Thơ Đào Phong Lan
giàu nhạc tính. Chữ nối chữ có âm thanh, câu nối câu có giai điệu. Đoạn ngắn
ngân nga có thể ngâm, đoạn dài trầm bổng có thể hát.
ĐÀO PHONG LAN HỒN
THƠ VẪN MỀM NHƯ CỎ
LÊ THIẾU NHƠN
Đào Phong Lan là một
tài thơ thiên bẩm. Chị làm thơ khi còn tung tăng chân sáo một cô bé ở phố núi
Pleiku, Gia Lai. Vào học khóa 5 của Trường viết văn Nguyễn Du, chị có tập thơ
“Giêng hai” in năm 1995, lúc tròn 20 tuổi. Đào Phong Lan có kiểu viết lục bát mềm
mại, câu sáu rưng rưng, câu tám nghẹn ngào: “Giêng Hai trời lất phất mưa/ Trăng không đủ sáng để đưa nhau về/ Dại khờ hái cỏ ven đê/ Buộc ngang lưng một câu thề làm tin”. Đó là giọng điệu thật nữ tính, rất dễ khiến người khác si mê nhung nhớ
và rất dễ khiến bản thân hao mòn cảm xúc.
Cầm tấm bằng cử nhân,
chuyển từ Hà Nội vào Sài Gòn sinh sống, Đào Phong Lan đột ngột rời khỏi thi
đàn. Suốt nhiều năm, chị không lui tới các hoạt động văn chương ở đô thị phương
Nam. Hình như chị ưu tiên dành thời gian vun vén kinh tế gia đình. Chọn lựa ấy
cũng hợp tình hợp lý. Nhà thơ không thể viển vông mơ mộng trong cơ chế thị trường.
Thỉnh thoảng tôi có gặp chị giữa những con phố chen lấn ồn ào, vẫn nụ cười
duyên dáng, vẫn ánh mắt xôn xao. Cái cốt cách ấy, dễ gì bỏ viết lách được. Tôi
tin vậy, và quả nhiên, tôi không phải suy đoán hồ đồ.
Sau hơn hai thập niên
vắng bóng, Đào Phong Lan tái xuất bằng tập thơ “Em không thể nói lời từ biệt”,
do Nhà xuất bản Hội Nhà Văn vừa ấn hành. Tập thơ 56 bài, chia làm bốn mùa Xuân,
Hạ, Thu, Đông nhưng thực chất chỉ có một mùa: Mùa Yêu, của một phụ nữ tự thú “Hồn
ta mềm như cỏ/ Chưa gió về đã lay”
không thể từ biệt nhân duyên và không thể từ biệt thi ca.
Những ai từng ưa
thích thơ Đào Phong Lan trước đây, sẽ nguyên vẹn xao xuyến khi đọc “Em không thể
nói lời từ biệt”. Thời điểm sáng tác được ghi chú cụ thể dưới mỗi bài thơ, chứng
tỏ Đào Phong Lan rất ý thức về dấu vết ân tình của từng kỷ niệm. Theo tôi, tập
thơ này có thể xem như một cuộc tuyển lựa của riêng chị, có giới thiệu Đào
Phong Lan mới mà cũng có hoài vọng Đào Phong Lan cũ. Và dù bài thơ viết năm
2015 hay bài thơ viết năm 1991, thì độc giả vẫn nhận ra Đào Phong Lan luôn luôn
mong manh giữa run rẩy đang có và bịn rịn sắp phai. Nghĩa là, trong sự giăng mắc
tình tính tang và tình tính... tan, chân dung Đào Phong Lan hiện ra thảng thốt:
“Nếu
như anh quay đầu nhìn lại/ Xác
lá vàng rơi lấp dấu em xưa”.
Thơ Đào Phong Lan
giàu nhạc tính. Chữ nối chữ có âm thanh, câu nối câu có giai điệu. Đoạn ngắn
ngân nga có thể ngâm, đoạn dài trầm bổng có thể hát. Ngoài những vần lục bát
dan díu “Người ta khoác áo trầm hương/ Bỏ nhau/ Đi ngược con đường heo may”, tập thơ “Em không thể nói lời từ biệt” cho thấy Đào
Phong Lan cũng thừa khả năng dùng những thể loại thơ khác để phơi bày sự bất an
của một người đàn bà yếu đuối. Dẫu đã minh định “Tình yêu như là bọt
nước/ Vỡ trên năm ngón
tay mềm/ Chỉ
trái tim là dại dột/ Chẳng
bao giờ chịu lãng quên”, vẫn cứ phấp
phổng tơ vương “Lòng như hạt mầm trong đất/ Nằm chờ mong một cơn mưa/ Người đi qua như nắng gắt/ Hanh khô, hạn hán bốn mùa”.
Tình yêu trong thơ
Đào Phong Lan thường xuyên chấp chới đổ vỡ. Níu kéo đấy, mà không trách than.
Buồn đau đấy, mà không oán hận. Thơ chị buông bắt khoảnh khắc “Sông
quá rộng mà sao lòng quá hẹp/ Trời
bao la mà gió chật khu vườn” để
được nuối tiếc “Bóng em khuất sau cánh cửa/ Khép một nỗi buồn nhân đôi” và để được trìu mến “Từng trái thơm
rung như chuông trong lá/ Đánh
thức em ngơ ngác một ban mai”.
Bài thơ có dung lượng
lớn nhất và cũng để lại dư vị nhất trong tập thơ “Em không thể nói lời từ biệt”
là “Viết
cho anh những ngày xa”. Bài thơ sáng
tác năm 2005, chia làm 4 khúc.
Đào Phong Lan lúc ấy 30 tuổi, vẫn còn trẻ trung để khao khát và đã đủ trải nghiệm
để bao dung: “Em lầm lụi đi trên con đường tối/ Ngõ vắng xa/ Hoa mướp đã thôi vàng”. Bước thơ dùng dằng nhưng mạch thơ không rời rạc giúp
bung được ý thơ xa vắng: “Không có anh/ Sao quá chừng phẳng lặng/ Quá chừng mưa trên những tán lá bàng/ Quá
chừng rơi những thảm hoa vàng/ Quá
chừng hát những bài lâu không hát”.
Hai chữ “quá chừng” nghe có vẻ xuôi tai mà lại thành đắc địa cho một lời cảnh tỉnh:
“Ngày
mai khi chúng mình gặp lại/ Có
thể là em đã khác hôm nay”.
Đọc tập thơ “Em không thể nói lời từ biệt”, tôi bỗng ích kỷ nhói lên một sự vui mừng. Vui vì Đào Phong Lan trở lại với thi ca, để chị tiếp tục theo đuổi đam mê. Mừng vì thi ca không buông tha Đào Phong Lan, để tôi tiếp tục có bạn đồng hành.