Trong phim “The Vietnam War” có khá nhiều người Việt Nam, cả hai phía, tham gia tiếng nói của mình. Có những tiếng nói mô tả, nhận xét khách quan, trung thực. Bên cạnh đó có những tiếng nói lạc lõng, sai vần, lạc điệu.

HỘI CHỨNG PHI LÝ

TRẦN MÃ THƯỢNG

 

Người ta không ngạc nhiên lắm về mục đích ra đời của bộ phim “The Vietnam War” sản xuất năm 2017. Đây có thể là bộ phim khép góc về cuộc chiến tranh của Mỹ tại Việt Nam và cũng là bộ phim để đời về cuộc chiến tranh này chứ không phải là bộ phim giải trí. Họ muốn lái nhận thức theo cách của họ. Họ muốn mọi người hiểu như vậy.

Có một điều đặt ra là bao giờ Việt Nam có những bộ phim như vậy hay mãi mãi đi vào quên lãng? Hoặc cho đến thế hệ nào đó sẽ làm và tính nguyên bản của nó có còn được giữ hay không? Hay cuối cùng lại nhờ vào bộ phim này để hiểu về cuộc chiến tranh này? Nếu như vậy thì sẽ hỏng nhiều thứ!

Tại sao?

Trong phim có khá nhiều người Việt Nam, cả hai phía, tham gia tiếng nói của mình. Có những tiếng nói mô tả, nhận xét khách quan, trung thực. Bên cạnh đó có những tiếng nói lạc lõng, sai vần, lạc điệu. Nó làm biến dạng, méo mó sự thật và tạo ra nhận thức mơ hồ về cuộc chiến tranh. Nó góp sức vào việc lái nhận thức cho đồng điệu mục đích của bộ phim. Trong nhiều ý kiến đó, xin đơn cử một trường hợp để thử trao đổi lại. Đó là những ý kiến của nhà văn Nguyên Ngọc. Ông Ngọc nói gì trong phim?

Một,

Ông khuyến nghị nên định nghĩa lại cuộc chiến tranh chống Mỹ và đặt câu hỏi cuộc kháng chiến ấy đem lại gì cho đất nước? Ông quả quyết rằng chính cuộc chiến ấy tàn phá vật chất, tinh thần của con người Việt Nam và chính cuộc chiến ấy đã làm phá nát xã hội Việt Nam, chia rẽ dân tộc kinh khủng.

Ông cũng đồng tình với nhà văn Bảo Ninh cho rằng càng về sau của cuộc chiến tranh mang sắc thái của "huynh đệ tương tàn". Ông còn gán cho cuộc chiến ấy với tên gọi: Cuộc chiến ý thức hệ! Ông cũng cho rằng lẽ ra không cần làm cuộc chiến tranh tổn hao nhiều xương máu như vậy mà phải là cách khác, con đường khác ...

Chắc chỉ cần nhắc lại chừng ấy ý tứ của ông thôi cũng đã không đủ giấy mực và thời gian luận bàn rồi, do vậy thấy không cần phải dẫn chứng gì thêm.

Vậy có nghĩa là ông giúp người Mỹ lấp liếm và xóa dấu vết bản chất cuộc kháng chiến này? Thử hỏi: Tổng thống Ngô Đình Diệm không bị sát hại và quân đội Mỹ không có mặt tại Việt Nam thì điều gì sẽ xảy ra và chắc có cuộc chiến này không? Ai áp đặt và bày ra cuộc chiến nếu không phải là người Mỹ? Không có Mỹ tại Việt Nam thì khẳng định không bao giờ có cuộc kháng chiến chống Mỹ!

Dù cho hồi kết của cuộc chiến không còn lính Mỹ trực tiếp chiến đấu ngoài mặt trận, nhưng vai trò Mỹ vẫn còn nguyên vẹn, thì không thể nói đây cuộc chiến "huynh đệ tương tàn". Bàn cờ tướng dù cho nó tàn cuộc thì người ta cũng gọi là cờ tướng chứ không thể gọi là cờ cá ngựa được. Lẽ nào ông không hiểu?

Không cần đổ máu nhiều như vậy? Ông muốn nói điều gì? Ông muốn nói đến cộng sản Việt nam hiếu chiến và hiếu thắng? Hay ông muốn nói đến nước Đức? Vậy ông thấy gì ở Triều Tiên?

Hai,

Sự tổn hao nhiều sinh mạng như vậy, lẽ ra ông thấy phải càng căm thù giặc mới phải. Quận đội Mỹ đã ném bom vô tội vạ xuống các đô thị đông dân một cách tàn bạo. Họ muốn ném bom đốt cháy cả dãy Trường Sơn. Họ miệt mài làm điều đó ngày đêm. Họ cày nát khu 4, làm cho mặt đất nơi ấy thành những hố bom đìa... thì làm sao mà không tổn hao sinh mạng. Lấy hành động dã man của một bên để đổ tội cho một bên, ông cho là mình đúng sao?

Trong trận Bình Giã, bốn lính Mỹ tử trận do trực thăng bị bắn hạ. Họ lệnh cho lính VNCH xông vào lửa đạn để lấy xác. Trong khi lôi được bốn cái xác Mỹ ra thì lính VNCH từ hai mươi sáu người chỉ còn lại mười một người. Có hao quân không? Tại sao phải hao như vậy? Điều gì gây ra cái hao đó? Trong khi họ chỉ lấy xác lính Mỹ mang đi, còn xác lính VNCH thì bỏ lại. Thậm chí sĩ quan Toàn chỉ bị thương họ cũng bỏ lại. Ba ngày sau viên sĩ quan này mới lết về tới Bình Giã. Ông nghĩ gì về tình tiết này? Ông không nên làm người biện hộ cho quân Mỹ!

Một lý lẽ mang tính khái quát hơn, ông cần hiểu thế này: Những gì đã xuất hiện và tồn tại đều có lý lẽ của nó. Những gì vô lý nó sẽ không xảy ra. Người ta không nên dùng chữ nếu. Đó chẳng qua là không tiêu hóa được quá khứ và lịch sử mà thôi.

Giá như chỉ nán lại thêm một phút và nói thêm một câu nữa thôi thì đôi trai gái đâu phải ngàn trùng cách biệt! Nếu đừng lỡ lời nói câu chạnh lòng thì đâu phải vĩnh viễn xa nhau... Những chữ nếu và giá như, giá mà ấy đầy rẫy trong cuộc sống. Thực ra người ta không thể định đoạt mọi thứ mà nó còn do nhiều thứ khác nằm bên ngoài bản thân họ.

Cuộc chiến tranh này cũng là như vậy. Hoàn cảnh hay tình thế; lòng dân; bản thân người trong cuộc và kẻ đối diện là ba thứ liên kết mang tính biện chứng quy ước mà người ta không thể làm khác đi được.

Ở một chỗ khác ông nhắc tới Phan Chu Trinh, theo ông đó là một con người sâu sắc và thấu đáo và ngay tới bây giờ ông vẫn đeo đuổi và tôn thờ tư tưởng đấu tranh không bạo lực. Ông hiểu vì sao Phan Chu Trinh thất bại? Ai làm cho ông ấy thất bại? Chính lòng dân làm hỏng thuyết đấu tranh của ông ấy. Chính lòng căm thù giặc mà họ không thể đi theo học thuyết đó. Nó không hợp cách và hoàn cảnh. Rất tiếc ông không nhận ra điều đó mà ngược lại ông vẫn còn ôm ấp điều đó trong long, như bức tượng hóa đá mà ông vẫn coi là người tình lý tưởng.

Ba,

Thế nào là chia rẽ dân tộc kinh khủng và thế nào là cuộc chiến ý thức hệ làm cho xã hội xé nát?

Hậu quả cuộc chiến làm cho hàng triệu người ra đi? Ông thử cho biết có bao nhiêu lý do mà người ta rời xứ sở ra đi? Ý thức hệ ư? Đó là một xét đoán sai! Họ có hàng trăm lý do ra đi ông ạ! Ông có tin rằng tất cả những người xa xứ hoàn toàn hài lòng về sự ra đi của mình hay những người ở lại thấy mình sai lầm?

Ông nên hiểu rằng, bản chất cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ là hai cuộc chiến đấu tranh chống quân xâm lược, là cuộc kháng chiến của lòng yêu nước, thương nòi. Họ chưa có ý thức hệ rõ ràng, sâu sắc. Ý thức hệ chỉ là màu cờ, sắc áo; là phương pháp tổ chức và đấu tranh.

Ngay cả thức hệ cộng sản, ông có luân lý nào cho nó là tồi tệ? Ông có biết sinh viên Mỹ ngày nay nghiên cứu Tư bản luận của Các-Mác ngày càng nhiều? Những loại sách tương tự được phát hành và bán ngày càng chạy hơn chính ở Mỹ? Ông cho biết trên thế giới, ai là người đã đánh đổ và thay thế được vtrí của Các-Mác? Ông có đủ kiến thức và năng lực thực tiễn để thẩm định và phán xét nó?

Chủ nghĩa cộng sản tồn tại trong một thế giới đan xen; tương quan lực lượng và sự biến đổi giai cấp trong quá trình phát triển, tiến bộ xã hội đòi hỏi từ tư duy cho đến hành động mới m hơn mà không phải ai cũng có thể thấu suốt, nếu họ không phải là người có vai trò lãnh đạo xã hội. Phán xét của những người ngoại biên không thể coi là chân lý được.

Chưa có một sắc thái ý thức hệ nào ở đây c. Có chăng chỉ là sự bất mãn. Trong khi đó bất mãn cũng rất nhiều loại rồi. Bất mãn do bị ra rìa; bất mãn khi không được thỏa mãn cái tôi; bất mãn do độ chênh của nhận thức... Đừng đẩy nó lên thành ý thức hệ cao siêu. Vậy ông thuộc hệ ý thức nào?

Bốn,

Người ta không khỏi ngạc nhiên khi thấy một người cắt máu ăn thề với kháng chiến, đặc biệt là gắn bó sâu sắc với nổi đau, sự gian khổ và tấm lòng vô bến bờ của người dân đối với cách mạng như ông, mà lại không thấm thía về thành quả của dân tộc mà ngược lại ông hằn học với nó, đòi xét lại nó?

Như đã nói, cái gì đã xuất hiện và tồn tại đều có lý do của nó, Ông cũng không phải là trường hợp ngoại lệ. Chắc chắn là có lý do của nó. Vậy lý do của ông là gì?

Ông còn nhớ, sau tác phẩm đầu tay "Đất nước đứng lên" ông viết theo đơn đặt hàng tìm ra hình tượng anh hùng. Ông đã hoàn thành tác phẩm trong trại sáng tác khi ra Hà Nội. Tác phẩm của ông gãi đúng chỗ ngứa và được giải thưởng. Nhưng ngay sau đó ông viết "Mạch nước ngầm". Một tác phẩm mà theo ông, nếu không kịp vọt lẹ vào chiến trường (1962) thì ông sẽ gặp lôi thôi, thậm chí vô tù như một số đồng nghiệp từ đó. Tại sao?

Ông bị xô đẩy vào vòng xoáy được cho là xét lại của Liên bang Xô Viết dưới thời lãnh đạo mới sau Stalin, đó Khruschyos. Đó còn là câu chuyện dài. Có điều, hoàn cảnh đó đặt Việt Nam lần thứ hai như cái rổ trứng nằm giữa hai mặt của cái cối đá. Việt Nam phải khôn khéo để giữ được lập trường và mục tiêu kháng chiến mà không bị chi phối và lung lạc bởi sự biến đổi của ngoại cảnh.

Trước một Liên Xô biến động, trước một cuộc chiến tranh lạnh thầm lặng giữa Trung Quốc và Liên Xô, Việt Nam phải biết và phải rất biết.

Có những cái biết mà người ta để hành động chứ không phải để rao giảng. Trần Đĩnh trong tác phẩm "Đèn Cù" cũng như ông đều cho rằng sự phân hóa đã xảy ra trong lãnh đạo Việt Nam, coi vai trò lãnh tụ Hồ Chí Minh đã chấm dứt. Nếu ông Lê Duẩn được trao nhiệm vụ giương cao ngọn cờ "Ba dòng thác cách mạng" gãi trúng chỗ ngứa của anh ba Trung Quốc thì sau triều đại Khruschyos, Brezhnev sang Việt Nam thì ai nghênh tiếp nếu không phải là Hồ Chí Minh? Nhờ những hiểu biết đó mà rổ trứng Việt Nam không bị nghiền nát, sự nghiệp kháng chiến vẫn hoàn thành. Câu chuyện này còn lâu mới được giải mã.

Ông cho rằng Tướng Võ Nguyên Giáp là người chủ hòa, Lê Duẩn là người chủ chiến, thậm chí là hiếu chiến thì cớ gì đại tướng kháy ông về tác phm mà ông cố súy trao giải thưởng - "Nỗi buồn chiến tranh" của Bảo Ninh? Có thể tác phẩm đó không có vấn đề gì nếu nó không xuất bản sai về thời gian. Nhân vật Kiên ông thấy có gì đối lập với Đặng Thùy Trâm và hàng loạt nhật ký khác mà người Mỹ lưu giữ? Chính những nhật ký đó mới làm nên sự khâm phục của kẻ thù đối với quân đội Việt Nam. Tướng Giáp không bao giờ là người chủ hòa. Sự nhầm lẫn của các ông mà sinh ra những điều tồi tệ không chỉ cho chính bản thân mình.

Kết thúc chiến tranh, với tư cách là người chết sống ở chiến trường, người ta tin vào thực tiễn oanh liệt và giàu nhựa sống kháng chiến mà muốn giao cho ông những trọng trách. Người ta gát qua chuyện cũ. Ấy thế mà từ Tố Hữu cho đến Chế Lan Viên đều dị ứng quan điểm và lối tư duy của ông, để rồi ông phải nếm vị đắng. Tất cả những điều đó có gì lôgic với nhau về ông không? Chắc chắn là không thể không!

Năm,

Ông mê văn học lãng mạn Pháp và cách viết tự do, thích gì viết nấy của nhóm Tự lực Văn đoàn. Thực ra cũng không có gì sai đúng ở đây, nhưng có hợp cách hay không còn là một vấn đề cần lý giải.

Trong một tác phẩm nghệ thuật, đặc biệt là điêu khắc, người ta hay nhắc đến cái hồn. Nếu tác phẩm vô hồn thì có đáng để thưởng lãm hay không? Chắc chắn trong nghệ thuật và văn chương không thể thiếu cái hồn của tác phẩm. Cái hồn đó là thần thái của con người, là tác giả.

Tác giả lớn bao giờ cũng truyền đạt một thông điệp nào đó đến mọi người thông qua tác phẩm của mình. Nó là mục đích, ý nghĩa của văn hóa và nghệ thuật. Không có tác phẩm nào viết bâng quơ, nói trời trăng mây nước mông lung mà để lại cảm xúc và dấu ấn sâu sắc trong con người chứ chưa thể nói có thể làm thay đổi nhận thức con người hay đấu tranh cho sự tích cực xã hội. Điều mà nhà văn Hải Triều tranh luận gay gắt với nhóm Tự lực Văn đoàn trong một thời gian dài.

Nhà văn có quyền đi theo mạch sáng tác đúng năng lực sở trường của mình, giới thiệu khả năng thiên bẩm của mình và ca ngợi cái đẹp mà mình cảm nhận, nhưng nhà văn cũng như những người làm nghệ thuật không thể lách mình ra khỏi dòng chảy của xã hội, không thể thoát ly, đứng tách mình ra khỏi sự quan tâm, nhu cầu và sự mong mỏi của cuộc sống con người. Đặc biệt càng không thể lạc lõng và vô duyên. Nếu ai đó ca hát giật gân, giỡn cười bỡn cợt trước một đám ma mặc dù họ hát, họ nhảy rất hay thì họ đáng được tán thưởng hay phê phán? Không hợp cách còn là một lý do để người ta chê trách và không đồng tình nhau. Đó còn là nhận thức. Ông bị mắc kẹt ở chỗ này.

Cái mắc kẹt của ông còn thể hiện qua nhãn quan và tư duy. Khi tiếp cận với tội ác của Pol Pot, ông nhận thấy chế độ cộng sản là đáng nghi ngờ và nguyền rủa. Sao ông không coi đó là một quái thai, một bạo chúa thế kỷ mà lại đem lòng hoài nghi về chủ nghĩa cộng sản? Không lẽ nói ông là con người thơ ngây và dễ tin?

Tương tự, trong chuyên đề "Phát triển bền vững ở Tây Nguyên" do ông viết cũng như những lần trình bày với một số lãnh đạo Chính phủ, với tư cách là người hoạt động lâu ở Tây Nguyên, ông đều đưa ra đề xuất là lập lại Già Làng, coi đó là linh hồn của đời sống và bản sắc của đồng bào Tây Nguyên.

Ông quên mất một điều: Đơn vị xã hội thời pháp thuộc đối với Tây Nguyên là Làng. Làng do Già Làng cai quản. Công cụ cai quản dân làng của Già Làng là hương ước, tục lệ. Họ chỉ quan tâm đến Già làng. Trong khi đó, đơn vị xã hội ngày nay là công dân, mọi người bình đẳng trước pháp luật. Vậy thì việc khôi phục lại Già Làng có ý nghĩa gì, nhất là không giao kèm cho ông ta công cụ quản lý và điều hành dân làng?

Già Làng trong bối cảnh xã hội hiện nay là một nấc trung gian mà đầu không đụng trời, chân không đụng đất. Nó treo lơ lửng một rắc rối tiềm ẩn. Thế mà vẫn có người tin nhưng vẫn có người nghi ngờ. Còn ông thì tin chắc đó là ý nghĩ đúng! Một lần nữa, có thể nói ông dung nạp mọi thứ theo trực giác và ấn tượng riêng tư nhiều hơn.

Chính vì lẽ đó mà ông đi hết từ mắc kẹt này đến mắc kẹt khác. Người ta nói đến Thiên, Địa, Nhân nhưng ít người để tâm đến Thiên phải đắc nhất, Địa phải đắc ninh, Nhân phải đắc thần. Lý giải những cái đắc này có nhiều nghĩa nhưng tựu trung là: Thiên không đắc nhất - trái với quy luật, ngược với nhận thức cần có. Địa không đắc ninh thì không hợp lẽ sinh tồn, khó mà phát triển hợp tự nhiên, gây ra xáo trộn. Nhân không đắc thần thì thiếu tri, dễ làm điều không hợp đạo, dễ gây ra bấn loạn. Không đắc sẽ gây ra nghịch lý, đó là phi lý. Nhận thức phi lý là hội chứng tiêu cực của con người.

Ông là một trong những người mắc phải hội chứng đó.


Nguồn: Facebook Trần Mã Thượng