Trong xã hội văn minh, tranh luận rất đáng khuyến khích, và bút chiến càng đáng hoan nghênh. PGS-TS Nguyễn Hữu Sơn phóng ra “một roi bông hồng thương mến” hơn 3500 chữ. TS Châu Minh Hùng (Chu Mộng Long) gửi lại 800 chữ. Liêm chính học thuật có nguy cơ trở thành đấu tố nhân cách chăng?


Cơn thịnh nộ của Nguyễn Hữu Sơn

NHỜI CUỐI BÀN VỀ “LIÊM CHÍNH HỌC THUẬT” NHÂN SỰ KIỆN PGS.TS. ĐINH CÔNG HƯỚNG VÀ MỘT ROI BÔNG HỒNG THƯƠNG MẾN TẶNG CH’RÂU MINH HÙNG (CHU MỘNG LONG)…

I.- Mấy tuần nay, thực chất vụ việc PGS.TS. Đinh Công Hướng “bán bài báo” như thế nào, liên danh hợp tác thế nào, có vi phạm “liêm chính học thuật” không, mức độ vi phạm và sai phạm đến đâu đặt trong tương quan các quy định có tính pháp luật cần chỉnh lý, bổ sung thế nào đã được nhiều nhà khoa học, cơ quan Nhà nước (Cấp Bộ, Vụ, Viện, Trường đại học, kể cả nhà khoa học làm việc ở nước ngoài…) và truyền thông báo chí thông tin, trao đổi, bình luận khá thấu đáo. Cả phía Tác giả, phía Lãnh đạo cơ quan chủ quản (Trường Đại học Quy Nhơn - trước đây) và hai đơn vị mà PGS.TS. Đinh Công Hướng liên danh hợp tác (Trường Đại học Tôn Đức Thắng và Trường Đại học Thủ Dầu Một) đều đã lên tiếng sáng rõ. Những “sai sót”, “khuyết điểm” mà nhà khoa học Đinh Công Hướng xác nhận lại đã nhận được sự đồng thuận, đồng tình, cảm thông rất cao của học giới. Rồi đây những hạn chế, bất cập trong hoạt động tổ chức hợp tác nghiên cứu và công bố sản phẩm khoa học sẽ tiếp tục được chỉnh lý, bổ sung, hoàn thiện, phù hợp với thực tế hơn…

Về cơ bản có thể đồng thuận với nhận định chuẩn mực, có trước có sau, thấu tình đạt lý của PGS.TS. Nguyễn Đình Hiền (Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Quy Nhơn) cho rằng, “hiện chưa có một quy định, văn bản nào về việc công tác ở trường này và hợp tác với trường khác để đưa vào công tác quản lý. Liêm chính học thuật là vấn đề tương đối mới, mặt khác sáng tạo khoa học không thể hành chính hóa, chủ yếu quản lý làm sao đừng vi phạm pháp luật, tự do quá trớn, ảnh hưởng liêm chính khoa học cũng như vi phạm quản lý. Trong một trường đại học, nếu xây dựng các văn bản không khéo sẽ ảnh hưởng đến sáng tạo khoa học” (https://vietnamnet.vn, 4 thg 11, 2023)… Còn lại là dư luận của các bạn làng fb, xin cứ tiếp tục…

II.- Nhận thấy tầm quan trọng và tính thời sự của vấn đề, tôi nêu ý kiến (trong đó có lời cảm thông, đánh giá cao năng lực và phẩm chất chủ động nhận “sai sót”, “khuyết điểm”, kể cả viết đơn ra khỏi Hội đồng ngành Toán, Quỹ Nafosted) và thêm đề xuất định hướng:

… “Kính thưa, "bán chất xám" khác và khác xa với "bán bài báo", "gian dối", "vi phạm liêm chính học thuật"... Thực chất trường hợp PGS.TS. Đinh Công Hướng chỉ là sự cộng sinh, tác giả vẫn minh bạch giữ nguyên họ tên, chỉ có liên danh,/ liên kết,/ phối hợp, đứng trong đội hình trường đại học khác, công khai giữa Thanh Thiên Bạch Nhật, kể cả đóng thuế thu nhập đúng luật. Không ít người,/ báo chí đưa tin, giật tit (chập chờn) và người đọc (hiểu chờn chập) về sự "bán bài báo", "bán bài nghiên cứu"... Liên hệ xa, các chú Ronaldo, Messi, ngoài phục vụ đội nhà cũng có thể được/ cho đội bóng khác "mượn chân" nửa mùa giải, có sao đâu... "Hành hữu dư lực...", tắc dĩ "liên kết"... Quan trọng nhất là cần đối chiếu với các quy định pháp luật Nhà nước để xác định rõ thực chất vấn đề, kể cả cần điều chỉnh các quy phạm pháp luật hiện hành... Về cơ bản, tôi trân trọng tinh thần lao động khoa học Năng suất - Chất lượng - Hiệu quả của PGS.TS. Đinh Công Hướng... Xin nói thêm, tôi tuyệt đối chưa từng biết họ tên, chưa từng gặp PGS.TS. Đinh Công Hướng bởi cách xa tít tắp ngành nghề... Có thế rất thật đấy ạ, 5/11/2023”...

Rộng đường dư luận. Tôi tuyệt đối đồng thuận với 6 chia sẻ và những commen của tất cả mọi người…

Rồi qua ngày sau thì thấy có Chu Mộng Long (nhà Rồng đấy) rón rén vào cuộc. À, anh này thì tôi có biết. Tôi hợp tác với Trường Đại học Quy Nhơn từ năm 2001, cũng vài lần gặp Chu Mộng Long, không thân không sơ, tên thật Châu Minh Hùng. Nhớ lần đầu gặp mặt, anh xưng tên: “Em là Ch’ Ch’r Ch’âu Minh Hùng ạ”. Cứ tưởng hắn bằng tuổi mình nên toàn thưa gửi “Ông ông - Tôi tôi”, “Anh anh - Tôi tôi”. Đến hôm nay hỏi lão Go mới biết hắn sinh lận năm Mậu Thân (1968). Trẻ ha!… Lần này trên fb, hắn không cần trao đổi gì, tương luôn là hắn “buồn” (Chao ơi là hắn buồn!) và hắn “khinh” (khinh luôn tất tật những ai commen hưởng ứng, đồng thuận, khác ý hắn, không chịu cùng biết “khinh” như hắn, kể cả những người “thân” sinh và “từng là thầy hắn”): “Mấy dòng thôi, tôi đọc nhanh, cái còn lại là buồn, cả khinh, dù đó là người quen biết. Trong phần còm hưởng ứng bên dưới còn có rất nhiều những người quen biết khác, trong đó có cả người thân và từng là thầy tôi”…; rồi hắn tiếp tục nâng cấp “khinh bỉ” cả làng Vũ Fb: “Nói thật, tôi khinh bỉ chứ không thể nể được cách lập luận ấy, dù người ấy là bạn, là thầy có học hàm học vị giáo sư, tiến sĩ. So sánh ấy chỉ lừa được những não bò bị nhốt trong chuồng, chứ một người có hiểu biết tối thiểu về bóng đá cũng không bị lừa được. Rất tiếc là lập luận ấy lừa được rất đông người, cũng có học hàm học vị giáo sư, tiến sĩ!”…

Vậy là, chí ít hắn cũng tự xếp vào nhóm không phải “não bò bị nhốt trong chuồng” và khách quan thừa nhận sức mạnh vũ bão của “rất đông người” (toàn những người xếp hạng bậc thầy hắn). Với riêng tôi, qua hôm sau thì hắn xoay chiều, hạ giọng làm lành: “Vẫn quý anh…”. Hắn đã phần nào hồi tâm, hồi tỉnh. Thêm bạn bớt thù. Thế cũng tốt…

Rồi hắn trở lại quy kết PGS.TS. Đinh Công Hướng “phải nói trung thực là bán danh hơn là bán chất xám”. Hắn khẳng định như đinh đóng cột: “Đừng đánh tráo thành bán chất xám”!... Ôi, giá như hắn cũng có tí danh, hắn cũng có nhiều chất xám, hắn cũng có 42 bài báo quốc tế ký đúng tên hắn. Còn bây giờ, trường nào, cơ quan nào sẽ “mua” hắn đây!?... Hắn vỗ ngực cao giọng kể lể rằng “Tôi không lạ…”, rằng hắn biết tỏng chiêu trò các thành viên Hội đồng chấm luận văn nhưng liền sau đó hắn lại tự đả thương, hàm rồng Lộn tự cắn vào đuôi Minh Rồng với việc thú nhận lần đầu tiên được mon men dự Hội: “Khi lần đầu tiên được ngồi chung các hội đồng với họ, tôi đã từng ngạc nhiên”, và khi “phát hiện” ông Chủ tịch Hội đồng nhận xét sơ sài “thú nhận không có thời gian đọc” thì hắn đau đớn, hắn trải lòng “Này tim, này mật, này gan,/ Tôi xin moi hết để lên bàn, dâng hiến dâng”. Và hắn xa xót, quằn quại, hu hu nức nở: “Tôi khóc chứ không phải thán phục”!... Hắn lý giải thế này, Lý Toét có nghe được không: “Vì khi đó, cá nhân tôi chỉ hướng dẫn một cái mà vật lộn cả năm, nhận xét 3 cái trong một tuần mà phải thức ngày đêm để đọc cho hết. Thảo nào, có luận văn chép hơn 70% câu chữ từ một quyển sách khá nổi tiếng mà cả hội đồng không ai nhận ra và cho 9 điểm trở lên!”…

Khổ thân. Hắn tự nâng bi, làm như chỉ riêng một mình hắn là cẩn thận, cầu toàn, nghiêm minh, trách nhiệm! Không kể trong vô thức hắn đã thừa nhận sự đù đờ trong hướng dẫn học viên, mà quan trọng hơn, hắn “liêm chính” ngậm hột minh châu dài dài. Hắn lại từng thỏ đế, “ngậm miệng ăn tiền” vậy ư? Trái hẳn với bản tính của hắn như hắn tự rêu rao, hắn đã nhắm mắt, cúi đầu, giả điếc, giả ngơ! Sao đến tận hôm nay hắn mới dám “thổ lộ”, trổ cái tư thế ngạo nghễ và khoe mẽ tưởng tượng: Chính ta đây đang kể chuyện xưa! Không ai được phép nghi ngờ lời hắn nhé!...

Vậy là với các bậc thầy, Ch’âu Minh Hùng “khinh tuốt”. Hắn có quyền khinh, có quyền vẩy càn, có quyền chửi loạn, cả Trời, cả Đời, cả làng Fb giáo sư, cả đứa nào nào nào nữa không nghe theo hắn!… Với ông bạn Hướng, hắn ngạo ngược, kẻ cả, xác quyết rằng hắn không quy kết, thề cá trê không nói dối: “Nói thật, PGS.TS. Đinh Công Hướng từng là đứa em cùng khoa, cùng trường mà tôi yêu quý và bây giờ tôi vẫn quý. Quý ở năng lực. Quý ở nhận ra lỗi lầm và tự khắc phục. Lẽ ra tôi phải lên tiếng bào chữa cho đứa em của mình, nhưng tôi không thể trở thành kẻ biện minh dối trá”… Đoạn văn trên cho thấy hắn tô vẽ cho mình vừa là người tử tế (khi khác, hắn thanh minh thanh nga, bao biện, tự nhủ: Tôi thì không "tử tế đểu" mà "tử tế thật"…), vừa tự phong mình là bậc chính nhân quân tử, liêm chính học thuật, ngay thẳng, cương trực, dám chống lại mọi sự dối trá, giả danh, hư ngụy. Đấy là hắn còn “yêu quý”, còn tử tế quá đấy! Chứ lẽ thường, tội tày đình “bán danh” như thế thì thật đáng đấu tố, truy tố, tước cả học hàm học vị, “Thời ông cách cổ chúng bay, thời ông bỏ tù chúng bay”!...

Còn việc tại gia, ông Thiên Lôi ngất ngưởng ấy thổ lộ xanh rờn: “Khi viết loạt bài này, vợ tôi nói, anh mất hết anh em bè bạn vì tính cương trực ấy. Ừ thì mất. "Triệu người quen có mấy người thân". Khi về hưu, tôi thà làm bạn với cỏ cây vạn vật vậy”… Hỡi ôi, người phụ nữ chân tình và thành thật ấy đã tinh tế cảm nhận, cảnh tỉnh, nhắc nhở và khuyên nhủ hắn. Nhưng nào hắn có nghe. Hắn sẽ mượn thơ Nguyễn Bính để tự mãn, tự sướng, tự vỗ về, trước bạ với căn tính hắn: “Những thằng bất nghĩa xin đừng đến,/ Hãy để thềm ta xanh sắc rêu” – “Từ đó về đây”, 1947)…

Ch’âu Minh Hùng bao biện cho cá tính yêng hùng, lên giọng hàm hồ phủ nhận cả giới giáo sư, tiến sĩ không chịu nhận lỗi, chỉ biết vỗ ngực “CỨ PHÁ NÁT GIÁO DỤC RỒI ĐỔ LỖI DO CHẾ ĐỘ!”, làm như giới trí thức này nằm ngoài chế độ, khác biệt với chế độ, chỉ có mưu đồ “phá nát” với manh tâm “đổ lỗi”! Rồi hắn đao to búa lớn, lên lớp đanh thép như một bậc trưởng thượng, một chiến sĩ tử vì đạo nghĩa, sẵn sàng xả thân vì dân vì nước, vì sự nghiệp giáo dục và tiến bộ xã hội, nóng sốt sồn sột: “Kể cả lúc này, không thể thỏa hiệp với những kẻ đã phá hoại giáo dục, cũng là hại nước hại dân. Một nền giáo dục tử tế không thể chấp nhận buôn gian bán lận. Buôn gian bán lận trong giáo dục còn tệ hơn bán nước cho giặc”!?… Nhưng thực chất hắn là người thế nào?

III.- Lại nói, qua đối thoại, Ch’âu Minh Hùng dè dặt chất vấn, “đặt cho ông và các giáo sư ủng hộ ông hai câu hỏi, các ông trả lời được thì tôi mới nể". Câu hỏi thứ nhất như này:⁷

1) Ông Hướng là giảng viên cơ hữu của Trường Đại học Quy Nhơn. Theo Điều 3 Thông tư 45/2014/TT-BGDĐT, ông Hướng chỉ được phép đứng tên cơ hữu cho trường khác khi ông không là viên chức của Trường Đại học Quy Nhơn nữa.

Trích: “Giảng viên cơ hữu là người lao động ký hợp đồng lao động có thời hạn 03 năm hoặc hợp đồng không xác định thời hạn theo Bộ luật Lao động, không là công chức hoặc viên chức nhà nước, không đang làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ 3 tháng trở lên với đơn vị sử dụng lao động khác; do nhà trường trả lương và chi trả các khoản thuộc chế độ, chính sách đối với người lao động theo các quy định hiện hành.

Ông Hướng cùng lúc đứng tên lậu cho Trường Đại học Tôn Đức Thắng và Trường Đại học Thủ Dầu Một để hai trường đại học đó được xếp hạng cao, là gian lận hay liêm chính?”...

Trả lời câu 1:

Ô hay, “Ngươi kêu hú hú, ta chẳng NỂ đâu. Có chăng ngươi kêu ha ha, thì ta mới NỂ”!...

Bắt tay Ch’âu Minh Hùng này phải NỂ, tâm phục khẩu phục cũng dễ!...

Điều 3 Thông tư 45/2014/TT-BGDĐT chỉ điều chỉnh quy phạm ở đối tượng “Giảng viên cơ hữu”, không và chưa bàn đến sự hợp tác (Ch’âu Minh Hùng xác quyết luôn là “đứng tên lậu”) cho Trường Đại học Tôn Đức Thắng và Trường Đại học Thủ Dầu Một. Ông Hướng quá thành thật mới ký bản quyền tên thật của mình và khẳng định một chủ thể tác giả như thế. Phải như Ch’âu Minh Hùng, hắn sẽ bày cách ký tên chung với một ai đó ở trường đối tác thì trường đó vẫn được tính điểm bài. Đã “liêm chính học thuật” chưa? Lại nữa, phía trường đối tác đã trả lời minh bạch, đây là quan hệ hợp đồng dân sự. Ngoài đứng tên bài, ông Hướng hoàn toàn có quyền tham gia hợp tác giảng dạy, đào tạo, có đóng thuế thu nhập đầy đủ. Với quy định “không đang làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ 3 tháng trở lên với đơn vị sử dụng lao động khác”, muốn không vi phạm thì cứ trong 3 tháng lại ký lại Hợp đồng một lần. Quy về sai sót, khuyết điểm của ông Hướng ở đây chỉ là chưa kịp thời báo cáo công việc với cơ quan chủ quản (Trường Đại học Quy Nhơn)... Thêm nữa, cần biết rằng, nhiều hoạt động khoa học nhất thiết phải mời người cơ quan ngoài (đánh giá đề cương, nghiệm thu đề tài khoa học, phản biện độc lập, phản biện bài báo, hội đồng chấm luận án, luận văn…). Lại nữa, tôi cộng tác viết tham luận hội thảo với các trường (và ngược lại là Viện Văn học) rồi trường giữ vai trò chủ biên (và ngược lại là Viện Văn học) thì việc đó có là “mua danh”, “bán chất xám”, “bán bài báo”, “đứng tên lậu”, “gian lận” không, hỡi Ch’âu Minh Hùng!?...

Liên hệ, như tôi đây làm việc ở Viện Văn học, có dư 20 năm cộng tác xa gần với Trường Đại học Quy Nhơn, tham gia giảng dạy hệ Đại học và Sau Đại học (hoàn thành hướng dẫn 2 Tiến sĩ và 16 Thạc sĩ đảm bảo chất lượng, thời gian), hỏi có vi phạm gì các quy định của Viện Văn học và Trường Đại học Quy Nhơn có “mua danh” không? Ngược lại, các cơ quan còn khuyến khích việc mở rộng hợp tác, kể cả tham gia chủ biên đề tài thuộc hệ Chương trình hợp tác tài trợ NAFOSTED với kinh phí tiền tỉ. Có sao đâu? Nếu Ch’âu Minh Hùng thực sự đủ danh, đủ tài, đủ lực, xin mời!...

Câu hỏi 2: Nếu ông Hướng hợp tác nghiên cứu khoa học thì hợp tác theo Hợp đồng nào? Hợp tác nghiên cứu khoa học với Trường Đại học Tôn Đức Thắng, với Đại học Thủ Dầu Một thì ai chủ trì và hợp tác với ai? Tại sao tất cả các bài báo trong cụm công trình của ông Hướng chỉ đứng tên cá nhân ông? Hay là ông Hướng đã cướp công của tập thể thành của cá nhân? Hợp tác nghiên cứu và bán lậu công trình khác nhau chỗ nào? Lập lờ, đánh tráo giữa "bán lậu" và "hợp tác nghiên cứu" như vậy thì có liêm chính không?”…

Ô hay, “Ngươi kêu hú hú, ta chẳng NỂ đâu. Có chăng ngươi kêu ha ha, thì ta mới NỂ”!...

Lại nói, bắt tay Ch’âu Minh Hùng này phải NỂ, tâm phục khẩu phục cũng dễ!...

Trả lời câu 2… Thưa anh Hùng, anh cần hỏi lại,/ hỏi thêm,/ hỏi chuẩn ngay chính cơ sở đào tạo và Trường Đại học Quy Nhơn, chính ngay nơi hai ông (Hướng - Hùng) từng cùng Công Văn Tác... Với các loại văn bản khác, "Hùng hỏi Hướng" và các bên liên quan, chứ sao hỏi tôi!?...; Thêm nữa, tôi không quen biết anh Hướng, trong khi Hùng từng là đồng nghiệp, cùng trường, cùng trang lứa, cùng bạn bè, cùng làm "thầy", cùng "giới học thuật"... Đúng - sai đã có cơ quan quản lý, pháp luật và thông tin công luận chuẩn Nhà nước. Mọi người cùng trao đổi, bình luận, góp phần làm rõ vấn đề, không thể nói hàm hồ, hiếu thắng theo kiểu “Tất cả những gì xấu xa ở Ch’âu Minh Hùng đều thuộc về các giáo sư,/ Tất cả những gì tốt đẹp ở các giáo sư đều thuộc về Ch’âu Minh Hùng”...

Về chuyện này, Ch’âu Minh Hùng thật thà trong cơn say: “Khi nào hết say thì trả lời hai câu hỏi trên…”. Thêm vui. Lại SAY. Giữa trưa hắn cũng say thật a? Mãi vẫn chưa thấy hắn tỉnh để xem hắn trả lời sao…

IV.- Thực chất thì Ch’âu Minh Hùng là người thế nào và thế nào?

Lại lờ mờ nhớ, Ch’âu Minh Hùng làm cái luận án chuyên ngành lý luận long đong, trầy trật lắm. Đâu như năm ấy hắn đã 40 tuổi, ngoài 40 tuổi, cỡ như 44 tuổi, hắn phải đổi đề tài, xin nới dài thời gian, đổi luôn cả Thầy hướng dẫn. Sau hắn chọn đề tài “Nhạc điệu thơ Việt qua những sáng tạo thơ mới” (Hắn bàn về nhạc điệu với phân và tích các kiểu giọng điệu thì chỉ có nhất!). Lại lờ mờ nhớ, mấy lần khuyên nhủ hắn tập trung viết luận án nhanh nhanh lên. Có bài viết gì thì cứ gửi Tạp chí của Viện Văn học, nhớ “liêm chính học thuật”, không phí tổn một cắc xu nào đâu.

Mãi mãi mãi chán chê ê ẩm rồi hắn cũng sáng tạo ra được một công trình nghiên cứu (gọi cho có màu phú quý là “tiểu luận”, nay thường gọi là “bài báo”) có tên “Nhạc điệu thơ Việt trên nền của luật hòa thanh” (“Nghiên cứu Văn học”, số 2-2010, tr.81-95). Tầm trung, hơi xộn xộn, gọi là khá khá cũng được! Thấy trích dẫn cả Hegel, V.A. Vakhrameev, IU. Lotman (viết đúng: Iu. Lotman - Biên tập chưa dọn sạch lỗi cho hắn!), thêm Lam Giang, Đỗ Đức Hiểu, Đào Ngọc Dung và Trịnh Bá Đĩnh (Lão bạn tôi), cộng 15 chú thích nhưng quy về chẵn tài liệu của 6 tác giả - tác phẩm. Cuối bài cũng có lạc khoản “Quy Nhơn, 2009” (bây giờ đình huỳnh là Tiến sĩ chuẩn A rồi, hắn sẽ ghi “Mộng Long thư trai - Quy Nhơn, 2009”. Bài tạp chí in ngay đầu năm 2010, thế cũng là nhanh, và gọn, và thực vô tư, liêm chính học thuật, không có chuyện phong bao phong bì gì gì gì. Cà - phé cũng không nha! Đâu như đến năm 2011 thì hắn bảo vệ thành công luận án tiến sĩ. Mừng cho hắn kịp hóa rồng...

Từ bấy không thấy hắn gửi bài trơn trọi.

Thấy hắn có in bài ở tạp chí khoa học ngay tại Trường Đại học Quy Nhơn.

Sau biết hắn đang viết (tức là sáng tác) tiểu thuyết chương hồi theo nền nhạc dã sử. Cái này thì hắn tài. Trí tưởng tượng phong phú. Nhân vật toàn loại tiểu yêu, ma đực, quỷ cái, rồng lưỡng tính đánh nhau, gầm ghè nhau, bức hại nhau. Hắn ngụ ý rủa xả ai thì tự hắn biết: “Ma đưa lối quỷ dẫn đường,/ Lại tìm những chốn đoạn trường mà đi” (TK – Nguyễn Du)…

V.- THAY LỜI KẾT…

Tôi hỏi lão Go xem tay Ch’âu Minh Hùng là người thế nào thì thật hoảng hồn, những là “vạch mặt Tiến sĩ CMH”, “kẻ mang danh thầy giáo”, “làm thầy liệu có xứng”, “đang xuyên tạc, bôi nhọ nghề giáo”, v.v…

Có mấy anh bạn chân tình khuyên tôi đừng nối lời với Ch’âu Minh Hùng. Nhưng mà mình viết cũng nhanh, nhanh mà. Cũng y như vợ hắn, mình cũng mong hắn tu tỉnh, thành thật, hòa đồng, biết mình biết người, vui với nhau giữa cõi đời này. Một lần và kết thúc. Với làng fb, “Mua vui cũng được một vài trống canh”… Có thế thật đấy ạ.

                                         13/11/2023

                                       NGUYỄN HỮU SƠN

 

Sự hồi đáp của Chu Mộng Long

NHÂN CÁCH PHÓ GIÁO SƯ NGUYỄN HỮU SƠN

Sáng sớm, tôi đọc bài "tranh luận" của Phó giáo sư Nguyễn Hữu Sơn, nguyên Viện phó Viện Văn học mà cười đến lộn mửa. Tưởng đọc phải bài của dư luận viên mạt hạng. Ông tỏ ra "nhã nhặn" trao đổi nhưng lập luận toàn trí trá, bịa đặt và đánh dưới thắt lưng bằng từ ngữ của đứa vô học có học hàm phó giáo sư. Tôi không thuộc đẳng cấp ấy nên nhã nhặn trao đổi với ông, dù rất khinh bỉ kẻ đáng khinh.

Trả lời câu hỏi chính ở bài trước, ông lại tiếp tục đánh tráo "bán lậu bài báo" với "hợp tác nghiên cứu". Lại viện dẫn một cầu thủ như Messi, Ronaldo có thể ký hợp đồng đá bóng với một lúc nhiều câu lạc bộ? Lại đánh đồng việc ông Hướng bán bài báo cho các trường đại học để lừa quốc tế, lừa cả nước xếp hạng cao với việc Trường Đại học Quy Nhơn mời ông thỉnh giảng (theo quy định khi đó, cao học phải mời 30% ngoài trường)? So sánh thiếu hiểu biết như vậy mà thành Phó giáo sư được sao?

Còn lại cả bài dài dấm dẳng là toàn bịa đặt vu cáo cá nhân tôi để đánh lừa dư luận. Tôi không cần đọc hết. Toàn rác bẩn, để dành cho bầy đàn của ông hưởng. Chỉ lọc ra mấy chi tiết hỏi ông:

1) Đề tài tiến sĩ của tôi đăng ký ngay từ đầu cho đến khi hoàn thành, không thay đổi một chữ. Trong lúc vụ án nhơ nhớp Trần Tín Kiệt diễn ra, biết tôi thuộc những người đấu tranh, ông gọi điện cho từng thành viên hội đồng Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn đánh trượt tôi, nhưng Hội đồng vẫn bỏ phiếu 7/7 xuất sắc. Ông dựa vào đâu mà nói tôi phải đổi tên đề tài và bảo vệ trầy trật?

2) Khi gửi đăng bài cho Tạp chí Văn học, tôi đã bảo vệ xong luận án từ lâu. Trong luận án chỉ ghi các bài báo đăng trên các tạp chí khác, có liên quan gì cái ơn nghĩa lúc ông làm Phó tổng biên tập đâu hè? Và khi gửi bài tôi có năn nỉ ông không, hay là do ông tự chào mời. Hỏi nhân viên của ông xem, tôi bỏ tiền mua bài hay bắt tạp chí phải trả nhuận bút đàng hoàng? Bài báo chính ông gửi lại cho tôi, ông nói "Rất OK về nội dung", chỉ yêu cầu sửa đúng quy cách nội bộ của tạp chí. Ở đây ông bịa ra sai sót và nói ngược là sao?

Hội đồng chấm luận án của tôi còn sống sờ sờ ra đấy. Bài báo của tôi cũng còn hiển ngôn trên tạp chí của ông. Ông bịa đặt như vậy rồi có chịu trách nhiệm không? Hay khi bị tôi lôi ra tòa, ông nói ông viết trong lúc ăn thịt chó?

Riêng vụ học viên cao học chép 70% từ sách viết về Xuân Diệu, ông có mặt khi ấy trong hội đồng chấm luận văn, ông hung hăng xin chứng cứ để tố người hướng dẫn. Nhưng tôi đã can, vì không để ông trả thù cá nhân, hay làm Lý Thông, và vì liên lụy đến cả hội đồng là bạn bè của ông nữa. Ông tiếp tục khoe chuyện ấy làm gì?

Nếu tôi là ông, đọc lại điều bịa đặt như vậy, tôi xấu hổ mà lo độn thổ ngay chứ không dám trơ mặt ra cãi nữa!

Ông dùng ngôn từ của đứa vô học, từ cách gọi tên cá nhân cho đến múa chữ loạn xạ để lừa những kẻ vô học khác, nhân cách ấy không đáng để tôi trao đổi thêm. Ngay từ đầu, tôi nói rất đáng khinh bỉ và đến đây thì đáng khinh bỉ thật. Trường Đại học Quy Nhơn mời ông thỉnh giảng cao học (không phải hợp đồng nghiên cứu khoa học như ông hoang tưởng), sau vài năm thấy nhân cách của ông đáng khinh bỉ thật nên mới cắt đấy! Ông hiểu chưa?

Phần kết luận, ông lấy từ trang bò đỏ: "vạch mặt Tiến sĩ CMH”, “kẻ mang danh thầy giáo”, “làm thầy liệu có xứng”, “đang xuyên tạc, bôi nhọ nghề giáo”, v.v… Thì ra ông mất ngủ nhiều đêm để tra Google, bươi ra cả đống rác để tìm cái ông cần thưởng thức. Chẳng lẽ ông cùng đẳng cấp với loại dư luận viên mạt hạng này sao?

Biết ông mất quá nhiều công sức để truy rác và viết bài dài bằng tuổi thọ của ông, cho nên tôi rất thương. Chúc ông sống dai để tập hợp được cả bầy đàn ủng hộ và cho con dân đất nước này nhờ!

                                       CHU MỘNG LONG