Giữa chiến trường ác liệt, sự sống cái chết cận kề nhưng tôi
không thấy một chút sợ hãi hay bi quan chán nản trong thơ Phan Nhật Tiến qua tập thơ “Hoa ở chốt”.
NGƯỜI LÍNH NĂM ẤY THẤY HOA Ở CHỐT
TRẦN TRÍ THÔNG
Có lẽ Phan Nhật Tiến là người lính cuối cùng làm thơ ở
Trường Sơn, bây giờ mới công bố những tác phẩm của anh khi viết về những tháng
ngày đẹp nhất “xẻ dọc Trường
Sơn đi cứu nước” cùng với bao
đồng chí, đồng đội của anh.
Phan Nhật Tiến vào bộ đội với ‘tay nghề báo vụ’ của binh chủng thông tin, thuộc Bộ tư
lệnh thông tin miền Đông Nam bộ. Ngày ấy, báo vụ viên
được xem như thần tượng của cánh lính trẻ chúng tôi và những cô nàng yêu lính.
Chỉ cần được chụp hai tai nghe, đưa tay nắm vào núm ma - níp và có một kiểu ảnh
để khoe thì đã là một sự oai không tưởng nổi rồi. Huống chi Phan Nhật Tiến lại
là một báo vụ thứ thiệt. Được đào tạo bài bản, mỗi lần đến phiên việc, đám quay
viên chúng tôi lại được dịp toát mồ hôi với cái phát điện quay tay, mà ai đó từ
bao giờ đã gọi nó là cái đầu bò.
Cứ ngỡ người lính báo vụ cả ca làm việc chỉ ‘Tịch tịch – tà
tà – tịch tà…tịch’ khô khan ấy lại ẩn chứa một tâm hồn văn chương đa cảm và
bồng bềnh như cánh sóng máy thông tin 15 oát giữa trời.
Đi suốt dọc dài đất nước, nhưng khi vào đến chiến trường miền Đông Nam bộ, Phan Nhật Tiến
mới dùng thơ viết nhật ký cho mình, cho đồng đội, cho binh chủng của anh khi đi
qua những vùng đất những cánh rừng, con suối, sóc đồng bào dân tộc mà có dịp
dừng chân.
Không cầu kỳ và chau chuốt, nhưng những bài thơ của Phan
Nhật Tiến lại gây hiệu ứng thích thú cho người đọc. Bởi ngôn ngữ, bút pháp nghệ
thuật cũng như ý tứ thể hiện. Đều toát lên một sự non xanh thật thà, chân
thành, giản dị, tự nhiên của một trái tim đôi mươi đầy
hoài bão. Tôi gọi thơ anh “non
xanh” không có ý nói thơ của
anh non nớt, mà non xanh ở đây là sự tươi mới, trẻ trung, trong trẻo của người
lính giữa chiến trường ác liệt, suốt ngày bom rơi đạn réo: “Gió đuổi nắng chạy trên đồi xa tít/ Mây rủ nhau đi họp chợ chân trời” (Bay xa)
Mặc trên đầu là lũ ‘Cá Nẹp” dòm ngó, bọn ‘HU 1A’
phành phạch truy vết, lão OV10 sẵn sàng chỉ điểm cho đàn C130’ vác bom tới… Hay thi thoảng là những loạt pháo bầy gầm
ghè đe dọa, thì Phan Nhật Tiến vẫn
thấy “Hoa ở chốt” mơ màng: “Đất đá cỏ cây tất cả đều sơ xác/ Chỉ còn hoa cười trên gương mặt
bạn tôi”.
Giữa chiến trường ác liệt, sự sống cái chết cận kề nhưng tôi
không thấy một chút sợ hãi hay bi quan chán nản trong thơ Phan Nhật Tiến qua tập thơ “Hoa ở chốt”.
Phan Nhật Tiến nhìn và quan sát những gì đang diễn ra bằng ánh mắt rất lạc quan
rất thơ, khi tạm trú quân ở vùng địch vừa oanh kích, rồi cùng người dân: “Lấp mấy hố bom chắn ngang đường
cái/ Làm căn hầm cho đàn gà
mới xuống ổ trưa nay” (Một
ngày ghé lại)
Cánh rừng đóng quân bị bom giặc chà đi sát lại bao lần, bởi
bom khoan, bom bi, pháo chụp , pháo bầy…chỉ còn sót lại cây ớt hiên ngang thách
thức đạn bom. Mà cũng lạ, khi trái ớt chín đỏ đầy quyến rũ, chú chim chào mào
bay đến, chim chỉ ngó nghiêng suy nghĩ và chợt phát hiện ra: “Chùm ớt đỏ như những giàn tên lửa dưới
trời/ Gác phòng không trước
căn hầm dã chiến” (Cây ớt
trước căn hầm).
Tôi cũng đã từng là một quay viên, quay cái ‘đầu bò” để cấp điện cho đài 15w làm việc. Mỗi lần báo vụ rê ma - níp thì bọn
tôi lại bở hơi tai vì sự tiêu thụ điện của máy, nó làm cục phát điện nặng gấp
ba lần bình thường. Thế mà những bài thơ viết về nghề nghiệp, Phan Nhật Tiến
chỉ nói về cột ăng - ten, tai mắt của
đài 15w, chẳng khi nào nói về mình hay nói về “công” của chúng
tôi bao giờ. Trong thơ anh là một sự bao quát chứ chẳng thiên vị về ai, Đó cũng
chính là một sự khách quan vốn có của một người làm thơ: “Riêng tổ đài chiến dịch/ Vẫn treo mắt trên ngọn su trông theo” (Hương rừng su).
Sống, chiến đấu trọn nghĩa ven tình cùng nhân dân cùng đồng
đội, Phan Nhật Tiến luôn có
sự cảm thông và chia sè, thấy người phụ nữ làm nương phát rẫy một mình, anh
cũng ghi vào nhật ký của anh: “Chị
cười rừng nép bóng hoa/ Gió
reo suối đá cũng hòa niềm vui”
(Gặp chị là nương).
Đi tác chiến qua sóc Bom Bo, Phan Nhật Tiến cũng làm thơ ở đó. Những địa danh Bù Đốp, Đắk Nhau, Thị Tính, Lộc
Ninh, Tây Ninh… thì với Phan Nhật Tiến, tên đất tên
rừng cũng hóa những vần thơ.
Trong thơ Phan Nhật Tiến ắp đầy kỷ niệm, một đĩa măng xào
cũng thơm nức tình quê. Hình ảnh người mẹ quê tần tảo, hy sinh nuôi anh khôn
lớn: “Tình của mẹ nuôi con
ngày tấm bé/ Đất chiến trường
nuôi lớn những ước mơ” (Bữa
cơm giũa rừng)
Trải lòng với bầu trời qua những cánh sóng thông tin, chúng
tôi hay đùa nhau “ăn cơm dưới
đất, ngủ trong hầm, làm việc trên trời, yêu đơn phương”, vậy mà trong thơ và trong lòng Phan Nhật
Tiến vẫn có một bóng hồng: “Anh
gặp nhiều hoa lắm/ Nhưng
chẳng hoa nào đẹp/ Bằng bông
hồng em trao”.Và những dự án
cho ước mơ xanh mướt như cánh rừng cao su mùa thay lá: “Rồi nước mình sẽ hết chiến tranh/ Chân sẽ đưa em về nơi anh đang
đứng/ Rừng rẽ lối tới ngôi
nhà anh sắp dựng/ Trên bản đồ thêm chấm đỏ tương lai”.
Những tháng năm chiến trường miền Đông Nam bộ, đã trui rèn một chiến sĩ báo vụ Phan Nhật Tiến thành một người thầy dạy báo
vụ cho những đợt lính mới bổ xung vào
đơn vị. Thấy anh đứng lớp trong phòng học dã chiến giữa rừng, tôi càng cảm phục
cái sự tận tình chỉ dạy của anh bằng cả kiến thức lẫn kinh nghiệm của mình cho
lính mới học nghề. Kết thúc khoa học, thầy trò anh lại vội vã hành quân vào
chiến dịch: “Nhận lệnh lên
đường chiều hai chín/ Hành
quân quên nghỉ ngày ba mươi/ Sửa
vội căn hầm kê xong bếp/ Mặt
trời ba mốt cười trên ngọn cây” (Xuân
ở tổ đài tiền phương)
Dù ở chiến trường xa vạn dặm, nhưng Phan Nhật Tiến vẫn luôn
nhớ quê hương, nơi có hình bóng người mẹ quê hiền lành, chất phác đã truyền lửa
cho anh: “Củ khoai tròn một
chữ thương/ Để cho hạt gạo
lên đường đi xa/ Vuông sân
nửa ánh trăng ngà/ Mẹ ngồi
dần gạo nồm sa ướt tường…/ Mai
sau bảy đất chín trời/ Vẫn
thương mẹ hạt tấm đời lựa ra”.
Với quê hương, với gia đình, với đồng đội… Phan Nhật Tiến
sống trọn vẹn nghĩa tình của một người con, một người anh, một người đồng chí.
Thơ của anh đã thay anh nói lên tất cả. Chia tay anh ngày đất nước thanh bình, tôi cứ ngỡ không có ngày gặp lại anh, nhưng bất ngờ trong một lần đi họp phụ huynh học sinh cho con tôi và anh gặp nhau. Bất ngờ gặp lại và bất ngờ hôm nay được đọc tập thơ “Hoa của chốt” do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành.