Nghe kể lại, anh Nguyễn Bản tốt nghiệp tú
tài thời Pháp, bắt đầu cầm bút viết văn cùng thời với các anh Châu Diên, Xuân
Khánh, Lê Bầu... Rồi
không hiểu sao anh ngưng viết rất lâu.
VÀI KỶ NIỆM NHỎ VỚI NHÀ VĂN NGUYỄN BẢN
TÔ HOÀNG
Chả biết là Đại hội lần thứ mấy, chỉ biết
đấy là lần đầu tiên tôi được tham dự Đại hội Nhà văn Việt Nam. Vừa nhìn thấy
tôi xuất hiện trong hội trường, anh Bản chạy xổ tới, mắt hấp háy ánh nhìn vừa
trẻ trung, vừa tinh quái vốn có, nói như thì thầm bên tai tôi:
-Có một nữ nhà văn mới vào Hội. Đẹp đến thế
là cùng! Mà sao đẹp vậy mà đi viết văn cho phí đời?
Anh
kéo tay tôi lôi xềnh xệch, chỉ tay vào một hàng ghế. Đó là lần đầu tiên tôi
nhìn thấy và biết tới nữ nhà văn Thùy
Dương sau này!
Nghe kể lại, anh
Nguyễn Bản tốt nghiệp tú tài thời Pháp, bắt đầu cầm bút viết văn cùng thời với
các anh Châu Diên, Xuân Khánh, Lê Bầu... Rồi không hiểu sao anh ngưng
viết rất lâu.
Từa tựa như hiện tượng “mùa hè rớt” ở nước
Nga, đầu những năm 1990, ngòi bút Nguyễn Bản bỗng nhiên được thiên hạ suýt xoa,
nắc nỏm bởi truyện ngắn “Ánh trăng” được giải nhất của báo “Văn Nghệ” và sự ra
mắt tập truyện ngắn với những truyện không thua kém: “Bức tranh màu huyết thạch”,
“Chuyến ly
hương cuối đời”, “Rừng đêm cuối năm”, “ Thời chuồn chuồn cắn rốn”…
Thời đó tôi là biên tập viên trang văn nghệ báo Lao Động (phía Nam) đang nổi tiếng
như lấn át tất cả các tờ báo trong nước. Một hôm, tôi nhận được lá thư của một
bạn đọc mãi từ vùng Đất Mũi- Cà
Mau.
Trong thư, bạn đọc này hết sức khen ngợi những truyện ngắn của Nguyễn Bản, lại tỏ ra rất tinh tế,
rất nhiều phát hiện cái hay cái đẹp trong văn chương của anh. Tôi có phần ngạc
nhiên, vì sao tận vùng Đất Mũi xa xôi ở phía Nam lại có một bạn đọc “trình” đến
như vậy. Nói luôn, thuở đó vùng Đất Mũi còn lâu mới xuất hiện tài năng Nguyễn
Ngọc Tư. Tôi
liền gửi ngay bức thư ấy cho anh Nguyễn
Bản. Đấy cũng là cái cớ khiến tôi quen biết nhà văn.
Mãi sau này tôi mới biết, bạn đọc “trình” ấy
là một sỹ quan quân lực Việt Nam Cộng hòa, bỏ chốn Sài thành, tìm về cực Nam
làm nghề đốt than đước nuôi vợ con.
Từ đó, mỗi lần ra Hà Nội, tôi đều ghé thăm anh
Nguyễn Bản. Chuyện bên bàn bia, tại quán thịt chó, quanh đi quẩn lại, đôi mắt hấp
háy, trẻ trung và nụ cười hóm hỉnh ấy lại quanh về chuyện nắc nỏm khen ngợi những
vẻ đẹp trời cho của các cô gái, anh vừa gặp, vừa quen. Tôi rất vui và thầm cảm
phục sức thanh xuân của ông anh, thuở đó đã tròm trèm bước vào tuổi 70…
Một lần, từ Hà Nội, anh Nguyễn Bản viết thư vào khoe
tôi: Có một cô gái , giảng dạy văn khoa tại Sài Gòn, ra đây làm luận văn
tiến sỹ, giữa ngày đông tháng giá rét cắt da cắt thịt mà phóng xe từ Hà Nội lên
tận thị xã
Bắc Ninh thăm anh. Một mình cô ấy thôi- anh Bản gạch dưới dòng thư. Và cuối là thư là những
câu hỏi tới tấp: Cậu bảo sao hở? Đứt đoạn là nó yêu mình rồi, phải không? Mà chả
lẽ nó rung động với tớ qua văn chương? Có thể lắm chứ? Mà tớ thì đã già, còn cô
ta thì trẻ, có sao đâu? Đời thiếu gì chuyện đó?
Tiếp sau, tới tấp những lá thư khác: Tớ
đang gắng dịch cho xong tập truyện cho xhà Xuất bản Công An Nhân Dân, gom được tiền tới bay
ngay vào Sài Gòn
gặp cô ta. Nhớ không thể chịu nổi rồi. Không gặp không thể cầm bút lên được nữa.
Mà vào Sài Gòn
là tớ tá túc ở nhà ông em đấy nhé! Cơm nước xoàng xĩnh thế nào cũng xong. Tớ chỉ
đủ tiền mua tấm vé bay khứ hồi thôi…
Anh Nguyễn Bản không cần kể thêm về “nữ bạn đọc đặc
biệt” kia là ai, thì
đám những Lâm Râu, Minh Mập chúng tôi đều biết cô gái kia là ai. Quả là nàng đẹp thật, lại duyên
dáng, cởi mở, rất hiền hậu, chừng mực và
nhất là ham thích văn chương, ham đọc, có thể vanh vách kể rành rọt tên các tác
phẩm và chuyện riêng tư của nhà văn này, nhà văn nọ. Riêng những truyện ngắn của
nhà văn Nguyễn Bản đang được bạn đọc quan tâm, thì nàng hầu như thuộc lòng từ
truyện này qua truyện khác. Chả thế mà bạn hữu của nàng đã đặt biệt danh cho nàng là “nhà Nguyễn Bản học”.
Nhưng riêng việc ngày đông tháng giá, từ
Hà Nội một mình phóng xe máy lên tận thị xã Bắc Ninh thăm nhà văn, thì quả là chúng tôi
không thể ngờ…
Không bao lâu sau, anh Nguyễn Bản bay vào Sài Gòn.
Chúng tôi tổ chức vài cuộc bia bọt, khi thì ở quán Cây Trúc, thi thì ở
quán lòng
lợn tiết canh ở Văn phòng 2 Ban Tuyên giáo Trung Ương, khi thì ở Lotus của bác
Lân Kiếng,
để nhà văn được gặp “người
đẹp”. Khỏi phải nói, vào những buổi trưa, buổi chiều như thế, “ông lão U.80” của chúng tôi càng
trở nên trẻ trung, tinh nhanh, rí rỏm, thông minh, tài hoa như thế nào?
“Hậu Thủy hử” ra sao đây, các bạn đoán trước
được không?
Cuối tuần ấy, “người đẹp” tỏ ý mời nhà
văn và chúng tôi đi picnic
ở Vũng Tàu
cùng nhóm bạn của nàng.
Khoàn “tài chính”, nàng
bảo đảm cung ứng hết.
Lại thế nữa cơ à? Sung sướng, hạnh phúc
quá một
khúc dạo đầu! Mà
các cậu trả lời tớ xem, thân già này nên ăn vận ra sao khi nhảy xuống biển bơi nhỉ? - Cặp mắt trẻ trung, hóm
hỉnh thoáng vương sợi buồn.
Sau chuyến ra Vũng Tàu, về Sài Gòn, anh Nguyễn Bản nằng nặc đòi đổi vé
trở ra Hà Nội ngay.
Một bữa bia tiễn biệt đàn anh. Hình như ở quán
Cây Trúc, ngã tư Lê Quý Đôn- Nguyễn
Đình Chiểu thì phải.
Anh Nguyễn Bản uống ít, ăn ít, vẻ trẻ trung hóm hỉnh và
khoản chuyện đời, chuyện người liên tu bất tận ở anh bỗng dưng biến mất. Nhà văn như một
người khác. Bọn tôi không hiểu ra sao cả. Gần tàn cuộc, anh Nguyễn Bản dằn giọng, nói như dỗi:
- Về lần này mình đếch viết nữa! Vớ vẩn, phù du cả! Văn chương
hóa ra không chỉ gây ảo tưởng cho người khác mà cho cả người viết ra chúng nữa…
- ???
-???
- Mấy ngày mới vào đây, mình ngờ nàng yêu cậu (chỉ tôi) hay
cậu kia (chỉ Lâm Râu). Đi Vũng Tàu
vừa rồi, mình mới vỡ lẽ ra nàng
yêu gã giáo
sư đang hướng dẫn nàng
làm luận văn đi cùng chuyến Vũng Tàu
mấy hôm ấy đấy!
Mộng mơ như ánh trăng; huyền hoặc, quyến
rũ như ánh trăng…
Từ đêm nay trăng không trở lại vòm trời thật
sao?