“Cô đào hát” là tuyển tập kịch bản sân khấu đánh dấu tuổi 70 của nhà viết kịch Nguyễn Thị Minh Ngọc, được Hội Nhà văn TP.HCM và Nhà xuất bản Sân Khấu tổ chức ra mắt sáng 19/9 tại TP.HCM.
“Cô đào hát” gồm 6 kịch
bản sân khấu mà nhà viết kịch Nguyễn Thị Minh Ngọc tâm đắc trong suốt hành
trình sáng tạo, bao gồm “Cô đào hát”, “Vầng trăng ai xẻ”, “Tía ơi... má dìa”,
“Giữa hai bờ sương khói”, “Hãy khóc đi em” và “Người đàn bà thất lạc”.
Nhân tuổi 70 của nhà
viết kịch Nguyễn Thị Minh Ngọc, tuyển tập kịch bản sân khấu “Cô đào hát” được
Nhà xuất bản Sân Khấu ấn hành. Buổi ra mắt “Cô đào hát” có sự tham gia của nhiều
nghệ sĩ từng cộng tác với nhà viết kịch Nguyễn Thị Minh Ngọc như Nghệ sĩ Nhân
dân Trịnh Thúy Mùi, Nghệ sĩ Nhân dân Lệ Thủy, Nghệ sĩ Nhân dân Kim Xuân, tiến
sĩ Nguyễn Thị Minh Thái, nhà văn Bích Ngân, Nghệ sĩ Ưu tú Thành Lộc, Nghệ sĩ Ưu
tú Phương Hồng Thủy, Nghệ sĩ Ưu tú Thành Hội, Nghệ sĩ Ưu tú Quốc Thảo...
Nhà viết kịch Nguyễn
Thị Minh Ngọc đa năng và đa đoan. Với văn chương, Nguyễn Thị Minh Ngọc đã có
nhiều tiểu thuyết và tập truyện ngắn như “Trăng huyết”, “Trinh tiên”, “Quán trọ”,
“Năm đêm với Bé Su”, “Ký sự người đàn bà bị chồng bỏ”... Với điện ảnh, Nguyễn
Thị Minh Ngọc đóng góp những kịch bản phim nổi tiếng như “Hải Nguyệt”, “Đò dọc”,
“Sống trong sợ hãi”, “Song Lang”, “Ngọc Viễn Đông”...
Với sân khấu, Nguyễn
Thị Minh Ngọc phô diễn cả hai sở trường viết kịch và đạo diễn. Có thể kể đến những
vở kịch do Nguyễn Thị Minh Ngọc viết kịch bản như “Thương hoài ngàn năm”, “Nắng
chiều”, “Trái tim nhảy múa”, “Một nửa của tôi đâu”... Và có thể kể những vở kịch
do Nguyễn Thị Minh Ngọc làm đạo diễn như “Nọc Nạn”, “Người tốt ở Tứ Xuyên”, “Lửa
thiêng”, “Hòn vọng phu”, “Hồn Xuân Thu”...
Ngoài vai trò nghệ sĩ
sáng tạo, nhà viết kịch Nguyễn Thị Minh Ngọc còn tham gia đào tạo tại Trường Đại
học Sân khấu Điện ảnh TP.HCM và Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân Văn
TP.HCM, giảng dạy bộ môn “Kỹ thuật biểu diễn” và “Lịch sử sân khấu Việt Nam”. Học
trò của nhà viết kịch Nguyễn Thị Minh Ngọc có những gương mặt thành đạt như Hồng
Đào, Quang Minh, Hữu Châu, Hữu Nghĩa, Hòa Hiệp, Hữu Quốc, Mỹ Hằng...
Nhà viết kịch Nguyễn
Thị Minh Ngọc bày tỏ quan niệm nghề nghiệp: “Tôi cố gắng viết để nói giúp những
người (đồng thời cũng là cho mình) không có điều kiện để nói được. Và tôi viết
sao cho những người đời sau có dịp đọc lại, sẽ không hiểu sai lệch lắm về thời
đại mình đang sống”.
Chẳng rõ có phải do
“trời xanh quen thói má hồng đánh ghen” hay không, mà dù tài hoa và nhan sắc,
thì cuộc sống riêng tư của nhà viết kịch Nguyễn Thị Minh Ngọc khá lận đận. Số
phận truân chuyên của “cô đào hát” dường như vận vào tình duyên Nguyễn Thị Minh
Ngọc. Mãi đến khi qua thời thanh xuân, Nguyễn Thị Minh Ngọc mới tìm được bến đỗ
hạnh phúc yên bình và định cư ở Mỹ.
Nhân tuyển tập kịch bản
sân khấu “Cô đào hát” được phát hành, nhà văn Ngô Thảo nhận định về nhà viết kịch
Nguyễn Thị Minh Ngọc: “Mỗi tác phẩm của Nguyễn Thị Minh Ngọc đều có bóng dáng một
tự họa, tự bạch, tự thú. Đó là một chân dung tâm hồn đa cảm trong vỏ bọc lý trí
của một người trưởng thành, chín chắn khi còn rất trẻ, và vẫn hồn nhiên, ngây
thơ, nhẹ dạ khi đã trưởng thành”.
TUY
HÒA