Nhà văn Đào Hiếu nhận định: “Dù cuốn sách nổi tiếng cỡ nào thì cũng chỉ những người yêu văn chương chữ nghĩa may ra mới đọc hết tác phẩm và thưởng thức nó trọn vẹn, còn lại thì cũng chỉ đọc vài trang đầu, vài trang giữa rồi thì là mấy trang cuối sách là xong.


DANH TIẾNG PHÙ DU

ĐÀO HIẾU

Một chàng thi sĩ, đẹp trai, có địa vị xã hội, có đời sống khá giả, đương nhiên là phải kén chọn. Mê gái thì chàng cũng chẳng kém ai, nhưng tuy bồ bịch nhiều mà chẳng chọn được cô nào làm vợ.

Có người phụ nữ kia góa chồng nhưng còn trẻ, nhan sắc cũng tạm được. Ngày nọ hai người gặp nhau qua trung gian của tôi, một cách tình cờ.

Trong một căn phòng cà phê máy lạnh khá yên tĩnh, chàng thi sĩ khoe mình mới xuất bản tập thơ. Anh ta đọc thử vài bài, cô bạn lắng nghe, sau đó ngỏ ý xin một tập.

Vài tuần sau, ba người chúng tôi lại có dịp ngồi cà phê với nhau. Anh chàng thăm dò xem cô gái có đọc tập thơ của mình không. Cô cười, nói:

-Tất nhiên là em có đọc. Nhưng anh có muốn nghe thơ của em không?

-Cô cũng làm thơ sao? Vậy hãy đọc cho tôi nghe đi.

Cô gái đọc. Cô không ngâm như kiểu người ta trình diễn trên tivi với sáo trúc, đàn tranh, mà chỉ đọc bằng giọng tự nhiên của mình. Giọng cô không hay lắm, và cách diễn đạt cũng bình thường, nhưng anh chàng nghe mê mẩn, như bị hút hồn.

Các bạn biết vì sao không?

Vì đó chính là thơ của anh ta, những bài đã in trong tập mà anh đã tặng cô hôm trước. Và cô đã học thuộc lòng từng chữ.

Hai năm sau, do bận công việc làm ăn phải đi xa, tôi không gặp cô bạn nọ, cũng không gặp anh chàng kén vợ ngày trước. Tình cờ một hôm gặp lại hắn ngoài phố, hắn chạy chiếc xe máy mới tinh, trước xe chở một đứa bé kháu khỉnh.

-Ủa, có gia đình rồi sao?

-Con trai của mình đó. Cháu được mười một tháng.

-Chúc mừng. Mẹ cháu cũng là dân Sài Gòn hả?

Anh bạn cười, có vẻ chế diễu:

-Trời ơi, ông mai mà hỏi han ngớ ngẩn vậy sao?

Cuộc tình duyên ấy thật bất ngờ. Anh chàng nổi tiếng kén vợ và rất “chảnh” kia rốt cuộc đã tìm được ý trung nhân. Và đó chính là cô gái đã học thuộc lòng tác phẩm của chàng ta.

*

Đối với một người sáng tác, độc giả rất quan trọng. Độc giả thuộc loại “ruột” như cô bạn nọ càng quý báu. Một nhà văn có nhiều độc giả, nhiều “fan” thật hạnh phúc biết chừng nào.

Tôi may mắn được lọt vào “top” những nhà văn “có độc giả” tại Việt Nam nên tôi cũng từng được hưởng niềm hạnh phúc ấy.

Có người gặp tôi xin số điện thoại và nói huyên thuyên về các nhân vật mà anh ta thích, về những chi tiết mà anh ta tâm đắc. Nhiều khi họ nhắc đến những chi tiết rất nhỏ trong truyện mà chính tôi, tuy là tác giã, đã quên mất.

Những buổi gặp gỡ như vậy làm mình trẻ lại, làm tâm hồn mình xao xuyến, nhẹ nhàng.

Đôi khi những lời khen tặng ấy cũng biến mình thành đứa con nít. Mình cảm thấy mình quan trọng, mình là nhà văn số một (!?).

*

Bữa kia, trong buổi giao lưu văn nghệ, có người đàn ông đứng tuổi, sau khi nghe giới thiệu tên tôi, liền đến bên, tay bắt mặt mừng.

Ông ta nói:

-Nghe về anh đã lâu, nay thật hân hạnh được gặp.

Tôi nói cám ơn và hỏi tên họ, nghề nghiệp ông theo đúng phép xã giao. Ông nói:

-Anh à, tụi mình cùng thế hệ với nhau nên đọc anh tôi rất thích, Đúng tâm trạng, đúng suy nghĩ. Nhất là cuốn Lạc Đường. Quả thực thời trai trẻ chúng mình đã suy nghĩ như vậy, đã yêu và ghét như vậy.

Sau đó anh ta hỏi xin tôi một cuốn Lạc Đường. Sách in đã lâu, tôi chỉ còn vài ba cuốn nhưng trước tình cảm quý mến của anh, tôi cũng hứa tặng anh một cuốn đặc biệt. Anh xin số điện thoại của tôi, sau đó thì uống cà phê với nhau, trò chuyện vui vẻ cùng vài ba người bạn khác.

Tới một lúc anh hỏi:

-Anh là người Bình Định phải không? Hồi trẻ anh học ở Quy Nhơn?

-Đúng vậy.

-Tôi cũng dân Quy Nhơn. Hồi đó phong trào đấu tranh ở Quy Nhơn thật khí thế. Nếu tôi nhớ không lầm thì lúc đó vào khoảng năm 1966.

-Đúng là năm 1966.

-Hồi ấy anh có tham gia các phong trào tranh đầu đó không?

Tôi nghe câu hỏi mà sững sờ. Nhưng tôi không bộc lộ ra mặt. Bởi vì có một cái bong bóng vừa vỡ ra trong tôi. Như một bong bóng xà phòng. Tiếng vỡ quá nhỏ, quá nhẹ, nhưng nó đã bắn ra một thứ nước nhạt thếch, vô duyên, vô vị trong tâm hồn tôi. Tôi muốn nói với anh rằng ngay trong những trang đầu của cuốn Lạc Đường tôi đã mô tả tỉ mỉ và đầy cảm xúc từng giây phút, từng hình ảnh, từng kỷ niệm của tôi và bạn bè tôi trong cuộc đấu tranh đầy kịch tính của cuộc biểu tình ở Quy Nhơn mùa hè năm 1966. Và rằng câu hỏi của anh chứng tỏ anh chưa hề đọc một trang nào trong tác phẩm Lạc Đường.

Cũng may là lúc ấy tôi đã im lặng.

Anh ta biết đến cuốn Lạc Đường vì nó khá nổi tiếng. Anh ta khen cuốn Lạc Đường vì đã có nhiều người khen nó. Mặc dù anh chưa đọc một chữ nào.

Và tôi ngờ rằng những độc giả như anh không phải là ít.

*

Một tình huống khác. Một độc giả hoàn toàn mới. Nơi gặp là một tiệc sinh nhật.

-Chào anh. Thật bất ngờ khi được gặp anh. Tôi đọc anh nhiều lắm. Tôi rất thích văn của anh.

Tôi lại nói cám ơn và đọc số điện thoại cho anh ta lưu vào máy. Rút kinh nghiệm lần trước, tôi không dám hỏi han gì thêm về tác phẩm của mình, sợ anh ta mù tịt thì khó xử cho cả hai. Tôi định nói sang chuyện khác nhưng anh độc giả lại cứ muốn nói về văn học.

-Tôi có đủ cả tác phẩm của anh. Anh viết nhiều như thế chắc phải có vốn sống ghê gớm lắm. Nào là Vua Mèo, Vượt Biển, Nổi loạn, Vùng Biển Mất Tích, Lạc Đường, Cuộc Cách Mạng Bị Thất Lạc, Kẻ Tử Đạo Cuối Cùng… mỗi tác phẩm một đề tài khác nhau, đề tài nào cũng độc chiêu...

Tôi bắt đầu thích anh chàng này. Hắn “khá” quá. Hắn thuộc vanh vách các tác phẩm của tôi, kể cả những cuốn tôi in cách đây trên hai mươi năm. Tôi khen hắn một câu:

-Trí nhớ của anh thật tuyệt. Nhưng trong số những tác phẩm ấy anh thích cuốn nào nhất?

-Cuốn nào cũng thích. Chẳng hạn như Vua Mèo. Một đề tài rất lạ. Xưa nay gần như chưa có nhà văn nào viết về dân tộc Mèo ở Hà Giang. Còn Kẻ Tử Đạo Cuối Cùng là một đề tài rất nhạy cảm mà anh cũng dám đụng tới. Bên đạo Thiên Chúa họ có ý kiến gì không?

Thôi rồi! Mình lại vớ phải một anh chàng tán phét, bởi vì cuốn Vua Mèo tôi lấy cảm hứng từ thi sĩ Bùi Giáng còn cuốn Kẻ Tử Đạo Cuối Cùng chỉ là một ngụ ngôn về triết học Mác Lê Nin, nào có liên quan gì tới dân tộc Mèo ở Hà Giang và đạo Thiên Chúa!!!

Tôi nản đến độ chỉ muốn bỏ đi chỗ khác. Nhưng trước khi đi, tôi hỏi hắn một câu:

-Xin lỗi, anh công tác ở đâu vậy?

Hắn rút trong ví ra một thấm danh thiếp, đưa cho tôi và nói:

-Tôi quản thủ một cái thư viện, ở đó có hơn hai chục ngàn đầu sách.

*

Bây giờ ngẫm lại, không việc gì mình phải buồn vì những điều đó. Trong thời đại Internet này, thông tin bùng nổ, không ai có thì giờ đọc sách, ngoại trừ những cuốn rất nổi tiếng. Nhưng dù có nổi tiếng cỡ nào thì cũng chỉ những người yêu văn chương chữ nghĩa may ra mới đọc hết tác phẩm và thưởng thức nó trọn vẹn, còn lại thì cũng chỉ đọc vài trang đầu, vài trang giữa rồi thì là mấy trang cuối sách là xong.

Cái họ cần biết là nội dung cuốn sách nói gì. Là thời sự, là những vấn đề chính trị. Những thứ đó họ tìm dễ dàng trên mạng Internet. Văn chương là thứ xa xỉ, phù phiếm. Mà hình như những bài báo trên Blog, trên Website cũng sắp trở nên lỗi thời rồi.

Họ thích tìm những thứ ngắn gọn hơn, nhanh hơn, đó là Twitter, là Facebook.