Ở Paris, Balzac chọn cho mình một nơi khiêm tốn, một ngôi nhà nhỏ nằm ẩn mình giữa những tòa nhà sang trọng nằm ở một nơi trữ tình, đậm chất đồng quê trong một ngôi làng cổ.


Thời gian như ngừng trôi trong ngôi nhà của Balzac

HIỆU CONSTANT

Paris là một trong những thành phố nổi tiếng về văn hóa đọc. Là nơi thường xuyên tổ chức các lễ hội sách, hội chợ sách, triển lãm sách… Trung tâm Sách quốc gia Pháp nằm ở quận 7 cũng thường xuyên tổ chức những cuộc trò chuyện của các nhà văn.

Điều đặc biệt với những người yêu sách khi đến Paris là có thể đến thăm nơi ở của các đại văn hào xưa, giờ trở thành bảo tàng, như Bảo tàng Victor Hugo, Bảo tàng Balzac… Đến thăm những nơi này, chúng ta được khám phá thêm khung cảnh sống, hầu như vẫn giữ nguyên trạng, những giai thoại, những thói quen làm việc, sở thích của nhà văn thời ấy. Những gì liên quan đến sự ra đời của các nhân vật, những bút tích bản thảo viết tay còn gạch xóa…

Nếu như Victor Hugo đã chọn quảng trường Hoàng gia Vosges, thuộc quận 4 ở trung tâm Paris thời ấy để làm nơi sáng tác, Alexandre Dumas lại chọn cho mình một khu rộng lớn có rừng cây mênh mông, quay ra sông Seine ở ngoại ô Paris để xây dựng tòa lâu đài, được tái tạo nguyên trạng Lâu đài của Bá tước Monte Cristo, một trong những nhân vật nổi tiếng của ông, thì Balzac lại chọn cho mình một nơi khiêm tốn hơn, một ngôi nhà nhỏ nằm ẩn mình giữa những tòa nhà sang trọng nằm ở một nơi trữ tình, đậm chất đồng quê trong một ngôi làng cổ.

Balzac đã sống ở đây trong những năm từ 1840 - 1847, và đó cũng là nơi ở duy nhất còn lại ở Paris của ông được biết đến cho đến ngày nay. Thời đó, nơi đây là ngôi làng cổ Passy nhỏ bé, còn khá hẻo lánh so với trung tâm Paris hoa lệ. Chuyện kể rằng Balzac đã phải đến đây sống để… chạy trốn các chủ nợ của mình, với tên đăng ký là “Ông Breugnol”. Quả thật, như chúng ta đã biết, đương thời Honoré de Balzac thực sự nợ nần rất nhiều, nhất là vào thời điểm ấy. Ông đến đó để trốn các chủ nợ nhưng cũng để tìm cho mình một nơi yên tĩnh để sáng tác.

Balzac bước vào văn đàn với tâm thế đầy nhiệt huyết. Nhưng, những biến cố trong cuộc sống liên tiếp giáng xuống. Ông viết rất nhiều để trả nợ cho các nhà xuất bản, vì ông thường được họ ứng tiền trước, tiền được tính theo mỗi trang viết. Tuy nhiên, các tác phẩm đầu tiên không được đánh giá cao, không đủ tiền trang trải cho nhu cầu tối thiểu nhất. Để có thể tồn tại, Balzac vay tiền mở nhà in, xuất bản sách, phát hành báo chí… Dù vô cùng nỗ lực nhưng sau 3 năm, ông phá sản, nợ nần không thể chi trả. Vì thế, có giai thoại rằng ngôi nhà này có hai cửa, cửa sau là để… thoát hiểm theo đúng nghĩa đen của từ này, tức để đại danh hào có thể dễ dàng thoát ra ngoài khi gặp phải chủ nợ quá gắt.

Hiện nay, nơi đây đã trở thành một địa danh nổi tiếng nằm giữa quận 16 sang trọng, là điểm hẹn không chỉ với những độc giả văn chương, mà cả lữ khách yêu thích khung cảnh thiên nhiên thôn dã cũng có thể đến đây để vừa hưởng chút hương vị đậm chất đồng quê yên tĩnh giữa lòng Paris hoa lệ vừa tắm nắng giữa khu vườn yêu kiều đầy kỳ hoa dị thảo và từ đây có thể chiêm ngưỡng Tháp Eiffel.

Bảo tàng Balzac là một biệt thự ba tầng ngụ tại số 47, phố Raynouard quận 16 Paris. Thoạt nhìn từ ngoài vào sẽ tưởng đó chỉ là một ngôi nhà nhỏ cấp 4 duyên dáng, được lợp ngói xám với những cánh cửa sổ màu xanh lục, nhưng thực chất những tầng còn lại nằm ẩn dưới lòng đất vì do nền đất về mặt sau rất dốc, “lối thoát hiểm” kín đáo phía này được trổ ra phố nhỏ Berton.

Từ năm 1908, nơi này được ông Louis Baudier de Royaumont (1854-1918, một nhà báo, nhà văn, nhà viết kịch và sử học người Pháp, cũng là người quản lý đầu tiên của Bảo tàng Balzac) thuê lại và tân trang để biến thành bảo tàng, được khánh thành vào tháng 7/1910. Tòa nhà sau đó được xếp hạng Di tích lịch sử vào năm 1913. Đến năm 1944, toàn bộ khu đất thuộc khu vườn của ngôi nhà cũng được xếp hạng thuộc Di tích lịch sử được bảo tồn.

Ngay khi bước chân vào ngôi nhà, ở tầng trệt, gồm 5 phòng, tất cả đều được giữ nguyên trạng như thời nhà văn từng sống. Khách tham quan có thể cảm nhận được như linh hồn nhà văn sau hàng thế kỷ vẫn sống động với những đồ nội thất, đồ vật dụng cá nhân hàng ngày, bàn viết, lọ mực, cây bút, cây gậy, giá sách, những bản thảo viết tay gạch xóa, những ấn bản gốc, những ấn bản hiếm, bản khắc hoặc thậm chí là những đồ vật dị biệt như máy pha cà phê… Những bức tranh do chính ông vẽ cũng được đặt rải rác khắp các phòng khác nhau. Những khách yêu văn chương chắc không khỏi cảm thấy bồi hồi khi bước chân vào phòng làm việc của ông, khi đến gần chiếc bàn nhỏ, đặt cạnh lò sưởi, và được biết chúng đã không hề được dịch chuyển. Khung cảnh ấy khiến ta dễ dàng hình dung ra cuộc sống của con người nghiện viết lách này, người đã ngủ vào ban ngày và viết không mệt mỏi vào mỗi đêm. Từ căn phòng này, trên chiếc bàn gỗ nhỏ mà trên mặt bàn vẫn còn hằn những vết lõm, hàng loạt tác phẩm bất hủ đã ra đời như: “Vinh quang và bất hạnh” (1829), “Miếng da lừa” (1830-1831), “Kiệt tác vô danh” (1831), “Eugénie Grandet” (1833), “Lão Goriot” (1835)... và đặc biệt là bộ “Tấn trò đời”, tác phẩm được đánh giá là biên niên sử nước Pháp đầu thế kỷ XIX, được vinh danh là tác phẩm có giá trị rất lớn đối với kho tàng văn học nhân loại, đưa Balzac trở thành nhà văn hiện thực Pháp lớn nhất nửa đầu thế kỷ XIX.

Trong ngôi nhà này, có một hiện vật gắn bó mật thiết với vị chủ nhân nổi tiếng, đó là chiếc máy pha cà phê, đồ vật đã luôn gắn liền với ông và đánh dấu cho cuộc đời ông. Chiếc máy pha cà phê quý giá này do một người bạn của Balzac là Zulma Carraud tặng. Nếu ai yêu mến nhà văn, hẳn biết Balzac đã tiêu thụ một lượng cà phê khổng lồ mỗi ngày đến mức phát ốm vì thứ nước màu nâu ấy. Ông có cách pha chế của riêng mình, đó là trộn cà phê với rượu bourbon, Martinique và moka.

Có một vật bất ly thân khác của ông là cây gậy khảm vàng và nạm ngọc mà nhà văn đã mua được vào năm 1834. Chuyện kể rằng vào thời điểm đó, cây gậy này đã khiến cả thành phố Paris xôn xao. Trong chiếc hộp nằm trên chóp gậy, Balzac đã giấu một bức chân dung thu nhỏ của người tình của mình, đó là bà Eve Hanska, khi ấy là nữ Bá tước Waclaw Hanski. Họ chỉ công khai yêu nhau khi chồng bà, Bá tước Waclaw Hanski qua đời. Hai người yêu nhau cuồng nhiệt và sẽ trải qua một câu chuyện tình “vô tiền khoáng hậu” thời ấy mà “không bút nào có thể tả hết được”. Balzac kết hôn với Eve vào ngày 14/3/1850, một cuộc hôn nhân chóng vánh, bởi thiên tài văn chương đã qua đời chỉ 5 tháng sau đó, ở tuổi 51.

Những trang bản thảo được gạch xóa và sửa chữa nhiều chứng tỏ ông không phải chỉ viết để trả nợ mà thực ra rất cầu toàn. Ông muốn mỗi “đứa con” của mình khi chào đời phải thật hoàn mỹ, tròn trịa.

Một trong những căn phòng lớn sẽ hé lộ cho du khách những bí mật của “Tấn trò đời”, tác phẩm nổi tiếng gồm gần 100 tiểu thuyết của ông. Gần 1.000 nhân vật trong tổng số 6.000 nhân vật trong tác phẩm được nhóm lại với nhau dưới dạng tranh khắc được trưng bày ở đây, đó là Rastignac, Vautrin, de Valois, hoặc Eugénie Grandet, cha Goriot… Có cảm tưởng rằng những khuôn mặt mang sắc thái khác nhau này đang chăm chú nhìn mình, lúc hân hoan chào đón với vẻ tươi vui, khi khác lại buồn thảm u sầu. Thực tế, đây là những tấm bảng khắc được sử dụng để in tranh trong các ấn bản minh họa của Balzac. Ngoài ra còn có bức tranh dài 14,50m được thực hiện như một hệ gia phả các nhân vật mà phần lớn được ông xây dựng từ ngôi nhà này. Bởi các nhân vật của Balzac đôi lúc được xuyên  từ tiểu thuyết này sang tiểu thuyết khác.

Tại một căn phòng dưới tầng hầm, ta có thể chiêm ngưỡng những bức tượng bán thân của Balzac, được nhiều nhà điêu khắc thực hiện, bao gồm cả nghệ sỹ điêu khắc tượng thiên tài Auguste Rodin.

Bảo tàng Balzac nằm trong chương trình bảo tàng miễn phí được nhà nước tài trợ, nếu du khách chỉ đến thăm các bộ sưu tập triển lãm thường niên, còn khi liên quan những triển lãm đặc biệt, hoặc theo mùa thì giá vé cũng rất phải chăng.

Điều đặc biệt ở Bảo tàng Balzac là có một khu vườn để du khách nghỉ ngơi, thư giãn. Tránh khỏi sự ồn ào náo động ngoài kia, nhìn thẳng ra tháp Eiffel, một không gian thoáng đãng mà du khách có thể tận hưởng nằm tắm nắng, đọc sách trên băng ghế. Khu vườn không lớn, nhưng thực sự quyến rũ, nhiều hoa và cây tỏa hương thơm. Thành phố dường như rất xa khi ta lang thang giữa những bụi hồng và hàng cây leo. Ghế và ghế dài đặt sẵn mời du khách tận hưởng sự yên tĩnh của nơi này. Hơn nữa, một số người đến nhà Balzac chỉ để ngồi trên những chiếc ghế dài và lặng lẽ đọc sách dưới bóng cây.

Hoặc nếu muốn, cũng có thể thưởng thức một trong những chiếc bánh tuyệt hảo do tiệm cà phê nhỏ trữ tình mang phong cách Anh, quán The Rose Bakery của Anh cung cấp.

Nếu có dịp đến Paris, bạn hãy bớt chút thời gian ghé qua nơi này, bởi khi đến đây, tất cả khung cảnh ấy khiến cho ta có cảm giác thời gian như ngừng trôi để đắm chìm trong không gian của tiểu thuyết và đời sống của thế kỷ XIX.

 

Nguồn: An Ninh Thế Giới cuối tháng