Năm 1988, tập thơ “Ngựa biển” của Hoàng Hưng do Nhà xuất bản Trẻ ấn hành, đã tạo ra những tranh luận trái chiều trong giới sáng tác và giới phê bình. 35 năm đã trôi qua, đời sống văn học đã có nhiều thay đổi, nhưng câu chuyện “Ngựa biển” vẫn còn dư âm.


NGỰA BIỂN – MỘT GIỌNG THƠ LẠ

(Thơ Hoàng Hưng, NXB Trẻ năm 1988)

ĐÔNG LA

Mở đầu cho tập thơ của mình, Hoàng Hưng viết:

Em là con ngựa non thon vó

Giữa rừng người hoang vu

Dường như khi cho xuất hiện một giọng thơ mới, anh đã có một chút e ngại. Đến hôm nay, chúng ta đều thấy sự e ngại của anh có phần đúng, nhưng theo tôi nghĩ, nó cũng không hoàn toàn đúng.

Khi đọc xong tập thơ, tôi có cảm giác hình như Hoàng Hưng không chú ý lắm đến vấn đề viết về cái gì, điều mà mọi người viết đều quan tâm đầu tiên mỗi khi ngồi trước một trang giấy, mà anh chú ý nhiều hơn đến việc thể hiện cái tôi của mình trong thơ. Đó chính là sự tìm kiếm, sự phát hiện trong cõi tâm linh của mình những dấu ấn, những hình ảnh về tình yêu, tình bạn và về thế giới khách quan.

Vì lẽ đó, nếu chỉ dựa trên những thước đo, những tiêu chuẩn cứng nhắc đã có sẵn, người đọc chắc chắn sẽ bị "dội" khi tiếp xúc với Ngựa biển. Hơn thế nữa, nếu chỉ coi thơ nghệ thuật vị nhân sinh, chỉ là thơ làm phân xanh, thơ bắn súng trước đây và thơ nuôi tôm, thơ mây tre lá xuất khẩu ngày nay, thì dễ cho thơ Hoàng Hưng chỉ là thứ thơ vô bổ, nhảm nhí. Thế nhưng, khi xã hội càng văn minh thì sự thưởng thức cái đẹp, thưởng thức nghệ thuật của con người lại càng đa dạng, càng tinh tế hơn. Người ta không chỉ thích những gì có nội dung cụ thể mà còn thích cả những vẻ đẹp đơn thuần, những vẻ đẹp trừu tượng mà theo logic của đời thường thì không có ý nghĩa.

Những bức tranh về chiếc cầu, hoa hướng dương, hoa diên vĩ của Van Gogh, ngoài các vật thể được thể hiện, chúng cũng chẳng chứa đựng một "nội dung" cụ thể nào cả, song chúng vẫn được bán với những giá khủng khiếp.

Bông hồng nở mỗi buổi sáng, nếu không có những gán ghép ý tưởng của những bộ óc tưởng tượng quá phong phú, nó cũng chẳng nở thêm một nội dung nào cả, nhưng con người, có lẽ chỉ có những ai không bình thường mới nó là xấu.

Với những ý nghĩ trên đây, tôi đã không thờ ơ, không vội chối bỏ thơ anh. Mà tôi lại trân trọng anh ở chỗ, trong thời điểm mà sách vụ án, sách tình yêu dung tục (những thể loại đều có nội dung ghê gớm) tràn ngập, về thơ thì kể từ thơ của các tác giả tên tuổi đến các tác giả trẻ đã được xã hội công nhận là tài hoa đều ế ẩm; mà anh lại dám đưa ra một dạng thơ không có những "nội dung" như nhiều người quen chờ đợi. Tôi hiểu anh là một người có bản lĩnh và tự tin nhiều lắm.

Đi cụ thể vào tập thơ, tôi thấy bao trùm lên toàn bộ đó là cái tứ về biển. Trong hành trình từ tồn tại khách quan đến tâm thức và cuối cùng là tỉnh thức, Hoàng Hưng phát hiện trong đó có những liên tưởng giữa tình cảm của mình với biển. Ở chùm không đề đầu tiên, anh viết ở vùng gần tâm thức hơn nên ý tưởng của anh khá rành mạch. Anh sử dụng hình tượng biển để diễn tả chủ thể tình yêu: Em mới hiểu rằng, em là biển”. Rồi: Anh mới hiểu chính em là biển (trang 13)

Anh cũng sử dụng những thuộc tính của biển để diễn tả cảm xúc:

Những bắp thịt săn của sóng

Đánh vào ta nồng nàn (trang 13)

Có lẽ nào một tâm hồn nhạy cảm với thơ lại không bị "làm bàn" bởi "cú sút" rất động và rất giầu hình ảnh này.

Trong khúc hai của chùm này, anh lại sử dụng biển để diễn tả tâm trạng:

Em ơi đừng mặc áo vàng

....

Biển động, sóng trào dữ dội

Rồi:

Em ơi đừng mặc áo đỏ tươi

...

Sóng đổ nhào, biển động mãi không thôi (trang 15)

Sang chùm “Người yêu miệt biển”, thơ Hoàng Hưng chuyển gần hơn một chút đến vùng linh thức. Linh thức là vùng hoạt động không rành mạch, không tuân theo một logic nào của tư duy con người. Vì vậy, văn bản hóa tình cảm ở vùng không rành mạch, không logic này tất yếu dẫn đến chuyện không rõ ràng, khiến người đọc, nếu tiếp xúc bằng tư duy logic, sẽ khó hiểu.

Giữa ý tưởng và cách thể hiện có một khoảng cách, trong liên tưởng có những bước chuyển đột ngột, Hoàng Hưng viết:

Em bỗng chín đỏ như trái cây chạm mặt trời mùa hạ

Trái cây hoang dã

Vùng biển sâu (đoạn 2, trang 17)

Rồi:

Mùa trái cây tàn rồi

Đất trời mưng mưng nước

Mênh mang vườn mưa

Bao giờ đến được

Lung linh trái mặt trời

Tiếng cười trong khóm lá

(đoạn 7, trang 24)

Thoạt đọc thì có vẻ khó hiểu, nhưng đọc toàn bài, ngẫm nghĩ Một chút, ta vẫn có thể biết được rằng tác giả muốn diễn đạt những khao khát của tình yêu, những ước vọng khôn cùng, không sao đạt được.

Ngay trong hội họa, có lẽ sau thời Phục Hưng xa xăm, không còn một họa sĩ hiện đại nào lại vẽ cơ thể con người chính xác như những bức truyền thần, mà những đường nét cũng đều chệch khỏi, đều bị nhòe so với nét chuẩn. Và kỳ lạ thay, bằng những sự bất thường ấy, người nghệ sĩ lại thể hiện được cái tôi nhiều nhất. Tôi đã xao động vô cùng khi được xem những bức ảnh của trang Van Gốc, các vật thể được hòa tan vào trong nhau, trong các nét vẽ lăn tăn lăn tăn, trong một cõi u mê huyền diệu của tình cảm ngoài họa sĩ. Dường như trên tranh không còn cảnh vật nữa mà chính là cái tôi của Van Gốc được tan ra, được trát lên mặt phẳng.

Trở lại chùm “Người yêu miệt biển” của Hoàng Hưng, thực ra nó có không ít những đoạn thơ cụ thể mà chẳng khó khăn gì khi cảm chúng.

Anh diễn tả cái mong manh của tình yêu:

Lưới thu đóng bạc mình thu em ơi

Mắt em nhìn ta qua lưới thưa

Xa lạ như là con mắt cá

Sắp quẫy vào lòng biển sâu

Hoặc sự gặp gỡ của đôi tình nhân

Anh trao anh rối rắm

Vào ngón tay em

Em không gỡ...

Sang phần “Thơ cho bạn bè”, Hoàng Hưng cũng giữ một lối viết như phần “Thơ tình”. Nếu trong đời thực ta có quen biết các nhân vật mà anh đề tặng, ta sẽ thấy thơ anh là có lý.

Riêng phần ba của Ngựa biển, phần “Thơ vụt hiện”, phần mà mọi người thấy lạ lùng nhất. Ở đây, Hoàng Hưng đã đẩy sự tìm kiếm của mình vào trong trong vòng linh thức. Logic thực đã hòa toàn bị xóa bỏ. Nếu lấy tiêu chuẩn hiện thực thô sơ để xem xét thì phần này hoàn toàn vô nghĩa. Thế nhưng, nếu ta đọc kỹ một chút ta vẫn nhận thấy những mảnh của tồn tại khách quan hiện ra trong linh thức của anh. Ta vẫn có thể thấy được anh muốn thể hiện linh cảm, linh giác của mình về tình yêu, về biển, về buổi sáng phố xá, về những trang viết và về cái cô đơn...



Bên cạnh những điều đã trình bầy trên đây, người viết bài này cũng muốn được bàn bạc thêm về một số điều mà các tác giả khác đã viết về Ngựa biển.

Thứ nhất, nếu ai đó, hoặc một số người nào đó thấy Ngựa biển là khó hiểu đã vội phủ nhận là vô lý. Vì trong độc giả không phải tất cả đều thấy vậy. Nếu vậy, hóa ra trong cuộc sống, cứ gặp một việc khó khăn nào là ta không làm vì nó khó.

Thứ hai, nếu cho những chữ khe, lông, giao hợp của Hoàng Hưng là tục tĩu thì chúng ta lạc hậu hơn Hồ Xuân Hương và hội họa nhiều quá. Hơn nữa, Hoàng Hưng lại viết một cách rất khách quan, không một ý đồ kích dục tục tĩu nào.

Về bài viết của Lê Quang Trang đăng trên báo Nhân Dân gần đây, tôi rất trân trọng bởi lẽ thái độ rất thiện chí của anh khi viết về một tác phẩm mà anh không thích. Thế nhưng, về một số quan điểm của anh thì tôi không đồng ý.

Thứ nhất, anh cho thơ Hoàng Hưng là thứ thơ tắc tị là không đúng. Thơ tắc tị ngày trước là một loại thơ trò chơi, loại thơ thách đố độc giả. Họ muốn diễn tả những cái cụ thể bằng những cách không cụ thể. Còn Hoàng Hưng thì đơn thuần chỉ muốn thể hiện tình cảm của mình ở các tầng khác nhau của nhận thức. Theo tôi nghĩ, cái khó hiểu không phải là một điều xấu mà nó chính là nét duyên dáng đối với những bộ óc thông minh.

Thứ hai, nếu anh Lê Quang Trang thấy thơ Hoàng Hưng không hay, anh không cảm được, thì anh cũng chỉ nên phát biểu ý kiến đại diện cho một mình mình, không nên cho ý kiến của mình là bạn đọc, rồi mọi người. Tôi nghĩ cái thời mà cả nước ta chỉ có vài trí thức đã lùi xa lâu rồi, người đọc bây giờ đủ thông minh để tự đọc, không cầu người khác giải thích hay đọc hộ nữa.

Cái thứ ba là về khuynh hướng thơ. Rõ ràng, ai cũng nói sự sáng tạo là không cùng, là chưa định trước, nếu đã có những hướng đúng, những mẫu mực, thì có lẽ việc sáng tạo không còn ý nghĩa nữa.

Riêng về thơ Hoàng Hưng, anh Lê Quang Trang thấy không hay thì chỉ có thể nói được cái anh mới tìm là chưa hay, chứ không thể nói là không đúng. Vì thơ Hoàng Hưng hoàn toàn không phải là thứ thơ kích động bạo lực, kích động tình dục bẩn thỉu, thơ phản động chống Đảng, hoặc là thứ thơ mà, khi người ta đọc xong, người ta thấy bế tắc phải đi tự sát.

Ngay về tính dân tộc trong nghệ thuật, tôi không hiểu sao người ta hay cho những cái đều đều, hiền hiền, nhè nhẹ là tính dân tộc. Trong khi đó xã hội ta bây giờ cũng thấy là một xã hội của khoa học kỹ thuật, của công nghiệp, của kinh doanh... Có lẽ chính vì lẽ đó, người ta hay bị dội khi gặp một tác phẩm lạ. Khi gặp những câu thơ mà người viết muốn đẩy cảm xúc những liên tưởng của mình đến cùng tận, người ta dễ cho là bí hiểm, và đầu óc nông dân cũng hay đánh đồng những câu thơ lớn với lối nói đại ngôn rỗng tuếch.

Riêng tôi, với tư cách là một người viết trẻ, tôi yêu mến tất cả thơ làm ở các dạng, ở các lĩnh vực, nếu tôi thấy hay. Tôi trân trọng tất cả những câu thơ, dù chưa hay, nhưng chúng là sản phẩm đích thực của một sự lao động nghiêm túc, sự trăn trở sáng tạo, nó còn hơn vạn lần những câu thơ "cùng quy cách", sản phẩm của sự cùn mòn và những trí tuệ lười biếng.

Tôi cũng rất khát khao cánh cửa đổi mới của sự nghiệp sáng tác sẽ mãi mãi rộng mở. Văn học nghệ thuật là lĩnh vực sáng tạo về cuộc sống của con người, nên tất cả những gì phản ánh về con người cũng đều được chấp nhận. Cánh cửa ấy chỉ ngăn lại những tác phẩm xấu xa, những tác phẩm thù địch, những tác phẩm kích động bạo lực, kích dục tục tĩu bẩn thỉu... mà thôi.

Cánh cửa ấy sẽ rộng mở, sẽ chú ý một cách sâu sắc đối với những khám phá mới lạ, ngay cả với những tác phẩm viết về những gì còn chưa tốt đẹp ở xã hội ta, những lưỡi dao mổ đầy trách nhiệm, dù rằng vết mổ ấy có đớn đau đến mấy.

                                  TP Hồ Chí Minh, 9-1988