Siêu mẫu H’Ăng Niê tình nguyện làm đại sứ truyền thông cho chương trình ‘Thanh âm đại ngàn’ giới thiệu đặc trưng văn hóa Đắk Lắk diễn ra tại Đường sách TP.HCM ngày 10/9.
Siêu mẫu H’Ăng Niê và
hoa hậu H’Hen Niê là hai người đẹp Ê Đê cùng sinh năm 1992, rất quen thuộc với
công chúng cả nước. Siêu mẫu H’Ăng Niê từng đoạt danh hiệu á hậu tại cuộc thi
Siêu mẫu Thế giới 2018.
Cha mất sớm, siêu mẫu
H’Ăng Niê thuở nhỏ phải đi chăn bò và đi hái cà phê để kiếm tiền phụ giúp mẹ chăm
lo gia đình. Sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Đắk Lắk, siêu mẫu H’Ăng
Niê không chỉ tham gia show biz mà dành nhiều thời gian cho các hoạt động hướng
dẫn kỹ năng sống cho trẻ em dân tộc thiểu số.
Nhận lời làm đại sứ
truyền thông cho chương trình “Thanh âm đại ngàn” diễn ra tại Đường sách TP.HCM
ngày 10/9, siêu mẫu H’Ăng Niê mong muốn góp phần lan tỏa những
nét văn hóa đặc
sắc trong đời sống tinh thần
của đồng bào
Tây Nguyên đến với người dân đô
thị TP.HCM.
Đắk Lắk ở vị trí trung tâm vùng Tây Nguyên, là nơi
hội tụ của 49/54 dân tộc trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Nền văn hóa
của các dân tộc trên vùng đất này đa dạng, nhiều sắc màu. Ngoài những
nét văn hóa đặc sắc của các dân tộc bản địa như Ê-đê, M’nông, Gia Rai, Ba
Na, Xê Đăng, còn có sự hiện diện văn hóa của các dân tộc từ các tỉnh vùng
Tây Bắc như Tày, Thái, Nùng, Mông, Dao, …
Đắk Lắk cũng là vùng đất của những lễ hội (mừng cơm mới, cúng bến nước, hội đua voi...) và
những nghề truyền thống bản địa (đẽo tượng gỗ, đan lát mây tre, làm rượu cần,
dệt thổ cẩm...). Đắk Lắk cũng đang
lưu giữ nền
âm nhạc độc đáo
với nhạc cụ tre nứa, đàn đá, cồng chiêng... Riêng “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây
Nguyên” đã được
tổ chức UNESCO công nhận là kiệt tác truyền khẩu và di sản văn hóa phi vật thể
của nhân loại…
Vì vậy, chương trình “Thanh
âm đại ngàn” như một cơ hội để những ai yêu thích văn hóa Tây Nguyên nói chung
và văn hóa Đắk Lắk nói riêng, được tiếp cận và lắng đọng cùng giá trị văn hóa tích
tụ và bồi đắp của các dân tộc anh em.
Chương trình “Thanh âm
đại ngàn” có sự góp mặt và giao lưu của các văn nghệ sĩ Đắk Lắk như Y
Phôn Ksor, Linh Nga Niê Kdăm, Niê
Thanh Mai, Y Moan H’Mok, Lê
Vĩnh Tài, Nguyễn Hương Thành, Hữu Chỉnh, Dương Thanh
Nga, Ánh Tuyết, Đinh Tarina....
Chương trình “Thanh âm đại ngàn” cũng trưng bày 100 tác phẩm hội họa và nhiếp ảnh tập trung phản ánh những khoảnh khắc
khó quên trong nhịp điệu lao động và sản xuất của người Đắk Lắk
hôm nay.
NNVN