Danh hiệu nghệ sĩ là một sự ghi nhận xứng đáng, nhưng cũng mang đến không ít thị phi trước mỗi đợt phong tặng, mà câu chuyện của Nghệ sĩ Ưu tú Đỗ Kỷ là ví dụ mới nhất.


Danh hiệu nghệ sĩ chính thức được phong tặng từ năm 1984. Gần 40 năm qua, đã có 9 đợt phong tặng danh hiệu nghệ sĩ. Theo quy định chung, thì danh hiệu nghệ sĩ phải có hồ sơ được xét duyệt từ cấp cơ sở đến cấp trung ương.

Nếu như những đợt phong tặng danh hiệu nghệ sĩ đầu tiên đã diễn ra rất thuận lợi, vì hầu hết những nhân vật được tôn vinh đều là những tượng đài nghệ thuật như Phùng Há, Trà Giang, Quốc Hương, Lê Dung, Đoàn Dũng, Thế Anh, Bạch Tuyết, Kim Cương... Sau này, khi có nguy cơ “cá mè một lứa” thì việc xét tặng danh hiệu nghệ sĩ có thêm một số tiêu chí như huy chương hoặc giải thưởng.

Đợt phong tặng danh hiệu nghệ sĩ lần thứ 10 vừa công bố, có nhiều Nghệ sĩ Ưu tú đã trượt Nghệ sĩ Nhân dân như Thanh Lam, Xuân Bắc, Quế Trân, Xuân Hinh... Cũng nằm trong số đó, nhưng Nghệ sĩ Ưu tú Đỗ Kỷ cảm thấy sốc vì nhận được thông báo bằng văn bản từ Cục Nghệ thuật biểu diễn.

Nghệ sĩ Ưu tú Đỗ Kỷ là chồng của Nghệ sĩ Nhân dân Lan Hương. Nghệ sĩ Ưu tú Đỗ Kỷ từng làm Phó Giám đốc Nhà hát kịch Việt Nam trước khi chuyển sang vị trí Trưởng phòng Nghệ thuật của Cục Nghệ thuật biểu diễn.

Nghệ sĩ Ưu tú Đỗ Kỷ cho biết rất buồn vì nhận được thông báo của cơ quan cũ, sau hai năm nghỉ hưu. Văn bản của Cục Nghệ thuật biểu diễn do Quyền Cục trưởng Trần Ly Ly ký, ghi rõ Nghệ sĩ Ưu tú Đỗ Kỷ bị gác lại hồ sơ xét tặng Nghệ sĩ Nhân dân do “cá nhân có đơn thư và ý kiến của Bộ Công an, không đủ điều kiện, tiêu chuẩn”.

Nghệ sĩ Ưu tú Đỗ Kỷ bày tỏ: Mình sống ở trên đời may mắn có được việc làm ưa thích và gắng làm thật tốt là toại nguyện lắm rồi, chứ nào có ham danh nọ, tước kia vậy mà vẫn có người ganh ghét, tỵ hiềm. Một văn bản làm mình choáng luôn.

Mình choáng, bởi lẽ lần đầu tiên mình được có người quan tâm đến bằng đơn thư vào đúng thời gian nhy cảm, vì hơn 40 năm trong nghề mình có ở vị trí nào có quyền quyết định mà họ lại để ý đâu cơ chứ. Ấy vậy mà bây giờ có người gửi đơn thư kêu mình để bên công an có ý kiến. Giờ mình muốn biết và muốn giải đáp mọi nội dung của đơn thư thì kêu ở đâu và nói với ai?”.

Mặc dù cán bộ của Cục Nghệ thuật biểu diễn đã gọi điện thoại cho Nghệ sĩ Ưu tú Đỗ Kỷ để mong thông cảm, vì đã bỏ nhầm hồ sơ của ông sang phần hồ sơ “có ý kiến của Bộ Công an”. Thế nhưng, Nghệ sĩ Ưu tú Đỗ Kỷ vẫn làm đơn xin cứu xét gửi đến những người có trách nhiệm.

Trong đơn xin cứu xét của Nghệ sĩ Ưu tú Đỗ Kỷ nêu 5 thắc mắc cần được hồi đáp. Trong đó, điều thứ nhất là “Người đứng đơn thư tố cáo tôi là ai? Nội dung đơn thư là gì?”, thì phần thứ ba đã được chính ông trả lời “Tôi được biết, những vấn đề nêu trong đơn thư đã được Cục Nghệ thuật biểu diễn làm việc với Nhà hát kịch Việt Nam làm rõ là không có cơ sở, hay nói cách khác là đơn thư vu khống”.

Thực tế, chuyện khiếu nại trước mỗi đợt xét tặng danh hiệu nghệ sĩ, hoàn toàn không phải chưa có tiền lệ. Một đồng nghiệp trước đây của Nghệ sĩ Ưu tú Đỗ Kỷ, bây giờ là giám đốc một trung tâm nghệ thuật, đã gửi thư đến nhiều cơ quan truyền thông để nêu một vài điểm cần suy xét khi phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân cho trường hợp Đỗ Kỷ. Trong đó, ngoài vài chi tiết về sinh hoạt cá nhân, thì lá thư khẳng định “Đỗ Kỷ không có uy tín về chuyên môn, không có huy chương vàng cá nhân theo quy định tiêu chuẩn nghệ thuật của Nghệ sĩ Nhân dân”.

Chắc chắn, các cơ quan chức năng sẽ có hồi đáp đầy đủ về vụ việc của Nghệ sĩ Ưu tú Đỗ Kỷ. Thế nhưng, qua lùm xùm này cho thấy, danh hiệu nghệ sĩ khá phức tạp. Có chủ trương “cho” thì sẽ có đông cơ “xin”, không thể khác được. Ít ai chú ý rằng, danh hiệu nghệ sĩ đích thực nằm trong lòng công chúng. Chính Nghệ sĩ Nhân dân Thanh Hoa đã từng thốt lên “có rất nhiều Nghệ sĩ Nhân dân mà nhân dân không biết mặt” đấy thôi.

                                                 NNVN