Cùng với cây đa, bến nước, sân đình, con đò trở thành
biểu tượng cơ bản của làng xã Việt từ xa xưa. Con đò trôi nhiều nhất vào thế giới
tình yêu, vì có nhiều nét tương đồng. Tình yêu là chờ đợi. Đi đò cũng vậy, phải
đợi đò.
Con đò trôi ngang các dòng sông văn hóa
NGUYỄN THANH TÚ
Nếu thuyền đi dọc sông, dùng chở người, hàng hóa, vật
dụng… thì đò thường trôi ngang sông chủ yếu chở người từ bờ bên này sang bờ bên
kia. Ngày xưa đường xá, cầu cống hiếm hoi mà sinh sống ở vùng văn minh sông nước
nên ai cũng biết đến con đò. Những đêm thanh vắng nhà ai gần bến đò sẽ nghe thấy
những tiếng gọi “Đò ơi” da diết, giục giã có phần khắc khoải, vì người đi xa
nào cũng muốn lên đò nhanh để về nhà…
Hiểu vậy mới càng thấy cái “giật mình” (Giật mình còn
tưởng tiếng ai gọi đò) của Tú Xương trong bài thơ “Sông lấp” là tiếng gọi ký ức
của một thời. Ngày nay thật hiếm hoi một tiếng gọi đò, vì có rất nhiều cây cầu…
Vẫn còn “đò dọc”, nhưng đi “đò dọc” thì chẳng cần gọi “đò ơi”
Cùng với cây đa, bến nước, sân đình, con đò trở thành
biểu tượng cơ bản của làng xã Việt từ xa xưa. Con đò trôi nhiều nhất vào thế giới
tình yêu, vì có nhiều nét tương đồng. Tình yêu là chờ đợi. Đi đò cũng vậy, phải
đợi đò. Tình yêu là băn khoăn, lo lắng. Đi đò cũng thế… Nhất là tình yêu luôn
phải vượt qua thử thách, đi đò cũng vậy, cũng là sự “vượt qua”… Con đò chênh
chao “bơi” vào ca dao tình yêu: “Cây đa trốc gốc trôi rồi/ Đò đưa bến khác em
ngồi đợi ai?”. Trời đất! Cây đa bền vững thế mà bị “trốc gốc”, đã thế còn bị
“trôi” thì tình yêu vốn mong manh lại càng mong manh biết chừng nào.
“Em” ở đây trong hoàn cảnh “đò đưa bến khác”, thế mà vẫn
“ngồi đợi ai”. Xót quá. Thanh xuân có thì. Tuổi con gái ngày xưa càng ngắn. Thế
mà em… Có khi “đò” là hiện thân của người con gái: “Đò đưa anh bước lên bờ/
Đi không trở lại, đò chờ suốt năm”. Trên đời này biết bao những cuộc gặp gỡ, có
cuộc gặp nên duyên, có cuộc gặp để thương để nhớ trong suốt đời vô vọng… “Anh”
có đáng trách không? Cũng tùy vào mối quan hệ thân sơ… Nhưng đọc lên thấy bùi
ngùi thương cho chính phận mình từng là người “đưa đò”… Không cứ là cô gái mà
nhiều chàng trai cũng chung tâm trạng trong câu ca dao thổn thức này: “Dòng
sông chung một con đò/ Sao anh tiếc, chẳng đưa đồ hỏi xin?”…
Chắc chắn một điều rằng càng ở thời xa xưa con người
càng gắn chặt với con đò, con thuyền. Chả thế mà bộ môn khảo cổ học tìm thấy
nhiều “mộ thuyền” thời nguyên thủy, tức táng người chết cùng nhiều đồ “tùy
táng” trong con thuyền thường là một thân cây lớn. Có lẽ vì thế con đò đi vào
tín ngưỡng tâm linh sâu sắc đến mức được thiêng hóa, thành phương tiện duy nhất
đưa người về thế giới “bên kia”.
Theo nhiều nghiên cứu thì những hình thuyền/đò trên trống,
thạp đồng Đông Sơn chính những con thuyền/đò đưa linh hồn người chết… Tín ngưỡng
cũng là nguồn gốc nghệ thuật. Thế là có “chèo đưa linh” - một loại hình nghệ
thuật diễn xướng dân gian mang đậm tính nghi lễ của cư dân vùng biển Trung bộ
còn đến hôm nay. Nó xuất phát từ quan niệm “người chết chưa phải là hết” mà là
“về” (sống gửi thác về) với tổ tiên nơi “chín suối”. Muốn đến được đó phải “đi
đò”. Nên có lễ “phạn hàm” là bỏ một nắm gạo và ba đồng tiền (đồng kẽm, đồng
chinh) vào miệng người chết. Gạo để linh hồn ăn, không thành ma đói. Tiền để đi
đò…
Một điều đáng chú ý là lễ “phạn hàm” và “đi đò” này
cũng tương tự với nghi lễ đưa tiễn linh hồn và “đi đò” trong thần thoại Hy Lạp.
Người Hy Lạp cổ xưa kể Charon (tên khác là Kharon) là người lái đò dưới địa ngục
Hades, có nhiệm vụ chở những linh hồn người mới chết qua sông Styx. Charon lấy
công chở là một đồng xu được đặt trong/trên miệng của người chết. Nếu không có
lệ phí này linh hồn không được sang sông nên phải lang thang bờ bên này một
trăm năm.
Charon là con trai của thần bóng tối Erebus và nữ thần
đêm đen Nyx, anh trai Charon là Thanatos - Thần Chết. Từ khi cõi âm hình thành,
Charon được giao nhiệm vụ chèo đò đưa linh hồn người chết từ cõi dương xuống thế
giới âm ti, nên cũng được gọi là Thần Lái đò. Sông Styx nằm dưới âm giới, là
con sông thiêng trong thế giới thần thoại Hy Lạp. Mỗi khi “hành khách” là những
anh hùng và những trang tuyệt sắc thì công việc chở đò của Charon không hề đơn
giản, nhiều khi anh ta bị bắt nạt. Nhất là với những người trần gian đang sống
nên có khi không nộp “lệ phí”.
Ví như anh hùng Hercules khi xuống địa ngục, vì không
có “đồng xu” nên đã dọa đánh Charon một trận nên anh ta phải chở không công.
Danh ca hát Orpheus tìm cách xuống cõi âm để đón người vợ đã mất về dương gian,
cũng không có tiền nên đem tiếng đàn buồn rầu chinh phục người lái đò khiến
Charon cảm động mà chịu chở miễn phí. Lại có chuyện công chúa Psyche xinh đẹp
tuyệt trần và giàu có thì cẩn thận mang gấp đôi số tiền, để Charon chở cả hai
chuyến đi và về...
Tại sao thời cổ đại mà tín ngưỡng ở ta lại giống với
tín ngưỡng người Hy Lạp? Rất khó giải thích nhưng có một cơ sở để khẳng định giống
nhau là do tương đồng về lối sống, tập quán canh tác, quan niệm… nên niềm tin sẽ
giống nhau. Cách giải thích dễ chấp nhận nhất giống nhau là vì cùng chung một hằng
số nhân văn đều mong muốn người chết về thế giới bên kia suôn sẻ, mát mẻ để sống
mãi nơi an lạc vĩnh hằng!
Con đò trong Phật giáo được biểu hiện qua hai chữ “cứu
độ” (chúng sinh). Chữ “độ” nghĩa là giúp đỡ, còn có nghĩa vượt qua khó khăn trở
ngại (hóa độ, độ nhật, độ trì...). Phật “độ” chúng sinh như là cách giúp người
đi bộ vượt sang sông (độ giang, quá giang) bằng đò ngang chở từ bờ bên này sang
bờ bên kia. Thế là có thuật ngữ “bờ Mê bến Giác”. Con người muốn tới bến Giác
phải nhờ đò vượt qua sông khó khăn chướng ngại.
Cái hiện đại, khoa học của Phật giáo (nếu được gọi như
vậy) là quan niệm chỉ cho mượn đò còn người sang sông phải tự chèo lái lấy. Tức
Phật chỉ giúp phương tiện để người thực hiện mục đích. Đó là quan niệm “tự giác
tự độ”, tức phải biết tự cứu mình, tự dạy mình, tự giáo dục, rèn giũa mình vượt
qua cái “vô minh” để “giác ngộ”. Ngày nay triết lý giáo dục dạy học hiện đại
cũng chưa vượt qua được quan niệm này của nhà Phật, thậm chí là “học” theo Phật.
Ở ta cũng hay nói “cho cần câu chứ không cho con cá” cũng là nói theo cách giáo
dục của nhà Phật!
Rất thâm thúy, Phật lại dặn người đã sang sông phải biết
bỏ con đò lại, tức sau khi đạt mục đích phải biết để lại phương tiện (cho người
khác dùng). Nếu lại cứ vác đò trên vai mà đi tiếp thì chẳng khác nào đi ngược lại
bến Mê. Như vậy là “cố chấp” chưa biết “buông bỏ”, là còn vì u mê, còn vì tính
tham… Vả lại việc không bỏ con đò lại tức cái tâm còn ích kỷ, cứ khư khư giữ chặt
lấy cái mình đã có. Tưởng rằng đã sang được bờ Giác thì đạt đạo nên sinh ra tự
kiêu tự mãn, không còn quan tâm đến người khác cũng đang cần đò. Phật gọi đó là
vì cái tâm còn chấp ngã, vị kỷ, làm sao có thể gọi là từ bi, hỷ xả. Kẻ tham lam
ích kỷ thì tu bao nhiêu kiếp cũng không thể thành chính quả!
Như vậy lại dẫn đến một cách hiểu con đò chính là biểu
tượng cho Kinh Phật. Dành ra bao thời gian, công sức học Kinh Phật có khi thuộc
làu nhưng lại không hiểu ý Phật cũng vô ích, thậm chí có hại. Chẳng khác nào kẻ
sang sông nhờ đò rồi lại vác đò lên vai mà đi tiếp. Thì ra học tập kinh kệ chỉ
là hình thức mà thôi, cái chính là thấm ý Phật vào tâm để hành đạo giúp đời “cứu
độ”… Một ý nghĩa phổ quát bật ra cho ngày hôm nay: Có bao kẻ suốt ngày ôm sách
vở, nói sách vở nhưng liệu có mấy người hiểu sách vở!
Thời toàn cầu hóa hiện đại, đường không đi lại bằng
máy bay, đường bộ đi bằng ô tô vun vút qua những cây cầu hiện đại… Liệu con đò
có đi vào cổ tích? Nhưng ngay từ thuở nhà thơ Nguyễn Bính còn sống thì con đò
cũng đã “cổ tích hóa” rồi. Đây là “giấc mơ anh lái đò” (tên bài thơ, 1938): “Tưng
bừng vua mở khoa thi/ Tôi đỗ quan Trạng, vinh quy về làng/ Võng anh đi trước
võng nàng/ Cả hai chiếc võng cùng sang một đò”. Giấc mơ bồng bềnh ấy, đến nay vẫn
vương vấn trong tâm hồn bao chàng trai chưa vợ…!!!
Nhưng vẫn có những con đò neo vào lịch sử. Thời chống
Mỹ, ở miền đất lửa Quảng Bình có Mẹ Suốt (bài thơ cùng tên của Tố Hữu) dù tuổi
cao nhưng dưới mưa bom của quân xâm lược vẫn chèo đò đưa quân vượt sông vào Nam
chiến đấu: “Một tay, lái chiếc đò ngang/ Bến sông Nhật Lệ, quân sang đêm ngày”.
Nhờ những người Mẹ như thế, những con đò như thế đất nước mình mới nở hoa độc lập:
“Chẳng bằng con gái, con trai/ Sáu mươi còn một chút tài đò đưa/ Tàu bay hắn bắn
sớm trưa/ Thì tui cứ việc nắng mưa đưa đò”.
Nguồn: Văn Nghệ Công An