Nếu không làm đạo diễn phim, Lê Hoàng chỉ chuyên tâm đi viết kịch bản sân khấu thì có khi sau này lịch sử sân khấu Việt Nam hiện đại chắc chắn có tên anh.


LÊ HOÀNG: NẾU ANH KHÔNG LÀM ĐẠO DIỄN

HÀ THANH VÂN

(Cũng có thể hiểu là: “NẾU ANH KHÔNG ĐỐT LỬA”, nhại theo tên một vở kịch. Vậy kịch bản của Lê Hoàng thể đốt lên ngọn lửa dàn dựng của đạo diễn, ngọn lửa diễn xuất của diễn viên, ngọn lửa sáng tạo của đội ngũ phục vụ sân khấu không? Hay là anh Lê Hoàng nên ném những kịch bản của anh vào lửa?)

Đôi khi tôi nghĩ, nếu anh Lê Hoàng không làm đạo diễn thì anh ấy sẽ làm gì?

NHỮNG VIỆC ANH LÊ HOÀNG CÓ THỂ LÀM, TRỪ LÀM ĐẠO DIỄN

Đi làm MC. Có thể, vì anh ấy cũng có duyên nói chuyện, dù kiểu nói chuyện của anh ấy nhiều khi như muốn đấm vào tai của số đông khán giả, sau đó họ gật gù và khởi đầu là cắn xé anh ấy rồi sau đó quên béng anh ấy mà quay ra cắn xé lẫn nhau. Thế mới kỳ lạ!

Đi làm khách mời cho đủ các thể loại trên TV, từ tâm sự đêm khuya đến giám khảo các cuộc thi muôn hình vạn trạng. Cũng có thể. Song nếu tôi là chủ nhân chương trình đó, tôi sẽ không mời anh Lê Hoàng. Lý do là tôi không muốn thấy anh lấn át các thí sinh bằng giọng nói và những phát ngôn của anh. Nhưng nếu nghĩ đến lợi lộc do anh Lê Hoàng mang lại, tôi sẽ cắn răng mời mọc anh ân cần.

Anh cứ việc lên TV chém gió gây sốc, thả ra vài câu chữ làm mồi câu, số đông công chúng ồ ạt cắn câu, lôi câu chữ của anh lên mạng xã hội mổ xẻ, có cái cớ để chém gió, chửi bới nhau. Các nhà báo sẽ tranh thủ viết bài, giật tít về hiện tượng này để câu lượng like. Đài truyền hình sẽ tăng lượng rating và bán được quảng cáo. Còn bản thân anh Lê Hoàng thì đút túi tiền thù lao rủng rỉnh cho buổi chém gió. Tất cả mọi người đều có lợi trong chuyện này, được ăn, được nói đến mấy ngày liền! Tất cả mọi người đều vui.

Đi làm diễn viên. Cũng có thể. Khác với sự nói nhiều trên TV, ngoài đời anh Lê Hoàng có thể tỏ ra là một quý ông hào hoa phong nhã, trí thức đầy mình. Dĩ nhiên chỉ là quý ông với một số người thôi, bởi lẽ thế giới này cũng rất ít các quý bà, quý cô thật sự.

Hoặc không cần làm gì cả, như một vài kẻ độc miệng bảo đạo diễn Lê Hoàng đã hết thời. Nhưng tôi cũng từng được nghe anh Lê Hoàng kiêu hãnh theo đúng kiểu Lê Hoàng bảo với tôi là: Dù anh có hết thời, thì anh vẫn hết thời trong sự sung sướng, giàu sang, chứ không phải như nhiều người hết thời thì cũng là… hết tiền. Nghĩa là hết thời kiểu Lê Hoàng thì cũng đáng sống, đúng không nhỉ?

Nhưng giờ tôi phát hiện ra, sau khi xem khá nhiều vở kịch do anh Lê Hoàng viết kịch bản, đồng thời cũng được đọc nhiều kịch bản chưa thể dàn dựng của anh, tôi nghĩ rằng nếu không làm đạo diễn phim, anh Lê Hoàng chỉ chuyên tâm đi viết kịch bản sân khấu thì có khi sau này lịch sử sân khấu Việt Nam hiện đại chắc chắn có tên anh, kiểu như một bộ phim “Đời có tên tụi mình”.

Nhưng anh Lê Hoàng có chuyên tâm viết kịch bản đấy, thực tế là nhiều sân khấu ở Sài Gòn đã diễn nhiều đêm các vở kịch của anh ấy và thật kinh khủng, đều cháy vé, đều do những tên tuổi lớn trong làng kịch Sài Gòn dàn dựng và biểu diễn. Nhưng chắc làm đạo diễn có vẻ oai hơn, nhiều người biết đến hơn, nên ở chốn công cộng, thiên hạ toàn gọi anh là “đạo diễn Lê Hoàng”, chả thấy ai gọi “tác giả kịch bản Lê Hoàng”.

Bí quá và nếu bị cho là hết thời thì anh Lê Hoàng lại tiếp tục làm đạo diễn phim thôi. Chuyện anh Lê Hoàng đi làm đạo diễn phim thì tôi sẽ viết một bài khác. Nói ở đây thì lại thành ra lạc đề!

Thực tế này cho thấy điều gì? Cho thấy rằng đối với công chúng văn hóa nghệ thuật Việt Nam thì tác giả kịch bản hay còn gọi là biên kịch chưa bao giờ được coi trọng. Hãy lưu ý xem Hội Nhà văn Việt Nam có bao nhiêu tác giả kịch bản được kết nạp làm hội viên? Hay nhiều nhất trong Hội Nhà văn Việt Nam vẫn chỉ là các… nhà thơ cho xứng danh Việt Nam là cường quốc thơ ca? Vậy nên chăng cần chú ý nhiều hơn đến những tác giả kịch bản.

Trên thế giới, vai trò của tác giả kịch bản sân khấu nói riêng và tác giả kịch bản nói chung rất được coi trọng. Ở Mỹ, giải Oscar cho phim ảnh luôn có giải cho kịch bản. Giải Tony cho sân khấu hay giải Emmy cho truyền hình tại Mỹ cũng có giải thưởng dành riêng cho kịch bản. Tại Pháp, một Liên hoan phim danh giá bậc nhất thế giới là Liên hoan phim Cannes dĩ nhiên là có giải cho kịch bản xuất sắc nhất trong số những phim dự thi. Ngoài ra còn vô số các liên hoan hay giải phim ảnh, truyền hình, sân khấu ở nhiều nước trên thế giới đều trang trọng dành cho các tác giả kịch bản giải thưởng vinh danh.

Trong ngôn ngữ tiếng Anh, khi dùng từ “writer” người ta đều hiểu chung là người viết văn. Còn dùng từ “playwright” thì chúng ta hiểu là nhà viết kịch, dùng “scriptwriter” thì hiểu là tác giả kịch bản, dùng “screenwriter” thì hiểu là biên kịch trong lĩnh vực điện ảnh hay truyền hình. Nói vậy để thấy rằng với lĩnh vực văn hóa nghệ thuật trên thế giới, người viết kịch bản có một vị trí quan trọng. Nhưng điều này lại không hẳn đúng ở Việt Nam, dẫu rằng Liên hoan phim Bông sen vàng, giải thưởng Cánh diều vàng trong lĩnh vực điện ảnh và các Liên hoan sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc đều có những giải thưởng dành cho tác giả kịch bản, song rất lu mờ trên truyền thông và chưa nhận được sự chú ý xứng đáng từ phía công chúng.

Vậy anh Lê Hoàng là một tác giả kịch bản như thế nào?

CÁI LẨU KỊCH THẬP CẨM NHƯNG LẠI LÀ SỰ NGẪU NHIÊN MANG TÍNH TỰ CẢM

Qua nhiều lần trao đổi, chuyện trò trực tiếp, tôi biết rõ anh Lê Hoàng chưa bao giờ là người đọc về các lý thuyết văn học nghệ thuật. Anh Lê Hoàng làm cho tôi nhớ đến nhà văn Nguyễn Huy Thiệp. Trong nhiều cuộc hội thảo mà tôi từng tham dự, lúc sinh thời ông hay đứng lên đính chính khi thấy các nhà nghiên cứu phát biểu rất hùng hồn về tác phẩm của ông bằng những lý thuyết nghe rất kêu. Nguyễn Huy Thiệp nói rằng ông chưa từng đọc bất kỳ một lý thuyết văn chương nào. Những gì ông viết ra thành câu chữ là do ông tự cảm thấy phải viết vậy, đơn giản chỉ có thế thôi, không lý giải được. Nhiều nhà nghiên cứu nghe Nguyễn Huy Thiệp nói xong thì cứ giật mình thon thót, cảm thấy mình nhiều khi chém gió quá đà.

Anh Lê Hoàng cũng vậy. Dường như ở anh, trực cảm sáng tạo là một thứ gì đó khó lý giải theo kiểu “ma đưa lối, quỷ đưa đường” và cứ thế mà anh viết ra kịch bản. Tôi cũng tin rằng anh chả đọc gì về kịch phi lý (Theatre of The Absurd) phổ biến ở thập niên 50, 60 của thế kỷ XX và vẫn sáng đèn sân khấu đến tận bây giờ, hết sức đông khán giả, cũng như kịch hài đen (Black Comedy). Anh cũng chả đọc gì về kịch cổ điển Pháp với quy tắc tam duy nhất (Three Unities) tức là quy tắc duy nhất về hành động, về thời gian và về địa điểm cho kịch bản văn học của chủ nghĩa cổ điển ở Pháp thế kỷ XVII, vốn bắt nguồn từ quan niệm về kịch của nhà hiền triết Aristotle thời Hy Lạp cổ đại, Nhà thơ, nhà phê bình người Pháp Nicolas Boileau Despreaux sống thời đại của chủ nghĩa cổ điển từng viết trong cuốn “Nghệ thuật thơ ca”: “Trong một buổi biểu diễn chỉ nên trình bày “một sự kiện xảy ra trên một địa điểm và chỉ trong một ngày thôi.”

Anh Lê Hoàng cũng bày tỏ sự không ưa đặc biệt với thể loại “chính kịch” thường thấy trên sân khấu Việt Nam. Trao đổi với tôi, anh luôn cho rằng “chính kịch” ở Việt Nam trong mấy chục năm trở lại đây hầu hết là viết theo lối “lên gân”, cùng với phong cách dàn dựng sân khấu xưa cũ. Tuy không phải tán thành 100% với anh Lê Hoàng, nhưng tôi cũng rất nhiều khi chán ngán những câu thoại “lên gân”, lối diễn “gồng” lên của những vở kịch lạc hậu, vốn là chỉ của một thời, hoàn toàn không còn phù hợp với cuộc sống ngày hôm nay và thị hiếu của khán giả đương đại.

Cách đây vài năm, trên Đài Truyền hình Quốc gia Việt Nam dựng lại những vở kịch "vang bóng một thời", nhưng lượng khán giả theo dõi, đi xem chủ yếu cũng là những người ở lứa tuổi "một thời vang bóng", rất ít có công chúng trẻ.

Mục đích viết kịch bản của anh Lê Hoàng rất đơn giản: Viết làm sao để cho công chúng kéo đến sân khấu xem, càng đông càng tốt. Còn viết kiểu như thế nào thì hoàn toàn dựa vào trực cảm sáng tạo của bản thân, đơn giản là cảm thấy cần phải viết như vậy. Nhiều bài báo viết về kịch bản của anh Lê Hoàng thường chỉ gói gọn trong nhận xét: Kịch của Lê Hoàng rất khó diễn, khó dàn dựng, chủ yếu là những câu thoại dài, mang tính triết lý, hành động kịch rất ít, mà xưa nay trong kịch, hành động là chủ yếu, luôn đóng vai trò quan trọng. Tôi cho rằng đó là một nhận xét đúng, nhưng chưa đầy đủ. Bởi lẽ nếu chỉ nói vậy thì khó mà giải thích được sức thu hút của những vở diễn sử dụng kịch bản của anh Lê Hoàng trên sân khấu Sài Gòn.

Trong bộ môn Lý luận văn học, có nhiều câu chữ dành cho cảm hứng sáng tạo (inspiration) của tác giả hay trực cảm sáng tạo tự thân. Có những tác giả đạt được thành công là nhờ khổ luyện nhưng cũng có những tác giả viết như thể là một “vị thần linh” nhập vào. Không phải ngẫu nhiên mà đại thi hào Nga Puskin từng viết: “Khi cảm hứng đến là khi tai ta nhận được lời thần”. Văn hào Nga Gogol cũng cho rằng: “Có một sức mạnh vô hình nào đấy viết trước mặt tôi bằng chiếc gậy thần quyền lực”. Nhưng chỉ riêng cảm hứng sáng tạo thì không đủ để mang lại thành công. Tác giả còn phải sự mẫn cảm đặc biệt với cuộc đời, con người, hoàn cảnh xã hội, có óc quan sát tinh tế, có trí tưởng tượng cao độ cùng với sự cần mẫn của lao động nghệ thuật, có một nền tảng kiến thức tốt thì mới có thể viết ra những tác phẩm được công chúng đón nhận.

Tôi thì được biết anh Lê Hoàng từng học ở trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh, cũng từng viết kịch bản sân khấu từ khi còn là sinh viên và thường khi gặp anh ngoài đời, luôn thấy trên tay anh cầm một quyển sách. Ý thức tự học thông qua những tác phẩm văn chương hay lịch sử là điều mà tôi thấy rõ ở anh Lê Hoàng. Có vẻ anh rất ghét các lý thuyết, nhưng anh biết đi tìm kiến thức và chất liệu từ những tác phẩm văn chương mà anh đã đọc, cùng với sự nhạy cảm đặc biệt về xã hội để viết ra những kịch bản luôn có những điều cần phải nhắc đến.

Hầu hết mọi kịch bản của anh Lê Hoàng viết trong vài chục năm trở lại đây, kể cả những kịch bản chưa hề dựng, dường như là một món lẩu kịch thập cẩm pha trộn nhiều thể loại kịch. Vở kịch “A lô! Lộ hàng” trình diễn trên sân khấu kịch IDECAF với Thành Lộc làm đạo diễn kiêm diễn viên xoay quanh một chủ đề thời thượng nhưng cũng rất quen thuộc: chuyện lộ hình ảnh, clip nhạy cảm của một ngôi sao nam trong showbiz, chuyện dùng clip để tống tiền hay tống tình, chuyện fan cuồng, chuyện giấu giếm mọi thứ để tạo một chân dung “vạn người mê” của ngôi sao… Một đề tài quen thuộc, nhưng làm thế nào để cho hấp dẫn?

Giải quyết vấn đề này, anh Lê Hoàng dựa vào các yếu tố “thập cẩm” và một cách kể cũng “chả giống ai” với đầy những tình tiết phi lý. Một fan nữ cuồng ở độ tuổi U70 uy hiếp ngôi sao nam trẻ trung trong khách sạn, đòi hỏi “tống tình” bằng clip nóng. Một tiến sĩ nhưng lại đi cướp giật điện thoại để tìm cách tiếp cận cô gái mà mình thầm yêu. Một cô gái ngây thơ đến mức người mình yêu nói gì cũng tin, bảo gì cũng làm. Một tiểu thư đỏng đảnh khó lường…

Vở kịch xoay xung quanh hành động duy nhất là “lộ hàng” mang hơi hướng của hài kịch đen tối, nhưng qua bàn tay dàn dựng của đạo diễn Thành Lộc thì lại phảng phất mang màu sắc nhạc kịch trên sân khấu Broadway của Mỹ với những màn ca vũ kịch tận dụng tối đa tài năng của nghệ sĩ Mỹ Duyên vốn xuất thân từ một diễn viên múa ballet. Thời gian nén gọn trong một ngày và không gian chính là một căn phòng khách sạn, không gian phụ là trạm xe bus và cửa hàng váy cưới. Điểm mạnh của lời thoại trong kịch bản Lê Hoàng được thể hiện rất rõ, thông qua những câu thoại gây cười rất đời và đắt, đúng chỗ, hợp lý hợp tình, kể cả cái từ “ố dề” thời thượng mà Thành Lộc mỗi khi cất giọng lại khiến khán giả cười nghiêng ngả và vỗ tay không ngớt. Nhưng rồi khán phòng cũng trầm lắng xuống với những câu thoại cười ra nước mắt như “Nghệ sĩ chửi người ta thì được, còn người ta chửi lại thì nghệ sĩ tổn thương”.

Đặc sản đắt giá của kịch Lê Hoàng có lẽ chính là những lời thoại nhưng cũng chính vì những lời thoại quá nổi bật, quá thu hút sự chú ý của công chúng, khiến cho công chúng ít quan tâm đến những yếu tố khác của kịch bản.

“Búp bê tình dục” lại là một vở kịch mang hơi hướng phi lý khác với những chủ đề cũng rất nóng trong thời đại ngày nay: con người tạo ra trí tuệ nhân tạo cho những búp bê hình người, chuyện đồng tính, chuyện bán thân cho đại gia giàu có để cứu giúp gia đình, chuyện bà mối chăn dắt gái cho đại gia… Tất cả mọi chuyện cũng chỉ diễn ra trong một ngày đêm, ở một căn phòng khách sạn sang trọng với bốn nhân vật. Làm thế nào mà đẩy được hành động kịch lên đến cao trào? Phải chăng quy tắc “tam duy nhất” có biến hóa theo kiểu Lê Hoàng đã khiến cho không gian, hành động kịch được nén lại và bùng nổ, khiến cho người ta chấp nhận sự phi lý kiểu như anh bồi phục vụ có thể ngủ được với cả nam và nữ trong một đêm hay nhân vật bà mối, một kiểu “lái buôn nô lệ” thời mới nhưng không hề xấu xa tột cùng như mọi người hay nghĩ về một Tú Bà thời hiện đại. Nhân vật thì liên tiếp tung ra những câu thoại góp phần làm cho kịch tính lên cao, kiểu như: “Thượng đế thì đồng tính bởi chưa từng thấy Thượng đế có vợ”. Cảm giác hài đen tối của vở kịch cũng phảng phất thông qua hình ảnh anh nhân viên phục vụ “vạn năng”.

Viết kịch theo kiểu chính kịch hay hài kịch thuần túy thì đã không dễ, nhưng viết kiểu lẩu thập cẩm thế này thì tôi tin là khó hơn nhiều. Nhưng cũng chính kiểu viết kịch bản này là sự “làm khó” cho cả diễn viên lẫn đạo diễn, và không phải ai cũng nhiệt tình với kịch bản của anh Lê Hoàng. Nhiều năm nay các sân khấu phía Bắc không hề dựng kịch Lê Hoàng. Vở diễn “Búp bê” của Lucteam do anh Trần Lực làm đạo diễn được giới thiệu là lần đầu tiên kịch của Lê Hoàng được dựng ở sân khấu phía Bắc. Vì phong cách kịch Lê Hoàng không phù hợp với thị hiếu thẩm mỹ của số đông khán giả phía Bắc hay vì những nguyên nhân nào khác? Tôi tin rằng kịch của Lê Hoàng như trái sầu riêng ở miền Nam, ai ăn được thì rất thích, còn không ăn được, không hợp “gu” thì sẽ rất chê và nhiều đạo diễn sân khấu phía Bắc không dám “liều” với kịch của Lê Hoàng.

NHỮNG BIỂU TƯỢNG VA ĐẬP VÀO NHAU CHAN CHÁT

Trong số những kịch bản chưa hề được dàn dựng của anh Lê Hoàng, tôi đặc biệt ấn tượng với kịch bản “Cô gái Hà Nội”, thậm chí mong rằng nếu một ngày nào đó, vở kịch này được dựng thì tôi sẽ viết một bài mang nhan đề: “Sự va đập của các biểu tượng”. Được biết đây là một kịch bản anh Lê Hoàng viết từ vài chục năm trước. Vở kịch bắt đầu bằng chuyện chiếc Tháp Rùa nổi tiếng của Hồ Hoàn Kiếm bỗng biến mất bởi một cô gái muốn mang nó đi. Nhưng rồi Tháp Rùa tự nó đi khắp Hà Nội. Cô gái Hà Nội là một biểu tượng. Ông giáo sư, nhà nghiên cứu khoa học là một biểu tượng, Tháp Rùa dĩ nhiên là một biểu tượng, anh hề Sạc lô trong kịch càng là một biểu tượng… Vở kịch có rất nhiều biểu tượng khác nhau, với hình ảnh những con người đã đóng đinh trong lòng công chúng như là vốn họ phải thế, nhưng thật ra lại không hề như thế. Khi những biểu tượng này mâu thuẫn nhau qua hành động kịch, không chỉ là mâu thuẫn trên sân khấu, mà chính trong lòng khán giả cũng mâu thuẫn theo vì họ phát hiện ra rằng những biểu tượng truyền thống như họ nghĩ, họ cảm, thì lại không hề như vậy.

Tôi tin là do tình cờ mà anh Lê Hoàng có lối viết kịch bản tiếp cận khá gần với sân khấu kịch đương đại trên thế giới. Sự tình cờ này không ngẫu nhiên mà có lẽ xuất phát từ trực cảm sáng tạo của một tác giả đa tài và nhiều năm lăn lộn với nghệ thuật. Lối viết kịch bản có thể hàm chứa những yếu tố để các đạo diễn triển khai bên ngoài những lời thoại hay hành động, chẳng hạn như bằng động tác hình thể, bằng những màn ca vũ kịch theo kiểu sân khấu Broadway, bằng việc đưa những vật tượng trưng lên sân khấu kiểu như cái Tháp Rùa, nhưng lại đòi hỏi sân khấu phải hết sức hiện đại mới dung chứa nổi.

Những nhân vật trong các kịch bản của Lê Hoàng cũng mang tính biểu tượng, ẩn dụ cao độ. Hầu hết các nhân vật không hề có tên riêng. Họ chỉ được định danh chung như: ngôi sao nam của showbiz, cô gái Hà Nội, anh bồi phục vụ trong khách sạn, bà mối, ông đại gia, cô tiểu thư, fan nữ cuồng… Họ không có tên riêng, nhưng cách định danh như vậy dễ khiến cho họ trở thành hình tượng chung cho một kiểu loại người trong xã hội. Thủ pháp này thường thấy ở kịch đương đại trên thế giới nhưng đến nay vẫn ít thấy ở Việt Nam.

Bối cảnh không gian, địa điểm cũng mang tính biểu tượng rất rõ: là đường phố Hà Nội với cái Tháp Rùa chạy lòng vòng, là căn phòng khách sạn nơi diễn ra những hoạt động tình ái kín và hở, là nơi người ta thỏa thuận, trả giá, mua bán tình tiền… Do vậy sân khấu để dàn dựng kịch Lê Hoàng vừa dễ lại vừa khó. Dựng thế nào để mang tính ước lệ nhưng vẫn cụ thể. Tối giản sân khấu nhưng đạo cụ phải ấn tượng, kiểu như con dao trong ví cô tiểu thư ở vở kịch “A lô! Lộ hàng”. Trên hết, các câu thoại của nhân vật kịch phải va đập vào nhau chan chat, gây cười, nhưng đằng sau cái cười là sự ngậm ngùi, chua xót như ở trong vở kịch “Búp bê tình dục”, khi bà mối nói với cô gái quê đi bán thân: “Kiều ngày xưa chỉ bán mình chuộc cha, em bây giờ còn hơn cả Kiều. Em bán mình để trả nợ, nuôi sống cho cả gia đình, họ hàng, dòng tộc”.

Diễn kịch của Lê Hoàng là một thử thách với nhiều diễn viên. Dựng kịch của Lê Hoàng là một thử thách với nhiều đạo diễn. Có vẻ nó rất đơn giản, nhưng nó cũng rất phức tạp. Có vẻ nó rất thị trường, bình dân nhưng cũng rất hậu hiện đại. Thế nên việc công chúng khen chê khác nhau về kịch của Lê Hoàng cũng là điều hết sức bình thường.

CÔNG CHÚNG: TỪ A ĐẾN Z VÀ KHI VỞ KỊCH HẠ MÀN

Từ quan sát của cá nhân tôi, khán giả kịch của Lê Hoàng khá đa dạng. Tôi đi xem ở cả Sài Gòn và Hà Nội và thấy rằng từ gái xinh, trai đẹp, từ nhà nghiên cứu đạo mạo đến đôi bạn trẻ tuổi ngây thơ tuổi teen, từ bà nội trợ quèn đến cậu sinh viên nghèo, từ doanh nhân đã giàu, chưa giàu và sắp giàu đến các em bán hàng đa cấp… đều có vẻ rất thích kịch Lê Hoàng. Nếu xét về phương diện công chúng thì kịch của anh Lê Hoàng đã thành công. Với một người rất thực tế trong đời sống như anh Lê Hoàng, thì chắc hẳn anh đã hài lòng. Số lượng những bài báo khen ngợi kịch của anh cũng không ít.

Và thực tế là cũng không nhiều những vở kịch đương đại của Việt Nam thu hút được nhiều tầng lớp khán giả như vậy. Dõi theo nhiều vở diễn, tôi nhận thấy lối viết kịch bản của anh Lê Hoàng giống như một diễn viên xiếc đi thăng bằng trên dây, lúc ngả về hướng thị trường bình dân, lúc nghiêng về hướng hàn lâm hậu hiện đại. Có lẽ chính vì lối viết kịch bản pha trộn “ngả nghiêng” như thế với những câu thoại ấn tượng, đắt giá đã trở thành “thương hiệu riêng” của Lê Hoàng, khiến cho mỗi khán giả nếu đã yêu thích kịch Lê Hoàng thì đều tìm thấy ở đó những điều mình cần, những điều làm cho mình vui cười, những điều làm cho mình phải suy tư khi vở kịch khép lại và hạ màn.

Vậy còn điều gì anh Lê Hoàng chưa hài lòng? Tôi nghĩ rằng với cá tính của anh, anh không có gì là không hài lòng về những kịch bản của mình. Nhưng với tư cách là tác giả kịch bản, anh có thể không hài lòng về đạo diễn hay diễn viên thông qua một số nhận xét. Nhưng qua trao đổi trực tiếp, tôi hiểu đôi điều không hài lòng này chủ yếu là ở diễn xuất của đội ngũ diễn viên, còn đối với đạo diễn, thì anh từng nói rõ: “Chấp nhận những cách hiểu, cách dàn dựng khác nhau đối với kịch của Lê Hoàng”. Có lẽ nếu là đạo diễn thì anh Lê Hoàng khó tính, còn với tư cách một tác giả kịch bản thì anh lại khá dễ tính.

Chỉ là anh không dễ tính với kịch của người khác mà thôi!

 

 

Nguồn: Facebook Hà Thanh Vân