Để đưa nhạc chế lên sân khấu trình diễn hoặc đưa vào các xuất bản phẩm có doanh thu, câu chuyện không hề đơn giản chút nào. Dường như đang có một sự vi phạm luật sở hữu trí tuệ một cách nghiễm nhiên trong các trường hợp nhạc chế này.


Cần đưa nhạc chế vào khuôn khổ

VĂN ĐOÀN

Có một thủ pháp hài vẫn thường được sử dụng phổ biến ở Việt Nam nhiều năm qua và khán giả luôn cảm thấy thích thú cho dù nó quen thuộc với họ vô ngần. Đó chính là hát nhạc chế lời, với nội dung bám sát vào tiểu phẩm, tạo ra những điểm nút thắt bất ngờ khiến khán giả bật cười. Thủ pháp này được sử dụng rộng rãi ở cả hài miền Nam lẫn hài miền Bắc, từ sân khấu nhỏ cho tới các chương trình lớn như Táo quân…

Sự quen thuộc của nhạc chế trong các tiểu phẩm hài đã khiến công chúng nghĩ rằng đây là một cách thể hiện rất phổ cập và đời thường. Đúng là nó đời thường thật bởi bản thân người Việt cũng rất thích chế lời hài hước cho các ca khúc họ thuộc nằm lòng và hát cho nhau nghe mỗi lúc trà dư tửu hậu. Song, để đưa chúng lên sân khấu trình diễn hoặc đưa vào các xuất bản phẩm có doanh thu, câu chuyện không hề đơn giản chút nào. Dường như đang có một sự vi phạm luật sở hữu trí tuệ một cách nghiễm nhiên trong các trường hợp nhạc chế này.

Khi được hỏi, “Các diễn viên chế lời có hỏi xin phép tác giả gốc để tạo ra tác phẩm phái sinh hay không?”, đa số các nhạc sĩ đều trả lời rằng, “Chưa bao giờ” hoặc thậm chí có nhiều người còn không để ý rằng nhạc của mình đã được chế lời mới hoàn toàn. Rõ ràng, thói quen làm việc thiếu tham khảo quy định luật pháp đã khiến nhiều diễn viên hài quên mất rằng mình đã và đang xâm phạm vào quyền của nhạc sĩ, mà ở đây, quyền cơ bản nhất là bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm. Rất may cho họ, bản thân các nhạc sĩ cũng là những người dễ tính. Họ cũng cảm thấy vui khi giai điệu của mình vang lên, mang lại tiếng cười sảng khoái cho khán giả nên không có hành vi khởi kiện nào. Bởi vậy, thị trường hài nhạc chế mới sóng yên biển lặng cho tới tận hôm nay.

Trước câu hỏi đặt ra về một quyền khác của tác giả nhạc là quyền khai thác doanh thu phát sinh từ các tác phẩm phái sinh trên sân khấu hài, một đại diện của Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) cho biết, VCPMC vẫn tiến hành thu phí các ca khúc chế lời phái sinh để đảm bảo quyền lợi cho các nhạc sĩ. Tuy nhiên, việc thu phí cũng mới chỉ đến từ sự tự nguyện của những đơn vị tổ chức chương trình mà thôi. 

Đơn vị nào nghiêm túc, trước khi trình diễn một tiểu phẩm nào đó, họ sẽ liên lạc với VCPMC để nộp tiền tác quyền. Nghiêm túc hơn nữa thì có đơn vị cũng nhờ VCPMC xin phép tác giả cho chế lời phái sinh nhưng những trường hợp như vậy là vô cùng hiếm hoi. Và về cơ bản, các đơn vị tổ chức ấy cũng chỉ đóng tiền nếu có đòi hỏi của đơn vị quản lý (Sở Văn hóa, Thể thao) nhằm hoàn tất hồ sơ cấp phép. Nếu đơn vị quản lý vô tình quên yêu cầu này, đơn vị tổ chức cũng lờ luôn nghĩa vụ tác quyền cho các tác giả âm nhạc.

Nhu cầu nghe lời nhạc chế trong các tiểu phẩm hài là có, và có thể nói là khá lớn. Tuy nhiên, đã đến lúc cần nghiêm túc hơn để tránh các hệ luỵ pháp lý sau này. Muốn thực hiện nghiêm túc, đầu tiên, các đơn vị cấp phép (các Sở Văn hóa, Thể thao các địa phương) phải yêu cầu đơn vị tổ chức trình được văn bản đồng ý cho phép phái sinh tác phẩm được ký bởi các nhạc sĩ, đồng thời là cam kết đã nộp tiền tác quyền theo thoả thuận hoặc theo các tiêu chí, định lượng của VCPMC. Hôm nay, các nhạc sĩ có thể còn dễ tính nhưng chưa ai biết trong tương lai, sẽ có ai đột nhiên khó tính và tạo ra những tranh cãi liên quan đến quyền lợi chính đáng của họ. Do đó, nếu chấn chỉnh lại hoạt động phái sinh này để nó đi vào khuôn khổ của luật pháp quy định, chúng ta hoàn toàn có thể tránh được những thị phi sau này.

 

Nguồn: Văn Nghệ Công An