Sau ba tập thơ “Một milimet”, “Nửa vòng tay” và “Những ký âm ngân”, nhà thơ Nguyễn Thị Thanh Long có sự chuyển biến khác, qua tập thơ “Vàng bao nhiêu lá thì đầy mùa thu” do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành


 VÀNG BAO NHIÊU LÁ THÌ ĐẦY MÙA THU?

LÊ THIẾU NHƠN

 

Trong các gương mặt thơ nữ Việt Nam được công chúng biết đến hai thập niên vừa qua của thế kỷ 21, tên tuổi Nguyễn Thị Thanh Long không nổi bật lên, nhưng vẫn có nét riêng biệt. Chị không điệu đà chữ nghĩa và cũng không cậy vào những bi lụy phái yếu để mưu cầu sự cảm thông. Thơ Nguyễn Thị Thanh Long trọng ý, và nỗ lực nảy ý trên miền trữ tình.

Sau ba tập thơ “Một milimet”, “Nửa vòng tay” và “Những ký âm ngân”, nhà thơ Nguyễn Thị Thanh Long có sự chuyển biến khác, qua tập thơ “Vàng bao nhiêu lá thì đầy mùa thu” do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành tháng 8/2023. Thơ chị thu vén lại, kiệm lời hơn nhưng ngữ nghĩa linh hoạt hơn. Kiểu tâm tư ấy đúng với quan niệm trưởng thành mà chị chọn lựa: “Đàn bà tuổi 60 không hơn thua thắng bại/ Vết thương nào cũng liền sẹo thay da/ Họ chắt chiu gom nhặt bình minh mỗi sáng đi qua xây ngôi nhà hạnh phúc”.

Tốt nghiệp Đại học Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội khóa 1977-1982, nhà thơ Nguyễn Thị Thanh Long có nhiều năm dạy học ở Tây Ninh, trước khi định cư tại TP.HCM. Quê cũ Phú Thọ không còn những đồi cọ bịn rịn nghiêng xuống thơ chị, mà khắc khoải xa vắngGiật mình ngoái lại ngày xưa/ Hoa còn đang nụ, lá thừa thãi xanh” để dằng dặc nhớ nhungBao năm tha phương vẫn thèm Tết nhà mình/ Nén hương thơm bóng mẹ cha suốt đời che chở”.


Thơ nữ thường chuộng vần, dùng vần làm nhịp đẩy câu thơ đi qua buồn vui. Nguyễn Thị Thanh Long cũng từng thành thạo kỹ thuật ấy, nhưng chị đã mạnh dạn khước từ thói quen dễ dãi để tìm kiếm sắc thái mới cho thơ mình. Chị chưng cất sự trải nghiệm từ sóng gió để có được sự tin cậy bản thân “Giã từ ngôi nhà cũ, tự xây ngôi nhà mới bằng những nụ cười” và thấu hiểu được nỗi xao xác xung quanh “Đèn phòng chị sáng trưng không ngăn được bốn bề gió thổi/ Trái tim câm không ngăn được nỗi đau/ Biển nhân gian, sóng không ngừng gào thét”.  

Nhà thơ Nguyễn Thị Thanh Long vẫn phát huy giọng thầm thì, nhưng không nhằm vuốt ve kỷ niệm mịt mờ, mà nói trực diện về điều trắc trở và sâu lắng: “Mây đen, mây trắng nhởn nhơ bay/ Của hôm nào hay của hôm nay/ Rượu rót buồn vui ta cùng cạn/ Ngổn ngang chiều uống mãi chẳng say”. Chị băn khoăn những nguồn cơn dày vò nhân gian “Đỏ bao nhiêu ớt thì cay/ Vàng bao nhiêu lá thì đầy mùa thu?” để thảng thốt được mất khó lường giữa khấn nguyện mong manh “Biển chiều nay xin đừng câm lặng thế/ Hãy thét gào như đã ngàn năm/ Thuyền nhổ neo còn nguyên bến đỗ/ Đêm ba mươi ta ước một trăng rằm.

Sự vượt trội của tập thơ “Vàng bao nhiêu lá thì đầy mùa thu” nằm ở cách lập tứ. Nhà thơ Nguyễn Thị Thanh Long không quá bận tâm vào sự dài ngắn và sự ngân nga của mỗi câu thơ, mà truy kích khả năng nhận diện yêu ghét và giá trị tiếp cận rung động của cả bài thơ. Nhờ cách lập tứ mạnh mẽ, đã giúp biên độ thẩm mỹ của thơ chị mở rộng ấn tượng cho người đọc.

Anh - người đàn ông hoàn thiện

Tôi - người đàn bà có điều chi khiếm khuyết

Hai chúng mình

so le...

Hai chúng mình

dùng dằng co kéo tấm chăn hạnh phúc như vỏ bọc

Ấm bên này

Lạnh phía bên kia...”.

Có nhiều bài thơ, Nguyễn Thị Thanh Long lược bớt những mỹ từ bóng bẩy để sức bật dồn hết vào câu thơ cuối cùng. Đôi khi là cách hữu hiệu để khám phá chân dung nhân tình “Em học làm họa sỹ vẽ khuôn mặt anh/ Màu đen cho đôi mắt thăm thẳm ẩn sau cặp kính trắng/ Màu nâu pha vàng cho làn da bắt nắng/ Trắng đen nhập nhèm tóc muối tiêu/ Riêng lòng dạ anh, em biết vẽ màu gì?”, và đôi khi cũng là cách hữu hiệu để thức tỉnh chính mình: “Làn da ta nhiều khi dơ bẩn/ Nước và xà bông tắm gội sạch bong/ Tấm áo trắng vô tình loang dầu nhớt/ chất tẩy rửa bởi công thức hóa học/ lại mới tinh/ Một khi tâm ta dơ bẩn/ có gì tẩy sạch được không?”.

Thi ca luôn đủ chỗ cho mọi giăng mắc. Có thể mượn thơ để thở than, có thể mượn thơ để tiếc nuối, có thể mượn thơ để trách giận. Thế nhưng, quan trọng hơn, trong xã hội công nghiệp nhiều thị phi lắm dửng dưng hôm nay, thi ca phải thể hiện được thái độ sống của nhà thơ. Và ở tập thơ “Vàng bao nhiêu lá thì đầy mùa thu”, Nguyễn Thị Thanh Long đã chân thành bày tỏ thái độ sống lặng lẽ và ân cần: “Trong giông bão, cái cây to trên cao bật rễ đổ nghiêng/ Thua một ngọn cỏ mềm vẫn tươi xanh dưới thấp”. Chị nhìn ngọn cỏ mềm để an ủi cuộc đời, dẫu bạt ngàn thương khó, dẫu loay hoay ngậm ngùi, thì vẫn đáng hy vọng và đáng bao dung./.