Ông nọ khen, ông kia bốc, bà kia nữa phụ họa, rồi cười, cười rổn rảng, cười thoải mái, không giữ kẽ, cứ như nhân loại đi ngủ hết chỉ còn đám nhà văn thức ngồi đưa nhau lên các vì sao lung linh.


VĂN CHƯƠNG GIỮA CHÊ VÙI DẬP VÀ KHEN NGẤT TRỜI

SƯƠNG NGUYỆT MINH

Khen chê là chuyện thường ngày trong đời sống chúng sinh. Khen là cất lời đánh giá tốt về ai đó, sự vật nào đó, hiện tượng gì đó, khi đã mãn ý vừa lòng. Chê là biểu hiện không vừa lòng, vừa ý, và không muốn, không thích… vì cho xấu, kém. Trong đời sống văn chương, khen chê thường bị đẩy đi quá xa đời sống thường nhật, nên mới có tình trạng chê vùi dập, chê như hắt nước đổ đi; còn khen thì như tên lửa rời bệ phóng, khen ngất trời.

* CHÊ VÙI DẬP.

Văn chương thời nào cũng có chuyện khen chê, chê tợn quá sẽ thành xung đột, thậm chí đổ máu, thù hận. Sinh thời, nhà phê bình Saint Beuve người Pháp rất nổi tiếng đã ngang nhiên, cao giọng: "Mỗi nhà phê bình ưa săn một loài thú riêng để xông vào mà băm vằm. Với tôi, đó là Balzac". Đại thi hào Balzac mà còn bị “săn đuổi”, bị “băm vằm” thì đám hậu sinh èo uột hơn sẽ bị chê như thế nào?

Trương Tửu chê nhà văn Nguyễn Huy Tưởng không có năng khiếu văn chương: "Tôi rất buồn phải nói với anh rằng, anh không có khiếu viết văn". Nhưng, tác giả của “Lá cơ thêu sáu chữ vàng”, “Đêm hội Long Trì”, “Vũ Như Tô”, “Ký sự Cao Lạng”… sự nghiệp lớn như thế nào thì ai cũng biết.

Nhà văn Tô Hoài viết “Một khoảng đời” trong tập tự truyện có đoạn: “Hồi ấy, làng văn hay đánh nhau lắm. Thiết Can viết một bài trên báo Hà Nội Tân văn chê Nguyễn Doãn Vượng. Vượng đón Thiết Can đánh Thiết Can ngay trước cửa nhà in Trung Bắc giữa phố Hàng Buồm”.

Nhà thơ Nguyễn Bính tài hoa cũng bị cuốn vào chuyện khen chê. Cũng trong tự truyện Tô Hoài: “Nguyễn Bính đương in truyện ký Ngậm miệng trên báo Tiểu thuyết thứ năm. Thượng Sĩ viết phê bình, đọc sách cho báo Tin Mới, nhắn Nguyễn Bính: không nộp tiền "mãi lộ" sẽ phết cho một bài chửi. Nguyễn Bính nhắn lại: chửi thì đánh. Rồi đánh thật. Tôi cũng hung hăng trong đám đánh hôi ấy”. Thời bây giờ, “hậu sinh khả úy”, dù chưa thấy ai đánh nhau vì chê thơ văn, nhưng tôi cũng thấy nhiều người trước là bạn sau là thù.

Chê văn chương là một việc vạn bất đắc dĩ. Vốn đời “văn mình vợ người”, văn chương với người này chỉ niềm đam mê, với người khác là đích đến, là sự nghiệp. Cả đời lao tâm khổ tứ, vật vã, sống chết với văn chương, mưu sự thành danh mà bị chê thì buồn nản, chán chường, tức giận biết bao. Chê văn chương là chuyện gian nan, với đối tượng này chê có ích vì họ biết lắng nghe, với đối tượng kia lời chê như nước đổ đầu vịt.

Đối tượng chê giới này cũng khác giới kia, bởi cách tiếp nhận chê văn chương của nữ giới khác với nam giới. Ông nào bị chê vợ xấu, người tình xấu vẫn cười hề hề; bị chê người xấu, dị hình, dị tướng, dị mọ mà viết văn hay vẫn cứ vênh mặt tự hào. Văn hay nó là sự nghiệp, là sự được mất của người đàn ông sáng tác.

Đàn bà viết văn bị chê văn nhạt, văn suông tuy có buồn, nhưng không hoang mang, u sầu, mất tự tin như bị chê hình thức khiêm tốn. Dĩ nhiên, có người đàn bà vừa đẹp vừa viết văn hay, nhưng hầu như trời chẳng cho ai mọi thứ, phải là được cái nọ mất cái kia, không chỉ đàn bà mà cả đàn ông. Tôi đồ rằng: Đàn bà viết văn nếu phải lựa chọn thì chọn xinh đẹp viết văn không hay, còn hơn là viết văn hay mà nhan sắc khiêm tốn?!

Trong các loại chê thì chê văn nhạt, thơ nhạt là đau đớn nhất. Đại loại là: “Con ấy viết thơ nhạt lắm”; “Văn bác này có tra thêm một tấn muối nữa vẫn cứ… nhạt”; “Ông đọc làm gì, nó là thơ văn coca cola ấy mà”; “Mịa! Văn thằng ấy… vua nhạt”…vv. Người có cá tính thì văn cũng khác lạ, ít ra là ngôn ngữ diễn đạt. Thường thì người “sống mặn” thì “văn mặn”; người “sống nhạt”, văn chương cũng nhạt. Cái nhạt này không phải cái nhạt đạt được sự hài hòa và trở thành tín hiệu văn chương.

Chê văn chương có khi cũng là chê hùa theo, chê phong trào. Thấy mọi người chê, cũng chê. Chê: Thơ lớp trước thì chê cũ mòn, lặp lại, chữ nghĩa vật vã choang choang. Chê: Thơ lớp trẻ thì chê quẩn quanh, tù túng với tình cảm cá nhân, yêu đương riêng tư vụn vặt. Cứ buông các lời chê, mà không chứng minh cũ mòn bằng câu thơ nào, nó mòn cũ ra sao. Chê tứ bài thơ ấy lặp lại, ý câu thơ ấy có người viết rồi, mà không đem hai bài thơ, hai câu thơ ra so sánh, phân tích. Chê rất vô trách nhiệm, rất a dua.

Trong các loại chê thì chê “đạo văn” là tương tàn nhất, thù hận nhất. Văn chương khi đã công bố là hiển lộ giữa ánh mặt trời, không giấu được. Hay hoặc dở, đạo văn ai, ảnh hưởng người nào, hoặc một mình một cõi cứ chình ình ra đấy. Tuân Tử - Nhà Triết học cổ đại Trung Hoa nói rằng: “Người chê ta mà chê phải là thầy ta, người khen ta mà khen phải là bạn ta, những kẻ vuốt ve, nịnh bợ là kẻ thù của ta vậy”.

Có người chê chân thành, dù chê sai cũng là cái sai của tấm lòng chân thành. Người được chê không giận, mà lại cảm ơn vì họ đã đọc mình. Còn kẻ cố tình chê, đánh tráo khái niệm, bằng cách dựng điêu, trích dẫn cắt khúc. Chẳng hạn, chê tác giả “đạo văn”, nhưng không dẫn chứng, phân tích cốt truyện giống thế nào, nhân vật giống ra sao, ngôn ngữ bắt chước như thế nào…? Phán tác giả viết nhân vật hiếu sát chỉ một đoạn lên núi phạt cổ năm cung nữ, rồi trích cái đoạn ấy ra, mà đọc không thủng văn bản hoặc cố tình không trích dẫn đoạn sau các cung nữ chỉ bị phạt mái tóc, bởi trong lúc mộng mị, nhân vật phiêu du trong cõi thực ảo. Chê thế này gọi là chê dốt, hoặc chê đểu.

Lại nói “Văn mình, vợ người”, văn mình thì ai cũng thấy hay, bởi mình khổ sở viết, mình đau đớn viết, mình hiểu cái nỗi lòng tâm sự và gửi gắm ý tưởng của mình, chứ người khác thì sao hiểu được. Vả lại, có phải so sánh nặng nhẹ thì mang cân ra, xem ai cao thấp thì có thước mét, con số rõ ràng, kết quả rành mạch, chứ “văn chương vô bằng cớ”, đôi khi nó rất tù mù. Bị chê “sấp mặt” là nổi đóa lên, là mất bạn mất bè.

Chê cần có kỹ năng, có phương pháp khi giao tiếp bằng lời. Các cụ ngày trước đã từng dặn: “Lời nói chẳng mất tiền mua/ Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Nhưng, dù khen hay chê thì cũng phải lấy sự chân thành làm đầu. Chê cũng phải tính được mất cho đối tượng bị chê. Chứ người sáng tác đi những bước đi đầu tiên lẫm chẫm vào nghề, bị ông lớn lỡ miệng chê một cái là “thọt dái” lại, mất một mầm non văn chương, chột một tài năng của tương lai.

Tôi cũng từng chê thơ. Ấy là có anh bạn thơ tặng tôi tập trường ca, và chờ đợi xem bạn mình đọc chưa, nhận xét thế nào. Quả thực là khó, khen cũng khó mà chê càng khó. Một ngày đẹp trời, anh ấy mời đến phòng uống rượu quốc lủi, rất chân thành bảo:

“Tôi biết ông đã đọc xong trường ca của tôi, ông thấy nó thế nào?”.

Tôi hỏi lại, hỏi để khỏi phải đưa ra lời nhận xét của mình:

“Ông hỏi tôi thành thật, thì tôi sẽ trả lời thành thật. Chỉ có điều lời ngay khó nghe, “sự thật mất lòng”, ông đừng tức, đừng giận thì tôi mới nói”.

“Giận rỗi gì! Ông cứ nói, tôi dám nghe và tôi chịu được phán xét”.

Rào đón đến thế mà anh bạn vẫn muốn nghe mình, thì cũng đành can đảm nói thật lòng mình:

“Thường là một trường ca có nhiều chương, không thể chương nào cũng hay, nhưng ít nhất cũng nên có một chương hay. Tập này không có chương nào hay”.

Anh bạn hơi chau mày, vẫn cười cười:

“Ông nói tiếp đi”.

“Trong một chương có nhiều đoạn thơ, không thể đoạn nào cũng hay, song ít nhất cũng phải có một đoạn hay. Tập này, không có đoạn thơ nào hay”.

Anh bạn thơ bảo tôi:

“Ông khắt khe quá”.

“Thì ông đã bảo tôi nói thật kia mà”.

“Ừ. Thì ông nói nốt đi”.

“Trong một đoạn thơ không thể câu thơ nào cũng hay, nhưng ít nhất cũng phải có một câu hay. Tập này, không có câu thơ nào hay. Nhung tuyết của ông nó ở những tập trước cả rồi, tập này viết theo đơn đặt hàng, thôi thì lấy mấy chục triệu đồng đóng học cho con cũng tốt”.

Anh ấy có vẻ không bằng lòng:

“Cả tập trường ca của người ta mà bảo không có câu nào hay?”

Tôi nhẹ nhàng:

“Ông thử dẫn một câu nào hay ra, tôi phân tích, tranh luận cùng ông”.

Đến lúc này thì anh bạn tôi sa sầm mặt, hổn hển đứt quãng:

“Ôn… ông… đ** biết đọc thơ”.

Tôi bật cười lớn:

“Thì tôi đọc, tôi cảm như vậy, ông hỏi thì tôi nói như vậy, giao hẹn trước rồi mà”.

“Ông đọc nghiệt ngã lắm”…

Bữa rượu suông mất ngon. Đêm hôm ấy, tôi không ngủ được, lại lôi tập thơ của anh bạn ra đọc, đọc và cố nghĩ, cố mót xem có câu thơ nào hay, vẫn không tìm được. Rồi nghĩ mình phũ quá, và cũng dại quá. Sáng hôm sau gặp anh ấy làm lành:

“Lời ngay khó nghe. Ông thông cảm! Có thể là tôi cảm thơ ông sai. Và tôi đang rất mong là tôi cảm nhận sai, nên nhận xét sai”.

Anh ấy cười hì hì, bảo:

“Ai cũng bảo tập thơ của tôi rất được, chỉ có ông là… khó tính”.

Bây giờ nghĩ lại, mỗi lần buộc phải nhận xét, khen chê tác phẩm của bạn văn là cứ giật mình thon thót.

Chê, nhưng chê một cách chân thành, và cách chê có lý có tình để đối tượng bị chê tâm phục khẩu phục, thậm chí còn cảm ơn là… thậm khó. Chẳng mấy ai biết chê thế đâu. Chê ấy gọi là “chê cho nó lớn”. Chê như thế ai chả muốn được chê.

KHEN NGẤT TRỜI

Triết gia cổ đại Xenophon người Hy Lạp nói rằng: “Cái tiếng êm đềm nhất trong tất cả các thứ tiếng là tiếng khen”. Thì “được lời như cởi tấm lòng” mà lị. Trong Thi Nhân Việt Nam, Hoài Thanh “lấy lòng ta để hiểu lòng người”, suốt cuộc đời bình thơ ông không chê mà chỉ khen, ông cho rằng cái dở không tiêu biểu gì thì cần gì phải mất thời gian với nó. Vũ Ngọc Phan lại quan niệm: Chê rất cần thiết, chê mới làm cho tác giả giật mình, để viết hay hơn.

Hoài Thanh khen Chế Lan Viên: “Con người này quả là người của trời đất, của bốn phương, không thể lấy kích tấc thường mà hòng đo được” và “Quyển Điêu tàn đã đột ngột xuất hiện ra giữa làng thơ Việt Nam như một niềm kinh dị”. Ông khen Xuân Diệu: “Người đã tới giữa chúng ta với một y phục tối tân và chúng ta đã rụt rè không muốn làm thân với con người có hình thức phương xa ấy” và Xuân Diệu “mới nhất trong các nhà thơ mới”. Khen đến thế, còn gì hơn nữa, mà là khen đúng, khen chuẩn. Cũng là một cách khen, chỉ chọn cái được, cái hay, cái tốt để bình, để khen. Cũng có trường hợp tác phẩm chưa hoàn hảo, còn xộc xệch, người phê bình, hoặc người đọc cố tìm ra một cái được nhất, bằng góc nhìn xiển dương mà khen bạn văn. Vì đường đời, đường văn vốn dài.

Khen, có loại khen xoa đầu. Tưởng mình có quyền lực văn chương, nghĩ mình là “già làng, trưởng bản” văn chương, nghĩ mình to lắm cứ ban phát lời khen không tiếc như phát chẩn nạn đói năm Ất Dậu (1945). Rồi, vô tình đặt mình vào ông kễnh có quyền xếp hạng văn chương của từng người, người này làm thơ hạng nhất, người kia viết văn trong top đương đại, kẻ này nhà văn hạng hai, kẻ kia nhà văn mậu dịch, người đó là nhà văn số một của trung tâm, người kia nữa là nhà văn ngoại biên hàng đầu. Lý sự là cần phải so sánh, đặt cái này bên cạnh cái kia mới biết ai hơn ai kém, mới biết tốt hay xấu. Nhưng nhà văn, cặm cụi đọc sách, hì hục viết văn, trước mắt là hoàn thành tác phẩm, để rồi lại bị cuốn vào chu kỳ lao động nghệ thuật cho quyển mới ra đời, mấy ai nghĩ mình phải đứng trên ông nó, ngồi thấp dưới bà kia?

Có “chê cho nó lớn”, thì cũng có “khen cho nó chết”.

“Chết” chỉ dành cho tác giả mới, chưa kinh qua “trường văn trận bút”, thiếu bản lĩnh. Họ được nhiều ông lớn, bà lớn khen là tối tăm mặt mũi, tưởng mình viết hay thật, tưởng mình là hiện tượng văn chương thật. Thay vì điềm đạm, điềm tĩnh tiếp thu những lời chen chê chân thành, đúng mực, để bước xa hơn trên con đường văn vốn quá nhọc nhằn, thì lại cứ lao vào viết theo những giá trị lời khen ấy. Vô tình hỏng từ lúc được khen, cứ viết theo những định giá réo rắt, du dương ấy.

Người mới chập chững vào nghề rất cần những lời khen chân thành, trung thực, đúng mức để người viết có thể đi xa hơn, hay dừng lại không bước, quay sang làm nghề khác. Bởi người viết không có nội lực văn chương, người khen lại đọc qua quýt rồi bốc lên tận mây xanh khiến họ ảo tưởng về văn chương của mình. Ảo tưởng về tài năng rồi mặt vênh lên, coi trời bằng vung và cho rằng mình tuyệt đỉnh, thành ra suốt đời đuổi theo cái mình không có. Lãng phí thời gian, sức khỏe, tiền bạc, vợ con nhếch nhác, lam lũ mà sự nghiệp văn chương không thành. Khen bốc trời tưởng là vô hại, nhưng dù không cố ý cũng làm cho người được khen “thân tàn ma dại”, cả đời chơi vơi với con số 0 tròn chĩnh.

Những năm đầu trẻ trung vào nghề văn, tôi cũng từng được các ông lớn trong làng văn khen. Bây giờ vẫn cứ được khen tưng bừng. Bỗng một ngày đẹp trời “sớm mai có chim hót, có cá vàng bơi” gặp nhau trong buổi hội thảo nghề nghiệp, hay ra mắt sách của bạn văn, tay bắt mặt mừng, câu đầu tiên không phải hỏi thăm sức khỏe gia đình, vợ con mà là… khen. Ông lớn khen:

“Ôi! S.N.M - Cây bút văn xuôi sung sức nổi tiếng của văn học đương đại”

Có bác ra vẻ thân tình, vỗ vai, bảo:

“Ta nghĩ kỹ rồi: Viết đến tầm thần bút, thế hệ chú chỉ có thằng X, con Y và… chú mày thôi”.

“…"

Nghe phởn lắm, cứ náo nức như mình sắp đến ngày đi nhận giải thưởng Nobel. Nhưng, thời khắc ấy qua đi, trong lòng lắng lại, mới thấy mình còn ngoi ngóp ngụp lặn giữa làng văn đầy bão giông. May quá, tý nữa “chết” vì được khen.

Rồi, chẳng chờ quá lâu, cũng ông lớn nhà văn ấy gặp một tác giả trẻ khác, cũng khen họ bốc giời như thế. Gặp ai cũng khen thế, chứ chả cứ gì mình. Lúc đó mới thấy cái sự nhảm nhí của khen chê biết bao. Nếu không tỉnh táo nhận ra thì suốt đời mộng du trong hào quang miệng lưỡi ngợi khen.

Có hiện tượng lệch chuẩn: Khen dễ dãi, chê nhiệt tình, hoặc chê qua quýt lấy lệ, khen vóng vót. Cái bệnh này không chỉ ở văn chương, mà cũng phổ biến bên nghệ thuật: “Không lẽ bạn mình, chiến hữu của mình ra mắt phim hay vở diễn mới mời mình đi xem, mà lại “chơi” bạn bằng một bài chê trên mặt báo hay sao? Vậy là người ta đành ve vuốt nhau trên công luận, còn chê thì dành ở những buổi trao đổi nội bộ, “trà dư tửu hậu”. (Khen theo phong trào, chê theo kiểu “nói khẽ”- Thúy Hiền - báo Văn Hóa)

Khen xuất hiện ở nhiều chỗ, nhưng tưng bừng khen nhất là “Tựa”, là “Lời giới thiệu” ở đầu sách. Khen tư tưởng độc đáo, khen thần bút, rồi khen cả chuyện đảm nhiệm chức to, quyền lớn mà vẫn mang vác tình yêu văn chương cuồn cuộn, vẫn chắt bóp thời gian hiếm hoi làm thơ, và thơ xuất thần. Khen tác giả “mượn bút của Trời”, “mượn văn của Thánh” chứ không phải người thường làm thơ. Đọc cứ có cảm giác tác giả như sắp được giải thưởng Nobel, hoặc ít ra cũng thuộc top đầu của văn học hiện đại.

Tôi cũng đã từng mắc cái “bệnh” này. Khen quá lên một tý, hay nhiều tí thì cũng có mất gì đâu? Dù không nịnh khen, thì cũng vuốt ve bạn văn, mà chẳng biết không thể không vô hại. Có một lần tôi khen bạn văn thế này: “Nếu phải chọn 20 tiểu thuyết đương đại, dứt khoát quyển của ông phải trong số đó. Chọn xuống 15 hay chọn 10 thì tiểu thuyết của ông cũng lọt vào. Nhưng, chọn đến 5 cuốn tiểu thuyết đương đại hay nhất, thì còn phải đắn đo về ông”. Khen như thế cũng nhiều người đã từng khen. Khen bởi thấy tiểu thuyết của bạn mình hay, là khen lúc nhắn tin cho nhau, khen khi bạn mình đang hoàn thành những chương cuối cùng, rất cần truyền lửa, động viên, rất cần gây áp lực cho sáng tác.

Nhà văn nhà thơ hay khen nhất là người thường xuyên xuất hiện và phát biểu ở các cuộc ra mắt sách, rất trịnh trọng, hả hê, hân hoan khen không tiếc lời. Chả gì tác giả cũng ra mắt sách lần đầu, hoặc lâu lâu mới trình làng, mình được mời trân trọng đến dự, được năn nỉ phát biểu đánh giá tác phẩm. Vậy là khen búa xua. Quyển sách xuất hiện cứ như là một hiện tượng, như được dán nhãn, như là OTK… Nhiều nhà văn nhà thơ ngại ngùng khi đi dự ra mắt sách, nhưng cũng có người “tuần chay nào cũng có nước mắt”, mất gì lời khen.

Khen tưng bừng nhất là lúc trà dư tửu hậu, đám nhà văn ngồi vóng vót với nhau, đùa cợt với nhau, giễu nhau.

“Dạo này, ông đang viết cái gì?”

“Viết cái gì được nữa. Sách của ông ra nó là núi Thái Sơn, nó chặn mất cửa nhà tôi rồi”.

Hay: “Ba ông ngồi đây là một nửa nền văn học hiện đại rồi”.

Hoặc: “Nếu ông không xuất hiện, tôi không hiểu nền văn học Việt Nam sẽ ra sao?”

Hoặc: “Ông mà mất, thì cả khoảng trời xanh văn chương trống vắng”.

Hoặc: “Sự nghiệp văn chương của ông đồ sộ lắm, ông cũng nên chọn trước cho mình một con đường hay một quảng trường, hoặc một trường học để đặt tên”.

…vv.

Ông nọ khen, ông kia bốc, bà kia nữa phụ họa, rồi cười, cười rổn rảng, cười thoải mái, không giữ kẽ, cứ như nhân loại đi ngủ hết chỉ còn đám nhà văn thức ngồi đưa nhau lên các vì sao lung linh. Cái sự khen ngợi này, chẳng nên lấy làm điều phán xét. Vui ấy mà, ngồi riêng với nhau khen rồi lại quên luôn cả sự khen ấy, nhưng nếu người ngoài bỗng nghe được, thì nghĩ ngay là các ông rồ, các bà hâm, là giống nòi nào đó rơi xuống trái đất, chứ không phải loài người.

* VĨ THANH.

Hầu như ai cũng thích được khen hơn là bị chê. Khen thì sung sướng hân hoan, râm ran cả tháng, từ khen đến thân thiết chỉ cách nhau một sợi chỉ vô hình. Chê thì buồn bã, u sầu, thậm chí tức giận; từ chê đến thù hận cũng nhanh như chớp mắt. Nhưng, đôi khi bị chê một câu mà giật mình, đầu óc sáng ra, thành ân nhân, tri kỉ; được khen một câu mà đê mê đến lú lẫn hỏng cả đời văn. Cuộc sống mà không có khen chê thì chẳng biết nó ra sao? Tẻ, nhạt hay cái gì đó, tôi cũng không hình dung nổi.