Khi đề cập đến các tiểu thuyết - thế sự của mình, Ma Văn Kháng bộc bạch: “Cái đẹp trong bi kịch. Cái đẹp trong đau đớn mất mát, thiệt thòi. Ngẩng cao đầu kiêu hãnh trong khó khăn, nhọc nhằn… Cảm hứng đó thể hiện trong các tiểu thuyết của tôi”.


ĐẲNG CẤP NHÀ VĂN MA VĂN KHÁNG

PHẠM NGỌC CHIỂU

Nhớ một lần, tại phòng làm việc của Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam khóa IX, nhà thơ Hữu Thỉnh bỗng hỏi tôi:

- Ông đánh giá ông Ma Văn Kháng thế nào? Là tôi hỏi về sự nghiệp Văn chương ấy.

- Bác Kháng là người trước nay tôi luôn quý trọng. Theo tôi, trong đội ngũ Văn chương Việt Nam đương đại, bác ấy đứng đầu bảng.

- Còn tôi, từ lâu tôi khẳng định: Nhà văn Ma Văn Kháng là số Một, chứ không có “hàng đầu” như nhiều người vẫn nói và viết về ông ấy.

Tôi nhìn lại nhà thơ Hữu Thỉnh. Đôi mắt và giọng nói của ông đang toát ra sự nghiêm túc chứ không biểu lộ sự nhiệt tình có phần thái quá mỗi khi ông nói về bạn bè như vẫn thường thấy.

Tôi hoàn toàn tán đồng việc xếp thứ bậc của nhà thơ Hữu Thỉnh về nhà văn Ma Văn Kháng. Bởi từ lâu tôi đã có đầy đủ cứ liệu để có thể xếp vị thế như vậy về nhà văn tài danh này…

Những con số - những cột mốc

Những tác phẩm để đánh giá sự nghiệp của một nhà văn trước hết thuộc hai thể loại quan trọng là truyện ngắn và tiểu thuyết. Tất nhiên cũng có ngoại lệ: có nhà văn nổi tiếng chỉ viết ký hoặc viết phê bình văn học. Nhà văn Ma Văn Kháng không thuộc hàng ngoại lệ. Ông là cây bút nổi tiếng ở hai thể loại văn xuôi chủ chốt và quen thuộc: truyện ngắn và tiểu thuyết.

Trước hết nói về truyện ngắn Ma Văn Kháng.

Truyện ngắn đầu tay của Ma Văn Kháng là truyện Sa Phủ, được báo Văn Nghệ in và trao giải cao năm 1968. Đến năm 2008, ông tuyển chọn để in Truyện ngắn chọn lọc Ma Văn Kháng theo đặt hàng của Nhà nước và coi như không viết nữa, tính ra, trong 40 năm cầm bút ông đã viết và in 200 truyện ngắn. Một con số không chỉ ngỡ ngàng với tôi mà hẳn với nhiều người. Làm sao ông có thế viết được số lượng truyện ngắn nhiều đến thế, không chỉ viết được mà còn in được, trong khi cùng thời gian ấy, ông còn viết và in tiểu thuyết, rồi viết và in những sách thuộc thể loại Bút ký về Nghiệp văn nữa.

Hỏi ông, ông cười bảo: mình viết được nhiều, có lẽ mình nắm bắt tình huống truyện nhanh, nhậy. Nói thế, rồi ông chuyển sang bộc bạch về cái khó khác khi viết và in được con số 200 truyện ngắn. Đó là cái khó khi phải đọc, chọn lại để lấy đủ số truyện ngắn cho Nhà sách Đinh Tỵ. Họ in bộ sách 100 truyện ngắn của Ma Văn Kháng. Và càng khó hơn khi Nhà nước yêu cầu ông tự chọn lấy 35 truyện ngắn tiêu biểu nhất của mình để xuất bản Truyện ngắn chọn lọc Ma Văn Kháng gộp cùng một số tiểu thuyết làm cơ sở đề nghị trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh. Đó thực sự là một cuộc tự loại bỏ không dễ dàng gì, và nhà văn đã làm được. Ở đây, chỉ xin vắn tắt nêu lại căn nguyên làm nên thành công của nhà văn Ma Văn Kháng ở truyện ngắn:

Một là, khả năng thiên bẩm để ông phát hiện, nắm bắt tình huống truyện. Năng lực này giống như tài năng Trời cho các thi sĩ để họ chớp được tứ thơ trong đời sống. Phát hiện, nắm bắt được tình huống truyện để từ đó, nhà văn huy động vốn sống và tri thức bồi đắp nên cốt truyện và tư tưởng tác phẩm, rồi nghĩ cách viết truyện thật ưng ý.

Hai là, vốn chữ nghĩa phong phú, giàu có của nhà văn Ma Văn Kháng. Nhờ vốn chữ nghĩa này mà truyện ngắn Ma Văn Kháng luôn có được sự sinh động, tươi mới cả ý và từ, nhất là những đoạn văn “Phiêu”, gọi một cách chữ nghĩa là Lãng du nghệ thuật bên cốt truyện chính của ông. Không ít người thích đọc truyện Ma Văn Kháng là vì truyện của ông giàu có chữ nghĩa.

Ba, vốn tri thức dày dặn của nhà văn. Chính nhờ cái phông Văn hóa dày dặn và những đoạn văn “phiêu” vừa nêu đem thêm cho độc giả những hiểu biết thú vị, mà nhiều khi nó còn là một chủ đề tư tưởng kép của truyện. Truyện Dao sắc nhờ cán là một ví dụ. Truyện kể về ông giáo Thực, cuối đời quay qua nghiệp văn chương, ông viết lách và hay lý sự. Truyện chỉ vậy thôi, nhưng nhà văn “phiêu” nhiều, và “phiêu” rất hay.

Chẳng hạn, nhà văn để ông Thực luận về cái “thế” của muôn loài: “Núi đâu có cần cao, nhưng cần có Tiên đến ở. Nước đâu có cần sâu nhưng cần có giao long vẫy vùng. Phàm vật loài gì cũng có linh thể bên trong…”. Hay nghe ông Thực nói về tài năng: “Tài năng như mặt trời tự phát sáng, như trái đất tự quay, tự kiềm chế theo quy tắc. Tài năng ở thế cheo leo mà không ngã, như trên lưng con tuấn mã. Còn con chó cắn càn. Tên lưu manh chửi bậy. Gã hàng xóm vay không trả. Kẻ đồng nghiệp phản trắc. Tất cả chỉ là những kẻ tiểu nhân, tức với nó thì tức cả ngày”.

Còn đây là ông luận về con dao, một khám phá bất ngờ, thú vị: “Dao sắc vì lưỡi hay vì cán? Lưỡi sắc thì gọt được quả cam, rọc được tờ giấy, thái được miếng thịt. Nhưng như thế mới chỉ là bậc tiểu kỹ. Còn dao muốn đạt tới đại ký, tức là phá được đá, chặt được đồng, sắt thì dao phải dựa vào cán!” Và rồi nhà văn “phiêu” về thế sự: “Cũng có lúc gặp phải kẻ trên mình đã ngu dốt lại hẹp hòi thiển cận, bị trù úm thở không ra hơi. Chẳng hiếm ngày phải sống với thằng lừa thầy, phản bạn giữa khung cảnh xu thời, cơ hội, gió chiều nào che chiều ấy phổ biến tới mức nghĩ thói tật đó đã mang tính lịch sử và thời đại.”

Cái hay, cái đặc biệt của truyện ngắn Ma Văn Kháng là vậy!         

Mơ ước và lời nguyền

Tháng 10/2002, mở đầu bài viết: Tôi viết tiểu thuyết “Đồng bạc trắng hoa xòe” và tiểu thuyết “Vùng biên ải”, nhà văn Ma Văn Kháng bộc bạch: “Ý nghĩ về một sáng tác văn xuôi mang màu sắc sử thi đến với tôi ngay từ khi tôi đặt chân lên mảnh đất địa đầu này của Tổ quốc - thị xã Lào Cai cuối năm 1954, đầu năm 1955. Dạo đó tôi mới tốt nghiệp trường Sư phạm, được phân công lên đây dạy học và công tác”. Mơ ước của anh giáo trẻ Đinh Trọng Đoàn phải nói là táo bạo và đáng trân trọng. Không biết anh đã thử bút ra sao, nhưng khi sáng tác đầu tiên của anh được in trên báo Văn Nghệ là phải sau 14 năm ao ước, và đó lại là một truyện ngắn mang tên Sa Phủ với bút danh Ma Văn Kháng. Những sáng tác tiếp theo vẫn là thể loại truyện ngắn, in báo, sau đó in sách.

Các tập truyện Sa Phủ, rồi Bài ca trăng sáng nối nhau đến với bạn đọc, đưa Ma Văn Kháng gia nhập Hội Nhà văn Việt Nam. Tưởng chừng nhà văn trẻ này đã quên niềm mơ ước ngày nào, thì năm 1977, Ma Văn Kháng thử bút thành công ở thể loại tiểu thuyết khi ông đưa in tiểu thuyết Gió rừng ở nhà xuất bản Thanh niên, và chính thức bắt tay thực hiện ước mơ của 24 năm trước, vào ngày đầu đặt chân lên thị xã miền biên viễn Lào Cai, với một lời nguyền: chưa viết thành công bộ tiểu thuyết sử thi thì chưa phải là một nhà văn đích thực!

Quan niệm coi trọng tiểu thuyết như thế của Ma Văn Kháng rất tương đồng với ý niệm coi tiểu thuyết là “trọng pháo văn học” của nhà văn Sô lô khốp (Liên Xô), khi ông xuất bản tiểu thuyết Họ đã chiến đấu vì tổ quốc trong đại chiến Thế giới lần thứ hai, được Stalin cho in hàng triệu bản gửi ra mặt trận cho Hồng quân Liên Xô đọc. Trong niềm vui ấy, Sô lô Khốp tuyên bố: từ đầu chiến tranh vệ quốc vĩ đại, với tư cách nhà văn, tôi tham gia chiến đấu bằng vũ khí bộ binh cỡ nhỏ là truyện ngắn và các bài ký. Giờ tôi chiến đấu bằng trọng pháo của văn học là tiểu thuyết Họ đã chiến đấu vì tổ quốc!

Hai năm sau ngày in Gió rừng có ý nghĩa thử bút, cuối năm 1979, nhà văn Ma Văn Kháng được nhà xuất bản Văn học xuất bản tập 1 của bộ tiểu thuyết sử thi ông từng ấp ủ, mơ ước thực hiện. Quyển sách mang tên Đồng bạc trắng hoa xòe dày ngót 800 trang in. Nhà văn mừng nhưng chưa thỏa nguyện. Bởi theo ông, còn phải chờ tập hai đến với bạn đọc thì tiểu thuyết mới trọn bộ. Vả nữa, ở Đồng bạc trắng hoa xòe, hệ thống nhân vật mới ở dạng đơn tuyến, sang tập 2 hệ thống đó mới đa tuyến, có sự chồng chéo, phức tạp, kiểm chứng nghệ thuật viết tiểu thuyết của nhà văn.

Thực tế văn học Việt Nam đã chứng kiến sự hụt hơi của không ít cây bút tiểu thuyết. Chất lượng tập 2 sút kém của tiểu thuyết Vỡ bờ (Nguyễn Đình Thi), Rừng động (Mạc Phi), cả bộ tiểu thuyết Cửa biển của cụ Nguyên Hồng… là những minh chứng. Rất may, bốn năm sau ngày xuất bản Đồng bạc trắng hoa xòe, tập 2 mang tên Vùng biên ải của Ma Văn Kháng được nhà xuất bản Quân đội ấn hành không rơi vào tình trạng trên. ng biên ải vẫn được bạn viết và bạn đọc hào hứng đón nhận. 

Chỉ tiếc, phải, rất tiếc và rất lạ, là cho đến nay, những bài viết, những đánh giá sau này của các nhà lý luận-phê bình văn học chưa có đánh giá đúng đắn về bộ tiểu thuyết sử thi của nhà văn Ma Văn Kháng. Vì sao có sự lãng quên ấy, cho dù nội dung và nghệ thuật của bộ sách, đối chiếu với lý luận về Tiểu thuyết Sử thi, là hoàn toàn đúng thể loại, và chính tác giả cũng vui mừng về thành công đó. Không chỉ thế, nhà văn Ma Văn Kháng còn bộc bạch: Thành công của bộ tiểu thuyết khiến bản thân ông mới dám tự tin rằng mình là một nhà văn đích thực.

Cũng may, Ma Văn Kháng không chỉ có bộ tiểu thuyết sử thi Đồng bạc trắng hoa xòe và Vùng biên ải. Cũng như sự khỏe khoắn trong sáng tác truyện ngắn, ông là nhà tiểu thuyết có sức sáng tạo đáng kính nể. Đến nay, Ma Văn Kháng đã viết và in được 20 tiểu thuyết, trong đó nổi lên cụm Tiểu thuyết - Thế sự của ông gây được tiếng vang lớn trong văn đàn và dư luận xã hội.

Nhà văn, GS.TS Trần Đăng Xuyền nhận xét: “Với tiểu thuyết Mưa mùa hạ (1982), ông (Ma Văn Kháng) đã sớm nhìn ra cái mặt trái, cái mặt tiêu cực của Việt Nam hiện nay, nó vừa âm thầm, vừa điên cuồng tàn phá xã hội như những con mối, ổ mối trong thân đê… Mùa lá rụng trong vườn vừa sắc sảo, nhạy bén vừa hiểu sâu sắc thực trạng của thời đại, Ma Văn Kháng đã sớm nhận ra sự chuyển mùa của thiên nhiên và cùng với nó là sự đổi mùa của xã hội. Ông bày tỏ niềm lo lắng sâu sắc cho các giá trị truyền thống trước đổi thay của thời cuộc… Đến Đám cưới không có giấy giá thú thì không còn là lời cảnh báo nữa mà là một thực trạng, là sự phơi bày những mặt trái, những tiêu cực, những mảnh đời khuất lấp của một xã hội, một thời đại… Qua ngòi bút của nhà văn, hình ảnh hoa phượng có ý nghĩa như biểu tượng của một cuộc chia ly. Không phải cuộc chia ly giữa con người và con người mà là một cuộc chia ly của tư tưởng, của nhận thức, tình cảm, để đi tới một lý tưởng mới, đi đến một cuộc hôn nhân mới - một Đám cưới không có giấy giá thú” (Trần Đăng Xuyền - Tầm cỡ tư tưởng nghệ thuật của nhà văn).

Còn nhà văn Ma Văn Kháng, khi đề cập đến các Tiểu thuyết - Thế sự của mình, ông bộc bạch: “Cái đẹp trong bi kịch. Cái đẹp trong đau đớn mất mát, thiệt thòi. Ngẩng cao đầu kiêu hãnh trong khó khăn, nhọc nhằn… Cảm hứng đó thể hiện trong các tiểu thuyết của tôi. Với cái chết của Nam, của Trọng trong Mưa mùa hạ. Số phận long đong nhưng đầy ngạo nghễ của Tự trong Đám cưới không có giấy giá thú, của Thiêm trong Gặp gỡ ở La Pan Tẩn, của Toàn trong Một mình một ngựa chính là thể hiện tư tưởng nghệ thuật ấy”.

Với tư tưởng nghệ thuật tiểu thuyết đó, cùng với thành công trong truyện ngắn, nhà văn Ma Văn Kháng rất thành công trong sáng tác tiểu thuyết. Ông đạt được nhiều giải thưởng tiểu thuyết ở các cấp độ, trong đó nổi bật là giải thưởng Nhà nước đợt I tặng thưởng cho tiểu thuyết Đồng bạc trắng hoa xòe và tiểu thuyết Mùa lá rụng trong vườn; Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt IV trao cho tiểu thuyết Mưa mùa hạCôi cút giữa cảnh đời và Gặp gỡ ở La Pan Tẩn.

Những thành công của nhà văn thật đáng trân trọng!

3. Thi pháp văn chương Ma Văn Kháng: Đẳng cấp nhà văn

Một trong những yếu tố quan trọng làm nên chất lượng văn học của nhà văn là nghệ thuật thể hiện tác phẩm. Lý luận văn học gọi là Thi pháp. Đó là một tập hợp những hình thức nghệ thuật nhà văn sử dụng trong quá trình sáng tác tác phẩm như: Tạo dựng cốt truyện, thiết lập tư tưởng tác phẩm, bố cục tác phẩm, cách thức dẫn truyện, xây dựng nhân vật… Và cuối cùng là bút pháp, tức là nghệ thuật sử dụng ngôn từ để thể hiện tác phẩm. Đây là nội dung của Thi pháp văn học cổ điển.

Vậy đâu là Thi pháp văn chương Ma Văn Kháng?

Đó là Thi pháp văn xuôi trữ tình cổ điển nhuần nhuyễn, mang đặc trưng những lãng du nghệ thuật giàu ý tưởng, được viết bằng ngôn ngữ mới mẻ và sâu sắc bên mạch truyện chính. Ta vừa khảo sát hai thể loại văn xuôi quan trọng nhất là truyện ngắn và tiểu thuyết của Ma Văn Kháng, và đã thấy rõ thành công của ông ở cả hai thể loại khi ông áp dụng thi pháp của mình vào sáng tác tác phẩm.

Trần Đăng Xuyên nhận xét: “Nhà văn Ma Văn Kháng không thuộc “tuýp” các nhà văn viết phá cách theo các trào lưu văn học mang tính đổi mới. Ông vẫn viết theo cách thức cổ điển”.

Nhà lý luận - phê bình văn học, PGS.TS Lã Nguyên thì viết: “Nhà văn Ma Văn Kháng, trong các tác phẩm của mình, thường nghiêng về cái đẹp, hiện thân của cái đẹp”.

Còn bản thân Ma Văn Kháng đã thừa nhận điều này khi ông viết rằng, cái đẹp trong bi kịch, cái đẹp trong đau đớn, mất mát, thiệt thòi, ngẩng cao đầu kiêu hãnh trong khó khăn, nhọc nhằn… là cảm hứng trong các sáng tác của ông. Vả nữa, đọc kỹ các truyện ngắn và tiểu thuyết của Ma Văn Kháng, ta đều thấy ông coi trọng và tuân thủ nghiêm ngặt các thủ pháp nghệ thuật cổ điển, từ xây dựng cốt truyện đến tạo dựng nhân vật một cách kỹ lưỡng, chăm chút tư tưởng tác phẩm, đặc biệt nghệ thuật sử dụng ngôn từ.

Bởi vậy, đọc các tác phẩm của Ma Văn Kháng, người đọc không gặp phải những lối viết cầu kỳ, rối rắm, khó hiểu hoặc không thể hiểu tác giả định nói gì. Ngòi bút trữ tình đằm thắm của Ma Văn Kháng dẫn dụ người đọc một cách bình tĩnh, điềm đạm qua từng trang, từng chương, cảm thông, thấu hiểu với những cảnh đời, lại nhiều khi thấy tâm hồn mình phơi phới, thăng hoa trước những trang văn hay, những câu chữ lạ của nhà văn. Có phải vì thế mà tác phẩm văn chương của Ma Văn Kháng đến được với nhiều người, cả người đọc và người viết.

Đến nay, các tác phẩm của Ma Văn Kháng đã có hơn 230 bài viết in trên các báo, một con số hiếm thấy đối với một nhà văn, trong đó tác giả các bài viết có khá nhiều tên tuổi nổi tiếng như: nhà văn hóa - học giả Nguyễn Khắc Viện, GS Nguyễn Lân Dũng, nhà văn Tô Hoài, các giáo sư Phong Lê, Trần Đăng Xuyến, các PGS Lã Nguyên, Nguyễn Ngọc Thiện, các nhà văn, nhà thơ Anh Chi, Bùi Bình Thi, Hồ Anh Thái, Lê Thành Nghị… Đã có 3 Luận án Tiến sĩ, 50 Luận văn Thạc sĩ viết về các tác phẩm của nhà văn Ma Văn Kháng. Đây là những con số chưa từng có đối với các tác phẩm của nhà văn đang sống và viết tại Việt Nam.

Với tất cả những gì vừa có được qua hành trình khảo sát tác phẩm, tác giả, có thể rút ra kết luận: Nhà văn Ma Văn Kháng quả thật ở đẳng cấp vượt trội trên văn đàn đương đại Việt Nam.