Họa sĩ Trần Thế Vĩnh vốn nổi tiếng với những bức chân dung tả thực, đã có sự chuyển hướng sang tranh trừu tượng bằng triển lãm cá nhân ‘Nhạc khúc’ tại TP.HCM.
Họa sĩ Trần Thế Vĩnh sinh năm 1986 tại Quảng Trị. Tốt nghiệp Đại học Nghệ thuật Huế năm 2010, họa sĩ Trần Thế Vĩnh có triển lãm cá nhân đầu tiên vào năm 2012.
Hơn một thập niên sống
và vẽ với tư cách một họa sĩ tự do, tên tuổi Trần Thế Vĩnh rất được công chúng yêu mến với bộ tranh “Vọng”
gồm 51 chân dung văn nghệ sĩ như Phạm Duy, Văn Cao, Cung Tiến, Từ Công
Phụng, Trịnh Công Sơn, Vũ Thành An, Ngô Thụy Miên, Trầm Tử Thiêng, Lê Uyên
Phương, Đoàn Chuẩn, Nguyễn Ánh 9, Lam Phương, Trần Thiện Thanh, Y Vân, Phạm
Đình Chương, Xuân Tiên, Trúc Phương…
Thử hỏi, họa sĩ Trần
Thế Vĩnh vẽ trừu tượng có khác gì họa sĩ Trần Thế Vĩnh vẽ chân dung không? Thực
tế, họa sĩ Trần Thế Vĩnh đã thích thú vẽ trừu tượng từ khi còn là sinh viên mỹ
thuật. Và theo thời gian, ý tưởng và kỹ thuật vẽ trừu tượng càng được hun đúc để
họa sĩ Trần Thế Vĩnh tổ chức triển lãm “Nhạc khúc” phô diễn đam mê bản thân.
Họa sĩ Trần
Thế Vĩnh chia sẻ:
“Với tôi, phong cách chính là nội lực tự thân có được khi có trải nghiệm từ quá
trình sống, suy tư, và làm việc, sáng tạo. Khi có được một sự chín chắn của tư
duy, sự vững chắc về kỹ thuật, sự chín muồi về cảm nhận, sự ổn định về tư tưởng
thì phong cách sẽ rõ ràng và thực sự nhất.
Phong cách không phải là luôn đóng khung mình trong một
kiểu tư duy cố hữu hay bám víu vào một hình thức, hay đề tài nhất định, mà
phong cách trong sáng tạo luôn là sự thay đổi. Sáng tạo dựa trên nội lực sẵn có
và phát triển theo khí chất của người nghệ sĩ kết tập được theo dòng thời gian.
Trường phái là một dạng sáng tạo ra một tôn chỉ, một
cách thức hay cách nhìn của người nghệ sĩ trong việc xây dựng tác phẩm cho
mình, trường phái chính là sự sáng tạo mới lạ và duy nhất, không trùng lặp. Nhiều
họa sĩ sáng tạo theo một trường phái từ đó sẽ tạo ra trào lưu và dĩ nhiên công
đầu và sự duy nhất đầu tiên thuộc về người tiên phong tạo ra trường phái đó. Đến
hôm nay thì mọi thứ đã bão hòa, tất cả đã giao thoa chung trong một thế giới phẳng,
dĩ nhiên họa sĩ có thể vẽ theo một trường phái nào đó, hoặc là không, họ cũng
có thể tổng hợp nhiều thứ để làm tác phẩm.
Tôi yêu thích và quý mến nhiều họa sĩ bậc thầy của thế
giới, nhưng tôi nghĩ tôi không ảnh hưởng của ai cả vì tôi không có ý niệm về sự
ảnh hưởng của một cá nhân nào. Tôi vẽ hoàn toàn tự nhiên theo cách nghĩ của
mình, cho nên nếu có ảnh hưởng, thì đó cũng là một sự phát triển tiếp nối của
vô thức tất yếu”.
Triển lãm “Nhạc khúc”
tại Thi
Art Space (Y1 Hồng Lĩnh, phường 15, quận 10, TP.HCM) của họa sĩ Trần Thế Vĩnh đưa ra những trạng
thái bay bổng khác nhau. Xem tranh, công chúng xem 32 bức tranh trừu tượng có
thể phiêu lãng theo một điệu jazz, một điệu bolero, một câu ca cổ hoặc một nốt trầm mới.
Thời gian gần đây, họa
sĩ Trần Thế Vĩnh thường xuyên về lại quê nhà Quảng Trị để được chìm đắm trong vẻ
đẹp thiên nhiên. Vì vậy, không khó để nhận ra, triển lãm “Nhạc khúc” có những
tiết tấu của bình lặng và tự tại, cảnh vật bừng lên sức quyến rũ yên lành mời gọi.
Thuộc thế hệ họa sĩ
không e dè với thị trường mở cửa hội nhập, Trần Thế Vĩnh có cách riêng của mình
để chinh phục giới mộ điệu: “Với tôi, nghệ thuật là liên đới giữa
cá nhân nghệ sĩ và sự vận động của cuộc sống. Sự sáng tạo dựa trên niềm khát
khao sống, cảm nhận và trải nghiệm, hạnh phúc cũng như đau khổ đều là những chất
liệu để hình thành nên sự sáng tạo.
Tôi yêu cuộc sống này và cố gắng hiểu sâu hơn về nó
qua từng ngày, từng nhịp đập của thời gian để tìm kiếm cho mình những giá tri
cuộc sống. Hoặc là những giá trị đó sẽ đến với tôi một cách tự nhiên, khi tôi
chan hòa với nó và bao dung với tất cả. Nghệ thuật của tôi có thể nói là con đường
để tìm kiếm bản ngã và từ đó tìm thấy chính mình”.
NNVN