Nhà thơ, nhà báo Trần Ngọc Châu cho rằng: “Con người bị thúc đẩy mạnh mẽ bởi mong muốn trật tự. Không có gì tệ hơn sự hỗn loạn và vô chính phủ. Những thay đổi về văn hóa này, và sự phá vỡ thường xảy ra đồng thời với hỗn loạn, giống như tình trạng vô chính phủ, khiến mọi người phải tìm kiếm trật tự bằng mọi giá.


Lạm bàn về văn hóa: Tiền bạc chỉ là phương tiện

TRẦN NGỌC CHÂU

Giàu có không phải là tội lỗi; nghèo đói cũng không phải là một đức tính tốt. Nhưng việc theo đuổi sự giàu có và quyền lực ngày nay lan rộng đến mức tạo ra một thứ có thể gây hại cho văn hóa một đất nước - đó là “văn hóa tiền bạc”. Khi một nền văn hóa như vậy phát triển cạnh nhau với việc khoảng cách giàu-nghèo càng nới rộng, sẽ tiềm ẩn nguy cơ phá hủy mọi giá trị đạo đức.Đạo đức là la bàn ý thức của văn hóa, được hình thành bởi đạo đức của từng cá nhân. Không có đạo đức chúng ta không thể nào xây dựng văn hóa, dù có rất nhiều tiền.

Mặc dù người Việt có câu: “Có thực mới vực được đạo”, hay “Phú quý sinh lễ nghĩa”. “Đạo” hay “Lễ nghĩa” bao hàm hành vi văn hóa. Nhưng tiền ở đây (thực và phú quý) cũng chỉ là phương tiện mà thôi.

Đạo đức là la bàn ý thức của văn hóa

Có lẽ những nhà hoạch định chính sách văn hóa quốc gia đang bị lôi cuốn vào cuộc tìm kiếm những con số về văn hóa trông có vẻ “hoành tráng” nhưng vô vọng. Làm sao có thể tính toán được các con số thống kê văn hóa trên thực tế, nếu không muốn tiếp tục vẽ vời cho thành tích? Ví dụ như “công nghiệp văn hóa đóng 7% GDP” Hay “Hằng năm có khoảng 20-30 tác phẩm, công trình văn hóa, văn học nghệ thuật về lịch sử dân tộc, lịch sử đấu tranh cách mạng và công cuộc đổi mới của đất nước”? Chỉ là các con số vô hồn. Tôi đang đọc về một nước nhỏ chỉ có 2 triệu dân là Slovenia với văn hóa thật đặc sắc khi xem văn học là hồn cốt của dân tộc. Chính văn học Slovenia và ngôn ngữ Slovenia đã thống nhất đất nước. Thay vì các vị tướng, các tiểu thuyết gia và nhà thơ mới được tôn vinh. Một sự thật thú vị là một câu trong bài thơ “Mẩu bánh mì nướng” (A Toast) của Preseren, đã được chọn làm lời trong Quốc ca Slovenia sau khi đất nước này tuyên bố độc lập vào năm 1991”

Đối với văn hóa Việt, chúng ta may mắn còn có một Truyện Kiều của Nguyễn Du, nhưng lại quá khiêm tốn so với nền văn hóa vĩ đại với quá nhiều đau thương của chiến tranh và vinh quang của chiến thắng. Ngay cả cụ Nguyễn Du cũng không được “khóc” một cách công bằng, xứng đáng. (Nguyễn Du: “Bất tri tam bách dư niên hậu/Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như”. Chẳng biết ba trăm năm lẻ nữa/Người đời ai khóc Tố Như chăng?)

Ờ Việt Nam chúng ta, nhiều đình miếu cổ xưa đã bị chiến tranh tàn phá, đang được các cộng đồng góp công của phục hồi, nhằm phục hồi văn hóa làng xã Việt Nam. Ví dụ: Hệ thống các “nhà thờ họ” đã bị bom đạn hủy diệt ở Quảng Nam quê tôi, nay đã được tái dựng với hình hài cũ, lại càng tôn kính nét văn hóa “uống nước nhớ nguồn”. Không chỉ ở Quảng Nam, nhiều tỉnh thành, địa phương khác người dân cũng tự phục hồi những giá trị cổ như các trang thờ trước nhà ở vùng nông thôn, biểu hiện văn hóa thờ cúng của dân tộc. Như vậy, không nhất thiết nhà nước phải tốn hàng trăm ngàn tỉ để xây dựng các nhà văn hóa kiểu mới, không có nội dung, rồi bị bỏ hoang, lãng phí tiền thuế của dân.

Báo Dân Trí ngày 7/7/2017 từng đăng tin “600 nhà văn hóa thôn với tổng diện tích hàng trăm nghìn m2 đất tại Hà Tĩnh đang gần như bị phế bỏ. Trong khi đó báo cafeBIZ cũng đăng tin về “về siêu dự án bảo tàng lịch sử quốc gia mới dự tính trị giá nửa tỉ USD (trên 11.000 tỉ đồng) và một nhà hát 5 triệu USD (tương đương 117 tỉ đồng) xây dở dang rồi bỏ hoang …”

Văn hóa hòa bình

Trong trường hợp của tôi, tôi đến từ một thế hệ chiến tranh. Nền tảng văn hóa của tôi chắc chắn không tránh khỏi ảnh hưởng của văn hóa chiến tranh. Năm 1995, lần đầu tiên đến Mỹ sau chiến tranh, gặp một bạn cũ -trong câu chuyện hàn huyên anh gần như “đổ tội” cho chiến tranh là nguyên nhân gây ra các tật xấu của người Việt (như chụp giật, ganh tị, bủn xỉn, ích kỷ, vô kỷ luật…). Chúng tôi chỉ nghe mà không tranh biện. Gần đây, tại một bàn tròn có chủ đề “Đi tìm căn tính hay bản sắc người Việt”, giữa những ý kiến khác nhau, có một ý trùng nhau nhất là : người Việt rất giỏi đánh giặc. Từ 1000 năm, đến 100 năm rồi 20 năm, những cuộc chiến cứ thế hình như rèn cho tính cách người Việt cứng rắn hơn, chống chịu hơn, gan dạ hơn…Xét về văn hóa ( như là một cái gì bao trùm và tồn tại lâu nhất, bền vững nhất, gắn kết cộng đồng nhất) thi các bản sắc đó của người Việt , không phải từ chiến tranh, mà từ khát vọng hòa bình.

Ngày nay, các quốc gia ngày càng phụ thuộc lẫn nhau về mặt kinh tế. Internet, công nghệ đám mây, A.I… dường như đã sẵn sàng để thúc đẩy thông tin liên lạc trên toàn thế giới, giúp con người hiểu nhau hơn. Dường như sẽ có sự hội tụ toàn cầu xung quanh một tập hợp các giá trị phổ quát - tự do, bình đẳng, phẩm giá cá nhân.Người ta có thể gọi đó văn hóa chung nhân loại. Nhưng “khát vọng hòa bình” vẫn là một văn hóa tối thượng để nhân loại tồn tại.

Vào thập niên 70 của thế kỷ trước, khi làn sóng văn hóa Mỹ nhanh chóng tràn ngập các đô thị miền Nam, phản ứng tự vệ khiến thanh niên sinh viên học sinh chúng tôi có ngay các phong trào chống đối văn hóa ngoại lai, và đôi khi cực đoan, đến mức chống lại việc học tiếng Anh. Ngày nay phổ cập tiếng Anh đã trở nên một “sức mạnh mềm” của văn hóa toàn cầu.

Liệu chúng ta có nên dồn tiền hay nguồn lực có thể vào đầu tư cho “sức mạnh mềm”? Tôi vừa đi thăm Hàn Quốc sau 28 năm. Lần đầu tôi đến Hàn Quóc tháng 4/1991 và làm việc ở đó gần một tháng trời, tuy vậy, các cuộc phỏng vấn của tôi chỉ dành cho những nhân vật của Liên Hiệp Quốc, nên không biết gì về Hàn Quốc.

Bây giờ trở lại với một số thông tin sự thành công của “làn sóng Hàn” (Wave of Korea) khiến tôi háo hức. Tác giả Moise Naim của cuốn “The end of power” (Hồi kết của quyền lực) cho rằng hai yếu tố tạo dựng quyền lực mềm của Hàn Quốc là: điện ảnh với cuốn phim “Bản tình ca mùa đông” và âm nhạc với điệu nhảy Gangnam. Các cuộc thăm dò được tổ chức Pew thực hiện gần đây cho thấy quốc gia thành công nhất trên thế giới về sức mạnh mềm là Hàn Quốc. Văn hóa Hàn đã chinh phục thế giới. Liệu các nhà hoạch định chính sách văn hóa của chúng ta có thể đưa ra một lộ trình chi tiết dài hạn cho việc chinh phục thế giới bằng văn hóa Việt? Nếu có, hợp lý và thuyết phục, thì nguồn lực đầu tư sẽ xứng đáng hơn.

Động lực văn hóa

Đầu tiên, con người bị thúc đẩy mạnh mẽ bởi cái được gọi là ham muốn “văn hóa tôn trọng”. Đó là những nhu cầu được nhìn nhận, tôn trọng, đánh giá cao. Nếu bạn tạo cho mọi người ấn tượng rằng họ không được nhìn thấy, không được tôn trọng và không được đánh giá cao, họ sẽ trở nên tức giận, bực bội và bất an. Họ sẽ coi sự thua kém là bất công và phản ứng bằng sự phẫn nộ mạnh mẽ.

Thứ hai, hầu hết mọi người đều có lòng trung thành mạnh mẽ với vị trí và đất nước của họ. Yêu nước là một văn hóa phổ quát nhất của nhân loại. Nhưng trong vài thập kỷ qua, nhiều người cảm thấy vị trí của họ bị bỏ lại phía sau và danh dự quốc gia bị đe dọa. Trong khi đó, văn hóa yêu nước hiện nay vẫn bị thao túng vì chủ nghĩa cực đoan.Các phong trào mang tính dân tộc cao độ đã nổi lên nhằm khẳng định chủ quyền quốc gia và khôi phục niềm tự hào dân tộc. Nhiều người theo chủ nghĩa toàn cầu hóa đã hoàn toàn đánh giá thấp sức mạnh của chủ nghĩa dân tộc trong việc thúc đẩy lịch sử.

Thứ ba, con người bị thúc đẩy bởi những đạo đức gắn bó với các giá trị văn hóa của dân tộc, bởi mong muốn bảo vệ quyết liệt các giá trị của mình khi chúng bị tấn công hay bị đe dọa. Ví dụ: văn hóa “uống nước nhớ nguồn” thể hiện qua thờ cúng của người Việt chúng ta là đạo đức, ai vi phạm là vô đạo đức.

Sau Chiến tranh Lạnh, các giá trị phương Tây thống trị thế giới - thông qua phim ảnh, âm nhạc, đối thoại chính trị, mạng xã hội …. Vấn đề là các giá trị của phương Tây không phải là giá trị của thế giới. Trong cuốn sách “Những người kỳ lạ nhất thế giới”, Joseph Henrich đã tập hợp hàng trăm trang dữ liệu để cho thấy các giá trị văn hóa phương Tây là của riêng Phương Tây, không phải của thế giới.

Các nhà kinh tế học Fernando Ferreira và Joel Waldfogel đã nghiên cứu các bảng xếp hạng âm nhạc phổ biến ở 22 quốc gia từ năm 1960 đến năm 2007. Họ phát hiện ra rằng mọi người có thiên hướng về âm nhạc của đất nước họ và xu hướng này đã tăng lên kể từ cuối những năm 1990. Mọi người không muốn hòa nhập vào một nền văn hóa toàn cầu đồng nhất; họ muốn bảo tồn vốn văn hóa của chính mình. Hiện nay, những ca khúc Việt được ưa thích tự nhiên có thiên hướng ảnh hưởng ca trù, ca Huế, vọng cổ hay dân ca nói chung…

Cứ sau vài năm, Khảo sát Giá trị Thế giới lại đặt câu hỏi cho mọi người trên khắp thế giới về niềm tin đạo đức và văn hóa của họ. Cứ sau vài năm, một số kết quả khảo sát này được tổng hợp thành bản đồ cho thấy các vùng văn hóa khác nhau có mối quan hệ với nhau như thế nào. Năm 1996, khu vực văn hóa Tin Lành Châu Âu và khu vực nói tiếng Anh được gộp chung với các khu vực toàn cầu khác. Các giá trị phương Tây khác với các giá trị được tìm thấy ở Châu Mỹ Latinh hoặc khu vực Á châu ảnh hưởng Nho giáo, nhưng chúng vẫn tiếp giáp nhau.

Nhưng bản đồ văn hóa năm 2020 hoàn toàn khác. Châu Âu theo đạo Tin lành và các khu vực nói tiếng Anh đã trôi dạt khỏi phần còn lại của các nền văn hóa thế giới và giờ đây nhô ra như một bán đảo văn hóa xa lạ nào đó. Nghĩa là như dự báo của nhà tương lai học John Naisbitt trong cuốn “Nghịch lý toàn cầu” xuất bản năm 1996 thì trong thế kỷ 21 các nền văn hóa dân tộc sẽ lên ngôi với những tính cách riêng, chứ không hòa tan vào nhau.

Cuối cùng, con người bị thúc đẩy mạnh mẽ bởi mong muốn trật tự. Không có gì tệ hơn sự hỗn loạn và vô chính phủ. Những thay đổi về văn hóa này, và sự phá vỡ thường xảy ra đồng thời với hỗn loạn, giống như tình trạng vô chính phủ, khiến mọi người phải tìm kiếm trật tự bằng mọi giá. Một sinh viên cao học người Mỹ đến thực tập mùa hè tại thành phố Hồ Chí Minh năm 2007 đã nói với tôi: “Em thấy người Việt ở đây cái gì cũng tốt, trừ một cái là ưa xả rác. Đó có phải là một hiệu ứng khác của văn hóa tự do không, thưa thầy?”. Trong trường hợp này, dường như bản năng tự vệ khiến tôi rất muốn trả lời “không”, nhưng văn hóa trọng sự thật khiến tôi nói “có”.

Chúng ta may mắn được sống trong những xã hội có trật tự dựa trên luật lệ, trong đó quyền cá nhân được bảo vệ. Tuy nhiên, ngày càng nhiều nơi trên đất nước chúng ta văn hóa cá nhân hay quyền riêng tư đã bị méo mó- như tự do xả rác, tự do la hét, tự do mở nhạc, tự do chửi thề, không chấp hành luật đi đường… đến mức như một điểm mù của ý thức dân tộc.

Nếu giả định số tiền lớn 350 ngàn tỉ được thông qua thì chúng ta khả dĩ có thể “mua” được những mặt nổi của văn hóa như:y phục, thực phẩm, ngôn ngữ văn học, âm nhạc, trò chơi, nghi lễ thờ cúng, hội họa, lễ hội; nhưng mặt chìm như: tín ngưỡng, giọng nói, giá trị, xúc cảm, quan niệm thời gian, quan niệm không gian, cạnh tranh, hợp tác và đạo đức- nói chung là tinh anh của văn hóa- thì không thể mua được bằng tiền hay nhiều tiền!

Cái mà chúng ta gọi là “văn hóa Việt ” không phải là một tên gọi dân tộc hay một bàn tròn tri thức, mà đó là những giá trị trường tồn nhất, sau tất cả những gì đã mất đi theo thời gian. Những đặc trưng văn hóa Việt, không chỉ là văn hóa người Kinh, người Tày, người Thái, người H’mong… , người Việt trong nước và người Việt hải ngoại, mà là tất cả kể cả những tinh anh tiếp thu từ bên ngoài. Những tinh anh gọi là văn hóa đó xứng đáng để bảo tồn, phát huy, và chia sẻ,vượt thời gian, vượt không gian. Là vô giá!

Tiền không mua được.