xuất bản ba, bốn
trăm cuốn, tính ra cũng mấy chục triệu.
Tôi hỏi:
- Tiền đâu?
Ngô Thảo:
- Của vợ và các con chứ còn ở đâu.
Nếu hai con gái và con rể Ngô Thảo không là các ông bà chủ công ty văn hóa BHD hùng mạnh, và không yêu bố Ngô Thảo, thì lấy đâu ra sách “phát hành” cho thiên hạ? Tất nhiên tôi chỉ nghĩ chứ không nói.
Mấy tuần sau, nhân ra Hà Nội có việc gia đình, tôi đến gặp
Trần Dũng và Phạm Ngọc Chiểu, tại nhà riêng của Trần Dũng, ở phố Hàng Bún. Cả
hai đều có thâm niên trong nghề xuất bản.
Để kể lại chuyện sách của Nguyễn Ngọc Hiến, Thạch Cương, và Ngô Thảo.
Phạm Ngọc Chiểu vừa
nghe xong đã phản ứng:
- Làm sao nhuận bút của Ngô Thảo lại chỉ có bốn cuốn sách? Anh nhíu con mắt lành nghề, tính nhẩm mấy phút, rồi diễn giải: Cuốn này tính gọn là 570 trang. Giá bìa, tính gọn là 200 ngàn. Nhưng sách lấy từ nhà xuất bản, theo giá gốc, chỉ 45% giá bìa, còn 90 ngàn một cuốn. Nhuận bút 10% giá bìa, là 9 ngàn một cuốn, nhân với số lượng 500, tác giả được 4 triệu rưỡi, tính ra sách phải là 50 cuốn.
Trần Dũng nói:
- Đấy là cách tính theo quy chế thời chúng ta làm mười mấy
năm trước. Còn đến nay, vật đổi, sao rời, nhà xuất bản và nhà văn theo quy chế tự
do thỏa thuận. Ông cứ mang thước cũ ra đo cái mới thì chúng ta suốt đời lỗi
nhịp.
Tôi vốn dốt tính toán, nghe Phạm Ngọc Chiểu nói ù cả tai.
Nhưng do quen lấy nhuận bút bằng tiền bên điện ảnh, nên chỉ nhập vào đầu con số
4 triệu rưỡi cho cuốn sách, nên thắc mắc:
- Tuyển tập cả một đời nghiên cứu, sao ít thế?
Chiểu nói:
- Cuốn “Chiều
Lặng Gió”, 250 trang, khổ 13X
20,50, giá 94.000 đồng, số lượng 2000 cuốn, của tôi mới ra lò năm nay, được nhà xuất bản trả nhuận bút
bằng 120 cuốn sách. Tính ra chưa đầy 4 triệu 2. Viết căm cụi hơn năm trời, nhuận bút không bằng lương tháng của cô
bảo mẫu trường mẫu giáo.
Trần Dũng nói:
- Ngô Thảo và Phạm Ngọc Chiểu, được nhà xuất bản đầu tư mới
thế, chứ sách của tôi kén người đọc, phải móc tiền vợ góp đầu tư. Sách in xong
còn phải bỏ tiền ra mua chính sách của mình; cuốn ít nhất thì 200, cuốn nhiều
nhất 500, để tự “phát hành”.
- Sao không giao hết cho phát hành? Tôi hỏi.
- Giao phát hành, mười năm sách bán không hết, thì mười năm
nó không quyết toán, khiến cả nhà xuất bản lẫn mình cùng ứ vốn, nên nhà xuất
bản “muốn” mình hợp tác tiêu thụ cho sách hết nhanh.
- Tiền nhà văn đầu tư, hầu hết đi vay, cũng cần sách bán nhanh, để có tiền trả nợ, nên đành mua lại sách của mình. Phạm Ngọc Chiểu bật cười: Nhưng mua rồi, không biết cách bán, đành phải tặng để tận thu lợi nhuận bằng thắng lợi tinh thần.
Phạm Ngọc Chiểu, Trần Dũng và tôi xuất hiện cùng lứa các nhà
văn trẻ miền Bắc những năm 70 thế kỷ trước. Từ đó, thời gian và tác phẩm đẩy
mỗi đứa có một chỗ đứng trong làng văn. Vị trí cao nhất trước khi nghỉ hưu của
Trần Dũng là giám đốc, Tổng Biên tập nhà xuất bản Lao Động. Khi ngành xuất bản
chuyển từ quy chế bao cấp sang quy chế thị trường, tự thấy không thể thích
nghi, anh đã có hành động dũng cảm gây chấn động giới xuất bản đương thời: Xin
từ chức để người khác lên thay. Còn Phạm Ngọc Chiểu là trưởng phòng Biên tập
nhà xuất bản Lao Động, kiêm Phó Tổng biên tập thường trực tạp chí Văn Nghệ Công
Nhân, trực thuộc Tổng Công Đoàn Việt Nam. Chúng tôi thân với nhau tính ra đến
hơn nửa thế kỷ.
- Nếu đổ hết tội lên các nhà xuất bản cũng không ổn, vì nhà
xuất bản nào bây giờ bằng mọi giá, cũng
phải tự tìm cách nuôi sống mình, khi cơ chế bao cấp không còn thoáng như trước.
Trần Dũng có chút rượu, cao giọng: Theo
tôi, tội lớn nhất thuộc về thằng phát hành. Để tôi gọi thằng TH, (tôi viết tắt
vì TH không muốn lộ tên thật), một đại gia phát hành sách hàng đầu Hà Nội đến
đây.
Trần Dũng cầm chiếc điện thoại Nô-ki-a loại cùi bắp, nhấn số
cho TH: Anh Dũng đây. Anh với anh Chiểu
ngồi ở nhà anh, với anh Tuấn ở thành phố Hồ Chí Minh ra, đang “hội thảo” về
tình hình sách văn học, chú đến tham gia đi.
Lúc cúp máy, Trần Dũng giải thích: Hồi làm giám đốc nhà xuất bản, chính tôi đưa nó vào làm phát hành của nhà xuất bản. Giờ nó vừa làm sếp trung tâm quốc doanh phát hành sách thành phố, vừa làm trùm phát hành sách tư nhân với mạng lưới hàng chục cửa hàng khắp các tỉnh, nên nó với tôi còn là chỗ tình nghĩa.
TH đến nhà Trần Dũng bằng xe Méc-xê-đéc đời mới nhất, với
một em chân dài , số đo 99-63-94, trẻ đẹp như người mẫu, giới thiệu là thư ký
riêng:
- Nếu rủ nhậu thì em đi một mình, nhưng anh Dũng nói “hội
thảo”, em phải đưa thư ký đi để ghi chép.
TH áo pun, quần soọc, dép lê, đang là mốt của lứa đàn ông
thành đạt thủ đô; tuổi ngoài bốn chục, mặt mảy sáng sủa, tác phong nhanh nhẹn,
tự tin,
Sau màn chào hỏi, Trần Dũng vào đề luôn:
- Các anh đang nói về tình hình không mấy lạc quan của các tác phẩm văn học đến người đọc những năm gần đây. Hồi trước, nào chiến tranh chống Mỹ kéo dài, rồi hậu chiến khó khăn cũng không ngắn, nhưng sách văn học luôn in 10.000 bản, nhiều cuốn lên đến hàng trăm ngàn, cũng bán hết. Bây giờ, in phổ biến chỉ 1000, có khi 300 -500 vẫn ế, là lỗi tại phát hành các chú mải chạy theo các loại sách trời ơi, bỏ rơi sách văn học, từ ngàn năm vẫn là quý tộc của thế giới sách, chú nghĩ sao?
TH rất thản nhiên:
- Các anh đã nói thẳng, em cũng xin phép không quanh co. Trong
vụ này, lỗi chính ở nhà văn các anh. Xã hội hiện đại ngày nay luôn biến động
thường xuyên và khôn lường, ảnh hưởng rất nhiều đến nhận thức và thị hiếu người
hưởng thụ, trong đó có lĩnh vực văn học, kích thích nhà văn phải thay đổi. Như
anh Tuấn phải chạy sang điện ảnh, anh Chiểu qua làm tạp chí, anh Dũng thấy
không thích nghi nổi thì từ chức giám đôc. Mấy thằng bán sách như em, vừa thấy
sách văn học có dấu hiệu khác thường, lập tức chuyển sang sách dạy làm giàu,
làm đẹp, làm tình; sách tâm linh, siêu nhiên; sách cải cách giáo dục… Những nhà
văn quyết sống mãi với văn chương đều rất đáng kính trọng, nhưng đất nước trăm
triệu dân, anh không chịu, hay không thể viết ra những tác phẩm cho mười ngàn
người đọc trở lên, thì làm sao đổ tại nhà xuất bản hay mấy thằng phát hành?
Trần Dũng nói:
- Thế chú quên giá trị bền vững của các tác phẩm văn học
nghệ thuật đích thực không phải chỉ chạy theo cái nhất thời của đời sống à?
- Việc đó xin nhường các nhà nghiên cứu, phê bình lo. Em bán sách nên chỉ quan tâm đến người đọc đang muốn mua loại sách nào. Sách bị ế, người bán sách cũng buồn vì thất thu và thương các nhà văn, nhà xuất bản. Nếu nước ta có khoảng 20 phần trăm nhà văn số lượng in trên 50 ngàn bản như Nguyễn Nhật Ánh, 30 phần trăm nhà văn số lượng in trên 30 ngàn bản, những người còn lại thấp hơn một chút, chắc chắn tình hình sách văn học không đến nỗi ảm đạm. Nhưng thực tế không được như vậy. Mặc dù hiện nay việc in sách vô cùng thông thoáng. Bất cứ ai có tiền nộp mấy triệu quản lý phí cho nhà xuất bản, là có thể viết hoặc thuê người viết cho mình đứng tên, để thành tác giả.
Trần Dũng, Phạm Ngọc Chiểu và tôi đưa mắt nhìn nhau. TH rõ ràng đang ở thế mạnh. Còn nhà văn rõ ràng ở thế yếu.
Đúng là xã hội càng hiện đại, càng nhiều biến động thường xuyên và khôn lường, khiến phía trước nảy sinh rất nhiều điều phải lo, phải gỡ, nhưng nhà văn mà yếu thế thì khó ra được những tác phẩm mạnh để chuyển hóa những điều đang cần chuyển hóa.