Nghệ sĩ cần sự độc đáo, cần vươn tới sự hoàn thiện về nghệ thuật của riêng mình, song tất cả sẽ là vô nghĩa, nếu như chúng không hướng tới một cái đích cao cả là bênh vực, bảo vệ, cổ vũ con người.


Nhân trường hợp một bộ phim gây ồn ào dư luận

MAI AN NGUYỄN ANH TUẤN

Một học trò cũ của tôi hỏi về phim ĐRPN đang làm dậy sóng dư luận. Tôi bảo: Trên mạng xã hội tràn ngập các bình luận mổ xẻ về phim, nếu quan tâm, bạn nên tìm đọc tìm nghe. Tất nhiên có sự suy xét riêng, có sự đúc kết riêng những điều cần thiết cho nghề nghiệp của mình.

Còn tôi, một người làm phim, đến xem phim ĐRPN với tư cách là một khán giả, và cũng tự rút ra những bài học nghề nghiệp cho bản thân. Có điều, nếu bạn cố tình hỏi tôi về bộ phim trên, tôi chỉ xin nói nhõn một điều thôi, liên quan tới cái mà thiên hạ đang bàn tới nhiều - giúp bạn có thêm một “la bàn” để cảm nhận, đánh giá: Thế thì những phim được gọi là giải trí mà người ta đang đổ xô đi xem, có liên quan gì tới lịch sử một đất nước, tới nền văn hóa của cộng đồng ta đang sống?

Đơn giản thôi bạn. Không có thứ văn chương nghệ thuật giải trí tử tế nào lại xa lạ với những giá trị của Chân - Thiện - Mỹ, là những điều đã/ đang được chưng kết trong Lịch sử và Văn hóa của một dân tộc. Nhìn lại lịch sử điện ảnh thế giới hơn một thế kỷ qua, những bộ phim trở thành kinh điển - kể cả mang tính giải trí cao nhất - cũng đều mang những hàm số giá trị chung, không phân biệt là phim giải trí hay phim nghệ thuật, phim phong tục hay phim lịch sử, phim dựa theo văn học gốc hay phim tác giả.

Bạn thử nhìn qua một vài tên tuổi lớn của điện ảnh của thế giới, có thể nhận thấy điểm chung nhất: tài năng bậc thầy được tôn vinh ở họ chính là cái chủ nghĩa nhân văn được nung lên tới độ cháy bỏng và được thể hiện một cách kỳ lạ trong những hình thức có một không hai.

tôi chỉ muốn lưu ý thêm cái điều hiển nhiên này: người nghệ sĩ cần sự độc đáo, cần vươn tới sự hoàn thiện về nghệ thuật của riêng mình, song tất cả sẽ là vô nghĩa, nếu như chúng không hướng tới một cái đích cao cả là bênh vực, bảo vệ, cổ vũ con người.

Đạo diễn điện ảnh thường được coi là "thầy phù thủy" nắm trong tay biết bao số phận, mảng đời, triết lý, cảm xúc, sắp xếp chúng một cách nghệ thuật nhất, ấn tượng nhất rồi trưng lên màn ảnh khiến người xem trực tiếp khóc, cười, sau đó còn tiếp tục suy ngẫm... Nhưng cũng thực là tai hại nếu người đạo diễn tung ra những "âm binh" làm nhiễu loạn thêm cái cuộc sống vốn đang bị đảo lộn các giá trị, càng nguy hiểm hơn nữa khi người đạo diễn đó có tài!

Thực tế đã cho thấy, những tác phẩm điện ảnh có giá trị và có sức sống lâu bền trong lòng người là những tác phẩm mang nặng những suy tư về cuộc sống, về số phận con người, về giá trị con người trong đời sống xã hội…

Xin nhắc lại đôi ba đạo diễn như thế: Đạo diễn Michelangelo Antonioni, một trong những nhà cách tân sáng giá của điện ảnh Italia giữa thế kỷ trước, trong bộ phim "Sa mạc đỏ" nổi tiếng (năm 1964) đã mổ xẻ một cách thấm thía sự cô đơn trong tâm hồn con người. Sự tách rời giữa tâm hồn và trí tuệ, giữa cá nhân con người với quan hệ ruột thịt và cội rễ gia đình. khi các giai tầng xã hội phân chia sâu sắc và nền văn minh kỹ trị bắt đầu thống trị tất cả. Cùng hàng loạt các phim của ông đều tỏ rõ thái độ bênh vực những con người nghèo khổ bất hạnh, căm thù tội ác và sự thối nát xã hội. Chính thái độ dứt khoát trong cuộc đấu tranh giữa thiện và ác, giữa nhân văn và phi tính người, đã khiến sự nghiệp nghệ thuật của ông chói sáng trong nền điện ảnh thế giới.

Hoặc Ingmar Bergman, đạo diễn Thụy Điển tài ba là người ưa dùng hình thức ngụ ngôn giàu bản sắc vùng Bắc Âu để thể hiện những vấn đề thời đại cấp bách. Trong đó, cấp bách nhất đối với ông chính là phải bảo vệ con người và môi trường sinh thái - văn hóa xung quanh con người, giữa khi tràn ngập chứng ngủ lịm về đạo đức, sự lên ngôi của bản chất giáo điều, thói nhẫn tâm, khi sự dửng dưng nguội lạnh trước thân phận con người được che đậy bằng các thứ mặt nạ. Bộ phim "Fanni và Alekxandr được trao giải Oscar, những nhân vật nhỏ tuổi có tâm hồn đẹp đẽ nhiều mơ ước của ông cuối cùng đã buộc phải chấp nhận cuộc đấu tranh không cân sức với những con quỷ tồn tại trong tâm hồn của tên giáo chủ độc ác Vergơrut để bảo vệ lý trí, nghị lực và những tình cảm tốt đẹp của mình…

Cũng nên nhắc tới "người khổng lồ" của điện ảnh Tây Ban Nha: Louis Bunuel - người được phong danh hiệu "Nhà điện ảnh bậc thầy" tại Liên hoan phim Venise 1969, đoạt giải Oscar phim "Ước muốn mơ hồ" năm 1977. Ông là người đạo diễn luôn luôn bị trục xuất khỏi Tổ quốc mình, nhưng trái tim mãi mãi thuộc về Tây Ban Nha. Trong tất cả tác phẩm, ông đã kiên trì say mê khám phá nội tâm đích thực của nhân vật, chúng mang tính nhân loại nên cũng liên quan đến Tổ quốc đau thương của ông. Đó là những nhân vật mang bản chất khổ đau bởi niềm tin mù quáng, giáo điều, bởi tàn nhẫn và bất công xã hội đã ngăn cản họ làm điều thiện, đã phá hủy nguyên tắc nhân đạo mà họ lựa chọn…

Cuộc đời hoạt động điện ảnh của nghệ sĩ thiên tài Charlie Chaplin chỉ để nhằm chứng tỏ: "Hơn hết thảy mọi điều, đối với tôi, giá trị cao đẹp nhất chính là nhân phẩm con người". Marcel Carné - một chủ soái của trường phái điện ảnh hiện thực lãng mạn Pháp đã tuyên bố hùng hồn: "Bộ phim phải là tấm gương phản ánh thời đại mình". Đạo diễn Palesine Elia Suleiman tâm niệm: "Tôi tin điện ảnh có thể làm cuộc sống của chúng ta ít khó khăn hơn, nếu như mỗi người nghệ sĩ biết tự vấn và biết quan tâm đến số phận con người." Đạo diễn Tây Ban Nha Pedro Almodovar khẳng định: "Tôi tin rằng nếu chúng ta mang hiện thực đặt vào phim thì cũng có nghĩa là chúng ta đang tham gia cải tạo cuộc sống và giúp chúng trở nên tốt đẹp hơn."

Hay trong bộ phim mới nhất “Thiếu tình yêu” của đạo diễn Nga Andrey Zvyagintsev sản xuất năm 2017 đã lên án những kẻ chỉ sống cho bản thân mình, trái tim băng giá trước nỗi khổ đau nhân loại. Họ là sản phẩm của một thời đại khô cạn tình người, trống vắng tình thương, và họ cũng tham gia vào sự sinh sôi nảy nở của “con quái vật tinh thần” thời đại, khủng khiếp chẳng kém quái vật “Leviathan” trong truyền thuyết, mà mọi giá trị cao quý của Con người đều trở thành vật mua bán đổi chác!

Những bộ phim như thế cần biết bao cho cuộc sống!

Bài học thất bại của đạo diễn danh tiếng Pháp René Clair cũng đáng để suy ngẫm: rời xa hiện thực để say mê với những công thức máy móc của tư tưởng thuần túy, ảo tưởng, Ông đã dần đánh mất bầu nhiệt huyết của người nghệ sĩ. Những phim của ông giai đoạn sau cùng mất hẳn đi sức sống và cuốn hút thời trai trẻ nên bị rơi vào quên lãng…